Hereford - trung tâm dịch vụ quân sự của Anh

Thứ Sáu, 26/05/2017, 14:30
Nằm gần kề tổng hành dinh của lực lượng Đặc nhiệm không quân (SAS), thành phố Hereford với chỉ 60.000 dân đang được xem là trung tâm đầu mối dịch vụ an ninh, quân sự, là kho cung ứng vũ khí của Anh cho nhiều điểm nóng trên thế giới.


Một báo cáo gần đây của tổ chức War on Want (Anh) đã gọi nước Anh hiện nay là một "ông trùm đánh thuê", và Hereford chính là "kinh đô" của ông trùm, với hàng chục công ty quân sự và an ninh tư nhân đặt trụ sở tại đây.

Một lịch sử quân sự

Trong quá khứ, Hereford từng là một trong những căn cứ của quân đội Anh. Bên trong siêu thị sách Waterstones nổi tiếng của Hereford, sách viết về lực lượng SAS được bày một cách trang trọng trên các kệ sách. Có những cửa hàng bán các loại thiết bị quân dụng. Ở Hereford cũng có nhiều hoạt động hướng mọi người ủng hộ quân đội, như chương trình hòa nhạc Home for Christmas, Dàn đồng ca Những người vợ lính.

Lực lượng SAS từng đóng quân ở Hereford giai đoạn 1960-2000.

Một câu hỏi có lẽ sẽ được hỏi ngay: Tại sao lại là Hereford? Từ đâu Hereford trở thành một trung tâm, một đầu mối dịch vụ quân sự, an ninh toàn cầu của nước Anh?

Theo War on Want, lý do chính được cho là bởi Hereford có một lịch sử quân sự lâu đời và luôn thích ứng theo những biến chuyển của chiến tranh. Thành phố này nằm gần  ngôi làng Credenhill, trước đây là căn cứ Không lực Hoàng gia Anh (RAF), nay là căn cứ của SAS.

Đây là một căn cứ quân sự thuộc dạng tối mật, các hình ảnh về căn cứ này đều bị cấm xuất hiện trước công chúng theo một đạo luật có tên là Luật Bí mật quốc gia (OSA). Tuy nhiên, vào năm 2010, Google Maps đã tình cờ ghi hình được căn cứ này và đưa lên mạng. Một cuộc tranh luận nổ ra, phía SAS yêu cầu Google Maps gỡ hình ảnh đó xuống hoặc che mờ nó đi, nhưng Google Maps kiên quyết giữ nguyên.

Trong Chiến tranh thế giới lần I, Lữ đoàn Herefordshire là một trong những đơn vị tiên phong đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, phục vụ ở Ai Cập, Palestine và Pháp. Vào ngày 27-7-1942, Không quân Đức ném bom Nhà máy đạn dược Rotherwas ở ngoại ô thành phố Hereford, tỉnh Hereford. Và nhà máy đó hiện nay là trụ sở của một công ty an ninh tư nhân. Từ lữ đoàn Herefordshire, lực lượng SAS ra đời vào năm 1941 tại Bắc Phi, do thiếu tá David Stirling sáng lập.

Vào thời điểm đó, ông Stirling ngày càng lo ngại vì nhận thấy các chiến dịch tác chiến lớn thường dễ gặp thất bại, vì thế ông muốn chuyển sang áp dụng chiến thuật tuần tiễu theo nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 4 người, di chuyển nhanh bằng phương tiện chiến xa đặc biệt, linh hoạt. Từ năm 1960, đơn vị 22 SAS bắt đầu đóng trụ sở tại Hereford. Đến năm 2000, đơn vị này chuyển đến căn cứ Credenhill. Đơn vị này được cho là bao gồm 4 phi đội tác chiến, mỗi phi đội có 60 người.

Theo báo cáo War on Want, khoảng 14 công ty an ninh, quân sự tư nhân hiện đang có trụ sở tại Hereford, nhưng thực tế con số có thể còn nhiều hơn thế. Hầu hết các công ty an ninh, quân sự tư nhân này do các cựu quân nhân trong các đơn vị đặc nhiệm thành lập. Khắp thành phố Hereford, đâu đâu cũng có thể thấy trụ sở bảng tên của một công ty an ninh, hay quân sự tư nhân bất kỳ.

Chẳng hạn, trên phố St Owen có trụ sở hai công ty Octaga và GardaWorld. Đó là dãy ba căn nhà xây bằng gạch từ thời chiến tranh Thế giới lần thứ I. Trong hai công ty này, GardaWorld đã hoạt động tại một số nước, như Haiti, Libya và Yemen.

