Hồ sơ Panama: Khe hở lách cấm vận

Thứ Tư, 04/05/2016, 17:10
Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên là ba quốc gia chịu sự cấm vận nặng nề nhất của Mỹ và Liên Hiệp Quốc trong thời gian gần đây. Nhưng bất chấp việc bị cấm vận nghiêm ngặt về kinh tế, chính trị, ngoại giao, các quốc gia này vẫn tìm cách vượt qua những khó khăn tạm thời do cấm vận gây ra là do đâu? Hồ sơ Panama đã có câu trả lời: Nhờ Mossack Fonseca và các công ty bình phong do nó quản lý.

Nguồn nhiên liệu duy trì nội chiến bất chấp cấm vận

Cuộc nội chiến Syria kéo dài trong 5 năm qua đã khiến cho nguồn lực kinh tế của quốc gia này gần như cạn kiệt. Sự hỗ trợ về mặt quân sự của Nga và một số đồng minh khác như Iran và Hezbollah chỉ đáp ứng một phần chi phí cho khí tài quân sự. Phần rất quan trọng là nguồn lực tài chính khổng lồ để nuôi dưỡng lực lượng chiến đấu thường trực trên tất cả các mặt trận không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của các đồng minh.

Trong khi đó, với việc Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành chiến dịch chống lại các nhóm phiến quân Hồi giáo đối lập trong nước gây ra cái chết cho hàng vạn thường dân vô tội, từ năm 2011 ban lãnh đạo Syria bao gồm Tổng thống Assad và các quan chức cấp cao trong Chính phủ, các lãnh đạo quân đội và những người có liên quan đã bị Mỹ và các nước đồng minh ở châu Âu cấm vận về kinh tế, tài chính và cấm đi lại tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trước đó, năm 2008, một người anh em họ của Tổng thống Assad đã bị chính quyền Mỹ cấm vận. Theo đuổi cuộc nội chiến để bảo vệ sự tồn tại của chế độ trong tình thế bị Mỹ và phương Tây cấm vận là một bài toán nan giải đối với Tổng thống Assad.

Thế nhưng, Hồ sơ Panama đã cho thấy, thật ra Tổng thống Assad từ lâu đã có lời giải cho bài toán nan giải đó. Bất chấp các lệnh cấm vận nghiệt ngã của Mỹ và đồng minh, Tổng thống Assad và những người thân trong gia đình ông đã tìm được cách để tiếp cận nguồn tài chính và năng lượng cần thiết để duy trì sự tồn tại của chính thể và tiếp tục cuộc nội chiến vốn đã chuyển hướng phức tạp với sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo Hồ sơ Panama, công ty luật Mossack Fonseca ở Panama đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện làm ăn "lách cấm vận" cho không chỉ các quốc gia như Syria, Iran, CHDCND Triều Tiên, mà kể cả những tổ chức, cá nhân khác trên thế giới có quan hệ với các quốc gia này và vi phạm lệnh cấm vận bị đưa vào danh sách cấm vận.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Công ty Mossack Fonseca đã giúp các quốc gia và các tổ chức, cá nhân bị cấm vận thực hiện những giao dịch làm ăn ngoài vòng kiềm tỏa của các lệnh cấm vận, vì các hoạt động của Mossack Fonseca diễn ra trên những vùng lãnh thổ mà luật pháp bảo hộ tuyệt đối các giao dịch không khai báo của các công ty bình phong, miễn là các công ty này nộp thuế và lệ phí đầy đủ. Syria là trường hợp tiêu biểu nhất của việc sử dụng các công ty bình phong tại "thiên đường thuế" để lách các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh, từ đó làm giảm đáng kể hiệu quả cấm vận.

Tổ hợp Báo chí điều tra Quốc tế (ICIJ) và nhật báo Suddeutsche Zeitung của Đức - hai đơn vị đầu tiên khai thác Hồ sơ Panama lập luận rằng, sở dĩ Tổng thống Assad vẫn duy trì được cuộc chiến bền bỉ chống các nhóm phiến quân do Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông hậu thuẫn là vì ông không bị cạn nguồn nhiên liệu xăng dầu để vận hành các khí tài quân sự hạng nặng như xe tăng và máy bay. Bất chấp lệnh cấm vận quốc tế, Chính phủ Syria vẫn có được nguồn cung ứng nhiên liệu không gián đoạn.

Theo các chuyên gia, phần lớn nguồn cung năng lượng này chảy vào qua ngả các Tiểu vương quốc Arập. Qua theo dõi, các cơ quan chức năng Mỹ phát hiện một công ty có tên là Maxima Middle East Trading là đầu mối của một mạng lưới phức tạp các công ty ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Syria, Thụy Sĩ và Hà Lan. Với thủ đoạn làm giấy tờ giả, mạng lưới các công ty này đã được sử dụng để chuyển giao nhiên liệu xăng dầu cho Syria. Vì lý do này, năm 2014, công ty Maxima Middle East Trading và giám đốc công ty đã bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận.

