Giới ngoại giao, tình báo với nỗi lo WikiLeaks

Thứ Tư, 08/03/2017, 08:25
Đêm 16-2 trang mạng WikiLeaks, một trang mạng đã gây chấn động thế giới suốt nhiều năm qua với những thông tin tình báo có thể gây sụp đổ một chính quyền hay tạo ra "sóng thần" trên chính trường quốc tế lại cho đăng thêm một tài liệu dài 7 trang cho thấy Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã ra lệnh cho các điệp viên của họ thu thập thông tin về cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012.

Quân bài làm tin và cánh cửa bí mật

Trước khi công khai toàn bộ thông tin liên quan, bắt đầu từ ngày 4/2/2017, mỗi ngày trên trang mạng xã hội Twitter của WikiLeaks lại đăng một trạng thái chia sẻ về một từ bí ẩn "Vault7". "Vault 7 là gì, khi nào Vault7, Vault7 như thế nào, Vault7 ở đâu"… là những câu hỏi được Wikileaks đưa ra kèm theo một bức hình minh họa, gợi tò mò nơi người đọc.

Người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange. Ảnh: Sputnik.

Nhiều người dự đoán có lẽ WikiLeaks lại đang nắm giữ một sự thật nào đó mà gây chấn động như những lần tiết lộ trước, tương đương với các vụ rò rỉ email cá nhân của nữ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hay Chủ tịch vận động tranh cử đảng Dân chủ John Podesta. Sự bí hiểm được đẩy lên đỉnh điểm và vỡ òa khi vào ngày 16/2, WikiLeaks công bố bộ tài liệu tình báo CIA tiết lộ các đảng phái chính trị lớn ở Pháp là mục tiêu cho một vụ xâm nhập thực hiện bởi nhân viên CIA (HUMINT) và gián điệp điện tử (SIGINT) trong vòng 10 tháng.

Nhận định với Đài phát thanh Sputnik, phóng viên kỳ cựu Diana Johnstone cho biết rõ ràng thông tin này chỉ là một phần của bí mật lớn hơn đang được giấu kín bởi nhiều lý do từ chính người điều hành trang này. "Chúng ta đều biết Mỹ và CIA luôn nổi danh với các hành động can thiệp vào các cuộc bầu cử trên thế giới. Không có gì phải ngạc nhiên về nội dung trên".

Tuy nó chưa đủ trở thành bom tấn so với những vụ tiết lộ lần trước, song vụ công bố trên diễn ra trong bối cảnh cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ của Tổng thống Trump, tướng Michael Flynn xin từ chức do bê bối liên lạc với Đại sứ Nga Sergei Kislyak; quan hệ căng thẳng đến cực điểm giữa tân Tổng thống Trump với giới tình báo Mỹ đã làm bầu không khí chính trị, đặc biệt trong giới chính trị gia và tình báo Mỹ những nghi kỵ. Niềm tin của người dân vào giới tình báo và chính trị gia thêm một lần giảm sút.

Các chuyên gia nhận định, vụ công bố ngày 16/2 chỉ là phần nổi tảng băng. "Rất có thể "mật mã" Vault 7 ám chỉ đến tầng thứ 7 trong trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ. Những thông tin tiết lộ tiếp theo có thể là tài liệu về sự can thiệp của Mỹ trong các cuộc bầu cử ở nước ngoài, hoặc những mối liên lạc chưa từng biết đến liên quan đến bà H.Clinton, trợ lý của bà và các thông tin "mật" liên quan tới thành viên chính phủ dưới trướng của cựu Tổng thống Barack Obama".

Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Mỹ cũng phán đoán có thể chiến dịch Vault 7 chỉ là chiêu trò của WikiLeaks chuyển sự chú ý sang ông chủ sáng lập Julian Assange trong bối cảnh đang diễn ra bầu cử Ecuador - đất nước mà ông này đang trú ẩn tại đại sứ quán của họ ở London. Theo nhiều nguồn thông tin, một trong các ứng viên tranh cử là cựu chủ ngân hàng Guillermo Lasso cam kết sẽ đuổi Assange ra khỏi đại sứ quán Ecuador ở Anh, nếu đắc cử. Chính vì vòng bảo vệ từ chính phủ Ecuador đứng trước nguy cơ tan vỡ, có lẽ ông Assange cần một quân bài làm tin.

