Hồ sơ Nauru và sự thật về trại tị nạn Australia
- Nạn xâm hại trẻ em trong các trại tị nạn nhốt người nước ngoài
- Trẻ em bị tấn công tình dục tại các trại tị nạn
- Trẻ em trong trại tị nạn bị lạm dụng tình dục và buộc phải tham gia đường dây buôn người
Hơn 2.000 báo cáo - tổng cộng hơn 8.000 trang - rò rỉ từ trại giam giữ người chờ xin tị nạn của Australia tại đảo Nauru (thuộc nước Cộng hòa Nauru) trên Thái Bình Dương được tờ báo Anh The Guardian công bố tiết lộ một thực tế kinh hoàng về những vụ tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em, những trường hợp tự gây thương tích và điều kiện sống cực kỳ tồi tệ.
Trại tị nạn hay trại tập trung?
Vài tuần sau khi vụ ngược đãi trong trại giam ở Northern Territory (vùng lãnh thổ miền Bắc Australia) bị phanh phui dẫn đến việc Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull yêu cầu mở cuộc điều tra trên diện rộng, công luận mới biết đến cái gọi là "Hồ sơ Nauru".
Biểu tình ở Australia đòi đóng cửa trại tị nạn vô nhân đạo Nauru và Manus, ngày 20-3-2016, ở Melbourne. |
Tài liệu báo cáo cùng hàng loạt thông tin rò rỉ này khiến công luận không thể không lo ngại về những nguy cơ mà trẻ em và người tị nạn thường xuyên phải đối mặt ở đảo Nauru đồng thời cho thấy chính quyền Australia đã tỏ ra thờ ơ lãnh đạm như thế nào đối với những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm từng được tiết lộ trước đó.
Bằng chứng được thu thập từ đội ngũ những người làm việc trong trại tị nạn; bao gồm bảo vệ, giáo viên, nhân viên y tế. Số phận khốn khổ đến cùng cực của trẻ em chờ được tị nạn ở Australia được nhắc đến nhiều nhất trong Hồ sơ Nauru.
Hơn một nửa số vụ việc trong số 2.116 báo cáo - tổng cộng 1.086 vụ việc, chiếm 51,3% - liên quan đến trẻ em mặc dù chúng chỉ chiếm khoảng 18% số người bị giam giữ tại Nauru trong khoảng thời gian lập các báo cáo, tức từ tháng 5-2013 đến tháng 10-2015. Hàng trăm báo cáo đề cập đến tình trạng nhiều trẻ em tự gây thương tích cho bản thân do hoảng loạn tâm lý sau những lần bị tấn công xâm hại tình dục.
Các báo cáo cũng liệt kê những cảnh ngộ tuyệt vọng của người xin tị nạn. Một phụ nữ mang thai cầu xin trong nước mắt với bộ phận điều tra lập báo cáo sau khi được thông báo phải sinh con tại bệnh viện ở Nauru: "Tôi muốn con tôi đến Australia. Tôi không muốn sinh trong bệnh viện Nauru hay trong môi trường bẩn thỉu này".
Vệ sĩ Wilson Security trong trại tỵ nạn Nauru. |
Từ lâu, chính sách về người tị nạn của chính quyền Australia đã bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích. Nauru là đảo quốc nhỏ nhất thế giới với dân số chưa đến 10.000 người, nhận viện trợ cũng như cung ứng các dịch vụ cho chính quyền Australia. Từ đó, Nauru bị xem là "nhà nước lệ thuộc" trung thành của Australia.
Theo số liệu chính thức mới nhất vào cuối tháng 6-2016, 442 người tị nạn - bao gồm 338 nam giới, 55 phụ nữ và 49 trẻ em - bị giam giữ trong "trung tâm xử lý khu vực" trên đảo Nauru. Một trung tâm người tị nạn khác của Australia ở ngoài khơi là đảo Manus ở Papua New Guinea, nơi giam giữ 854 nam giới.
Tờ The Guardian quyết định công bố Hồ sơ Nauru vì tình trạng vô mhân tính ở những nơi này và họ cho rằng, người dân Australia cần được biết sự thật về trại tị nạn ở Nauru cũng như Manus - hai nơi đóng thuế đến 1,2 tỷ USD/năm cho Australia.
Trong những năm qua, Ủy ban Nhân quyền Australia (AHRC) và Thượng viện Australia từng tiến hành điều tra về trại tị nạn ở Nauru và chính quyền Australia cũng cam kết sẽ cải thiện nâng cao chất lượng sống cho người xin tị nạn.
Tháng 4-2015, Bộ trưởng Nhập cư Peter Dutton tuyên bố rằng ông muốn cải tạo Nauru thành "môi trường an toàn" và nhấn mạnh ông đã "chỉ đạo cơ quan cấp bộ làm những gì có thể được - đối với mạng lưới giam giữ trong nước cũng như đối tác chúng ta ở những trung tâm xử lý khu vực - để bảo đảm rằng tiêu chuẩn chăm sóc đạt mức cao nhất".
Công ty cung cấp an ninh tư nhân Wilson Security của Australia trước đây cũng từng tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng công ty có "những chính sách, thủ tục và phương pháp hành động đúng đắn hỗ trợ những hoạt động ở Nauru".
Ngoài ra, Wilson Security cũng cam kết sẽ kịp thời xử lý những vụ việc xâm hại tình dục nếu họ nhận được báo cáo. Tuy nhiên, Hồ sơ Nauru mà tờ The Guardian tiết lộ lại phơi bày một thực trạng khác hẳn. Những vụ xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ đã không giảm bớt mà còn tiếp tục diễn ra ngày một nhiều hơn trong suốt năm 2015.
