Helen Thomas – Huyền thoại trong làng báo Mỹ

Thứ Tư, 17/12/2014, 11:15
Suốt mấy chục năm, chỗ ngồi danh dự đặt ngay giữa hàng ghế đầu trong phòng họp báo Nhà Trắng luôn dành riêng cho nữ phóng viên số 1 Helen Thomas (Chuyên đề ANTG từng đề cập trong bài "Cuộc chiến thừa nhận Nhà nước Palestine"). Bà đã có mặt liên tục trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng của hơn 10 đời tổng thống Mỹ.

Hơn 40 năm qua, mỗi khi bà lên tiếng, những câu hỏi hóc búa của bà khiến cho nhiều tổng thống vô cùng lúng túng, đặc biệt là Tổng thống George W. Bush rất sợ bị bà truy vấn…

"Kẻ hành hạ tổng thống"

Ngày 21/7/2013, trong hộp thư nội bộ của các hội viên Gridiron Club (Câu lạc bộ Nhà báo và Nhà xuất bản nổi tiếng của Mỹ), một bức thư điện tử lưu truyền rộng rãi được gửi bởi một nhà báo nổi tiếng, biên tập viên chuyên mục Washington của tờ Dallas Morning News, với nội dung: "Bà Helen Thomas, nguyên Chủ tịch Gridiron Club, nữ thành viên đầu tiên của CLB, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng đã qua đời vào sáng thứ bảy tại nhà riêng ở thủ đô Washington, thọ 92 tuổi". Bức thư điện tử đó ngay lập tức đã gây nên một làn sóng tiếc thương nhà báo Helen Thomas trong giới truyền thông Mỹ.

Tổng thống Obama ra tuyên bố: "Bà Helen là một nhà tiên phong chân chính, người đã phá vỡ các rào cản đối với nữ phóng viên được xác lập từ bao đời nay. Bà đã từng phỏng vấn Tổng thống Kennedy cũng như các đời tổng thống sau đó, khiến cho nhiều vị tổng thống đều cảm thấy đau đầu, nể sợ, trong đó có tôi…".

Tổng thống B. Obama tặng bà Helen Thomas những chiếc bánh cake trong phòng họp báo Nhà Trắng, tháng 1/2010.

Có lẽ đối với độc giả, Helen Thomas, nữ phóng viên lừng danh của làng báo Mỹ, luôn được đề cập đến trong các giáo trình đào tạo phóng viên trên toàn thế giới, chỉ là một bà lão có khuôn mặt như một bà phù thủy, nhưng chính người đàn bà có vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt đen sẫm và giọng nói khàn khàn đó đã tạo nên một huyền thoại trong lịch sử làng báo Mỹ. Bà là phóng viên duy nhất có chỗ ngồi riêng biệt trên hàng ghế dành cho phóng viên trong phòng họp báo của Nhà Trắng. Trong các buổi họp báo của Nhà Trắng, bà luôn là những người đặt câu hỏi đầu tiên và kết thúc bằng câu nói: "Xin cám ơn Ngài Tổng thống!". Các câu hỏi hóc búa của bà đã thách thức, thậm chí làm 10 vị tổng thống bực mình, và George W. Bush có thời gian còn gạch tên bà ra khỏi danh sách các phóng viên được quyền đặt câu hỏi, vì vậy, người ta đã đặt cho Helen Thomas biệt hiệu nổi tiếng "Kẻ hành hạ tổng thống".

Helen Thomas tuy đã là người thiên cổ nhưng vẫn đang giữ rất nhiều kỷ lục trong lịch sử làng báo Mỹ. Bà là thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Hoa Kỳ (National Press Club), cũng là nữ phóng viên duy nhất được tháp tùng phái đoàn của Tổng thống Richard Nixon trong chuyến viếng thăm lịch sử đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1972. Bên cạnh đó, bà còn là nữ trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn ký giả Nhà Trắng.

Năm 1975, Helen Thomas trở thành nữ thành viên đầu tiên của CLB Gridiron Club. Các danh hiệu đó nghe có vẻ như bà là một phần tử tích cực hoạt động cho nữ quyền, nhưng thực tế, tất cả các thành tựu mà bà có được chính là nhờ kỹ năng chuyên môn xuất chúng của bà. Trong gần 50 năm qua, mỗi khi người đàn bà này đến gần, các tổng thống như phát run lên. Giới truyền thông Hoa Kỳ đã từng đánh giá Helen Thomas: "Bà có một chiếc lưỡi bén như dao mổ và một trí tuệ sắc như thanh gươm. "Trên bãi cỏ phía nam Nhà Trắng có một cây tuyết tùng (của Liban), do truyền thống của Nhà Trắng hằng năm các viên chức tham dự buổi lễ trồng cây, các đồng nghiệp đều nhất trí cử nữ phóng viên người Mỹ gốc Liban trồng (chính là Helen Thomas).

Helen Thomas phỏng vấn Tổng thống Kennedy, năm 1960.