Tuy vậy, đa số người dân ở Hereford biết rất ít hoặc không biết đến sự có mặt của những công ty chuyên cung cấp dịch vụ quân sự, vũ khí ngay trong thành phố của họ, thậm chí ngay sát bên hàng xóm của họ.

Cũng có một số người tham gia vào các công việc của các công ty này, và họ bắt buộc phải giữ kín những gì mình biết về hoạt động bên trong của công ty. War on Want cho biết, hoạt động kinh doanh chủ yếu của các công ty an ninh, quân sự tư nhân ở Hereford là "cho thuê lính" và "bán hoặc cho thuê vũ khí" cho nhiều công ty và quốc gia trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp dịch vụ chết chóc này hiện tạo ra giá trị hàng tỉ USD trên toàn thế giới, và Hereford cũng tham gia góp phần vào "miếng bánh" chung.

Đầu mối vũ khí chiến tranh

Báo cáo của War on Want đưa ra lưu ý rằng "ít nhất 46 công ty trên toàn Vương quốc Anh sử dụng các cựu thành viên của các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội Anh". Kể từ khi Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11-9-2001, Hereford trở thành địa bàn chính nơi các công ty an ninh, quân sự tư nhân (viết tắt là PMSC) của Anh - thậm chí cả châu Âu - đặt trụ sở.

Huấn luyện tân binh dự tuyển ở làng Madley.

Nằm cách trung tâm thành phố Hereford một khoảng đi bộ là khu nhà văn phòng của công ty Ambrey Risk - một công ty an ninh tư nhân chủ yếu cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh cho các chuyến tàu viễn dương trước các mối đe dọa từ bọn hải tặc. Đi xa hơn một chút, khoảng 5 phút đi bộ là đến cây cầu bắc qua sông Wye, từ đó có thể phóng tầm mắt quan sát màu xanh cây rừng xa ngút ngàn.

Qua cây cầu sông Wye, đi một quãng sẽ đến Công viên kinh doanh Thorn (Thorn Business Park). Trụ sở của Ambrey Risk ở trong khu công viên này. Bên trong văn phòng công ty Ambrey Risk, khoảng 40 nhân viên quây quần bên máy điện thoại để liên lạc làm việc với các nhóm đang thực hiện dịch vụ bảo đảm an toàn tài sản cho các công ty lớn trên thế giới tại các điểm nóng nguy hiểm nhất, từ Somali cho đến Nigeria. Bên ngoài văn phòng công ty là những chiếc xe tải hạng nặng đang đậu nghỉ trong khuôn viên để chờ chuyến chở hàng mới. Đó là một thế giới kỳ lạ của các công ty an ninh tư nhân.

Sam Raphael, giảng viên cao cấp tại Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Westminster, tác giả của báo cáo War on Want, nhận xét rằng ông không ngạc nhiên vì các cựu nhân viên tình báo, lính đặc nhiệm làm việc cho các công ty an ninh, quân sự tư nhân ở Hereford, nhưng điều khiến ông kinh ngạc chính là mức độ và quy mô những người này làm việc trong thế giới ngầm của các công ty.

John Thompson là một trường hợp tiêu biểu. Thompson phục vụ trong một lữ đoàn dù từ năm 2003 đến 2009, phần lớn thời gian đó ông làm việc trong một đơn vị hỗ trợ đặc nhiệm. Sau khi rời quân ngũ, Thompson vào làm việc cho một công ty an ninh quốc tế lớn ở châu Phi trước khi đứng ra thành lập công ty Ambrey Risk vào năm 2010.

Thompson cho biết, sở dĩ ông chọn Hereford làm nơi đặt trụ sở công ty là bởi vì đây là quê hương của ông (Thompson sinh trưởng ở Hereford). Một lý do khác là vì ở Hereford có một nhóm công ty an ninh do những đồng đội cũ của ông trong đơn vị đặc nhiệm của lữ đoàn dù sáng lập và điều hành, đồng thời Hereford được xem là một đầu mối cung cấp dịch vụ an ninh, quân sự tư nhân. Thompson xem đó là một nơi tốt để đặt công ty an ninh. Hereford là một trong số rất ít địa phương ở Anh hội tụ số lượng công ty an ninh như thế này.

