Kho vàng bí ẩn của Tập đoàn Siemens ở Bahamas

Thứ Sáu, 20/05/2016, 11:30
Vào tháng 11-2013, hơn 375.077 ounce vàng trị giá 480 triệu USD vào thời điểm đó đã được ký gửi vào một tài khoản trong Chi nhánh Ngân hàng Societe Generale của Pháp tại Bahamas. Người đứng tên tài khoản đó là Hans-Joachim Kohlsdorf, người Đức, 57 tuổi.

Trong nhiều thập niên qua, Kohlsdorf nắm giữ nhiều vị trí khác nhau ở Mỹ Latinh do Tập đoàn Siemens giao. Đây là một trong những bí mật lớn nhất được tiết lộ trong Hồ sơ Panama.

Sử dụng công ty bình phong để che đậy dòng tiền hối lộ

Theo Hồ sơ Panama, số vàng trị giá 480 triệu USD nói trên bị nghi là số tài sản thuộc một quỹ đen từng bị phanh phui cách đây 10 năm. Kohlsdorf là một trong những nhà quản lý của Tập đoàn Siemens bị điều tra trong vụ án lập quỹ đen để hối lộ lớn nhất ở Tập đoàn Siemens hồi năm 2012. Trong quá trình thẩm vấn tại Văn phòng công tố nhà nước, Kohlsdorf đã thừa nhận có quản lý quỹ đen cho một số chi nhánh của Siemens tại một số quốc gia Mỹ Latinh.

Ông Hans-Joachim Kohlsdorf.

Tuy nhiên, Kohlsdorf không phải ra hầu tòa, vì cơ quan điều tra không thể chứng minh là ông ta đã đưa hối lộ cho ai. Hơn nữa, do hợp tác tốt với cơ quan chức năng nên Kohlsdorf được Văn phòng công tố nhà nước ở Munich đình chỉ điều tra. Cuối cùng, ông ta chỉ phải nộp phạt hành chính 40.000 euro. Đồng thời, các công tố viên thông cảm với hoàn cảnh của Kohlsdorf vì cho rằng hành động của ông ta chỉ là kết quả của sự “hiều lầm các lợi ích doanh nghiệp”, và rằng ông ta đã hoàn lại toàn bộ số tiền quỹ đen còn lại.

Tuy nhiên, người ta tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu Kohlsdorf có thật sự hoàn lại tất cả số tiền quỹ đen không? Hồ sơ Panama gợi ý rằng không hề có chuyện đó, rằng trên thực tế ông ta có thể đút túi một phần tiền quỹ đen, và rằng ông ta có thể đã không hoàn lại đầy đủ số tiền quỹ đen còn lại cho Tập đoàn Siemens.

Những gì được tiết lộ trong Hồ sơ Panama đã giúp soi rọi thêm vào những góc khuất vẫn còn bên trong vụ án tại Siemens mà các công tố viên ở Munich vào thời điểm xảy ra vụ án đã không thể lần tới được. Bây giờ, người ta biết được rằng, Công ty luật Mossack Fonseca là một đối tác quan trọng của Tập đoàn Siemens, và quản lý một số công ty bình phong cho doanh nghiệp này, như một cách để che đậy số tiền dùng để hối lộ.

Trụ sở Tập đoàn Siemens tại Munich, Đức.

Trong một thời gian dài, Kohlsdorf là một trong những nhà quản lý quan trọng nhất của Siemens ở khu vực Mỹ Latinh. Ông ta điều hành công việc làm ăn của tập đoàn này ở vùng Andes từ năm 1997 trở về sau, và ở Mexico từ năm 2003 đến 2009. Kohlsdorf khai với Văn phòng công tố Munich rằng, ông ta trực tiếp quản lý các quỹ đen trị giá hơn 100 triệu USD, phần lớn trong số đó được chi trả ngược về Siemens từ năm 2008 trở về sau. Một phần trong số tiền này được dùng để “hậu tạ” các đối tác kinh doanh và các công chức vì đã giúp Siemens có được các hợp đồng làm ăn.

Những khách hàng đặc biệt của Mossack Fonseca

Tại Mossack Fonseca, Kohlsdorf và các nhà quản lý khác của Siemens được xem là khách hàng đặc biệt, là những người “có rất nhiều tiền”. Các giao dịch thương mại của họ được xử lý với mức độ “bí mật cao nhất”.

Công ty luật này yêu cầu nhân viên của mình không bao giờ được gửi văn bản giấy tờ cho ông Kohlsdorf, mà tất cả mọi giấy tờ đều phải giữ ở Panama. Mossack Fonseca làm mọi cách cần thiết để bảo vệ công ty và các khách hàng Siemens. Chẳng hạn, trong các văn bản giấy tờ, tên của Kohlsdorf luôn được viết tắt; ông ta được gọi tắt là “Ông K”. Thậm chí cả e-mail cũng sử dụng mật danh như “Azkaban” – tên nhà tù dùng để nhốt phù thủy trong truyện Harry Potter. Còn có một địa chỉ e-mail nữa tên là “Bruni”, tên mẹ của ông Kohlsdorf.

