Hồ sơ vụ thảm sát Tế Châu (Jeju)

Thứ Sáu, 26/04/2019, 11:46
Nhiều du khách nghỉ mát ngày hôm nay tìm đến Tế Châu (Jeju, một hòn đảo bán nhiệt đới nằm ở cực Nam của Hàn Quốc) lại không hề biết rằng hòn đảo này từng có một quá khứ hết sức đen tối...

Mỗi ngày gần 90 chuyến bay nội địa rời thủ đô Hán Thành (Seoul) để đến Tế Châu (Jeju), một hòn đảo bán nhiệt đới nằm ở cực Nam của Hàn Quốc, cách đất liền 60 hải lý. Với những vườn cây quả có múi (cam, chanh, bưởi), các bãi biển đá đen cùng những ngọn thác đổ bọt nước trắng xóa ra biển cả, Tế Châu nổi tiếng với danh xưng "Đảo Trăng Mật".

Thế nhưng nhiều du khách nghỉ mát ngày hôm nay tìm đến Tế Châu lại không hề biết rằng hòn đảo này từng có một quá khứ hết sức đen tối. Đó là vào ngày 3 tháng 4 năm 1948, đã nổ ra một cuộc nổi dậy của dân đảo Tế Châu chống lại lực lượng cảnh sát, quân đội Mỹ và tân chính phủ Nam Triều Tiên mới được thành lập. 

Trong cuộc xung đột dữ dội sau đó, đã có 3 vạn thường dân bị thiệt mạng, còn những người may mắn sống sót đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khác...

Biểu tình hòa bình biến thành bạo động

Cuộc nổi dậy này đã được biết đến trong sử sách Hàn Quốc với tên gọi "Sự kiện Tế Châu 3-4", một thời gian dài nó bị đàn áp và quên lãng, thế rồi sau này nó mới được nhắc lại khi người dân Hàn Quốc cần một tiếng nói có lương tri thừa nhận về sự kiện nghiệt ngã này. 

Giữa những công viên văn hóa và các khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời trên đảo Tế Châu, hiện đang có sự hiện diện của 800 điểm di tích lịch sử, chúng khắc họa lại những ngày tháng đen tối đó. 

Nghĩa trang tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện thảm sát Tế Châu 3-4 tại Công viên Hòa Bình.

Các điểm di tích này không được đánh dấu, không được bảo vệ và hầu như chẳng ai biết, và một trong những địa điểm quan trọng mà hàng ngàn lượt du khách đặt chân lên đảo Tế Châu: một ngôi mộ tập thể khổng lồ nằm ngay bên dưới đường băng của sân bay quốc tế Tế Châu. 

Bà Gayoon Baek, đồng sáng lập ra Công ty du lịch Bi kịch Tế Châu (JDT) - là một tổ chức phi chính phủ chuyên thu thập tài liệu và bản đồ liên quan đến 800 di tích trên đảo - giọng trầm buồn nói: "Khi quý vị hạ cánh xuống sân bay Tế Châu cũng là đạp lên thảm kịch 3-4". 

Là một nhà hoạt động nhân quyền, bà Gayoon Baek cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm kể lại sự kiện Tế Châu 3-4 như là một bước đi quan trọng nhằm tiến tới hòa giải những lỗi lầm trên hòn đảo trong quá khứ, đặc biệt là môi trường hòa giải hiện nay giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Bà Baek thở dài: "Người ta im lặng trong một thời gian rất dài. Tôi nghĩ trách nhiệm của người trẻ Hàn Quốc là phải tìm lại những việc đã làm của cha ông trong quá khứ".

Tượng điêu khắc tưởng nhớ các nạn nhân tại Công viên Hoà Bình nhân tưởng nhớ sự kiện Tế Châu 3-4.

