Hồ sơ tài chính bí mật của RSF ở Sudan

Chủ Nhật, 22/12/2019, 20:31
Là tổ chức quân sự mạnh nhất ở Sudan hiện nay, Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) dưới quyền chỉ huy của Mohammed “Hemedti” Hamdan Daglo nổi tiếng bởi những vụ tàn sát hàng loạt dân thường mà gần đây nhất - ngày 3-6-2019 tại Khartoum - hơn 100 người vô tội đã chết dưới tay RSF.

Nguồn tài chính của Hemedti đến từ các mỏ vàng ở Darfur và đó cũng là nguồn nuôi dưỡng hơn 30.000 tay súng RSF với doanh số hàng năm lên đến 600 triệu USD

Nguồn gốc của RSF

Ra đời năm 1988 với sự chấp thuận của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, tổ chức dân quân Janjaweed ở Sudan quy tụ phần lớn người Arab, cầm đầu là Musa Hilal với mục tiêu ngăn chặn những cuộc nổi dậy của những người bất đồng chính kiến.

Theo các nhà quan sát thuộc Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chỉ 6 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, Janjaweed đã giết hại hơn 1.000 người. Tất cả đều bị chụp cho cái mũ “chống đối” và không một ai được đưa ra tòa để xét xử.

Năm 1989, Mohammed “Hemedti” Hamdan Daglo tham gia Janjaweed. Đến năm 2003, khi Musa Hilal thành lập Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) thì Hemedti được cử làm phó chỉ huy lực lượng này.

Mohammed “Hemedti” Hamdan Daglo (đứng giữa), người chỉ huy lực lượng SRF.

Một báo cáo của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cho thấy tính đến giữa năm 2019, RSF là tác giả của những vụ diệt chủng với khoảng 300.000 thường dân bị giết, Hemedti bị xem là “tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại và tội phạm diệt chủng”.

6 giờ sáng ngày 23-11-2004, một nhóm các tay súng RSF bất ngờ tấn công làng Adwa, phía nam Darfur, giết chết 126 thường dân vô tội.

Để che giấu tội ác, RSF đốt hết nhà cửa trong làng, xác các nạn nhân bị ném xuống những cái giếng rồi lấp đất. Nhiều thiếu nữ trẻ bị hãm hiếp. Trả lời các quan chức thuộc Liên minh châu Phi, Hemedti thừa nhận vụ thảm sát này đồng thời còn cho biết “Phối hợp với quân đội của Tổng thống al-Bashir, vụ tấn công đã được lên kế hoạch trước đó vài tháng”.

Đầu năm 2013, Hemedti tiến hành một chiến dịch chống lại nhóm nổi dậy Darfuri (mà thực chất là bảo kê việc khai thác vàng ở mỏ Jebel Amer, bao gồm các phần tử vũ trang đến từ Chad, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Mali). Với hàng nghìn chiến binh tuyển mộ trong lực lượng dân quân Janjaweed cộng với những người mới gia nhập, các tay súng RSF chiếm mỏ Jebel Amer sau khi đã đánh cho nhóm Darfuri tan tác nhưng quyền kiểm soát mỏ vẫn thuộc về Musa Hilal, cha đẻ của RSF.

Được phần lớn lực lượng dân quân Janjaweed ủng hộ, Musa Hilal tổ chức lại ngành công nghiệp khai thác vàng rồi bán cho các thương nhân đến từ biên giới với Lybia. Chỉ riêng năm 2013, Musa Hilal thu được 540 triệu USD từ việc buôn bán này.

Cuối tháng 2 đến đầu tháng 5-2014, đích thân Hemedti chỉ huy cái gọi là “Chiến dịch mùa hè”, diễn ra ở nam Darfur và bắc Darfur. Trong chiến dịch ấy, 10 thị trấn bị đốt cháy, hàng nghìn thường dân bị tra tấn, hãm hiếp, làng mạc, nhà cửa cùng các cơ sở hạ tầng bị tàn phá.

Đến giai đoạn 2 của “Chiến dịch mùa hè”, các tay súng RSF lại tiếp tục hành vi diệt chủng với công thức “bắn, hiếp, đốt”. Một số nhân chứng cho biết chính mắt họ nhìn thấy lính RSF thay nhau hãm hiếp 7 cô gái ở làng Hiraiga và làng Afouna trong lúc những kẻ khác bắn những người đàn ông khi họ cố gắng tìm cách cứu con gái họ.

Ngày 19-12-2018, nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra trên lãnh thổ Sudan, kêu gọi Tổng thống al-Bashir từ chức vì đã để đất nước rơi vào hỗn loạn, kinh tế suy thoái. Nhằm cứu vãn chế độ al-Bashir, Henedti chuyển cho Ngân hàng Trung ương Sudan 1.027.000.000 USD với hy vọng ổn định tình hình tài chính nhưng việc này chỉ như muối bỏ biển khi mà mức lạm phát đã lên đến 300%.

