Hacker tấn công trang web của CIA

Thứ Ba, 05/07/2011, 14:40

Mới đây nhất, đêm ngày 16/6/2011, nhóm hacker Luiz Security đã thông báo xâm nhập thành công trang web của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với mục đích "đơn giản để đùa cho vui". Thế nhưng Bộ chỉ huy điều khiển học của quân đội Mỹ phải vào cuộc...

Sau trường hợp của nhóm hacker Anonymous, lại tiếp tục nổi lên một nhóm tin tặc táo tợn khác có tên Luiz Security là thủ phạm đứng đằng sau hàng loạt những vụ tấn công vào các trang web của Chính phủ Mỹ trong 6 tuần gần đây, khiến các nhà chức trách tại Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phải đau đầu.

Mới đây nhất, đêm ngày 16/6/2011, nhóm hacker này đã thông báo xâm nhập thành công trang web của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với mục đích "đơn giản để đùa cho vui". Thế nhưng Bộ chỉ huy điều khiển học của quân đội Mỹ phải vào cuộc...

Nhóm tin tặc Luiz Security thu hút sự chú ý của công luận lần đầu tiên vào cuối tháng 5/2011. Khi đó, các hacker đã xâm nhập trang web của kênh truyền hình PBS, đăng trên trang chủ của kênh truyền hình này một thông báo cho biết, tay raper Tupac Shakur (bị giết vào năm 1996) trên thực tế vẫn sống và đang ẩn náu tại New Zealand. Ngoài tin vịt trên, các hacker còn cho công bố hết tên và mật khẩu truy cập trang web của các nhân viên PBS, cũng như của những khách hàng có đăng ký trên trang này.

Nguyên nhân của vụ tấn công là do trên trang web này có công bố một bộ phim về WikiLeaks được chiếu trên PBS một tuần trước đó. Bộ phim này đã có những chỉ trích và lên án gay gắt những hành động của Julian Assange và các đồng nghiệp của ông ta. Luiz Security qua hành động trên đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với WikiLeaks, đồng thời nhắc nhở các nhà báo rằng, cho dù Assange đang có nguy cơ bị trục xuất từ Anh về Thụy Điển, "nhưng sự nghiệp của ông ta vẫn sống mãi".

Nếu thống kê chi tiết hơn, "điệp vụ PBS" không phải là hành động đầu tiên của Luiz Security. Trong danh sách các chiến tích của nhóm này còn phải kể tới vụ xâm nhập vào cơ sở dữ liệu (CSDL) của chương trình truyền hình "X Factor" của Mỹ, trang web của kênh truyền hình Fox nổi tiếng về quan điểm bảo thủ, cũng như cơ sở dữ liệu của Sony Music.

Theo đại diện của Tập đoàn Sony, các trang web của họ trong vài tháng qua đã liên tục bị các hacker của Luiz Security tấn công. Chẳng hạn như hôm 2/6, chúng bẻ khóa thành công CSDL của Hãng phim Sony Pictures, cũng như các chi nhánh đại diện của Hãng ghi âm Sony BMG tại Bỉ và Hà Lan. Tất cả những hành động trên nằm trong một chương trình trả đũa lại vụ kiện của Sony đối với tay hacker "Geohot", một kẻ rất thích chơi Sony Playstation nên đã nghiên cứu ra các công cụ bẻ khóa có thể chơi miễn phí trò này và phát tán lên mạng.

Dù vụ kiện cuối cùng đã kết thúc bằng thỏa thuận hòa giải giữa các bên, nhưng "Geohot" sau đó vẫn tuyên bố sẽ tẩy chay bất kỳ một sản phẩm nào của Sony, kêu gọi cộng đồng hacker thế giới cùng hưởng ứng theo mình.

Ngay sau các vụ tấn công Sony, Luiz Security quyết định "hỏi thăm" bộ máy quân sự của Mỹ bằng việc chơi khăm bộ phận bảo vệ nằm trong mạng lưới FBI. Kết quả là những người sử dụng trang web của Công ty InfraGard (trụ sở tại Atlanta, Georgia) đã rất bức xúc khi thấy các dữ liệu cá nhân của mình bị phơi bày hoàn toàn trên mạng.

Chưa hết, ngoài việc tiết lộ tất cả tên và mật khẩu đăng nhập của các nhân viên và giới lãnh đạo InfraGard, các hacker của Luiz Security còn phơi bày trước công luận về một chiến dịch bí mật mà các cơ quan mật vụ Mỹ đang tiến hành trong không gian điều khiển học của Libya. Tham gia vào chiến dịch phá hoại cơ sở hạ tầng điện tử của Libya, theo dữ liệu của Luiz Security, còn có Công ty Unveillance chuyên hoạt động trong lĩnh vực bẻ khóa và chế tạo các virus dạng botnet.

Biểu tượng của nhóm Lulz Security.

Các hacker trong nhóm đã giả vờ đàm phán với một trong số các quan chức lãnh đạo Unveillance là Karim Hijazi để chơi khăm ông này. Hijazi ban đầu đã đề nghị hợp tác để đổi lấy việc không phổ biến thông tin cá nhân của mình. Theo tuyên bố được Luiz Security tung lên mạng, Hijazi đã tuồn cho nhóm này các thông tin nhạy cảm về các đối thủ cạnh tranh của mình, chủ yếu là các chuyên gia về an ninh máy tính đang làm việc cho FBI và nhiều cơ quan nhà nước khác. Nhưng cuối cùng, tất cả nội dung ghi lại những cuộc đàm phán của Hijazi với các hacker, thông tin đầy đủ về những mối quan hệ và các dữ liệu cá nhân của ông này đều bị tung lên mạng hết.

Với trường hợp của Karim Hijazi,  Luiz Security cho thấy bất cứ một quan chức chính phủ nào cũng đều có thể trở thành trò đùa của chúng. Một minh chứng cụ thể là ngày 10-/vừa qua, địa chỉ và mật khẩu e-mail của một loạt các quan chức chính phủ và quân đội Mỹ cũng bị chường mặt trên mạng. Theo một nguồn tin, nhóm hacker trên còn có trong tay địa chỉ của 26.000 quan chức khác.

Ngày 13/6, đến lượt địa chỉ senate.gov của Thượng viện Mỹ bị tấn công kèm theo một loạt những lời chỉ trích chính quyền Mỹ trong thông báo tiếp theo của Luiz Security. Tuy nhiên, gây tiếng vang nhất vẫn là vụ nhóm hacker trên tấn công vào trang web của CIA. Dù chưa thể mò tới phần CSDL của CIA, nhưng Luiz Security cũng khiến cho mạng của tổ chức tình báo hàng đầu nước Mỹ bị sập trong mấy tiếng đồng hồ.

Một loạt những vụ tấn công táo tợn của Luiz Security đã khiến cho Chính phủ Mỹ hết sức lo ngại. Đại diện Bộ Tư lệnh điều khiển học của Mỹ tại bang Maryland tuyên bố, họ đã theo dõi chặt chẽ và triển khai một số biện pháp bí mật nhằm ngăn chặn và lần ra nhóm hacker này.

Thông tin mới nhất từ Hãng AFP cho biết, FBI phối hợp với Cảnh sát Anh vừa bắt giữ một thanh niên 19 tuổi tại Wickford (Anh) vì nghi ngờ có dính líu tới nhóm Luiz Security. Nếu mối nghi ngờ trên là đúng sự thật, các nhà chức trách hy vọng có thể nhanh chóng lần ra toàn bộ thành viên của nhóm tin tặc táo tợn này

Linh Nga (tổng hợp)
.
.