Hacker Trung Quốc trộm công nghệ phòng thủ tên lửa của Israel

Thứ Bảy, 16/08/2014, 23:15

Tiết lộ mới nhất của các nhà nghiên cứu an ninh mạng cho biết, từ năm 2011 đến 2012, các tin tặc (hacker) tình nghi là người Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống máy tính một số công ty công nghệ cao và lấy đi hàng trăm file chứa đựng các dữ liệu về công nghệ phòng thủ tên lửa đánh chặn Iron Dome (Vòm sắt) mà các công ty này cung cấp, thiết kế và xây dựng cho Chính phủ Israel.

Hệ thống phòng thủ tên lửa công nghệ cao Iron Dome của Israel được cho là trị giá hàng tỉ USD, là niềm tự hào của Israel trong việc bảo đảm an ninh, chống các cuộc tấn công bằng tên lửa từ những "kẻ thù" của Israel trong khu vực Trung Đông như Iran, Hamas, Hezbollah,…

Trong cuộc chiến gay gắt với Hamas ở Dải Gaza đang diễn ra, hệ thống Iron Dome đã hoạt động khá hiệu quả, có thể đánh chặn được 1 trong 3 quả tên lửa bắn từ Dải Gaza sang các thành phố quan trọng cần bảo vệ như Jerusalem, Tel Aviv.

Theo thiết kế, hệ thống Iron Dome bao gồm 3 bộ phận chính: Rađa dò tìm được thiết kế bởi IDF (quân đội Israel) và Công ty Eita, công ty con của Israel Aerospace Industries (IAI); Bộ phận Kiểm soát vũ khí và điều khiển tác chiến (BMC) do Công ty phần mềm Prest Systems thực hiện và Công ty Rafael Advanced Defense Systems (RADS) làm nhà cung cấp chính. Đơn vị bắn tên lửa sử dụng loại tên lửa đánh chặn Tamir cũng do RADS cung cấp.

Mỗi hệ thống Iron Dome đơn lẻ có thể chứa và bắn lần lượt 20 quả tên lửa Tamir, có khả năng bắn hạ các loại tên lửa trong phạm vi bán kính phòng thủ từ 4 km đến 70 km xung quanh các thành phố và khu vực đông dân cư. Hệ thống Iron Dome bắt đầu được quân đội Israel triển khai từ ngày 27/3/2011.

Ngày 7/4/2011, Iron Dome đã đánh chặn thành công quả tên lửa Grad đầu tiên bắn từ Dải Gaza. Tháng 3/2012, tờ Jerusalem Post đưa tin rằng Iron Dome có thể bắn trúng 90% rocket bắn từ Gaza.

Hệ thống phòng thủ Iron Dome - niềm tự hào của Israel.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất trên tờ Guardian của Anh, hàng nghìn file dữ liệu về công nghệ thiết kế hệ thống Iron Dome đã bị một nhóm hacker đột nhập vào mạng máy tính và lấy cắp từ cách đây 2 - 3 năm, tức là ngay sau khi Iron Dome chính thức đi vào hoạt động. Hãng an ninh mạng Cyber Engineering Services (CES) đã có cuộc trao đổi thông tin với nhà nghiên cứu an ninh Brian Krebs, trong đó tiết lộ những thông tin bí mật được các đơn vị cung cấp thiết bị, thiết kế và xây dựng hệ thống phòng thủ Iron Dome giữ kín về việc họ đã bị các hacker Trung Quốc bẻ khóa lấy trộm dữ liệu về công nghệ thiết kế Iron Dome.

Các công ty công nghệ bị trộm dữ liệu gồm Elisra Group, Israel Aerospace Industries (IAI) và Rafael Advanced Defense Systems (RADS).

Theo CES, các cuộc tấn công, đột nhập xảy ra từ ngày 10/10/2011 đến ngày 13/8/2012. CES và Brian Krebs nghiên cứu các giao tiếp bí mật của giới hacker và đã phát hiện ra hơn 700 file dữ liệu đã bị lấy cắp, chỉ riêng Công ty IAI. CES cho biết, số lượng các dữ liệu bị lấy cắp có thể gấp nhiều lần con số 700, và phần lớn là sản phẩm phần mềm (sở hữu trí tuệ).

Trong số các dữ liệu bị lấy cắp có dữ liệu chi tiết về bản thiết kế và quy cách của loại tên lửa Arrow 3 do Mỹ thiết kế. Arrow 3 thuộc diện hạn chế lưu hành theo Quy định về vận chuyển và buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR), nhưng là một bộ phận chủ chốt của hệ thống Iron Dome. Ngoài Arrow 3, các dữ liệu về máy bay không người lái và các loại tên lửa khác cũng bị lấy cắp.

Tên lửa Grad của Hamas là mục tiêu phòng thủ chính của Iron Dome.

Các hacker Trung Quốc nằm trong diện tình nghi cao nhất. Tờ The Guardian cho biết, từ tháng 2/2013, Hãng an ninh mạng Mandiant (từng có báo cáo điều tra về hoạt động bí mật của Đơn vị 61398 cách đây không lâu) đã xác định được thủ phạm khả nghi nhất trong vụ đánh cắp các bí mật công nghệ Iron Dome của Israel. Nhóm hacker được điểm danh trước nhất là nhóm Comment Crew, được xác định là đơn vị tình báo mạng tuyệt mật mang bí số 61398 của Quân đội Trung Quốc (PLA).

Tháng 5/2014, Bộ Tư pháp Mỹ cũng từng đưa ra các cáo buộc nhắm vào 5 thành viên của nhóm Comment Crew với nhiều tội danh khác nhau liên quan đến tấn công mạng và gián điệp.

Thông tin này được tiết lộ đúng vào thời điểm Israel đang tiến hành cuộc tấn công đẫm máu vào Dải Gaza làm châm ngòi cho các hoạt động tấn công mạng nhắm vào Israel gia tăng theo. Trong cuộc xung đột 8 ngày giữa Israel và Hamas vào năm 2012, các website Chính phủ của Israel cũng từng hứng chịu đến 44 triệu cuộc tấn công.

Dina Beer, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Internet Israel phát biểu trên tờ Bloomberg rằng, các cuộc tấn công phổ biến nhất hiện nay là thay đổi giao diện trang web và tấn công từ chối dịch vụ nhằm phá hoại hoặc làm đình trệ hoạt động website của các cơ quan Chính phủ Israel, hoặc các công ty Israel có liên hệ với chính phủ.

Ngay cả các website của một số phương tiện truyền thông đại chúng, đài truyền hình, báo mạng ở Israel cũng đã bị tấn công theo kiểu chiếm giao diện và post lên thông điệp bằng tiếng Do Thái kêu gọi các bà mẹ Israel hãy gọi con trai mình về nhà nếu không sẽ nhìn thấy họ bị giết chết. Điều này làm dấy lên dư luận rằng có một làn sóng hacker ủng hộ người Palestine đang tìm cách trả đũa Israel vì cuộc chiến tại Gaza

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.