Cụ thể, các tài liệu của CIA được công bố lần này trên WikiLeaks cho thấy, trước thềm cuộc bầu cử năm 2012, cơ quan tình báo Mỹ đã ra lệnh cho các đặc vụ của mình xâm nhập vào kho dữ liệu, cũng như hệ thống mạng của tất cả các chính đảng tại Pháp.

Theo mô tả của WikiLeaks về các tài liệu vừa được công bố, đây là các mệnh lệnh bắt buộc, ý nói các điệp viên Mỹ muốn một "kẻ tay trong" lấy các thông tin về cuộc bầu cử ở Pháp, trong đó có các chi tiết về nguồn tài trợ cho các đảng, sự cạnh tranh trong nội bộ và các quan điểm trong tương lai của Pháp đối với Mỹ. Trang WikiLeaks viện dẫn các thông tin tình báo mật và các tài liệu kỹ thuật cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng đã do thám các Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande.

WikiLeaks cho biết các tài liệu này có được từ hoạt động theo dõi liên lạc mà NSA nhằm trực tiếp tới ông Hollande, ông Sarkozy, ông Chirac (1995-2007), cũng như các bộ trưởng trong nội các và đại sứ Pháp tại Mỹ.

Thông điệp bí ẩn Vault7 được WikiLeaks đăng tải. Ảnh: WikiLeaks.

Các tiết lộ mới nhất liên quan đến hoạt động do thám các đồng minh phương Tây này xuất hiện sau khi có thông tin rằng NSA đã tiến hành theo dõi tại Đức và bản thân cơ quan tình báo BND của Đức cũng hợp tác với NSA để theo dõi các quan chức và công ty khác ở châu Âu. Julian Assange - người sáng lập WikiLeaks - nói: "Người dân Pháp có quyền được biết rằng chính phủ dân cử của họ là đối tượng bị theo dõi bởi một quốc gia được cho là đồng minh của họ". Ông cũng cho biết thêm "các tiết lộ quan trọng" khác sẽ sớm được đưa ra.

Tài liệu này bao gồm bản tóm tắt các cuộc đối thoại giữa các quan chức chính phủ Pháp về khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai của Liên minh châu Âu, quan hệ giữa chính quyền ông Hollande và chính phủ bà Merkel, nỗ lực của Pháp để xác định cơ cấu ban điều hành của Liên Hợp Quốc, và những tranh cãi giữa hai chính phủ Pháp và Mỹ về chương trình do thám của Mỹ nhằm vào Pháp.

WikiLeaks cho biết, theo các thông tin nghe lén của NSA, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập cuộc họp kín trong nội các để đánh giá những hậu quả tiềm tàng của việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro từ tháng 5-2012.

WikiLeaks cũng tiết lộ rằng ông Hollande, một người theo chủ nghĩa xã hội mới lên nắm quyền vào thời điểm đó, đã bị thất vọng tại cuộc gặp đầu tiên trên cương vị tổng thống với Thủ tướng bảo thủ Angela Merkel và ông đã đề nghị hội đàm với lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội - thuộc liên minh trung-tả của bà Merkel.

Phát biểu trên kênh truyền hình iTele TV của Pháp, Michele Alliot-Marie - cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao dưới thời ông Chirac và Sarkozy, cho biết từ lâu Pháp đã biết rằng Mỹ có các phương tiện kỹ thuật để nghe lén các cuộc đối thoại. Bà nói: "Bộ trưởng quốc phòng và tổng thống không thảo luận qua điện thoại. Song những gì được tiết lộ cũng làm dấy lên vấn đề về sự tin cậy giữa các đồng minh".