Ngày 19-4-2019, quân đội Sudan giải tán nội các và cơ quan lập pháp, bãi miễn chức vụ tổng thống của al-Bashir đồng thời bắt giam ông này.

Thường dân bị RSF bắt giữ.

Hơn 100 thành viên cao cấp của chính phủ al-Bashir cũng bị bắt, bao gồm cả thủ tướng Mohamed Taher Ayala, lãnh đạo Đảng Quốc hội, Ahmed Haroun, thành viên của Đại hội quốc gia, cựu Phó chủ tịch Bakri Hassan Saleh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ali, cựu Bộ trưởng nội vụ Ibrahim Mahmoud, cựu Bộ trưởng tổng thống Fadl Abdallah, thống đốc bang Khartoum Abdel Rahim Mohammed Hussein…

Tất cả những nhân vật nêu trên đều bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cáo buộc là thủ phạm gây ra tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Khi việc bãi miễn diễn ra, nhận thấy con bài al-Bashir đã hết thời nên Hemedti khoanh tay ngồi im mặc dù ông ta nắm trong tay lực lượng RSF. Chính vì vậy, Hemedti được hội đồng tướng lĩnh bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan nhưng theo kênh truyền hình Al Jazeera, Hemedti thực chất là người đứng đầu hội đồng này.  

Hồ sơ tài chính của RSF

Ngược dòng thời gian, 3 năm sau khi chiếm được mỏ vàng Jebel Amer và khi lực lượng RSF trung thành với mình đã lớn mạnh, Hemedti nghĩ ngay đến việc loại bỏ Musa Hilal - người sáng lập tổ chức dân quân Janjaweed và đồng thời cũng là cha đẻ của RSF. Bằng cách “đi đêm” với Tổng thống al-Bashir, Hemedti yêu cầu Tổng thống al-Bashi tuyên bố giải giáp các nhóm vũ trang của Musa Hilal tại mỏ vàng Jebel Amer.

Lập tức, ngày 27-10-2017, al-Bashir ra lệnh cho quân đội tiến hành một chiến dịch lớn mà mục tiêu là tịch thu vũ khí cùng các phương tiện xe máy của Musa Hilal với cáo buộc “đã sử dụng để cướp bóc tài nguyên quốc gia”. Không chút chậm trễ, Hemedti điều động 10.000 tay súng thuộc RSF đến mỏ Jebel Amer để “hỗ trợ quân đội, thiết lập lại an ninh trong vùng này”.

Khai thác vàng ở mỏ Jebel Amer.

Thời điểm ấy, các nhóm vũ trang của Musa Hilal kiểm soát hơn 400 khu vực khai thác vàng ở mỏ Jebel Amer với lợi nhuận hàng năm ước tính vào khoảng 600 triệu USD, đứng thứ 3 châu Phi, chỉ sau Ghana và Nam Phi. Thoạt đầu, Mila Hilal từ chối giao nộp vũ khí đồng thời lên tiếng thách thức chính phủ của Tổng thống al-Bashir bởi lẽ ông ta vẫn tin Hemedti trung thành với mình. Nhưng khi biết Hemedti trở mặt, dùng quân RSF đánh mình nên Musa Hilal rút lui.

Chiếm được mỏ Jebel Amer, Hemedti một mặt thành lập khu định cư cho công nhân khai thác vàng với khoảng 70.000 người. Mặt khác, Hemedti liên kết với Công ty vàng Al Gunade ở Sudan thông qua một tài khoản cá nhân tại Ngân hàng quốc gia Abu Dhabi - hiện nay là một phần của First Abu Dhabi Bank. Bên cạnh đó, Hemedti còn có mối quan hệ mật thiết với Công ty SGK, trụ sở tại Sudan và tập đoàn Tradive General Trading. Những mối liên kết này đã giúp Hemedti và RSF kiểm soát phần lớn thị trường vàng ở Sudan.

Nằm dưới quyền sở hữu của 3 thành viên trong gia đình Hemedti, gồm Abdul Rahim Hamdan Daglo,  Algoney Hamdan Daglo - cả hai đều là anh ruột của Hemedti và Abdul Rahim, đứa em út, Al Gunade là cỗ máy kiếm tiền cho Hemedti. Ngay chính bản thân Hemedti cũng nằm trong ban giám đốc của Al Gunade.

Các bảng sao kê do Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu thu thập được cho thấy SRF đã sử dụng một tài khoản của Công ty vàng Al Gunade để thanh toán 686.000 Dirham (đơn vị tiền tệ Sudan, tương đương 186.000 USD) cho một cá nhân thuộc một quốc gia châu Á trong thương vụ mua bán tên lửa vác vai. Một khoản khác trị giá 14.000 USD được Al Gunade thanh toán cho các món nợ của RSF.