Theo Hồ sơ Panama, công ty Maxima Middle East Trading do Mossack Fonseca đăng ký hoạt động vào năm 2012. Năm 2013, gần 2 năm sau khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu, Mossack Fonseca đã giúp Syria mở một tài khoản tại Ngân hàng Hồi giáo Quốc tế Syria (SIIB). Một năm trước đó, SIIB cũng đã bị chính quyền Mỹ cấm vận vì bị cho là đã cung cấp tiền cho Chính phủ Syria và giúp Tổng thống Assad lách cấm vận của Mỹ.

Theo thông tin của cơ quan chức năng Mỹ, ngoài Maxima Middle East Trading còn có hai công ty nữa tham gia vào việc cung ứng nhiên liệu xăng dầu cho Chính phủ Syria bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Đó là công ty Pangates International Corporation Ltd và Abdulkarim Group.

Cả hai công ty này đều có mối quan hệ làm ăn với Mossack Fonseca. Trong thời gian dài, người chủ của Abdulkarim Group được EU xem là người ủng hộ và có quan hệ lợi lộc với chính quyền Syria. Người này đồng thời cũng là giám đốc của công ty Morgan Additives, một công ty bình phong do Mossack Fonseca quản lý. Morgan Additives cho biết, công ty Abdulkarim Group đã ngừng hoạt động từ năm 2015.

Trong Hồ sơ Panama, công ty Pangates International Corporation Ltd được thành lập từ năm 1999 và kể từ đó đặt trụ sở tại ba thiên đường thuế khác nhau. Nơi đầu tiên khi công ty ra đời là đảo Niue ở Nam Thái Bình Dương, sau đó công ty di chuyển đến đảo quốc Samoa cũng ở Nam Thái Bình Dương, và cuối cùng là di chuyển đến đảo quốc Seychelles vào năm 2012. Công ty đã bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách cấm vận vì đã ủng hộ vật tư, hàng hóa và các dịch vụ khác cho Chính phủ Syria. Kể cả sau khi bị cấm vận, công ty này dường như vẫn tiếp tục hoạt động thêm vài năm.

Nguồn tài chính quan trọng của Tổng thống Assad

Bên cạnh mạng lưới các công ty cung ứng nguồn nhiên liệu thiết yếu để Chính phủ Syria duy trì nội chiến, còn có một đường dây khác cung cấp tài chính giúp Damascus đứng vững trong cuộc nội chiến. Theo các chuyên gia tình báo, người đứng đầu đường dây tài chính này được xác định là Rami Makhlouf. 

Rami Makhlouf, người anh em họ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tên của Makhlouf xuất hiện nhiều lần trong Hồ sơ Panama. Không chỉ là anh em họ của Tổng thống Assad, Makhlouf còn là người giàu có nhất Syria và là nhà cung cấp tài chính lớn nhất cho chính quyền Syria. Hồi còn nhỏ, Makhlouf chơi cùng Assad, lớn lên họ lại cùng chung chiến tuyến, kề vai sát cánh bên nhau.

Theo Hồ sơ Panama, từ năm 2008, Makhlouf đã bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách cấm vận. Chính quyền Mỹ cho rằng, Makhlouf nằm trong nhóm những người giàu lên bất thường ở Syria, và vì thế "hưởng lợi từ tình trạng tham nhũng công tràn lan trong giới chức Syria".

Suleiman Marouf.

Đến thời điểm đó, Makhlouf đã là khách hàng 10 năm của Mossack Fonseca. Ông này là cổ đông nắm cổ phần đa số, do đó nắm quyền kiểm soát trong công ty Polter Investments, thành lập từ năm 1998 và đặt trụ sở tại British Virgin Islands. Đến năm 2002, Mossack Fonseca tiếp nhận một số tài liệu liên quan đến một vụ tranh tụng tại tòa án giữa công ty Drex Technologies và một công ty Ai Cập.

Từ các tài liệu này, Mossack Fonseca mới biết được vai trò của Makhlouf trong các công ty và mối quan hệ giữa ông với Tổng thống Assad. Tài liệu cũng cho thấy ngoài các công ty vừa nêu, Makhlouf còn là giám đốc hoặc cổ đông của ba công ty khác gồm Cara Corporation, Dorling International và Ramak Limited, tất cả được thành lập trong thời gian từ năm 1996-2006 và đặt trụ sở tại British Virgin Islands.

Khi làn sóng "Mùa xuân Arập" lan sang Syria vào đầu năm 2011, và sau đó là cuộc nội chiến bắt đầu, mọi chuyện vẫn diễn ra êm xuôi, nhưng trong nội bộ công ty Mossack Fonseca có một số người tỏ ra e ngại lệnh cấm vận của Mỹ nên muốn dừng dịch vụ với Makhlouf.

Phòng Chấp hành pháp luật của Mossack Fonseca đã viết thư gửi các đối tác của công ty đặt vấn đề chấm dứt hợp đồng với Makhlouf vì ngại vi phạm lệnh cấm vận. Tuy nhiên, các đối tác đã không chấp nhận giải pháp của Phòng Chấp hành pháp luật. Mặc dù vậy, sau khi châu Âu theo gương Mỹ áp đặt lệnh cấm vận nghiêm khắc đối với Makhlouf vào tháng 5-2011, Mossack Fonseca bắt đầu chùn bước, hạn chế dần việc hợp tác với Makhlouf và đi đến chấm dứt hoàn toàn vào khoảng một năm sau.

