Henry Kissinger - “Chuyên gia giật dây”
“Người thầy cũ” tại Thổ Nhĩ Kỳ
Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập đảo Síp vào năm 1974 và cho phép cung cấp vũ khí cho Ankara để tấn công hòn đảo này nhằm phản ứng lại vụ đảo chính do cộng đồng người gốc Hy Lạp tiến hành tại đây - đó là một nội dung đáng chú ý trong tổng cộng gần 700 trang tài liệu của CIA từ hồi những năm 70 mới được công bố.
Thế giới vẫn còn nhớ những sự kiện nổi bật hồi tháng 7, 8/1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Síp, chiếm gần 1/3 hòn đảo này, đồng thời xây dựng một đường biên ngăn cách giữa khu vực phía bắc và phía nam. Phần lớn các nhà sử học giờ đây đều cho rằng, Kissinger - giữ vai trò Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Gerald Ford - không chỉ biết trước về kế hoạch tấn công đảo Síp của Ankara, mà còn trực tiếp ra tay hỗ trợ bằng cách giúp đỡ trái phép về tài chính và quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối nghi ngờ này giờ đây đã được làm sáng tỏ. Một số chính trị gia người Síp gốc Hy Lạp còn cho rằng, vụ can thiệp quân sự trên là một âm mưu được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước của Anh và Mỹ nhằm duy trì ảnh hưởng của mình trên một hòn đảo, được coi là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng để thu thập thông tin tại phía đông Địa Trung Hải, nhất là sau cuộc chiến tháng 10/1973 giữa Israel với Ai cập, Jordan và Syria.
Còn theo phóng viên Christopher Hitchens, tác giả cuốn sách “The Trial of Henry Kissinger” (Phiên tòa của Henry Kissinger), nhiều người Síp lúc đó cũng nhìn nhận sự dính líu của Kissinger là “hiển nhiên”. Đơn giản là Tổng thống Bulent Ecevit của Thổ Nhĩ Kỳ khi đó từng là học trò của Kissinger tại Đại học Harvard.
Tuy nhiên, sau này, chính quyền Ford, theo lời khuyên của Kissinger lại bí mật đàm phán với viên tướng có quan điểm cực hữu Kenan Evren, người về sau đã đứng ra giải tán Quốc hội và trở thành một nhà độc tài trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính năm 1980. “Tính chất lén lút của vụ này thể hiện ở chỗ, chính quyền Mỹ đã làm việc trực tiếp với Evren, qua mặt chính phủ đã được bầu một cách dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ khi đó – Một cựu sĩ quan CIA đã nhận xét – Âm mưu này đã được chính Kissinger phê chuẩn, do khi đó ông ta lo ngại Ecevit là một chính trị gia theo con đường dân chủ xã hội”.
Cũng theo lời của viên sĩ quan này, Tổng thống được bầu qua con đường dân chủ Ecevit có quan hệ tốt với chính quyền Johnson, nhưng đối với chính quyền Nixon (Kissinger trong vai trò Cố vấn An ninh quốc gia) thì ông ta lại có nhiều điểm bất đồng. CIA sau đó đã có những kế hoạch bí mật viện trợ quân sự cho tướng Evren để tiến hành đảo chính. Như vậy là ông thầy cũ Kissinger sau khi giúp Bulent Ecevit can thiệp vào Síp, rốt cuộc về sau lại tìm cách lật đổ học trò của mình.
Kissinger với cuộc đảo chính đẫm máu tại Chile
Không lâu trước khi Nixon từ chức vào năm 1974, phóng viên Seymour Hersh (người nổi tiếng chuyên về các bài viết điều tra) đã khai thác được một số thông tin về các hoạt động trái phép của CIA ngay trong nước cũng như ở nước ngoài. Khi những thông tin này lần đầu được công bố trên tờ New York Times, Tổng thống Ford và Kissinger đã tìm mọi cách để ngăn cản các bước điều tra và công bố tiếp theo.
Giám đốc CIA William Colby vào ngày 3/1/1975 đã được triệu tập trong một cuộc họp bí mật tại Nhà Trắng, nơi thông qua quyết định phải giữ bí mật tất cả những tài liệu trên. Thậm chí để phụ trách vấn đề quan trọng này, chính quyền còn thành lập ra một ủy ban đặc biệt dưới sự điều hành của Phó tổng thống Nelson Rockefeller.
Trong cuộc họp này, Kissinger đã buột miệng một câu đầy bí ẩn: “Câu chuyện về Chile sẽ không xuất hiện trong bất cứ một báo cáo nào. Vì đây rất có thể là một mối đe dọa đối với tôi”. Tất cả những chi tiết trên đều phần nào cho thấy sự can thiệp của Kissinger vào cuộc đảo chính đẫm máu tại Chile.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Chile vào năm 1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Kissinger đã tìm mọi cách để ngăn cản chiến thắng của ứng cử viên cánh tả Salvador Allende, kể cả bằng một cuộc đảo chính quân sự bất thành. Kissinger thậm chí còn phát biểu: “Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại thụ động đứng nhìn quốc gia này rơi vào tay cộng sản từ sự vô trách nhiệm của chính nhân dân họ”.