Kết quả điều tra của Nhân chứng Toàn cầu nêu rõ từ tháng 4 đến tháng 7-2019, RSF nhận được 4 đợt chuyển tiền từ Tập đoàn Tradive General Trading với tổng số tiền là 48.000.000 Dirham (tương đương 11 triệu USD).

Cũng trong tháng 7-2019, Tập đoàn Tradive General Trading còn chuyển cho Algoney Hamdan Daglo - là anh ruột của Hemedti 11 triệu USD thông qua Ngân hàng El Nilein Sudan ở Abu Dhabi. Mục đích của việc chuyển tiền này được ghi là “cấp vốn cho công ty con  chuyên về bảo mật thông tin máy tính”.

Bên cạnh đó, việc cung cấp lính đánh thuê RSF để chiến đấu tại Yemen với mức lương từ 2.000 đến 3.000USD mỗi người/tháng, cũng mang lại cho Hemedti nguồn thu nhập đáng kể.

Theo Nhân chứng Toàn cầu, một phần của số tiền ấy được Hemedti dùng để mua sắm các thiết bị phục vụ mục đích quân sự, trong đó có 1.000 chiếc xe bán tải hiệu Toyota. Khi mua về, Hemedti cho lắp đặt súng đại liên 12,7mm, súng không giật 57mm trên thùng xe để biến nó thành những cụm hỏa lực di động.

Các video clip được quay vài tiếng đồng hồ trước khi xảy ra vụ thảm sát ở làng làng Adwa, phía nam Darfur, giết chết 126 thường dân vô tội hôm 3-6-2019 cho thấy một lượng lớn những tay súng RSF đang tụ tập xung quanh những chiếc Toyota Land Cruiser và Toyota Hilux.

 Nó cũng hoàn toàn phù hợp với lời tường trình của người dân ở thị trấn Talodi, phía nam tỉnh Kordofan với Tổ chức truyền thông Sudan Radio Dabanga khi họ biểu tình để phản đối việc sử dụng quá nhiều thủy ngân trong khai thác vàng, dẫn đến các nguồn nước sinh hoạt của họ bị nhiễm độc nghiêm trọng. Khi cuộc biểu tình đang diễn ra, RSF đã điều động hơn chục xe bán tải trang bị súng máy đến và kết quả là đám đông nhanh chóng bị dập tắt với 9 người thương vong.

Nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho RSF, Hemedti không tiếc tiền mua sắm các thiết bị chiến tranh hiện đại. Các bảng sao kê bị rò rỉ cho thấy 40.000 USD đã được RSF sử dụng với lý do “hỗ trợ kỹ thuật”. Một khoản chi khác trị giá 30.000 USD được dùng để mua thiết bị liên lạc và điều này đã khiến RSF trở thành lực lượng quân sự mạnh nhất Sudan.

Tính đến tháng 10-2019, RSF đã trả hơn 9.000.000 Dirham (2,5 triệu USD) cho các công ty ở nước ngoài thông qua mạng lưới đại lý tại Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Rwanda, Malaysia, Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thành viên cao cấp của RSF cũng tiến hành những chuyến đi Đức, Nga và Hà Lan với danh nghĩa tìm kiếm đối tác thương mại.

Một nhân viên của Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu cho biết khi liên lạc với hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản Toyota về việc hãng này bán cho RSF 900 xe bán tải Hilux và 100 xe Land Cruiser, Toyota không hề biết rằng lô xe ấy được RSF hoán cải thành xe vũ trang.

Theo một số chuyên gia tài chính thuộc Ngân hàng Phát triển châu Phi, việc phơi bày các hoạt động trong mạng lưới tài chính của RSF là một bước quan trọng, hướng tới việc chế tài quốc tế đối với RSF trong bối cảnh Sudan đang tiến hành chuyển đổi dân chủ - trong đó bao gồm cả việc minh bạch hóa chi tiêu của các lực lượng vũ trang. Nó cũng giúp người dân Sudan kiểm soát tốt nguồn tài nguyên quốc gia mà trong giai đoạn này, vẫn nằm dưới sự chi phối của RSF.

Vẫn theo các chuyên gia tài chính, Hemedti hiện đang ngồi trên đỉnh cao của một tổ hợp quân sự - công nghiệp phức tạp. Ông ta kiểm soát một lực lượng vũ trang mạnh nhất Sudan nên chỉ khi nào “tổ hợp” của Hemedti nằm trong vòng kiểm soát về tài chính và các hoạt động quân sự liên quan đến dân thường thì lúc ấy, việc chuyển đổi sang chính phủ dân chủ mà nhiều người Sudan đang khao khát, mới có cơ hội thành công...

Vũ Cao (Theo Global Witness)
.
.