Hành trình điều tra vụ “Hồ sơ Panama”

Thứ Hai, 11/04/2016, 15:40
Sự tham gia của 400 nhà báo trong quá trình điều tra đã khiến cho vụ “Hồ sơ Panama” được cho là có khối lượng tài liệu rò rỉ lớn hơn rất nhiều so với những bê bối rò rỉ thông tin khác trên WikiLeaks hoặc qua Edwards Snowden trước đó. Hơn thế nữa, do tính chất đặc biệt của thông tin, nó càng trở nên khác biệt và thu hút được đông đảo sự quan tâm của công chúng.

Nguồn tin bí hiểm John Doe

Theo thông tin chính thức trên trang web của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), người có công đầu trong việc tiếp cận nguồn tài liệu “Hồ sơ Panama” là phóng viên điều tra người Đức Frederik Obermaier đang làm cho tờ Suddeutsche Zeitung. Frederik Obermaier từng học chuyên ngành khoa học chính trị, địa văn hóa và báo chí tại Eichstatt (Đức), Bogota (Colombia) và Sanaa (Yemen). Trước khi gia nhập tờ Suddeutsche Zeitung, Frederik Obermaier đã làm việc cho hãng DPA, tờ Franfurter Rundschau và 2 tạp chí Zeit Campus, Neonand Polityka của Phần Lan.

Hãng Reuters cho biết, tại Suddeutsche Zeitung, Frederik Obermaier được phân công phụ trách mảng chính trị ở Trung Đông và các vấn đề về tình báo, chống khủng bố.

Năm 2010, anh từng xuất bản cuốn sách mang tên: “Quốc gia trên bờ vực: Thất bại của chính phủ và mối đe dọa chiến tranh ở Yemen”. Frederik Obermaier còn là một thành viên của ICIJ (Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế) và từng tham gia điều tra một số thông tin quốc tế. Anh cũng là nhân vật chính tiết lộ những công ty bí mật của tỷ phú Gunter Sachs trong vụ trốn thuế ở quần đảo Cook và là người phanh phui bê bối của Công ty Herbert Stepic của Đức khi CEO  Reiffeisen phải từ chức tháng 5 năm 2013.

Năm 2011, Frederik Obermaier từng đoạt giải thưởng của hãng CNN khi thực hiện loạt phóng sự về tổ chức FARC ở Colombia và được tạp chí Medium Magazin bình chọn là một trong 30 nhà báo tiêu biểu nhất trong 30 năm qua. Năm 2013, Frederik Obermaier tiếp tục nhận được giải thưởng Wachterpreis...

Có lẽ vì mức độ nổi tiếng cùng sự tận tâm trong nghề của mình mà Frederik Obermaier đã được người đưa tin chọn là người đầu tiên để cung cấp thông tin về vụ “Hồ sơ Panama”.

Hai nhà báo Bastian Obermayer và Frederik Obermaier. ảnh: Suddeutsche Zeitung.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng Politic hôm 5-4, Frederik Obermaier kể rằng, cuối năm 2014, trong một lần đang “lang thang” trên mạng Internet thì anh nhận được tin nhắn của một người lạ. Người này tự xưng với anh là John Doe và hỏi anh có thích thú với những tài liệu mà anh ta đang nắm giữ hay không. Khi đó, sự nhạy cảm của một phóng viên điều tra khiến Frederik khá thận trọng khi trả lời.

Sau đó vài ngày, người này lại chủ động tiếp cận với anh qua các phòng chat hoặc gửi email. Thông thường, cả hai nói chuyện qua chương trình Signal, Threema rồi đến PGP, S/MIME.

Frederik Obermaier nói: “Chúng tôi nói nhiều chuyện khác nhau, từ chuyện chính trị sang vấn đề kinh tế. Chủ yếu tôi muốn kiểm tra xem quan điểm của người nói chuyện với mình cũng như ý đồ của họ. Trải qua vài tháng làm bạn, chúng tôi bắt đầu tin tưởng nhau hơn. Tôi giới thiệu với John Doe về đồng nghiệp và là người bạn thân thiết của tôi là Bastian Obermayer. Về sau, John Doe lại nói chuyện rất hợp với Bastian Obermayer và chính anh sau này mới là người được John Doe trao gửi những trang tài liệu đầu tiên”.

Bastian Obermayer là phóng viên điều tra thuộc chi nhánh Munich của tờ Suddeutsche Zeitung. Anh làm việc ở đây từ năm 2005 chuyên về mảng điều tra và từng giành nhiều giải thưởng với các bài phóng sự độc về tội phạm chiến tranh thế giới thứ 2, những kẻ giết người hàng loạt, bê bối sex trong các trường học của nhà thờ. Anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách từng làm mưa làm gió trên thị trường như “Chúa là màu vàng” nói về mối quan  hệ làm ăn sai trái của 19 triệu thành viên của một CLB tên là ADAC

“Anh trai, anh đã làm gì” kể về bê bối lạm dụng tình dục bé trai ở nhà thờ và “Những bức thư gửi từ tiền tuyến - lính Đức kể về chiến tranh ở Afghanistan”...