Các nhà điều tra của tờ The Guardian đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn một số cựu nhân viên ở trại Nauru và họ xác nhận những gì được nêu ra trong "Hồ sơ Nauru" là có thật. Từ trước đến nay, mọi cố gắng tiếp cận trại tị nạn Nauru đều bị kiểm soát hết sức chặt chẽ vì chính quyền Australia muốn giữ bí mật về những trại tị nạn ngoài khơi của họ. Do đó, thông tin về những gì diễn ra bên trong trại Nauru chỉ thỉnh thoảng mới được tiết lộ ra bên ngoài thông qua một số nhân viên nội bộ.
Người phát ngôn cho Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia phát biểu trong một cuộc họp báo: "Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Cộng hòa Nauru về y tế, phúc lợi và sự an toàn cho trẻ em. Những vụ việc xảy ra bên trong trung tâm xử lý khu vực đã được điều tra và được chuyển giao cho lực lượng cảnh sát Nauru (NPF)".
Chính quyền Australia cũng tuyên bố người tị nạn sống trong cộng đồng Nauru cũng được khích lệ báo cáo mọi vụ tấn công tội phạm với NPF. Cảnh sát liên bang Australia đã triển khai một đội sĩ quan hợp tác hỗ trợ NPF điều tra những vụ phức tạp và nhạy cảm. Chính quyền Australia cũng bắt đầu hỗ trợ các dịch vụ y tế thích hợp cho trung tâm xử lý khu vực ở Nauru và cho cả hệ thống y tế của chính quyền Nauru.
Tấn công tình dục, những mối đe dọa và hành vi tự gây thương tích
Những cáo buộc về xâm hại tình dục - đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em - là đề tài được nêu lên thường xuyên trong "Hồ sơ Nauru" cùng với hành vi lạm quyền và suy đồi đến mất nhân tính của đội ngũ vệ sĩ Wilson Security trong trại tị nạn Nauru. Trong một báo cáo, "cố vấn văn hóa" của Wilson Security nói với một người phụ nữ tị nạn bị cưỡng bức rằng "cưỡng bức là chuyện bình thường ở Australia và chẳng có ai bị trừng phạt".
Hồ sơ Nauru đề cập nhiều nhất đến cảnh ngộ trẻ em. |
Các tài xế xe buýt được sử dụng trong trại tị nạn Nauru cũng bị cáo buộc sử dụng hình ảnh phụ nữ tị nạn để thủ dâm. Thậm chí, một người đàn ông tị nạn trong trại cũng bị những người cùng cảnh ngộ đe dọa tấn công tình dục...
Nữ giáo sư Louise Newman - cựu thành viên Tổ chức Cố vấn y tế cho người nhập cư (IHAG) - cho biết hàng đêm phụ nữ trong trại Nauru thường bị tấn công tình dục và đây là vấn đề lớn ở Nauru. Theo một báo cáo tháng 4-2015, một cô gái trẻ có ánh mắt đờ đẫn, thường hay la hét "không kiểm soát được" cũng như tự hành hạ thể xác mình. Một phụ nữ dùng dao khắc tên chồng (đang sống ở Australia) trên ngực mình.
Đội ngũ chuyên gia y khoa ở trại Nauru cũng lên tiếng cảnh báo về bệnh tâm thần ở người tị nạn do bị giam giữ kéo dài. Tâm lý bức bối đến độ có một người đàn ông thản nhiên hỏi nhân viên hoạt động xã hội nơi có thể mua đạn để ông ta... nhờ người khác bắn mình chết cho xong! Một phụ nữ dùng đầu bút chì vót nhọn để rạch đứt cổ tay, một cô gái khác dùng chiếc váy để treo cổ tự tử.
Phụ nữ là đối tượng thường xuyên bị tấn công tình dục. |
Trong một báo cáo lập vào tháng 1-2015, một thiếu nữ rơi vào trạng thái ảo giác cứ thấy "một người nhỏ bé" sau khi mẹ cô bị sảy thai. Một nữ nhân viên của tổ chức phi lợi nhuận Anh Save the Children viết trong báo cáo: 'Cô gái không biết rõ đó là đàn ông hay phụ nữ nhưng người đó có gương mặt đen sì và nhỏ như đứa bé".
Một số báo cáo tiết lộ tình trạng bẩn thỉu mất vệ sinh trong trại tị nạn và thiếu sự quan tâm chăm sóc y tế. Một phụ nữ mắc chứng bệnh tiểu tiện không kiểm soát được than thở rằng, cô không được cung cấp băng vệ sinh đầy đủ để chữa trị triệu chứng. Một bé gái dưới 10 tuổi không được cho phép sử dụng nhà vệ sinh và còn bị một nam vệ sĩ của Wilson Security rọi đèn pin vào bộ phận sinh dục! Thực trạng này chứng minh là tại sao các chấn thương tâm thần phát hiện nơi trẻ em tị nạn đều là những trường hợp đặc biệt nặng.
Peter Young, cựu giám đốc y khoa làm việc cho trung tâm giam giữ người tị nạn của chính quyền Australia, cho biết: "Tự gây thương tích và mưu toan tự sát là hành vi xảy ra nhiều sau khi người tị nạn bị giam giữ hơn 6 tháng mà không hề được chính quyền Australia đoái hoài đến. Tình trạng tuyệt vọng là nguyên nhân hàng đầu khiến người tị nạn chỉ còn cách tự sát để tự giải thoát. Một số trường hợp tự gây thương tích như may miệng mình lại - hành vi chống đối phổ biến cũng như thể hiện sự bất lực và không có tiếng nói của người tị nạn".