Hoàng thân Bandar Bin Sulatan, “siêu điệp viên” của Arập Xêút

Thứ Ba, 03/12/2013, 19:25

Một thời là vị đại sứ nức tiếng ở Washington với loại xì gà ông hút, những bữa tiệc hoàng gia long trọng và đặc biệt là cái duyên của ông trong nghệ thuật ngoại giao, hoàng thân Bandar bin Sulatan (hiện 64 tuổi) từng được xem như một “Gatsby vĩ đại” của Arập Xêút. Không ai có thể dễ dàng tiếp cận những người quyền lực và giàu có nhất như nhân vật này.

Chẳng thế mà nghiễm nhiên ông trở thành nhân vật mũi nhọn, một “siêu điệp viên” của quốc gia trung tâm của Trung Đông này trước những nỗ lực chống lại Iran ở Syria và lên án chính quyền Tổng thống Obama. Nếu không hiểu về con người này và sứ mệnh của ông thì sẽ khó mà hiểu được những gì đang diễn ra tại khu vực nhiều vấn đề nan giải nhất của thế giới hiện nay.

Xuất thân thiệt thòi của vị Hoàng tử tài hoa

Có lẽ ít người biết được, mẹ của Bandar vốn là một nô lệ da màu, bà có mang ông khi mới 16 tuổi và còn chưa biết đọc, biết viết. Cha ông là Hoàng tử Sultan bin Abdulaziz, từng là Bộ trưởng Quốc phòng Arập Xêút, là thái tử từ năm 2005 cho đến khi ông qua đời (năm 2011). Cậu bé Bandar sống những năm tháng đầu đời của mình với mẹ và dì.

Lúc nhỏ, Bandar hầu như không được tiếp xúc với cha và chỉ đến năm lên 8 tuổi ông mới được gặp cha mình. Vậy nên, khác với những hoàng tử có mẹ quan hệ rộng trong giới thượng lưu hay xuất thân dòng dõi, Bandar dường như không hề thừa hưởng bất kỳ thanh thế hay quyền lực nào từ mẹ. Bù lại, ông là người rất thông minh, giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt và là một phi công chiến đấu tài hoa, người luôn biết rõ lộ trình của mình thế nào khi xung quanh là những quân nhân người Mỹ.

Bandar tốt nghiệp Học viện Không quân Hoàng gia Cranwell năm 1968, sau đó được đào tạo thêm một khóa chiến đấu tại Căn cứ không quân Maxwell. Ông trở thành một phi công kỳ cựu, từng điều khiển vô số phi cơ chiến đấu trong suốt 17 năm.

Sau đó, ông trở thành Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ từ năm 1983 và giữ chức vụ này trong suốt hơn 20 năm, làm việc dưới 5 đời tổng thống, 10 bộ trưởng ngoại giao, 11 cố vấn an ninh và 16 kỳ họp Quốc hội. Ông được mệnh danh là một trong những nhà ngoại giao khéo léo nhất ở Washington và là đầu mối sống còn trong quan hệ giữa Washington và Riyadh.

Ông trở nên thân thiết với bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào thời bấy giờ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Bush (con). Bandar từng giúp Tổng thống Bush (cha) thuyết phục Arập Xêút cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ của nước này trong cuộc chiến Vùng Vịnh I năm 1991.

Richard Fairbanks, người từng giữ chức Đại sứ Mỹ dưới thời Ronald Reagan và từng phụ trách thương thuyết của Mỹ ở Trung Đông, nhận xét về nhân vật này: "Ông ấy rất thông minh, dễ mến và là một nhà ngoại giao làm việc rất hiệu quả. Lúc đầu ông ấy chỉ là một đặc phái viên, sau đó trở thành đại sứ, và ông ấy đóng vai trò trung tâm trong quan hệ Washington - Riyadh và giữ vai trò này lâu hơn bất kỳ ai".

Tuy nhiên, nhiệm vụ điều phối mối quan hệ Mỹ - Arập Xêút đã trở nên khó khăn hơn nhiều kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001 mà đa số những kẻ không tặc lại đến từ Arập Xêút. Thế nhưng trong “Fahrenheit 11-9”, bộ phim đoạt nhiều giải thưởng của đạo diễn Michael Moore nói về những mối liên quan giữa gia đình Bush và dòng họ Bin Laden, có khẳng định chi tiết rằng 2 đêm sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã mời Bandar tới Nhà Trắng ăn tối và trò chuyện.