Sự kiện Tế Châu 3-4 được bắt đầu với lời kêu gọi đoàn kết. Sau khi kết thúc Đại chiến thế giới thứ II (ĐCTGII), quân Nhật rút khỏi bán đảo Liên Triều, mọi thứ ở phía Nam vĩ tuyến 38 bao gồm đảo Tế Châu đã nằm dưới sự quản lý của Hoa Kỳ, trong khi Liên Xô vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở miền Bắc. Trước sự phân chia đất nước đầy đau đớn, năm 1947, đảng cánh tả của Hàn Quốc là đảng Lao Động đã kêu gọi 2 miền đất nước cùng thống nhất.

Trên đảo Tế Châu, cuộc tuần hành vì hòa bình đã biến thành sự hỗn loạn khi cảnh sát bắn súng vào đám đông. 6 người chết. Lực lượng cảnh sát sau đó đã bắt, thẩm vấn và tra tấn những người tham gia vào đoàn biểu tình ở Tế Châu. 

Theo báo cáo chính thức của Ủy ban sự thật (tên cũ là Ủy ban điều tra sự thật quốc gia, NCIT, liên quan đến Thảm sát Tế Châu 3-4) thì: "sự tức giận với đòn chiến thuật quá nặng tay đã ngay tức khắc gây chia rẽ chính trị, và đặc biệt là sau khi một sinh viên chết trong tình huống bí hiểm. 

Ngày 3 tháng 4 năm 1948, những dân thường Tế Châu trong trạng thái bị kích động mạnh vì những cái chết trước đó đã bủa vây các đồn cảnh sát trên khắp hòn đảo. 

Theo báo cáo của Ủy ban sự thật, Thiếu tướng Mỹ-William F. Dean đã ra tuyên bố (dù không hề có bằng chứng) rằng cuộc nổi dậy của người dân Tế Châu không phải do dân đảo cầm đầu, mà là do các thành viên cộng sản của Bắc Triều Tiên. William F. Dean ủng hộ chính sách thiêu đốt, bao gồm sự tham gia của một lực lượng bán quân sự cánh hữu khét tiếng hung bạo, và chỉ trong vài tháng cả hòn đảo biến thành biển lửa.

Đàn áp man rợ

Theo báo cáo của Ủy ban sự thật: toàn bộ các làng mạc bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đã bị tàn sát trong những cuộc bố ráp bất ngờ. Hơn 2.500 người bị ép tham gia vào những phiên tòa án binh bất hợp pháp. Những người bị kết án tử đều chịu hình thức hành quyết hàng loạt và họ được an táng ngay bên dưới lòng đất mà ngày hôm nay là sân bay quốc tế Tế Châu. 

Bức không ảnh chụp hải cảng đảo Tế Châu năm 1948.

Học giả Jong-min Kim, ông là đồng tác giả báo cáo của Ủy ban sự thật, khẳng định rằng Hoa Kỳ phải gánh chịu một số trách nhiệm do những tội ác mà họ đã gây ra. Ông Kim nói về hiệp định tháng 8 năm 1948 trong đó Hoa Kỳ giữ quyền kiểm soát toàn bộ quân đội và cảnh sát Hàn Quốc cho đến khi họ rút khỏi nước này vào tháng 6 năm 1949. 

Sau hàng thập kỷ tiến hành thu thập lời làm chứng từ những người sống sót, học giả Jong-min Kim nhấn mạnh: "Hoa Kỳ không thể tránh tội ác vì nó đã diễn ra trong thời kỳ họ hiện diện". Cuộc nổi dậy và đàn áp Tế Châu 3-4 đã kéo dài xuyên qua Chiến tranh Triều Tiên. 

Hôm nay, nhiều người viếng thăm Tế Châu đều cố gắng tự mình tham gia vào tuyến đường mòn đi bộ Olle (dài 262 dặm xuyên qua đảo Tế Châu). Tuyến đường mòn sẽ đi qua phế tích đổ nát của Gonul-dong, một trong 109 ngôi làng bị hủy diệt trong 2 năm 1948 và 1949. Người ta nói rằng các ngôi làng trong vòng 3 dặm tính từ bờ biển là vùng an toàn của quân đội, nhiều ngôi làng bị đốt trụi. Phần lớn các bản đồ không đề cập đến làng Gonul-dong, vậy nên nhiều người không biết gì về quá khứ của nó.