CIA đã biện minh cho việc tìm kiếm thông tin chi tiết về các hoạt động nội bộ các đảng của Pháp được thực hiện nhằm giúp "các nhà phân tích đánh giá và chuẩn bị hoạch định chính sách với Mỹ" hậu bầu cử Pháp cũng như các tác động tiềm năng trong mối quan hệ Pháp - Mỹ. Trong khi đó, WikiLeaks không trả lời các câu hỏi về nguồn gốc của tài liệu nói trên nhưng khẳng định trong một bức thư điện tử rằng tài liệu này là "đáng tin cậy".

Ngay sau sự kiện trên ba ngày, ngày 19/2, WikiLeaks chĩa mũi nhọn vào ngài chủ tịch cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton, ông John Podesta. Theo đó, một trong những email của ông Podesta từng được WikiLeaks công bố từ tháng Mười năm ngoái đã cho thấy, vào tháng 1-2016, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tian-kai) đã tìm kiếm một mối quan hệ "riêng tư, không chính thức" với người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Cliton [chính là ông Podesta], nhằm "thảo luận các vấn đề hiện tại và năm tới của nước Mỹ." Người dân Mỹ ngay lập tức so sánh vụ việc này với vụ scandal ông Michael Flynn bị cáo buộc có những tiếp xúc "ngoài luồng" với Đại sứ Nga Sergei Kislyak.

Thật giả khó phân, niềm tin mất mát

Có thể thấy rõ, việc một trang mạng nắm được các bí mật tình báo, bí mật an ninh quốc gia, thông tin nhạy cảm... và tiết lộ công khai đã dội gáo nước lạnh vào nỗ lực ngoại giao của Mỹ, đúng vào lúc nước Mỹ đang cố tạo dựng lại niềm tin của thế giới vào chính sách đối ngoại Mỹ.

 Khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton từng nói bà "rất lấy làm tiếc" trước các tiết lộ của WikiLeaks và cho rằng điều này "không chỉ đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn tấn công vào toàn thể cộng đồng quốc tế". 

Bà nói: "Tất cả các nước, trong đó có Mỹ, cần các cuộc trao đổi riêng tư và thành thực". Nói thì như vậy, nhưng thông tin mà WikiLeaks đưa ra đã cho thấy, thật khó để xây dựng niềm tin trong ngoại giao. Cựu Đại sứ Mỹ ở Nga James Collins cho rằng các vụ tiết lộ thông tin của WikiLeaks "chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm khả năng xây dựng niềm tin của Mỹ, vì người ta sẽ khó có thể tin rằng nội dung cuộc trao đổi được giữ kín".

Ông Collins, hiện là Giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á của Viện nghiên cứu Carnegie Endowment, cho rằng vụ tiết lộ thông tin của WikiLeaks sẽ dội nước lạnh vào các cuộc thương thuyết ngoại giao của Mỹ với các cường quốc khác, đồng thời làm giảm khả năng Mỹ nhận được những lời khuyên chân thành của đối tác.

Ông Richard Haas, nguyên Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng vụ tiết lộ hàng loạt thông tin này "không dẫn tới khủng hoảng", nhưng sẽ "gây ra nhiều vấn đề" cả trong trung và dài hạn cho Mỹ và các đối tác.

Trong khi đó, nước Pháp đã chỉ trích các vụ tiết lộ thông tin là "thiếu trách nhiệm" và "xâm phạm chủ quyền của các quốc gia", gây tổn hại cho lợi ích an ninh quốc gia của họ. Ông Pascal Boniface của Viện Chiến lược và Quan hệ quốc tế (ISIR) cho rằng đây là "đòn đau đối với Mỹ và sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động ngoại giao thế giới".

Ai đứng sau vụ rò rỉ thông tin trên WikiLeaks?

