Hãng tin AP từng hợp tác với chế độ Quốc xã của Hitler

Thứ Bảy, 09/04/2016, 10:05
Các tài liệu lưu trữ ở Đức vừa được một nhà sử học tìm thấy và công bố trên tạp chí nghiên cứu lịch sử hàng đầu nước Đức trong đó tiết lộ: Hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ từng hợp tác chính thức với chế độ Quốc xã của Adolf Hitler từ đầu thập niên 1930, theo đó, AP cung cấp cho các tờ báo những tư liệu do Bộ Tuyên truyền Đức trực tiếp sản xuất nhằm phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, củng cố chế độ Quốc xã.

Khi chế độ Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933, một trong những mục tiêu nhắm đến trước tiên là đưa vòng kiểm soát không chỉ báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài. Những tờ báo, hãng thông tấn nào không tuân thủ các tiêu chí do Đế chế đệ III đặt ra thì bị đóng cửa, dừng hoạt động. Năm 1934, tờ The Guardian bị đóng cửa văn phòng tại Đức. Năm 1935, đến cả các cơ quan báo chí lớn của Anh như Keystone và Wide World Photos cũng bị buộc phải đóng cửa văn phòng vì sử dụng phóng viên, nhân viên là người Do Thái.

Ấn phẩm "Công dân hạng hai" của SS Đức sử dụng hình ảnh của AP.

Hãng thông tấn AP của Mỹ từng tự hào mô tả mình là “những tập đoàn thủy quân lục chiến báo chí” (luôn là người đến đầu tiên và là người ra sau cùng). Hãng là cơ quan báo chí phương Tây duy nhất vẫn được mở cửa văn phòng tại nước Đức của Hitler.

Theo các hồ sơ lưu trữ được nhà sử học Harriet Scharnberg cho công bố trên Tạp chí chuyên ngành Studies in Contemporary History, để được tiếp tục hoạt động tại Đức, Hãng AP đã chính thức ký kết văn bản hợp tác với Hitler và liên tục hợp tác cho đến ngày nước Mỹ chính thức can dự vào Chiến tranh thế giới lần II  năm 1941. Việc ký kết văn bản hợp tác này đã đưa AP đến vị thế vô cùng thuận lợi vì là kênh duy nhất truyền thông tin và hình ảnh từ bên trong nước Đức ra bên ngoài.

Theo hồ sơ lưu trữ, Hãng AP đã chấp nhận chịu sự kiểm soát của Đế chế Quốc xã bằng cách ký vào một văn bản có tên gọi là Schriftleitergesetz (Luật Biên tập), với lời hứa không xuất bản bất cứ tư liệu nào “có dụng ý làm yếu đi sức mạnh của Đế chế ở trong nước cũng như ở nước ngoài”.

Luật Biên tập yêu cầu Hãng AP thuê phóng viên là những người cũng đồng thời làm việc cho bộ phận tuyên truyền của đảng Quốc xã. Một trong bốn phóng viên ảnh được AP thuê trong những năm 1930 là Franz Roth, người có nhiều bức ảnh do đích thân Hitler tuyển chọn đăng. Tuy nhiên, kể từ khi nhà sử học Scharnberg công bố các phát hiện của mình trên báo chí, Hãng AP đã cho gỡ bỏ những bức ảnh của Roth.

Tờ báo của đảng Quốc xã Volkischer Beobachter sử dụng hình ảnh của AP.

AP cũng cho phép chế độ Quốc xã sử dụng kho ảnh tư liệu của mình phục vụ cho những bài viết tuyên truyền bài xích người Do Thái được phát tán rộng rãi trong nước Đức. Trong số các xuất bản phẩm có sử dụng ảnh của AP có các tác phẩm nổi tiếng như tuyển tập ảnh bán chạy nhất của SS (cảnh sát mật vụ Đức) mang tên “Der Untermensch” (Công dân hạng hai) và tập sách nhỏ “The Jews in the USA” (Những người Do Thái ở Mỹ), được xuất bản nhằm mục đích hạ thấp danh dự của người Mỹ gốc Do Thái, trên trang bìa in hình ảnh Thị trưởng New York Fiorello LaGuardia dùng tay bốc thức ăn để ăn.

Việc công bố những thông tin về quá khứ hợp tác với chế độ Quốc xã của Hitler vào thời điểm này, khi Hãng AP chuẩn bị kỷ niệm 170 năm ra đời vào tháng 5-2016, đang đặt ra những câu hỏi khó trả lời về vai trò của Hãng AP khi tạo điều kiện, giúp Đức Quốc xã che giấu bộ mặt thật trong giai đoạn đầu Hitler lên nắm quyền.

Một mặt, sự hợp tác của AP giúp phương Tây có điều kiện săm soi vào xã hội Đức Quốc xã bị bưng bít kín kẽ, mặt khác, thỏa thuận hợp tác đó đã giúp đảng Quốc xã che đậy một số tội ác của mình. Nhà sử học Scharnberg lập luận rằng, sự hợp tác của AP với chế độ của Hitler đã tạo điều kiện để Đức Quốc xã “mô tả một cuộc chiến hủy diệt thành một cuộc chiến tranh quy ước”.

Tháng 6-1941, Đức xua quân đánh chiếm thị trấn Lviv, miền Tây Ukraine. Phát hiện tại đây có nhiều xác chết do chiến tranh, Hitler “nổi điên” ra lệnh cho quân đội “trả thù” bằng một trận tàn sát cộng đồng người Do Thái ở thị trấn. Những tấm ảnh do phóng viên Franz Roth chụp khi đến thị trấn Lviv đã được đích thân Hitler tuyển chọn và giao cho Hãng AP chuyển cho báo chí Mỹ để đăng lên nhằm tố cáo hành động giết người của quân đội Xô Viết.

Theo lệnh của Hitler, Hãng AP đã ém hoàn toàn những hình ảnh ghi lại cuộc tàn sát dã man người Do Thái ở thị trấn Lviv. Hành động này được xem là đúng với thỏa thuận hợp tác giữa AP với Hitler, nhưng trái với đạo đức nghề nghiệp và đạo lý thông thường trong xã hội. Nhà sử học Scharnberg cho rằng, những tấm ảnh của Franz Roth đã đóng vai trò che đậy bản chất thật sự của cuộc chiến do người Đức tiến hành. Và cách AP cho công bố hay không công bố những tấm ảnh cũng là phục vụ lợi ích của người Đức.

Trước những cáo buộc do nhà sử học Scharnberg đưa ra, Hãng tin AP nói rằng báo cáo nghiên cứu của bà Scharnberg “mô tả những cá nhân và những hành động của họ trước và trong cuộc chiến mà hãng không hề biết đến”, và rằng hãng cũng đang nghiên cứu các tài liệu lưu trữ để tìm hiểu thêm về giai đoạn lịch sử đó.

Tờ báo The Guardian trích phát biểu của một phát ngôn viên Hãng AP cho rằng Hãng không có chủ ý hợp tác với chế độ quốc xã, mà chẳng qua là hãng phải chịu áp lực lớn từ chế độ Quốc xã nên phải hợp tác trong giai đoạn từ năm 1933 cho đến khi bị trục xuất ra khỏi nước Đức vào năm 1941, do lãnh đạo Hãng khi đó đã chống lại các yêu cầu phi lý của Hitler, cho đăng tin tức, hình ảnh chính xác, khách quan hơn. Đó là một giai đoạn AP phải làm báo trong đêm tối và hết sức nguy hiểm.

An Tôn (tổng hợp)
.
.