Henry Wirz - Cha đẻ của trại tập trung thời nội chiến Mỹ

Thứ Bảy, 12/12/2015, 13:00
Trước khi thế giới quen với khái niệm trại tập trung thời Đức Quốc xã, nước Mỹ thời nội chiến đã từng có trại tập trung mang tên Sumter. Đây là trại giam tù binh chiến tranh khét tiếng nhất nước Mỹ thời nội chiến, là nơi mà hàng nghìn tù nhân bị tra tấn, bỏ đói đến chết.

Cha đẻ của trại Sumter chính là đại úy Henry Wirz thuộc phe miền nam, là một trong số những người bị căm ghét nhất nước Mỹ. Cách đây 150 năm, Henry Wirz đã bị hành quyết vì những tội ác của ông ta.

Trại tập trung kiểu Mỹ

Đại úy Wirz có khoảng thời gian 14 tháng phụ trách trại Sumter hay còn gọi là nhà tù Andersonville. Nhà tù này là nơi 13.000 tù nhân phe miền Bắc bỏ mạng vì bệnh tật, chết đói. Chính Wirz đã tự tay giết hại và tra tấn một số tù nhân. Ông ta cũng ra lệnh cho các cai ngục xử tử tù nhân.

Tại thời kỳ đỉnh điểm tháng 8-1864, trại Sumter chứa hơn 33.000 tù binh chiến tranh trong một khu đất trống trải rộng 105.000m², không có mái che và quần áo cho tù nhân. Trại đầy rẫy rệp bọ và chấy rận. Nguồn nước duy nhất là một nhánh sông bé tí nhiễm nước thải. Tù nhân không có chỗ ở và quần áo mới. Họ phải mặc nguyên bộ quân phục rách nát lúc bị bắt. Họ bị bắt ngủ trong lều trại tạm bợ hoặc trong hố đào trên mặt đất.

Theo thống kê, khoảng 56.000 tù binh chết trong các nhà tù thời nội chiến Mỹ. Con số này chiếm 10% tổng số người thương vong trong nội chiến. Tại nhà tù Alton ở bang Illinois, hơn 1.500 người chết vì bệnh tật. Tuy nhiên, số người chết ở trại Sumter là lớn nhất, với gần 1/3 trong tổng số 45.000 binh sĩ miền bắc chết trong 14 tháng.

Henry Wirz.

Thượng sĩ Robert H. Kellogg, thuộc Trung đoàn Số 16 bang Connecticut, từng là một tù binh của trại Sumter. Trong cuốn sách viết về trại tập trung khét tiếng, ông mô tả ngày đầu tiên tới Sumter: "Khi chúng tôi tới nơi này, đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh khiến máu gần đóng băng vì sợ, tim như ngừng đập. Trước mặt chúng tôi là những hình dạng từng sống động và hiên ngang, những con người vạm vỡ, giờ đây không còn gì ngoài những bộ xương biết đi, bẩn thỉu và đầy bọ ký sinh. Nhiều người trong chúng tôi thốt lên: “Liệu đây có phải là địa ngục?”.

Một báo cáo khác của bác sĩ quân y miền Nam James Jones cũng được bên công tố sử dụng trong phiên xét xử Wirz. Năm 1864, bác sĩ Jones được cử tới trại Sumter để điều tra về các điều kiện ở đây. Khi tới nơi, quá hoảng sợ trước những gì nhìn thấy ở Sumter đến mức bác sĩ Jones đã nôn hai lần và bị nhiễm cúm ngay trong giờ đầu tiên đặt chân tới trại.

Trả giá

Sau khi phe miền Nam đầu hàng tại trận chiến Appomattox Court House ngày 9-4-1865, một trong những trận chiến cuối cùng của cuộc nội chiến Mỹ, những câu chuyện kinh hoàng về trại Sumter bắt đầu lan nhanh. Wirz, vốn là người Thụy Sỹ, đã nhanh chóng bị bắt và giải tới Washington để trả lời về những tội ác đã gây ra.

Một góc trại Sumter, năm 1864.

Wirz khai rằng ông ta chỉ đơn giản là làm theo mệnh lệnh và cho rằng do niềm Nam thiếu thực phẩm nên tù nhân mới bị đói. Ông ta cũng khai rằng do miền Bắc từ chối trao đổi tù binh nên ông ta mới buộc phải giam giữ nhiều người đến thế.

Bất chất sự phản bác của Wirz, ông ta vẫn bị kết án tội giết người, lạm dụng và tội ác chiến tranh. Ngày 10-11-1865, Wirz bước ra khu vực hành quyết trước sự chứng kiến của 250 người. Bên trên nóc các tòa nhà gần đó, nhiều người dân cũng đã chứng kiến cuộc hành quyết và hét to: "Hãy treo cổ tên vô lại!" Dù vậy, Wirz vẫn nở một nụ cười và tỏ ra khá bình tĩnh. Gã sắp phải lên giá treo cổ, kết thúc cuộc đời của một người miền Nam bị căm ghét nhất ở miền Bắc sau nội chiến. Vụ xét xử Wirz kéo dài hàng tháng trời đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực để viết về tội ác của Wirz ở Sumter.

Xác của Wirz về sau được chôn tại một ngôi mộ vô danh. Nhưng những gì liên quan tới Wirz vẫn chưa chấm dứt. Một số người ủng hộ Wirz ở miền Nam đã phát động một chiến dịch bảo vệ Wirz ngay sau khi ông ta bị hành quyết. Những người này cho rằng Wirz chỉ là con tốt thí. Thậm chí một số người còn cho rằng chính miền Bắc đã buộc người miền Nam đối xử thậm tệ với tù nhân miền Bắc. Họ đã xin tổng thống ân xá cho Wirz nhưng thất bại.

Sau phiên xử Wirz, các bang miền Bắc đã dựng đài tưởng niệm cho hàng trăm người đã bỏ mạng trong trại Sumter, trong đó có 400 người không thể xác định được danh tính. Vài chục năm sau, một nhóm ở miền Nam có tên United Daughters of the Confederacy (UDC) đã dựng tượng của Wirz, lúc này đã bị coi là một tội phạm chiến tranh.

Các cựu chiến binh miền Bắc đã phản đối các hành động vinh danh Wirz nhưng năm 1909, một đài kỷ niệm bằng đá vẫn được dựng lên ở Andersonville, cách khu vực trại tập trung Sumter hơn 1 km. Cạnh đó là một tấm biển có vài dòng khắc họa Wirz như một "chiến sĩ" hy sinh vì nghiệp lớn: "Bằng mọi khả năng, ông đã tìm cách lấy thực phẩm và thuốc men cho tù nhân miền Bắc. Ông bị kết án vì không thể cung cấp thực phẩm, thuốc men cho tù nhân miền Bắc mặc dù lính gác của ông cũng phải ăn cùng loại thực phẩm và tỷ lệ tử vong của lính gác miền Nam cũng cao như tù nhân miền Bắc".

Đến nay, 150 năm sau khi Wirz bị hành quyết vì gây ra cái chết của 13.000 tù binh chiến tranh, tượng đài tưởng niệm Wirz vẫn còn đó. Tuy nhiên, như nhà báo Mỹ Walt Whitman đã viết về các tội ác của Wirz: "Có những hành vi, tội ác có thể được tha thứ, nhưng những gì Wirz gây ra thì không".

Thùy Dương (tổng hợp)
.
.