Bastian Obermayer cho biết, John Doe khi nói chuyện với anh khá cởi mở. Anh ta hỏi rất nhiều câu về việc tác nghiệp của anh khi viết cuốn sách kể về bê bối lạm dụng bé trai ở nhà thờ. Có lần John Doe còn nói đã đọc hết 3 cuốn sách nói trên và thấy cách điều tra của nhà báo Bastian Obermayer hợp với các thông tin mà anh ta đang muốn cung cấp.

John Doe có hỏi Bastian Obermayer rằng nguồn tài liệu mà anh ta có lớn nhất từ trước đến nay, tác động đến nhiều quốc gia và rằng Bastian Obermayer có sẵn sàng cho những gì xấu nhất không. Bastian Obermayer đã cố gắng thuyết phục John Doe tin tưởng anh và cuối cùng thì người này đề nghị hai bên sẽ liên lạc qua các cuộc nói chuyện được mã hóa.

John Doe từ chối gặp mặt trực tiếp hay cung cấp bất kỳ thông tin gì về cá nhân mình và đòi hỏi bất kỳ điều gì. Cái mà John Doe yêu cầu nhiều nhất là thông tin phải được cung cấp cho công chúng và nguồn thông tin phải được bảo đảm an toàn.

Do đó, cho đến nay, Bastian Obermayer và cả Frederik Obermaier đều không biết người này là nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, mang quốc tịch gì và làm nghề gì. Những đoạn hội thoại chat giữa Bastian Obermayer với John Doe đều được xóa ngay sau mỗi lần trao đổi và họ phải đổi qua rất nhiều kênh mã hóa.

Thậm chí, khi bắt đầu muốn liên lạc với chủ thể của các cuộc điều tra bao gồm Công ty luật Mossack Fonseca, nhằm giữ an toàn tuyệt đối không để bất cứ sơ suất nào có thể dẫn tới khả năng lần ra nguồn tin, Bastian Obermayer và Frederik Obermaier đã phá hỏng cả điện thoại, ổ cứng của laptop mà các anh dùng để liên lạc với nguồn tin John Doe trước đó.

Và sự tham gia của 400 phóng viên

Bastian Obermayer kể, anh không ngờ rằng nguồn tài liệu mà John Doe cung cấp lại khổng lồ đến vậy. Những tài liệu ban đầu được tải về sau đó nhanh chóng được anh và Frederik Obermaier cùng tổ chức điều tra. Càng về sau, họ càng thấy không thể hành động một mình được nên đã nảy ra ý tưởng “cộng đồng sức mạnh”. Vì đều là thành viên của ICIJ nên cả hai nhanh chóng nghĩ tới những phóng viên điều tra giỏi nhất của tổ chức này.

Đó là lúc họ nhờ đến sự giúp đỡ của Marina Walker, Phó Giám đốc ICIJ. Theo ICIJ, Marina Walker là nhà báo điều tra người Argentina, đã giành giải thưởng báo chí quốc tế ở 25 quốc gia trên thế giới. Hơn 20 năm trong nghề,  Marina Walker đã phanh phui các vụ án tham nhũng về môi trường, khai khoáng, buôn lậu thuốc lá… và từng hợp tác trong vụ tung thông tin về các tài liệu trốn thuế trong Ngân hàng HSBC, chi nhánh tại Thụy Sĩ. 

Marina Walker đến giờ vẫn còn nhớ như in cảm giác cách đây một năm khi nghe Bastian Obermayer và Frederik Obermaier kể về nguồn tin tài liệu mà họ đang nắm giữ. Con số mà Phó Giám đốc ICIJ nhận được quả thực rất lớn: 2,6 terabyte dữ liệu chứa 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca tại Panama hé lộ về một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên toàn thế giới, dường như lập ra để giúp giới nhà giàu trốn thuế, và trong một số trường hợp là rửa tiền.

“Tôi trao đổi với Giám đốc Gerard Ryle và nhận được sự ủng hộ. Chúng tôi nhanh chóng làm hai điều. Chúng tôi tuyển dụng một đội nhà báo điều tra toàn cầu, những người có khả năng dành nhiều tháng ròng rã để phân tích và khai thác các dữ liệu nắm giữ trong tay. Những tài liệu bị rò rỉ gồm hơn 4,8 triệu email, 3 triệu file dữ liệu, 2,1 triệu file PDF từ hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Theo nhiều nhà phân tích, Mossack Fonseca chuyên lập ra các công ty vỏ bọc để giúp khách hàng che giấu tài sản của họ”, Marina Walker nói.

Các thành viên của đội phóng viên điều tra bay tới Munich, Đức, để phối hợp với Bastian Obermayer và Frederik Obermaier. Sau đó, họ dạy hai nhà báo Bastian Obermayer và Frederik Obermaier cách chuyển giao các file dữ liệu lớn một cách an toàn và gửi một cách vô danh dưới dạng ổ cứng qua dịch vụ chuyển phát. Hệ thống chat thời gian thực cũng được sử dụng để các phóng viên có thể trao đổi những gợi ý hoặc cách dịch tốt nhất cho những tài liệu được viết bằng nhiều ngôn ngữ mà họ không thể đọc.

Các phóng viên khác thì gặp riêng nhau tại Washington, Munich, London, Johannesburg và Lillehammer.  Hồ sơ này lớn hơn gấp một ngàn lần so với tài liệu rò rỉ trong vụ WikiLeaks năm 2010.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.