Góc khuất cuộc đời của “nữ điệp viên lớn nhất thế kỷ”

Thứ Năm, 29/12/2016, 11:15
Năm 2017 này cũng là tròn 100 năm nữ vũ công - điệp viên Mata Hari bị hành quyết. Mới đây, những thông tin chưa từng được tiết lộ về cuộc sống gia đình riêng tư của Mata Hari bất ngờ được tung ra, góp thêm cái nhìn mới mang tính nhân văn hơn về con người thật của Mata Hari.

Cách đây gần 100 năm, nữ vũ công người Hà Lan Margaretha "Gretha" MacLeod - nổi danh khắp thế giới với nghệ danh Mata Hari - đã bị chính quyền Pháp hành hình vì tội "chuyển giao thông tin bí mật cho kẻ thù". Thời đó, các công tố viên người Pháp đã gọi Mata Hari là "nữ điệp viên lớn nhất thế kỷ". Họ cáo buộc bà đã gây ra cái chết cho khoảng 20.000 binh sĩ phe Đồng minh. Kể từ sau cái chết của Mata Hari, bà luôn bị người Pháp nguyền rủa, bị xem như một biểu tượng của sự quyến rũ chết người và phản bội.

Các công tố viên người Pháp đã gọi Mata Hari là "nữ điệp viên lớn nhất thế kỷ".

Nhưng đó là những gì người ta chưa từng biết đến, thậm chí nghĩ đến một cuộc sống khác của Margaretha "Gretha" MacLeod trước khi bà trở thành vũ công và mang nghệ danh Mata Hari.

Những điều này giờ đã được một nhà xuất bản ở Hà Lan cho công bố qua bộ sưu tập những bức thư riêng của bà Mata Hari viết trong thời gian bà bị giam cầm trong nhà tù ở Pháp, được sắp xếp theo trình tự thời gian chúng được viết và gửi đi. Nội dung những bức thư đó đã tiết lộ một mặt khác trong cuộc đời Mata Hari - cuộc đời của một người vợ, người mẹ, góc khuất trong cuộc đời của nữ vũ công - điệp viên nổi tiếng nhất trong lịch sử tình báo thế giới.

Nếu trước đây người ta ngưỡng mộ bà ở nhan sắc quyến rũ và những điệu múa đầy chất huyền ảo, thì giờ đây người ta thêm ngưỡng mộ một Mata Hari mạnh mẽ, đã tự đứng lên xây dựng lại cuộc sống, tự tìm lại chính mình sau khi trải qua một cuộc hôn nhân đầy sóng gió, trải qua những tháng ngày đau khổ vì phải lìa xa đứa con gái duy nhất mà bà rất mực thương yêu.

Mata Hari có tên khai sinh là Margaretha Geertruida Zelle, sinh năm 1876 trong một gia đình giàu có ở tỉnh Friesland, phía bắc Hà Lan. Cha bà là một doanh nhân nổi tiếng, chủ một cửa hàng bán đồ quân dụng, đầu tư cổ phiếu dầu mỏ, về sau phá sản vì khủng hoảng tài chính phải bỏ xứ đến La Haye sinh sống.

Mẹ của bà qua đời khi bà mới 15 tuổi nên bà được gửi nhờ những người bà con nuôi nấng sau khi người cha dắt hai anh trai bỏ xứ đến La Haye. Năm 18 tuổi, Gretha đáp lại một tin vắn trong mục quảng cáo "Những trái tim cô đơn" trên một tờ nhật báo địa phương, và 4 tháng sau, cô gái trẻ kết hôn với Rudolph "John" MacLeod, một sĩ quan quân đội Đông Ấn, lớn tuổi hơn cô gần gấp đôi và luôn chìm trong rượu.

Nữ vũ công gợi cảm Mata Hari.

Một người bà con từng nuôi nấng bà đã ta thốt lên rằng, Gretha vừa thoát khỏi một người cha tàn nhẫn lại rơi ngay vào tay một người chồng chẳng ra gì. Khoảng thời gian sống với những người bà con được xem là tốt đẹp nhất, vì không phải chịu đựng sự hằn học, giày vò của người cha nữa. Cuộc hôn nhân với MacLeod những tưởng sẽ mang lại cho Gretha một cuộc sống mới, nhưng hoàn toàn ngược lại. Sau khi Gretha sinh đứa con trai đầu lòng đặt tên là Norman vào năm 1897, gia đình MacLeod đưa nhau đến vùng Đông Ấn, thuộc địa của Hà Lan (nay là Indonesia).

Tại đó, Gretha đã phải sống 4 năm trong các doanh trại quân đội. Sau khi bà sinh con gái tên Non vào năm 1898, bi kịch bắt đầu ập đến. Không biết vì lý do gì (cho đến nay vẫn chưa ai biết được), một người vú nuôi đã đầu độc Norman và Non, Norman chết, Non sống sót. Năm 1900, John MacLeod giải ngũ, hưởng lương hưu, hai vợ chồng lại dắt díu nhau về Hà Lan sinh sống, hai năm sau họ ly hôn.

Cho đến bây giờ, các nhà viết tiểu sử chỉ có thể tiếp cận nguồn thông tin về Mata Hari chủ yếu thông qua những biên bản ghi lời cung khai của bà trước khi bà bị mang ra xét xử và hành quyết năm 1917, cùng những bức thư bà viết được lưu trữ trong tàng thư của quân đội Pháp.