Hồ sơ Panama cũng nêu tên 3 người em ruột của Rami Makhlouf cùng tham gia làm chủ và sử dụng các công ty bình phong để hỗ trợ Tổng thống Syria Assad về mặt tài chính. Tại Syria, Hafis Makhlouf được giao phụ trách một trại tù ở Damascus, và bị cáo buộc chủ mưu vụ tấn công khí hóa học vào tháng 8-2013 ở Ghuta, làm chết hàng trăm người Syria.

Người em kế Ehab Makhlouf là Phó chủ tịch công ty viễn thông Syriatel và bị nghi là người cung cấp tài chính quan trọng cho Chính phủ Syria. Người cuối cùng là Eyad Makhlouf, một đại úy quân đội và là một sĩ quan tình báo.

Tháng 5-2011, cả ba anh em này đều bị EU cấm vận cùng với người anh cả Rami do tham gia sử dụng các công ty bình phong do Mossack Fonseca quản lý để ủng hộ tài chính cho chính quyền Tổng thống Assad.

Ngoài các anh em nhà Makhlouf, trong Hồ sơ Panama còn có một người nữa tên là Suleiman Marouf. Marouf nắm cổ phần tại ít nhất 6 công ty bình phong do Mossack Fonseca quản lý, và các công ty này lại nắm quyền sở hữu các bất động sản lớn tại Anh. Marouf được biết đến như là một cánh tay đắc lực của ông Assad tại London: một nhà trung gian cho các giao dịch kinh tế ở London.

Marouf đã dùng hàng triệu USD để hỗ trợ chính phủ Syria duy trì cuộc nội chiến. Sau khi Marouf bị EU đưa vào danh sách cấm vận, Phòng Chấp hành pháp luật của Mossack Fonseca đánh giá các công ty của Marouf là "rủi ro cao". Tuy vậy, Mossack Fonseca vẫn giữ ông này làm khách hàng của mình. Năm 2014, trước sức ép của Anh, EU đã xóa tên Marouf khỏi danh sách cấm vận.

Iran: Tìm đường bán dầu mỏ

Công ty Mossack Fonseca đã từng làm ăn với một công ty dầu mỏ của Iran nằm trong danh sách cấm vận mà không hề hay biết. Chỉ khi công ty định mở một hộp thư cho công ty mỏ Iran trên đảo quốc British Virgin Islands, một khách hàng khác của công ty và các ngân hàng lên tiếng cảnh báo về việc cấm vận thì Mossack Fonseca mới phát hiện ra.

Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad được cho là đã sở hữu một công ty bình phong ở British Virgin Island do Mossack Fonseca quản lý.

Mossack Fonseca chỉ phát hiện Petropars thuộc sở hữu của nhà nước Iran và nằm trong danh sách cấm vận khi Trưởng văn phòng đại diện công ty tại Geneva, Thụy Sĩ yêu cầu mở thêm một địa chỉ thư tín mới cho công ty khách hàng tại British Virgin Islands, hộp thư số 3136 đặt tại khu Road Town, Tortola. Đây cũng là địa chỉ chung cho hàng ngàn công ty bình phong khác do Mossack Fonseca quản lý, trong đó có Petropars.

Tuy nhiên, từ tháng 6-2010, công ty Petropars của Iran đã bị Văn phòng Kiểm soát tài sản ở nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách cấm vận. Lý do: Petropars đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào khu mỏ khí đốt South Pars lớn nhất thế giới nằm trong Vịnh Persic của Iran. Việc cấm vận Petropars là nhằm mục đích ngăn chặn dòng tài chính cung cấp cho chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran.

Khi kiểm tra thường xuyên thông tin khách hàng, Mossack Fonseca phát hiện mình đang quản lý Petropars cùng với hai công ty khác mà Petropars có cổ phần là Drilling Company International Limited và Venriogc Limited. Ba tháng sau khi Petropars bị cấm vận, nội bộ Mossack Fonseca đề xuất hủy hợp đồng quản lý công ty này. Tháng 5-2011, Petropars dừng hoạt động tại British Virgin Islands. Các công ty còn lại vẫn hoạt động bình thường.

Sau Petropars, Mossack Fonseca tiếp tục phục vụ cho một công ty khác của Iran là Petrocom, trụ sở đặt tại Iran và có văn phòng hoạt động tại London, Anh. Cơ quan quản lý nhượng quyền kinh doanh Anh quốc ghi nhận người chủ thụ hưởng của Petrocom là cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Tuy nhiên, ông Ahmadinejad không có cổ phần nào trong công ty này.

Tháng 6-2013, OIIC, công ty mẹ của Petrocom bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận, được mô tả là một trong mạng lưới 37 công ty bình phong dùng để quản lý các tài sản thương mại của giới lãnh đạo Iran. Hồ sơ Panama cho biết, OIIC được kiểm soát bởi một công ty có tên là Eiko, và hiện vẫn nằm trong danh sách khách hàng của Mossack Fonseca.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.