Ông Sam Donaldson, người dẫn chương trình tin tức của Đài Phát thanh và Truyền hình Mỹ nói: "Khi Helen đang đắp đất cho cây, hình như tôi nghe thấy vong hồn của các đời tổng thống trước nói rằng, hãy chôn luôn bà ta đi!".

Mức độ tận tụy trong công việc của Helen Thomas thật sự khiến người ta phải kính nể. Năm 1998, trong tiệc chiêu đãi Đoàn phóng viên Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Clinton cho biết: "Theo ước tính của tôi, Helen Thomas đã làm việc tại đây được khoảng một vạn buổi sáng, xài hết mấy ngàn cuốn sổ, mấy ngàn cây bút và uống hết vài ngàn ly càphê". Trong mắt đồng nghiệp, bà  thông thạo mọi thứ trong Nhà Trắng, từ quyết định sai lầm nhất của tổng thống cho đến kiểu tóc yêu thích nhất của phu nhân tổng thống, thậm chí có thể thông báo cho các tổng thống những việc mà họ không hề hay biết. Người kế nhiệm Tổng thống Kennedy là Tổng thống Lyndon Johnson có lần đã than phiền rằng, ông biết được con gái ông là Luci đính hôn chính là nhờ nhận được thông tin từ Helen Thomas.

Những bài học từ Helen Thomas

Thuở Helen bước vào nghiệp báo, lúc đó làng báo vẫn đang hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát  và chi phối của nam giới. Chính Helen Thomas đã vượt qua mọi chông gai, mở ra con đường nữ phóng viên có quyền lợi ngang bằng với nam phóng viên như hiện nay. Năm 1960, Helen Thomas được biệt phái đến Nhà Trắng để tường thuật về hoạt động vận động tranh cử tổng thống của Kennedy. Lúc đó, các nữ phóng viên làm việc tại Nhà Trắng có dịp thể hiện "vũ điệu phụ nữ" của mình. Tuy nhiên, họ chỉ có thể viết các bài phóng sự về các thông tin ngoài luồng như: con cái, vợ tổng thống uống trà gì hay kiểu tóc như thế nào… hoàn toàn không liên quan gì đến các thông tin chính thức.

Đệ nhất phu nhân Richard R.Nixon tuyên bố tin Helen Thomas đính hôn cùng phóng viên kỳ cựu Douglas Conrnell.

Nhất là sau khi Kennedy đắc cử tổng thống, mức độ quan tâm của mọi người đối với vợ ông là Jacqueline tăng đột biến, và Helen buộc phải tiếp nhận một công việc mà bà hoàn toàn không ưa thích, đó là việc đưa tin về phu nhân tổng thống. Mặc dù vậy, bà cũng đã chứng tỏ khả năng săn tin vô cùng sáng tạo của mình. Helen liền phỏng vấn thợ cắt tóc của Jacqueline, nhân viên cửa hàng thời trang, nhạc sĩ biểu diễn piano trong các buổi họp mặt gia đình, thậm chí cả chủ cửa hàng bán tã lót, và cùng đồng nghiệp chầu chực ngoài cửa nhà bảo sanh nơi Kennedy - con ra đời để săn tin. Chính vì nhóm phóng viên của Helen can dự quá nhiều vào cuộc sống của Jacqueline mà bà bị lực lượng tháp tùng đệ nhất phu nhân gọi là "nữ yêu quái tàn nhẫn và tham lam".

Tuy nhiên, Helen hoàn toàn không thích mình làm một công việc như vậy, bà cũng muốn làm như các bạn đồng nghiệp nam viết về các thông tin chính thức. Năm 1961, Nhà Trắng cấm các nữ phóng viên tham dự các buổi họp báo do Nhà Trắng triệu tập, nhưng Helen đã phản đối với Tổng thống Kennedy rằng: “Nếu chúng tôi không được tham gia, thì Tổng thống cũng không được tham gia”. Đến nỗi Kennedy buộc phải đồng ý cho bà tham dự.

Lời bình của Tổng thống Kennedy nói với Helen lúc đó đã trở thành etiquette (nhãn mác) suốt đời của Helen: "Thomas có thể là một cô gái tốt nếu như cô ném đi ngòi bút trong tay và cuốn sổ tay phỏng vấn của mình". Thế là kể từ giờ phút định mệnh đó, trong các buổi họp báo của tổng thống tại Nhà Trắng, lần đầu tiên xuất hiện gương mặt của nữ phóng viên Helen Thomas, và bà đã bước lên "sàn diễn" suốt đời của mình.

Đối với Helen Thomas, cuộc sống cá nhân của bà rõ ràng không  quan trọng bằng công việc phóng viên, thế cho nên, đến năm 51 tuổi, Helen mới bước lên xe hoa. Chồng bà là phóng viên chuyên trách mảng Nhà Trắng của Hãng thông tấn AP (Associated Press) Douglas Cornell. Vốn là đối thủ nặng ký cạnh tranh với Helen, nên bà phải đợi đến khi ông về hưu mới tổ chức đám cưới.