Quyển sách mới xuất bản ở Hà Lan có nhan đề "Đừng nghĩ tôi là người xấu: Margaretha Zelle trước khi là Mata Hari" (Don't Think That I'm Bad: Margaretha Zelle Before Mata Hari, 1902-1904) đã tiết lộ rằng, nữ vũ công lừng danh Mata Hari từng gieo rắc niềm đam mê trên khắp các sàn nhảy lớn ở châu Âu thật ra rất ghét các mối quan hệ mang màu sắc tình dục. Nguyên nhân sâu xa của điều này được các nhà nghiên cứu về Mata Hari phát hiện qua những bức thư viết trong tù của bà rằng, nó xuất phát từ hành vi bạo dâm điên cuồng của ông chồng nát rượu.

"Người chồng của tôi đã cho tôi cảm giác ghê rợn khi nghĩ đến bất cứ thứ gì liên quan đến tình dục, tôi không bao giờ quên được cảm giác đó" - Mata Hari viết trong một bức thư. Trong thư, Mata Hari tiết lộ khi còn ở Đông Ấn (Indonesia), bà đã bị nhiễm bệnh giang mai do chồng lây sang. Và để phòng ngừa lây truyền bệnh sang con gái Non, bà đã phải đưa cháu bé đi điều trị bằng thuốc có chứa thuỷ ngân.

Khi Gretha và John ly hôn năm 1902, theo luật thì Gretha được giao quyền nuôi con còn nhỏ. Nhưng sau đó John lại không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhỏ như phán quyết của toà án, nên Gretha viết thư cho người anh họ của John là Edward, người được chọn làm trung gian giao dịch giữa hai người.

Mata Hari sau khi bị hành quyết.

Bức thư gửi cho Edward cho thấy thời điểm đó Gretha vô cùng tuyệt vọng vì không có cách nào để nuôi nấng đứa con vì không có gia đình giúp đỡ trong khi hầu hết việc làm vào thời đó lại cấm phụ nữ làm. Chẳng còn cách nào khác, Gretha đành phải giao con lại cho John và rời quê hương đến kinh đô Paris phồn hoa, bắt đầu cuộc sống mới với nghề vũ nữ và mang nghệ danh Mata Hari. Trong một bức thư, Mata Hari viết: "Lúc đó tôi nghĩ mọi phụ nữ chạy trốn khỏi chồng đều đến Paris".

Khi Mata Hari đã ổn định với cuộc sống mới, vì nhớ con gái Nonnie, Mata Hari đã viết thư cho Edward xin được gặp con, nhưng bà lại nhận được lời đề nghị hàn gắn từ John. Mata Hari viết thư cho Edward, bảo rằng điều đó là không thể được, vì bà không thể nào quên và tha thứ được những hành vi bạo hành, ngược đãi của ông ta trước đây. Trong một bức thư, Mata Hari kể về những màn bạo hành, ngược đãi tàn bạo của John. "Một buổi chiều chủ nhật, John cuồng loạn và suýt giết chết tôi với con dao cắt bánh mì. Mạng sống của tôi còn giữ được là nhờ chiếc ghế rơi đổ trúng ngay chỗ tôi và đỡ giùm tôi nhát dao oan nghiệt, giúp tôi có thời gian chạy thoát ra ngoài kêu cứu" - Mata Hari viết.

Không có Non, Mata Hari hụt hẫng, lạc lõng giữa cuộc sống thành đô hào nhoáng bên ngoài. Bà viết: "Tôi có thể kiếm sống ở Paris, nhưng mọi thứ ở đây đều không thể nào thay thế được con tôi. Nếu có thể đưa được Non về bên tôi, tôi sẽ sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ bên mình" - Mata Hari viết bằng giọng văn đau đớn trong một bức thư. Bà đã làm đủ cách để kiếm sống, từ dạy đàn piano, dạy tiếng Đức cho đến làm người mẫu trong cửa hàng thời trang, thậm chí ngồi làm người mẫu cho các họa sĩ vẽ tranh khoả thân.

Cay đắng nhất, trong lá thư cuối cùng viết ngày 28-3-1904, Gretha thổ lộ có một lúc quay trở về Hà Lan, Mata Hari đã có ý nghĩ "chết quách cho xong, vì không có con, không có nhà, không có ai bầu bạn". Sau đó, bà tìm được việc làm tạm thời trong một công ty biểu diễn nhạc kịch. Nhưng trong một bức thư Mata Hari khai nhận với Edward rằng, bà đã phải "ngủ" với nhiều người đàn ông lạ để có tiền. "Đừng nghĩ tôi thật sự tồi tệ thế. Tôi làm thế là vì quá nghèo" - Mata Hari viết trong bức thư cuối cùng năm 1904.

Ngoài quyển sách sưu tầm thư tín vừa xuất bản ở Hà Lan, nhà văn Paulo Coehlo cũng cho ra mắt một quyển tiểu thuyết về cuộc đời bà, nhan đề The Spy (Nữ Điệp viên), nhà sản xuất nhạc kịch Ted Brandsen cũng cho ra mắt vở ba-lê nhan đề Royal Dutch Ballet. Ngoài ra còn có những cuộc triển lãm tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến Margaretha Gretha Zelle - nữ điệp viên huyền thoại Mata Hari.

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.