Hồ sơ về vụ nhiễm xạ tồi tệ nhất Brazil

Thứ Hai, 14/12/2009, 22:45
Viện Chiếu xạ Goiania (IGR) là một cơ sở y tế tư nhân sử dụng liệu pháp chiếu xạ và xạ trị để định bệnh và chữa trị bệnh, được xây dựng vào năm 1971 tại khu Praca Civica của thành phố Goiania, bang Goias, miền Trung Brazil. Đến năm 1984, chính quyền bang Goias quyết định mua lại IGR, phá bỏ để xây dựng thành một bệnh viện lớn và hiện đại.

Trong quá trình chuyển thiết bị, vật tư đến một cơ sở y tế khác, các nhân viên IGR đã quên không mang đi một hộp nhiên liệu hạt nhân có chất đồng vị Celsium 137 sử dụng cho các thiết bị chiếu xạ.

Do thời gian phá bỏ bị kéo dài vì thủ tục bàn giao chưa kịp hoàn tất nên IGR trở thành nơi tạm trú của một số người vô gia cư. Vào ngày 13/9/1987, hai kẻ vô gia cư tên Roberto do Santos Alves và Wagner Mota Pereira đến trú ngụ bất hợp pháp tại IGR và tiến hành lùng sục để tìm xem còn có vật dụng nào mà các nhân viên IGR quên mang theo, sau đó cả hai tìm thấy một chiếc hộp trong có chứa nhiên liệu hạt nhân loại Celsium 137. Cả hai lén lấy rồi đưa đến một ngôi nhà hoang để đập phá lấy phế liệu.

Việc làm này của Alves và Pereira vô tình đã làm thất thoát không chỉ tia gamma mà còn có cả chất đồng vị Celsium 137 và đã khiến cho cả hai mắc chứng buồn nôn kéo dài mà tưởng là do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn. Nguy hại hơn là việc Alves và Pereira đã đập bỏ phần vỏ bảo vệ của chiếc hộp và lấy ra loại bột chết người Celsium 137 mà họ tưởng là thuốc súng.

Ngày 18/9/1987, cả hai đem chiếc hộp lạ bán lại cho một cơ sở thu mua phế liệu với giá 25 USD mà không biết là mình không chỉ đã bị nhiễm xạ mà còn phát tán phóng xạ cho nhiều người tại nhiều địa điểm khác nhau.

Phá bỏ các khu dân cư bị nhiễm xạ tại thành phố Goiania.

Vào ban đêm, chiếc hộp phát ra một thứ ánh sáng màu xanh dương nên đã thu hút sự chú ý của Devair Alves Ferreira, chủ cơ sở thu mua phế liệu. Trong vòng 3 ngày sau đó, Ferreira gọi bạn bè và người thân trong gia đình, hàng xóm đến chiêm ngưỡng vật lạ. Tất cả những người này đều bị nhiễm chất phóng xạ Celsium 137. Sau đó những người này lại quay về nhà làm nhiễm phóng xạ cho người thân, hàng xóm. Ivo, em trai của người chủ cơ sở phế liệu còn lấy một chút ít bột Celsium 137 mang về nhà và vô tình để rơi vãi xuống sàn nhà đúng lúc cô con gái mới 6 tuổi đang ăn cơm. Cô con gái của Ivo cũng bị nhiễm phóng xạ và tử vong một tháng sau đó. Một em trai khác của người chủ cơ sở thu mua phế liệu cũng lấy một ít bột Celsium 137 đem về nhà để đốt và đã làm lây nhiễm cho người thân, bạn bè và cả vật nuôi (có 23 con gà, vịt, 5 con heo, 2 con chó, 2 con thỏ bị nhiễm xạ và sau đó bị giết chết và đem chôn).

Gabriela Maria Ferreira, vợ của người chủ cơ sở thu mua phế liệu là người đầu tiên đã phát hiện ra hiện tượng nhiều người chung quanh bỗng trở bệnh nặng và hành động tiếp theo của bà đã cứu được mạng sống của nhiều người. Lúc đó, bà Gabriela cho rằng, hiện tượng trở bệnh nặng của nhiều người có thể là do họ đã uống loại nước trái cây mà bà pha chế và đem biếu cho mọi người uống thử. Tuy nhiên, kết luận phân tích của ngành y tế xác định nước trái cây trên hoàn toàn vô hại. Bà Gabriela cho rằng thủ phạm có thể là chiếc hộp có chất bột sáng lấp lánh màu xanh dương nên liền lấy chiếc hộp cho vào túi nhựa đem đến bệnh viện nhờ phân tích.

Tay một nạn nhân bị nhiễm Celsium 137.