Mâu thuẫn với giới tình báo đã chỉ ra những góc khuất trong giới tình báo. Tin tức tình báo Mỹ bị tiết lộ "có ý đồ" không chỉ làm cho người dân nghi ngờ chính quyền mà bản thân tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hoài nghi việc làm của tình báo Mỹ. Trong vụ việc của ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia vừa từ chức, ông Trump đã cáo buộc giới tình báo Mỹ đã phạm luật khi để lộ thông tin về các cuộc gọi này.

Ủy ban Tình báo Hạ viện đã yêu cầu xác thực các thông tin liên quan và điều tra đến cùng mối quan hệ giữa ông Trump và Moskva. Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không đồng thuận với nhau về phạm vi của cuộc điều tra.

Vậy ai đứng sau vụ rò rỉ thông tin trên WikiLeaks?  Theo "Thời báo châu Á Trực tuyến", lấy ví dụ khi phân tích vụ Iran đổ lỗi cho Israel là thủ phạm đứng sau vụ tiết lộ các điện tín ngoại giao của Mỹ trên WikiLeaks cách đây mấy năm, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phỏng đoán Israel đứng  sau vụ việc, và tương tự bên kia Israel cũng đổ lỗi lại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Israel không phải là "nghi phạm" duy nhất trong vụ tiết lộ các điện tín mật.

Theo phân tích từ Mỹ, trong số những nước có lợi khác khi những bức điện tín này được công bố có Nga. Rắc rối ngoại giao của Mỹ tạo khoảng trống để Nga có thể dễ dàng bước vào. Dựa trên chính sách ngoại giao mà điện Kremli tiến hành, có thể suy đoán ít ra thì Nga cũng đang tìm cách lợi dụng vụ bê bối. Tất nhiên, tương tự như Israel, chưa có bằng chứng để nói Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ các điện tín mật này.

Trong khi đó, mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" đã đăng bài viết của nhà kinh tế Michel Chossudovsky, Giáo sư trường Đại học Ottawa, lại đưa ra một suy luận hoàn toàn trái ngược về việc ai thực sự đứng đằng sau vụ WikiLeaks. Theo giáo sư Chossudovsky, các bức điện mật ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ gần đây đã được các phương tiện truyền thông chủ lưu như tờ "Thời báo New York" (Mỹ), "Người Bảo vệ" (Anh), "Tấm gương" (Đức) "biên tập" cẩn thận. Đây là một phần của thỏa thuận giữa một số tờ báo lớn của Mỹ và châu Âu với "ông chủ" WikilLeaks, Julian Assange.

Câu hỏi quan trọng là ai đang kiểm soát và giám sát việc lựa chọn, phân phối và biên tập những tài liệu được tiết lộ cho công chúng? Những tiết lộ trên WikiLeaks đã được sử dụng để bào chữa cho một số chương trình đối ngoại của Mỹ, phục vụ lợi ích của Mỹ. Chúng cũng đang được sử dụng để tạo sự chia rẽ các nước.

Mối quan hệ giữa CIA với giới truyền thông Mỹ đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu. Tờ Thời báo New York có mối quan hệ gần gũi không chỉ với tình báo Mỹ, mà cả với Lầu Năm Góc và gần đây là Bộ An ninh Nội địa. Những thông tin nhằm đánh lạc hướng đối phương được đưa ra trên các phương tiện truyền thông. Giới truyền thông Mỹ đang trở thành cơ quan phát ngôn chính sách đối ngoại của Mỹ và trở thành công cụ trong cuộc chiến tuyên truyền của nước này.

Điều đó giải thích lý do tại sao tờ "Thời báo New York" đột nhiên muốn "tăng cường" tính minh bạch và sự thật trên các phương tiện truyền thông bằng việc hỗ trợ WikiLeaks. Bề ngoài, không có gì chứng minh rằng WikiLeaks là một chiến dịch bí mật của CIA. Tuy nhiên, dựa trên mối quan hệ gắn kết của giới truyền thông với tình báo Mỹ, đây là một câu hỏi còn để ngỏ.

Hoa Huyền (tổng hợp)
.
.