Sau khi Allende trở thành tổng thống qua con đường bầu cử dân chủ, Mỹ đã triển khai một loạt biện pháp gây áp lực kinh tế với Chile, cũng như khuyến khích các âm mưu đảo chính từ phe quân sự. Tuy nhiên, Kissinger vẫn yêu cầu phải có những hành động mạnh hơn nữa.
Kissinger (thứ hai bên trái) vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính quyền của Tổng thống Bush. |
Hoạt động của CIA trở nên đặc biệt ráo riết trong giai đoạn 1972-1973 tại Chile, nhất là trước khi diễn ra cuộc đảo chính đẫm máu của tướng Augusto Pinochet. Sau khi cuộc đảo chính thành công, Kissinger còn ủng hộ tích cực cho chính quyền độc tài của Pinochet. Khi Richard Helm rời khỏi CIA vào năm 1973 và trở thành đại sứ Mỹ tại Iran, ông ta luôn ra sức bác bỏ vai trò của CIA trong cuộc đảo chính tại Chile. Tuy nhiên, khi bị dính líu vào một vụ bê bối cung cấp lời khai giả trước tòa vào năm 1977, Helms lại có hành động ngược hẳn với những gì đã tuyên bố.
Cụ thể theo như nhà sử học Joseph Trento trong cuốn sách “Prelude to Terror” (Khúc dạo đầu khủng bố), người bạn đồng nghiệp Tom Braden của Helms đã tiết lộ rằng, ông ta thậm chí còn lo sợ thốt lên: “Nếu tôi bị kết tội, tôi sẽ khai hết về vai trò của Kissinger trong các chiến dịch của CIA”.
Vẫn còn là một nhân vật có ảnh hưởng
Cho dù Kissinger hiện giờ không còn là một quan chức của chính phủ, nhưng cựu Ngoại trưởng này vẫn được coi là một nhân vật có ảnh hưởng tại Washington, đặc biệt là trong chính quyền Bush. Kissinger đã trở thành nhân vật lựa chọn số 1 của Tổng thống Bush trong vai trò lãnh đạo điều tra vụ khủng bố 11/9.
Tuy nhiên, ông này đã phải từ chức sau một cuộc gặp kín với “Ủy ban các gia đình nạn nhân 11/9” ngay tại văn phòng Hãng tư vấn Kissinger and Associates Inc của ông, sau khi bị chất vấn trực tiếp về việc văn phòng này từng đón tiếp các khách hàng trong gia đình Bin Laden.
Theo Monica Gabrielle (người đã mất chồng trong vụ 11-9 và là một trong 12 đại diện của ủy ban trên), ủy ban này đã yêu cầu Kissinger phải công bố danh sách các khách hàng của Kissinger and Associates Inc, để đảm bảo không có nguy cơ xung đột quyền lợi các khách hàng của ông ta với tính chất công tâm của vụ điều tra. Khi được hỏi về các khách hàng từ Arập Xêút mà cụ thể là những người họ Bin Laden, Kissinger đã tìm cách thoái thác, rồi ngay hôm sau đã từ chức lãnh đạo cuộc điều tra mà không đưa ra một lời giải thích cụ thể.
Trong cuốn sách “State of Denial” của Bob Woodward, Kissinger còn nói rằng, ông ta thường xuyên gặp gỡ với Bush và Dick Cheney để tư vấn cho họ về cuộc chiến tại Iraq. Cần nhớ là Cheney và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld được coi là bắt đầu “thành danh” từ thời chính quyền của Tổng thống Ford.
Rumsfleld từng giữ nhiều cương vị khác nhau dưới thời Nixon, trước khi được cử sang châu Âu trong vai trò đại diện của Mỹ tại NATO vào năm 1973 (đúng vào giai đoạn diễn ra cuộc đảo chính tại Síp). Khi Ford lên làm tổng thống vào ngày 9/8/1974, ngay trước khi Thổ Nhĩ Kỳ đổ quân đợt hai vào Síp, Rumsfeld đã trở về Washington lãnh đạo văn phòng tổng thống. Trong khi đó, Cheney cũng trở thành trợ lý thứ hai của tổng thống.
Rumsfeld và Cheney đã tăng cường ảnh hưởng của mình rất nhanh chóng trong chính quyền Ford. Sự nghiệp chính trị của họ lên tới đỉnh điểm vào tháng 11/1975, khi Rumsfeld trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, Dick Cheney đứng đầu văn phòng Tổng thống còn George Bush - cha làm Giám đốc CIA thay cho Wiliam Colby. Tất cả những thăng tiến này một phần là nhờ những tác động quan trọng của Henry Kissinger