Đạo diễn Moore  nói: "Bandar thân thiết với gia đình Bush đến mức họ coi ông ấy như một thành viên trong gia đình và thậm chí còn gọi ông là Bandar Bush". Còn trong cuốn sách “Kế hoạch tấn công” của nhà báo nổi tiếng Bob Woodward nói về thời kỳ trước cuộc chiến Vùng Vịnh II, vào tháng 1/2003, Bandar đã được cho xem các chi tiết của kế hoạch chiếm đánh Iraq trước cả Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell.

Với gần 30 năm đóng vai trò người đem những thông điệp của hoàng gia, đặc phái viên và người vận động hành lang của Arập Xêút, hoàng thân Bandar đã cố gắng làm giảm giá dầu xuất khẩu dưới thời các Tổng thống Jimmy Carter, Ronald Reagan và cả hai đời cha con Tổng thống Bush. Ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ nên bán các máy bay chiến đấu trị giá hàng tỉ USD cho Arập Xêút trước sự phản đối mạnh mẽ của Israel.

Thái tử Fahd đã có lần nhận định rằng  Mỹ có thể là đất nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất và Arập Xêút có thể là quốc gia sản xuất dầu mỏ nhiều nhất nhưng vượt lên trên những điều có thể xem như là lợi ích đó, một số quyền lợi có thể bị đảo lộn. Thái tử Fahd nói với hoàng thân Bandar rằng: "Mỹ là điều nguy hiểm nhất đối với chúng ta. Chúng ta không có mối liên hệ nào về văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ cũng như chính trị với họ".

Lúc này, những mối liên hệ thân thiết cá nhân có thể sẽ khiến công việc được suôn sẻ và hoàng thân Bandar chính là người có thể giúp cho các vấn đề diễn ra theo hướng này. Bữa tiệc hoàng gia ông tổ chức tại Washington với sự hiện diện của những chính khách hàng đầu đã trở thành một huyền thoại. Sau đêm đó, người ta đã ví ông như là một "đại gia Gatsby" của  thế giới Arập, và rằng ông sẽ không từ bất kỳ một công việc nào mà có thể giúp củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Riyadh - Washington.

Cao trào được đẩy lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Iraq, Saddam Hussein ra lệnh xâm lược Kuwait năm 1990, nguy cơ trở thành hiểm họa tiềm ẩn đối với Arập Xêút. Chính hoàng thân Bandar là người đã dọn đường để Mỹ đổ bộ quân đội của mình vào bán đảo Arập, tiến hành chiến dịch Bão sa mạc và hất cẳng được Saddam ra khỏi Kuwait, theo đó loại bỏ được mối đe dọa đối với Arập Xêút.--PageBreak--

Chỉ trong vòng một thập niên sau, vào mùa hè năm 2001, Bandar trở thành phái viên của Thái tử Abdullah chuyển lời tới Tổng thống George W. Bush rằng đã đến lúc thực hiện một sáng kiến mới: Công nhận Palestine là một quốc gia độc lập và chấm dứt cuộc tàn sát trên miền đất thánh. Nếu không, sự việc sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ.

Một lần nữa, trong cuộc nói chuyện lần đó, Bandar đã nhắc tới việc Riyadh có thể sẽ sử dụng "vũ khí dầu mỏ", Tổng thống Bush đã đồng ý sẽ công nhận Palestine khi họ thực sự có được một công cuộc thành lập hoàn thiện. Thế nhưng khi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vừa mới phác thảo một tuyên bố thì sự kiện 11/9 nổ ra. 19 tên khủng bố lái máy bay tấn công tòa tháp đôi, Lầu Năm Góc và cánh đồng Pennsylvania và có tới 15 trong số chúng là người Arập Xêút. Hoàng thân Bandar lúc đó đang ở Paris, đã thực sự không thể nói lên được điều gì.

Kẻ lão luyện trong làng ngoại giao Washington cũng từng phải nếm trải sự thất vọng trong sự nghiệp. Trong một buổi trả lời phỏng vấn năm 2003, Bandar bình luận ông vẫn chưa nguôi ngoai sau thất bại của các cuộc hội đàm nhằm giải quyết khủng hoảng Trung Đông, những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton. Năm 2005, Bandar xin từ chức Đại sứ tại Washington và biến mất một cách bí hiểm để rồi xuất hiện bất ngờ trở lại 2 năm sau đó. 

