Hàn Quốc: Không thể xem thường hacker-tình báo từ đối thủ phương Bắc

Thứ Năm, 24/03/2016, 15:25
Theo tố cáo của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), hồi đầu tháng 3-2016, lực lượng hacker Triều Tiên đã bí mật tiến hành chiến dịch nghe lén điện thoại của hàng chục quan chức Hàn Quốc nhằm đánh cắp thông tin văn bản và chi tiết những cuộc điện đàm. NIS nhận định sự việc cho thấy năng lực xâm nhập tấn công mạng từ xa của Triều Tiên đã có những bước tiến vược bậc.


Trong một thông điệp được tiết lộ sau cuộc họp khẩn với các cơ quan chính quyền Hàn Quốc, giới chức NIS báo cáo: Lực lượng hacker của tình báo quân đội đối phương thường gửi những thông điệp kèm theo đường link "bẫy" người nhận dùng điện thoại tải xuống phần mềm độc hại có chức năng ghi âm nội dung những cuộc điện đàm, đánh cắp thông điệp văn bản cũng như tải về chi tiết những cuộc gọi.

Trụ sở NIS ở Seoul.

Theo NIS, vào giữa cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2016, lực lượng hacker này chọn mục tiêu là điện thoại di động của các quan chức cao cấp trong chính quyền Hàn Quốc để gián điệp.

Hãng tin Yonhap News của Hàn Quốc đưa tin, phần lớn nạn nhân là giới chức sĩ quan quân đội nhưng số người này không giữ những chức vụ cao nhất. Hacker- tình báo cũng được cho là cố gắng xâm nhập tài khoản email của công nhân đường sắt Hàn Quốc vào đầu năm 2016 nhằm mục đích phát động cuộc tấn công mạng vào 2 hệ thống kiểm soát tàu hỏa khu vực.

Một loạt những cuộc tấn công mạng xuất phát từ Triều Tiên được tiết lộ với công chúng giữa bầu không khí căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên và giữa lúc cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có của quân đội Hàn Quốc và Mỹ diễn ra dẫn đến tuyên bố đe dọa "cuộc tấn công hạt nhân mạnh mẽ và phủ đầu" nhằm vào liên minh này phát đi từ Bình Nhưỡng.

Chính quyền Hàn Quốc bắt đầu cảnh báo nguy cơ những cuộc tấn công mạng từ CHDCND Triều Tiên sẽ tăng cao sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của nước này liên quan đến bom nhiệt hạch diễn ra vào ngày 6-1 và vụ phóng tên lửa tầm xa vào ngày 7-2.

Ngày 19-2, NIS báo cáo trước Quốc hội Hàn Quốc rằng, các mục tiêu tiềm tàng có thể là những cơ sở công cộng như tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm và cơ sở hạ tầng quốc gia như các nhà máy cung cấp nước và điện.

NIS cũng lưu ý đến những cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng lưới tài chính sau vụ việc vào ngày 20-3-2013 mà nạn nhân là hệ thống  ngân hàng lớn (bao gồm Shinhan Bank và Nonghyup Bank) cùng với 2 đài phát thanh và truyền hình YTN của Hàn Quốc bị tê liệt vài ngày do bị hacker xâm nhập. 

Trong những năm gần đây, CHDCND Triều Tiên liên tục bị tố cáo tiến hành vài cuộc tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ. CHDCND Triều Tiên cũng bị Hàn Quốc buộc tội trong vụ tấn công cơ sở điều tiết năng lượng hạt nhân nước này vào cuối năm 2014. Trong cùng năm, Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công hãng phim Sony Pictures sau khi công ty giải trí này cho ra mắt bộ phim hài "The Interview" về lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng luôn bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào họ.

NIS tiết lộ hình ảnh công nhân đường sắt ở Bình Nhưỡng biểu tình phản đối lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.

Theo thông tin từ NIS, CHDCND Triều Tiên đã xây dựng được kho vũ khí số sẵn sàng tấn công không gian mạng Hàn Quốc vào bất cứ khi nào muốn. Ví dụ vào năm 2015, 60.000 máy tính đã bị lây nhiễm mã độc. Tháng 1-2016, khoảng 10.000 máy tính từ 120 quốc gia khác nhau bị nhiễm mã độc.

Bất chấp nỗ lực tăng cường phòng thủ, Hàn Quốc vẫn không thể chặn đứng được hàng loạt cuộc tấn công. Vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khẩn thiết đề nghị Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật về tấn công mạng với lập luận chúng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thống tài chính quốc gia được sử dụng bởi hơn 20 triệu người Hàn Quốc, đe dọa an ninh quốc gia và dẫn đến sự hỗn loạn trong xã hội. Mới đây, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua dự luật chống khủng bố bị trì hoãn bấy lâu do sự chống đối từ các nhà lập pháp đối lập.

Chính quyền Tổng thống Park và đảng cầm quyền Saenuri thúc giục thông qua dự luật cho phép NIS mở rộng quyền hạn thu thập thông tin tình báo, quyền sử dụng dữ liệu tài chính và nghe lén những đối tượng khủng bố tiềm tàng.

Lầu Năm Góc của Mỹ cũng cảnh báo CHDCND Triều Tiên sử dụng lực lượng hacker nhằm giành lợi thế trong cuộc chiến phi đối xứng về quân sự. Trong vài năm qua, chính quyền Hàn Quốc hiếm khi áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương chống CHDCND Triều Tiên, Nhưng mới đây Seoul đã ra lệnh cấm mọi chiếc tàu từ CHDCND Triều Tiên cập cảng Hàn quốc trong vòng 6 tháng. Nhật Bản cũng phát đi thông báo tương tự hồi tháng 2-2016.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn tuyên bố cấm 40 cá nhân (phần đông là người CHDCND Triều Tiên) và 30 tổ chức thực hiện giao dịch tài chính với nước này do có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chính quyền Hàn Quốc cũng yêu cầu công dân nước này không ăn uống tại bất cứ nơi nào trong số 130 nhà hàng ở nước ngoài do người Triều Tiên sở hữu.

Diên San (tổng hợp)
.
.