Sau khi nghe Gabriela trường thuật lại sự việc, bác sĩ Paulo Roberto Monteiro liền tiến hành cách ly vật lạ và lập tức thông báo cho các nhà khoa học làm việc tại chi nhánh của Viện Hạt nhân quốc gia Brazil (CNEN) ở thành phố Goiania. Kết quả phân tích cho biết chiếc hộp có chứa chất đồng vị Celsium 137, do bị đập phá làm thất thoát một lượng lớn phóng xạ  ra khắp nơi.

Do bà Gabriela đã để chiếc hộp vào trong túi nhựa nên đã không gây nhiễm xạ cho nhiều người tại bệnh viện. Tuy nhiên, hành động này của bà đã không cứu sống được chính sinh mạng của mình, bà qua đời vào ngày 23/10/1987 do bị nhiễm xạ nặng.

CNEN cho rằng đã xảy ra hiện tượng nhiễm xạ lan rộng tại thành phố Goiania nên  kiến nghị chính quyền thành phố ban hành lệnh báo động, đồng thời thông báo cho tất cả những ai có dấu hiệu của triệu chứng đã bị nhiễm phải được cách ly để được kiểm tra bởi CNEN và ngành y tế. Chính quyền bang Goias và CNEN còn cảnh báo cho cả chính phủ liên bang và Cơ quan Nguyên tử quốc tế (AIEA).

Cuối tháng 10/1987, theo thống kê đã có 14 người tử vong do lây nhiễm phóng xạ, 212.000 người bị nhiễm xạ ở các mức độ khác nhau, 244 người bị nhiễm nặng và 129 người bị tổn thương nặng ở các bộ phận khác của cơ thể. 49 trường hợp nặng nhất được chuyển ngay đến một bệnh viện đặc biệt ở thành phố Rio de Janeiro để điều trị. Có 14 địa điểm dân cư khác nhau tại thành phố Goiania đã bị nhiễm phóng xạ ở nhiều mức độ khác nhau.

Từ tháng 11/1987, chính quyền thành phố có sự phối hợp với CNEN, chính quyền bang đã tiến hành tẩy xạ tại các địa điểm có sự tồn tại của phóng xạ với việc phá bỏ nhiều khu dân cư, nhiều nhà cao tầng. Tất cả những vật liệu, vật dụng của các ngôi nhà bị phá bỏ đều được phân tích để phát hiện phóng xạ và sau đó đem chôn ở độ sâu 300m.

Thông tin về thảm họa nhiễm xạ tại thành phố Goiania lan nhanh và gây kinh hoàng cả đất nước Brazil. Nhiều người còn ví đó là một Tchernobyl của Brazil. Sự hoảng loạn không chỉ lan khắp thành phố Goiania mà còn lan đến nhiều thành phố khác, nhiều bang khác. Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại thành phố Goiania cấp tốc rời khỏi đây do lo ngại bị nhiễm xạ.

Mọi cuộc hội họp đều bị hủy bỏ vô thời hạn. Sau đó đến lượt lương thực, thực phẩm, áo quần được sản xuất tại thành phố Goiania và bang Goas đều bị tẩy chay bởi người dân của các bang khác do lo ngại bị nhiễm xạ. Ngay cả du khách người Brazil đến từ bang Goias cũng bị từ chối cho thuê phòng khách sạn của các bang khác.

Đặc biệt là việc chôn cất xác những nạn nhân bị nhiễm phóng xạ và cả những vật dụng, vật liệu bị nhiễm phóng xạ đã gặp sự từ chối gay gắt của các địa phương. Tình hình tồi tệ đến nỗi đích thân Tổng thống Brazil vào thời điểm đó là José Sarney phải lên tiếng trấn an dư luận và lên án những tin đồn được thổi phồng quá mức về thảm họa nhiễm xạ tại thành phố Goiania.

Chỉ cho đến khi IAEA và CNEN cho công bố kết quả kiểm tra môi trường tại thành phố Goiania sau khi đã được tẩy xạ và kết luận là đã ở mức an toàn cho phép thì tình hình mới được cải thiện.

Đến năm 1988, Chính phủ Brazil bắt đầu tiến hành điều tra về thảm họa nhiễm xạ tại thành phố Goiania và truy tố những người có trách nhiệm của Viện Chiếu xạ Goiania đã buông lỏng việc quản lý vật tư, thiết bị chiếu xạ khi quên không chuyển đi chiếc hộp chứa nhiên liệu hạt nhân đến một địa điểm khác để chiếc hộp này bị đập phá gây nên thảm họa lây nhiễm phóng xạ cho môi trường và cho nhiều người. Và họ phải lãnh án mỗi người 6 năm tù giam.

Riêng CNEN còn buộc phải chi 13 triệu USD để bồi thường cho gia đình các nạn nhân bị nhiễm xạ. Vụ nhiễm xạ tại thành phố Goiania được tạp chí Time của Mỹ đánh giá là "Một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất của nhân loại"

H.P. (theo Historia)
.
.