Nhiều người cho rằng, ông tạm ẩn đi là để chuẩn bị cho một vị trí mới vì ông tái xuất vào đúng thời điểm Arập Xêút đang đàm phán xem ai sẽ là người kế vị ngai vàng. Đáng tiếc là với xuất thân của mẹ ông, người chỉ là một nô lệ, ông bị xem như không đủ tư cách để nối ngôi. Dù vậy, hoàng thân Bandar vẫn đang là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất tại Arập Xêút khi giữ cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo an ninh quốc gia. Và ngay cả khi từ bỏ cương vị Đại sứ tại Washington, ông vẫn đóng vai trò là người thuyên chuyển những thông điệp quan trọng qua lại từ Riyahd.

Xét lại quan hệ với Mỹ

Với tư cách là Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Arập Xêút, và được mệnh danh là "siêu điệp viên" của vùng Trung Đông, ông trở thành nhân vật mũi nhọn của một chương trình với quy mô rất lớn của Arập Xêút trong nỗ lực đảo ngược lại tình thế và đầu tư đáng kể cho kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad để lập nên một chính thể Hồi giáo mới ở Syria.

Mục tiêu của hoàng thân Bandar là muốn làm suy yếu thế lực của người Iran, tách bỏ được các đồng minh của Tehran như Assad và Hezbollah; ngăn chặn được các giáo sĩ dòng Shiite khỏi âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân; đóng lại các dự định của họ và đánh bật họ ra khỏi vị trí hiện tại nếu như họ còn có ý định thực hiện âm mưu đó. Đồng thời, ông cũng muốn đập tan lực lượng Hồi giáo anh em, cho rằng đó là tổ chức của người Sunni, chỉ chuyên đãi bôi chế độ dân chủ và về bản chất chính là lực lượng phản dân chủ.

Bất chấp việc không hề có một thỏa ước nào giữa Arập Xêút và Israel, trong một động thái cho rằng kẻ thù của kẻ thù chính là bạn mình, hoàng thân Bandar đã đáp lại Thủ tướng Netanyahu rằng một trong những trở ngại lớn nhất đối với các mục tiêu của ông đó là Tổng thống Barack Obama. Bandar cũng tiết lộ với các nhà ngoại giao phương Tây rằng, Arập Xêút sẽ thay đổi vị trí đồng minh thân cận hiện tại của nước này đối với Mỹ.

Tổng Thống George H. Bush gặp hoàng thân Bandar Bin Sultan tại Nhà Trắng, tháng 3/1991.

Tất nhiên, nhiều phần trong tuyên bố này được xem là do sự thất vọng của Arập Xêút đối với chính sách của Tổng thống Obama, khi mà Mỹ chọn giải pháp "khoanh tay làm ngơ" trước vấn đề Syria đồng thời chuyển sang "kết thân" với Iran. Còn đối với Arập Xêút, Syria vẫn còn là một thảm họa đẫm máu ngay trên bậc cửa của nước này trong khi Iraq vẫn đang tiếp tục trượt sâu vào cuộc nội chiến sắc tộc giữa người Shiite (ít nhiều được Iran hậu thuẫn) và người Sunni (do Arập Xêút hậu thuẫn).

Nếu quan hệ Mỹ - Iran ấm lên trong thời gian gần đây làm Arập Xêút thất vọng thì quyết định ngừng tấn công Syria của Mỹ mới thực sự là "giọt nước tràn ly". Từ thất vọng, Arập Xêút đang mất dần lòng tin đối với Mỹ.

Thậm chí, Ngoại trưởng Arập Xêút - Hoàng thân Turki Saud al-Faisal đã gọi quyết định ngừng tấn công Syria của Mỹ là "tệ hại", còn Bandar khẳng định việc "án binh bất động" của Mỹ trên mặt trận Syria là một trong những lý do để "xem xét lại" quan hệ Mỹ - Arập Xêút. Hoàng thân Bandar đã cho giới ngoại giao biết rằng ông đang có kế hoạch hạn chế giao thiệp với Mỹ vì Mỹ đã đưa ra những quyết định sai lầm trong khu vực.

Về hình thức thì là vậy, tuy nhiên, bản chất của vấn đề được giới phân tích gọi đích danh là do Riyadh bất đồng với Washington. Iran là kẻ thù không đội trời chung của Arập Xêút, còn với vấn đề Syria, trong khi Riyadh đang hăm hở thì việc ngưng tấn công Syria của Mỹ chẳng khác gì việc giội một gáo nước lạnh vào cái đầu đang bốc khói.

Không ít các nhà phân tích đã vội nhận định rằng có lẽ Washington đang đánh mất một đồng minh chiến lược của họ ở Trung Đông

Hoàng Cúc (tổng hợp)
.
.