Ông Thompson hiện đang thúc đẩy việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các công ty an ninh, quân sự tư nhân do các đồng đội cũ của ông quản lý. Ông vừa góp phần vào việc hợp thức hóa và sáp nhập tất cả các công ty trong cộng đồng dịch vụ an ninh, quân sự tư nhân lại dưới một tên gọi chung là Herefordshire Security & Defence Group (HSDG), còn các công ty gọi nôm na là "hiệp hội các công ty an ninh và quốc phòng".

HSDG sẽ họp định kỳ thường xuyên để tạo sự phối hợp và cùng nhau hợp lực làm ăn. Mục tiêu cao nhất của HSDG là "nâng cao đáng kể năng lực thương mại và công nghiệp của ngành an ninh, quân sự tư nhân ở Hereford, vì lợi ích của các công ty thành viên và rộng hơn, của cộng đồng công ty an ninh ở Hereford.

Có những lý do khác khiến Hereford hấp dẫn các công ty an ninh tư nhân mà Thompson không đề cập đến, đó là giá thuê mặt bằng tại đây cực kỳ rẻ và luôn có sẵn để thuê, đồng thời thành phố này nằm giữa một vùng thôn quê rộng lớn gần giáp biên giới Xứ Wales.

Cây cầu bắc qua sông Wye dẫn đến ngôi làng Madley, một trong những trung tâm huấn luyện tân binh dự tuyển cho các công ty an ninh tư nhân toàn cầu.

Không gian rộng lớn bên ngoài thành phố là nơi các công ty dễ dàng tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên. Một trong những trung tâm huấn luyện như thế nằm ở làng Madley, ngay bên ngoài thành phố Hereford. Ngôi làng có dân số 1.200 người, có đầy đủ các dịch vụ vui chơi, giải trí, như quán rượu, khu giải trí, nhà thờ giáo xứ và bưu cục. Trên đồng cỏ rộng lớn của ngôi làng, hình ảnh thường trực nhất chính là đàn bò của cư dân địa phương. 

Gần đó là khu trại huấn luyện, cứ 6 tuần một lần người ta lại đưa đến đây một lứa dự tuyển để huấn luyện sơ bộ, sau đó cung cấp cho các công ty an ninh tư nhân trên thế giới, từ Bắc Mỹ, Đông Âu cho đến Mỹ Latinh tuyển dụng.

Nơi đây chính là "lò" xuất xưởng những thế hệ "lính đánh thuê" tương lai tỏa đi khắp thế giới, thực hiện các dịch vụ bảo vệ an ninh, từ cận vệ cho các yếu nhân trong các vùng chiến sự cho đến bảo vệ tài sản cho các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển. Ngôi làng Madley tuy cách rất xa thành Baghdad của Iraq, nhưng có mối dây liên hệ với Baghdad thông qua những người lính đánh thuê.

Chủ sở hữu khu trại huấn luyện đó là công ty an ninh tư nhân Ronin Concepts, do John Goddes sáng lập vào năm 2004 và hiện vẫn còn làm chủ. Trước đây, Goddes có một thời gian dài ở trong lữ đoàn dù và SAS trước khi rời quân ngũ và sang Iraq trong vai trò một anh lính hợp đồng tư nhân thuộc công ty Olive Group vào năm 2004.

Goddes nhận thấy chất lượng của những tân binh dự tuyển khá thấp, từ đó ông phát hiện cơ hội để tham gia vào ngành bằng công việc huấn luyện sơ bộ. Thế là Goddes ngay lập tức quay trở về Anh quốc và ném toàn bộ tiền bạc có được vào ý tưởng khởi nghiệp mang tên Ronin Concepts.

Goddes giải thích, sự thành công ngoài mong đợi của Anh trong ngành công nghiệp lính đánh thuê có nguồn gốc từ rất xa xưa. Có lẽ khoảng chừng 200 năm trước, khi đó đế quốc Anh chinh phục cả thế giới, và sự ra đời của East Indian (Đông Ấn), công ty quân sự tư nhân đầu tiên của Anh. Công ty này nắm trong tay thị trường quân sự khổng lồ tại nhiều vùng trên thế giới.

Ngày nay, Hereford đang nổi lên như một trung tâm dịch vụ quân sự tư nhân mới, và sự lớn mạnh của trung tâm này có liên quan trực tiếp đến nhiều điểm nóng xung đột toàn cầu. Hereford đang là bệ phóng cho nhiều công ty tư nhân của Anh nhảy vào thị trường thế giới đầy sôi động, nhiều lợi lộc và cạnh tranh gay gắt.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.