Lối dẫn vào Văn phòng điều tra Cảnh sát Tế Châu năm 1948.

Qua các phân tích hồi năm 2015 về những tàn tích của Thảm sát Tế Châu 3-4 của Giáo sư Tae-il Kim, ông cho rằng có ít nhất 154 di tích thảm sát được biết đến trên khắp hòn đảo. 

Ở góc Tây Nam, nhiều tượng điêu khắc và các biển dẫn đường đánh dấu đường lên núi Seodal, nơi 149 thường dân bị hành quyết vào năm 1950. 6 năm sau đó, các tử thi được trả về cho gia đình của họ, mà thường chỉ còn là một đống xương lộn xộn. Đống hài cốt được táng chung một mộ ở Baekjoilsonjiji, gọi là "Mộ 100 tổ tiên".

Trong suốt thời gian diễn ra Thảm sát Tế Châu 3-4, dân làng thường trốn trong các hang động để tránh bị cảnh sát và lính Mỹ bắt bớ, đôi khi họ náu mình trong đó suốt hàng tuần hay hàng tháng trời. Hơn 100 người đã náu trong hang Keunneolgwe; chuyện về họ đã được chuyển tải thành phim lên sóng truyền hình quốc gia Hàn Quốc vào năm 2012 mang tựa phim Jinseul.

Ao nước từng là mồ chôn tập thể 149 thường dân trong sự kiện thảm sát Seodal.

Trong hang Darangshi, 11 người gồm cả phụ nữ và trẻ em đã trốn chui trốn lủi ở đây khi ngôi làng của họ bị phá sập. Bọn lính đã đốt lửa ở miệng hang, quạt khói vào bên trong làm hết thảy các nạn nhân chết vì ngạt thở. Những bộ hài cốt các nạn nhân chỉ được tìm thấy sau đó 44 năm. Hôm nay, lối vào hang bị chôn bởi một đống đá và các nương ruộng bao quanh.

Sự kiện bi thảm Tế Châu 3-4 trở thành nỗi ám ảnh trên hòn đảo trong suốt nhiều năm. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc (NSA) hồi năm 1948 từng ra quy định rằng bất kỳ ai ca ngợi hay ủng hộ CHDCND Triều Tiên đều là kẻ thù của dân tộc, vì vậy việc thảo luận về vụ thảm sát cũng bị coi là tội ác. Người dân đảo buộc nín thinh để tránh bị truy tố.

Sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong 2 thập niên 1970, 1980 cũng khiến cho Tế Châu khởi sắc theo. Hòn đảo trở thành điểm du lịch trăng mật được yêu thích, cảnh sắc của đảo Tế Châu được thể hiện sinh động trong các album cưới. Cho mãi đến cuối thập niên 1980, vẫn có sự kỳ thị, đàn áp khi ai đó hé môi về Thảm sát Tế Châu.

Hang Baekjoilsonjiji, "ngôi mộ của 100 tổ tiên".

Năm 1992, khi những bộ hài cốt trong hang động Darangshi được tìm thấy, công chúng Hàn Quốc xôn xao bàn tán, chính phủ đành phải nói thật.

Cuối thập niên 1980, khi những căng thẳng Nam-Bắc Triều Tiên giảm bớt, thì mới hình thành một cuộc thảo luận mở. Năm 2000, Tổng thống Kim Tê Chung ra lệnh mở cuộc điều tra dẫn đến ra đời báo cáo năm 2003 của Ủy ban sự thật. Chính phủ Hàn Quốc công khai xin lỗi, và thành lập một công viên hòa bình nơi có đài tưởng niệm khắc tên, tuổi, làng bản của mỗi nạn nhân bị giết hại.

Ngày 3 tháng 4 năm 2018, nhân kỷ niệm 79 năm sự kiện Tế Châu bi thảm, đại diện chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn lời xin lỗi chính thức, và đề nghị sẽ tiến hành bóc tách một chương bí mật trong lịch sử Hàn Quốc.

Văn Chương (tổng hợp)
.
.