Chi nhánh Ngân hàng Societe Generale tại Bahamas.

Hệ thống bảo mật của Mossack Fonseca quả nhiên rất hiệu quả. Ngay cả khi vụ bê bối bị phanh phui vào tháng 11-2006, các nhà điều tra, luật sư và kiểm toán viên đều không thể phát hiện được gì khi kiểm tra các hoạt động của công ty.

Nói chung, các nhà điều tra chỉ thấy được phần việc của người Đức: cách thức Siemens đã làm giả hóa đơn chứng từ và các hợp đồng tư vấn trong nhiều năm để giấu tiền bên ngoài sổ sách và chuyển chúng vào các quỹ đen để dùng vào mục đích hối lộ. Một số công ty bình phong tại một số nơi như Liechtenstein và vùng Caribbe được nêu tên trong hồ sơ điều tra ở Munich, còn Mossack Fonseca thì không hề.

Các nhà điều tra đã không hề hay biết về những gì Mossack Fonseca đã làm cho Siemens. Văn phòng công tố Munich đã gửi một thư thẩm tra sang Panama, nhưng câu hỏi chính vẫn chưa có câu trả lời. Lúc đó, các nhà điều tra kết luận rằng gửi thêm một thư thẩm tra nữa cũng chẳng giải quyết được gì, nên thôi.

Kết quả là mối liên hệ giữa Mossack Fonseca và Siemens – kể cả Kohlsdorf – vẫn được giữ bí mật cho đến nay. Vào ngày 10-6-2008, Kohlsdorf đã phải trả lời thẩm vấn trong suốt 3 giờ tại Văn phòng công tố, và các nhà điều tra vẫn không thể biết được mối liên hệ với Mossack Fonseca. Theo  Hồ sơ Panama, vào đúng ngày Kohlsdorf bị thẩm vấn, Mossack Fonseca đã gửi một e-mail nội bộ thông báo rằng ông ta “vừa có tin xấu”. Có thể số tiền hàng triệu USD của Siemens sẽ phải chuyển về Đức. Điều này có nghĩa là “chúng ta sẽ mất số tiền này và khách hàng Gillard của chúng ta”.

Gillard Management là một công ty bình phong có tài khoản ngân hàng được mở tại Panama, Singapore và Thụy Sĩ. Theo các tài liệu tiết lộ, Kohlsdorf và các nhân viên khác của Siemens đã có liên quan đến việc quản lý công ty này.

Trong các tài liệu của Mossack Fonseca, Kohlsdorf được ghi nhận là người sáng lập công ty. Điều kỳ lạ là cho đến năm 2007, Công ty Gillard mới được thành lập, vài tháng sau khi vụ bê bối Siemens bị phanh phui tháng 11-2006. Sau đó, hàng triệu USD đã được chuyển qua tài khoản của Gillard, nhưng cho đến nay vẫn không rõ lý do cụ thể vì sao có các giao dịch này. Chưa hết, điều khiến người ta khó hiểu hơn là số vàng trị giá 480 triệu USD được gửi vào tài khoản ngân hàng Societe Generale của ông Kohlsdorf ở Bahamas.

Giao dịch này được Mossack Fonseca lưu giữ trong hồ sơ kiểm kê về các hoạt động ngân hàng mà công ty này quản lý cho khách hàng của mình. Danh mục cho thấy có hàng ngàn vụ chuyển tiền, một số bằng đồng USD, một số bằng đồng euro, và những vụ khác bằng vàng. Các nhân viên Mossack Fonseca đã ghi rõ số tiền chuyển cho ai.

Trong nhiều trường hợp, các lần chuyển tiền trị giá từ vài ngàn cho đến vài trăm ngàn, có vụ đến 10 triệu USD. Còn một lần chuyển đến 480 triệu USD là quá bất thường. Lại một câu hỏi nữa được đặt ra: Số vàng này có phải thuộc về ông Kohlsdorf  không? Kohlsdorf xác nhận với tờ Suddeutsche Zeitung tài khoản ngân hàng Societe Generale ở Bahamas là của ông ta, nhưng đã chối bỏ việc có một số vàng lớn như thế được gửi cho mình.

Dấu hiệu thao túng thị trường

Có một sự trùng hợp kỳ lạ là giao dịch mua bán vàng đã bị tạm đình chỉ tại Thị trường chứng khoán London (LSE) vào đúng ngày vàng đã được chuyển vào tài khoản của ông Kohlsdorf. Chỉ trong 10 giây, giá vàng đã rớt 10 USD, và người ta nghi ngờ có sự thao túng thị trường vàng.

Lập luận của giới chuyên môn cho rằng, chỉ có việc chuyển một lúc nửa tỉ USD vàng mới có thể gây ra diễn biến thị trường như thế. Tuy nhiên, sự thật có thao túng hay không vẫn chưa được làm rõ, vì LSE không tiết lộ chi tiết nào, còn Bafin - Cơ quan Giám sát tài chính của Đức, vào thời điểm đó cũng đã mở cuộc điều tra đối với Societe Generale, thì cho đến nay cũng giữ im lặng một cách khó hiểu.