Lễ đính hôn giữa hai người còn có một câu chuyện thú vị: Khi Douglas nghỉ hưu vào năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đã tổ chức một buổi lễ chia tay. Khi lễ chia tay tiến hành được nửa chừng thì bất ngờ Đệ nhất phu nhân lúc đó là Pat Nixon cầm micro tuyên bố tin Helen đính hôn cùng chủ nhân của buổi lễ chia tay. Đệ nhất phu nhân còn nói đùa rằng: "Rốt cuộc thì tôi cũng giành được cơ hội đưa tin trước cả cô Helen!". Sau khi họ kết hôn được 4 năm, ông Douglas mắc chứng bệnh Alzheimer. Helen Thomas đã tận tình chăm sóc chồng suốt 6 năm, mãi cho đến khi ông qua đời vào năm 1982.

Trong cuộc đời phóng viên Nhà Trắng gần 50 năm của mình, Helen Thomas đã để lại những đoạn ký sự chất vấn tổng thống khiến mọi người khó quên. Bà nổi tiếng là nói thẳng, 10 đời tổng thống Mỹ đều nếm trải lợi hại của chiếc lưỡi như dao của bà. Trong các buổi truyền hình trực tiếp cuộc họp báo của các tổng thống, người dân Mỹ luôn nhìn thấy người đàn bà ngồi ở hàng ghế đầu, nhìn thẳng vào tổng thống và đưa ra những câu hỏi hóc búa.

Chẳng hạn như sau khi Liên Xô tan rã, bức tường Berlin sụp đổ, Tổng thống Bush (cha) đương nhiệm lúc đó tuyên bố ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ vẫn ngang bằng như năm trước, câu hỏi của Helen đưa ra ngắn gọn rõ ràng: "Vậy thì kẻ thù là ai?". Năm 1984, khi Helen được giải thưởng "Quyền lực thứ 4" của Câu lạc bộ Báo chí toàn quốc Mỹ, trong lời chúc mừng, Tổng thống Reagan đã viết: "Hầu như mỗi ngày tôi đều phải hỏi trợ lý của mình câu hỏi, Helen đang viết gì vậy? Bà không những là nhân sĩ chuyên nghiệp ưu tú, được mọi người kính trọng, mà còn trở thành một phần của cuộc đời các Tổng thống Mỹ".

Bà ở trên cương vị phóng viên mãi cho đến tuổi 89 mới về hưu. Tháng 1/1961, Helen Thomas trở thành phóng viên, rồi Trưởng văn phòng của Hãng thông tấn UPI tại Nhà Trắng trong 57 năm. Bà đã phỏng vấn 11 đời tổng thống Mỹ, từ năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Dwight David Eisenhower cho đến năm thứ hai nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama. Thế nhưng, sau khi 5 trong số 11 vị tổng thống đã qua đời thì bà vẫn còn sống. Năm 2006, khi tổng thống sống thọ nhất Nhà Trắng Gerald Ford qua đời, Helen Thomas lúc bấy giờ đã 85 tuổi vẫn hoạt động tích cực trên tuyến đầu của báo chí. Nữ nhà báo huyền thoại Helen Thomas qua đời khi chỉ còn vài tháng nữa là tròn 93 tuổi.

Buổi chất vấn Tổng thống Mỹ nổi tiếng nhất diễn ra vào tháng 3/2005, khi đó Helen Thomas đặt câu hỏi với Tổng thống Bush (con):

- Thưa Tổng thống, tôi muốn hỏi ngài một câu về việc ngài quyết định tấn công Iraq, gây ra cái chết cũng như thương tật suốt đời cho hàng ngàn, hàng ngàn người Mỹ và người Iraq. Mỗi lý do đưa ra, ít nhất là về mặt công khai, cuối cùng cũng đều được xác nhận là không đúng đắn.

Bush: À…

Helen nhìn thẳng vào mặt ông Bush hỏi tiếp: Câu hỏi của tôi là: Thực ra, tại sao Ngài lại cứ muốn tiến hành chiến tranh? Ngài từng nói rằng, đó không phải là sự theo đuổi dầu hỏa, cũng không phải là chuyện Israel, hay bất cứ chuyện gì khác. Vậy thì đó là cái gì?

Bush: Tôi không muốn khai chiến. Nếu nghĩ tôi muốn khai chiến thì thật là sai lầm, thưa bà Helen…

Helen phản pháo: Họ không làm gì đối với quốc gia của ngài, của chúng ta.

Bush: Xin lỗi, để cho tôi nói đã, để cho tôi nói hết đã. Họ đã lầm! Taliban (Afghanistan) là căn cứ an toàn của chúng, nơi đó là căn cứ tiếp nhận huấn luyện…

Helen lại một lần nữa không khách khí ngắt lời Tổng thống: Nhưng tôi nói Iraq cơ mà!

Minh Thu (tổng hợp)
.
.