Ngoài những thông tin có trong Hồ sơ Panama, không có bất cứ manh mối nào khác về số vàng 480 triệu USD, vì thế cũng không có gì để chứng minh nó tồn tại. Nhưng nếu nó tồn tại thì sao? Phải chăng Kohlsdorf mượn vài trăm triệu USD từ nơi khác để đầu cơ? Liệu ông ta có tự chuyển số vàng đó vào tài khoản của mình? Có phải đây chính là lý do mà ngân hàng Societe Generale đã “không lưu hồ sơ” giao dịch này?

Một số khả năng có thể xảy ra ở đây. Một điều chắc chắn rõ ràng là tài khoản ngân hàng ở Bahamas xuất hiện ở nhiều tài liệu khác nhau trong Hồ sơ Panama, trong đó có việc Công ty Gillard (đã nêu ở phần trên) chuyển tiền vào tài khoản này.

Thậm chí Kohlsdorf còn cung cấp cho văn phòng công tố các tài liệu đề cập một tài khoản ngân hàng của Công ty Gillard tại một ngân hàng ở Panama, trong đó ông ta được ghi tên là người thụ hưởng. Tuy nhiên, tên của công ty lại không xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Theo các tài liệu mà Kohlsdorf giao nộp cho các nhà điều tra, vào thời điểm 30-6-2008 trong tài khoản có 4.189.696,17 USD. Trong buổi thẩm vấn đó, Kohlsdorf đề cập đến một khoản tiền 6 triệu USD. Lẽ đương nhiên, tiền trong tài khoản là tiền của Siemens. Nhưng chỉ có 4,1 triệu USD được chuyển trở về cho Siemens.

Một tờ khai ngân hàng có trong Hồ sơ Panama thể hiện rằng vào ngày 30-6-2008, trong tài khoản ngân hàng quả thực có 6.141.461,79 USD, nhiều hơn 2 triệu USD so với số tiền ghi trong sồ sơ của văn phòng công tố. Số tiền 2 triệu USD dôi ra này tiếp tục nằm trong tài khoản trong khi việc hoàn trả cho Siemens diễn ra và nó vẫn nằm đó cả về sau này.

Hồ sơ Panama cho thấy, Kohlsdorf đã sử dụng số tiền này để mua trái phiếu và các hoạt động đầu tư khác. Sau đó, dường như ông ta đã gửi số tiền đó vào một tài khoản mới của Công ty Gillard Management tại ngân hàng Andbank ở Cộng hòa Andorra. Sự việc có vẻ phức tạp hơn: vào mùa hè năm 2012, khi cuộc điều tra đối với Kohlsdorf đã bị hủy, 2 triệu USD trong tài khoản ở Andorra đã được chuyển sang ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. Chứng từ chuyển tiền thể hiện tài khoản đó thuộc về một nhân viên trong ngân hàng. Thời điểm đó, Kohlsdorf đã không còn làm việc cho Siemens.

Vụ chuyển tiền sang Zurich suýt thất bại do một nhân viên trong bộ phận chấp hành pháp luật của Mossack Fonseca lên mạng Google tìm tên  nhân viên ngân hàng đó và tình cờ phát hiện thông tin từ nguồn nặc danh cho rằng ông ta có dính líu một vụ rửa tiền. Mossack Fonseca không lưu giữ thông tin về hộ chiếu của ông này. Tuy nhiên, một cố vấn về khách hàng của Mossack Fonseca, một người Đức, đã mau chóng bác bỏ mọi băn khoăn liên quan vụ chuyển tiền này.

Nhờ thế nó mới được thực hiện. Nhưng vẫn còn một câu hỏi: tại sao  nhân viên ngân hàng UBS đó nhận số tiền này? Bản thân nhân viên ngân hàng UBS khẳng định mình không hưởng lợi gì từ số tiền của Siemens. Một nhân viên khác trong ngân hàng UBS biết rất rõ các chi triết của vụ giao dịch này và đã xác định rằng người chủ sở hữu thật sự của tài khoản ở ngân hàng UBS không ai khác chính là Hans-Joachim Kohlsdorf. Nếu điều này là thật thì Kohlsdorf đã chuyển phần tiền còn lại của quỹ đen vào một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ sau khi cuộc điều tra nhắm vào ông ta đã được đình chỉ.

Theo Hồ sơ Panama, số tiền còn lại trong ngân hàng Andorra cũng được phân chia. Công ty Mossack Fonseca nhận 80.000 EURO tiền hoa hồng, và Kohlsdorf đã chuyển 20.000 USD cho một đồng nghiệp cũ ở Ecuador. Còn lại 50.000 USD được cho là dung để chi trả cho một “người bạn”, và “người bạn” này được xác định là chính Kohlsdorf. Đầu năm 2013, số tiền 50.000 USD này đã được chuyển vào tài khoản chứa số vàng 480 triệu USD tại chi nhánh Societe Generale ở Bahamas.

Nguyên Khang (theo Suddeutsche Zeitung)
.
.