Hoàng tử Arập Xêút bị nghi ngờ liên quan đến vụ khủng bố 11-9

Thứ Sáu, 06/04/2012, 22:45

Theo báo cáo của Hãng truyền thông danh tiếng MSNBC Mỹ, tờ Daily Mail số ra ngày 14/3 vừa qua đã cho đăng tải một thông tin gây sốc, cho biết FBI đã không hề triệu tập 2 hoàng tử của Hoàng gia Arập Xêút trước khi họ được phép rời khỏi Mỹ sau khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra. Các hoàng tử đã nhanh chóng lên máy bay về nước chỉ vài ngày sau vụ khủng bố do những lo sợ về cơn thịnh nộ của công chúng trên đất Mỹ đối với những người Arập.

Trên chuyến bay gồm có 2 hoàng tử và đoàn tùy tùng 12 người. Trong số 2 hoàng tử, một người bị nghi ngờ đã có liên lạc với tổ chức Al-Qaeda trước khi các vụ tấn công xảy ra, còn người kia có mối quan hệ rất gần gũi với cố vấn lâu năm của cha mình, người sở hữu một căn nhà riêng tại Florida và ngôi nhà đã bị nghi ngờ từng "bị" các không tặc viếng thăm vài lần. Hơn nữa, báo cáo chi tiết của FBI trình lên Quốc hội và Tổng thống G. Bush về cuộc sơ tán của những người Arập này rất sơ sài. Theo điều tra mới của MSNBC, bản báo cáo thậm chí đã không xác định chính xác một trong hai hoàng tử là ai.

Vào ngày những kẻ khủng bố tấn công hai thành phố New York và Washington, hai thành viên của Hoàng gia Arập Xêút cũng đang có mặt trên đất Mỹ. Một người là Hoàng tử Ahmed bin Salman, ông trùm truyền thông với khối tài sản kếch xù cùng với thú đua ngựa quý hiếm của mình đã có mặt ở Lexington Kentucky để dự hội chợ triển lãm ngựa nòi thường niên.

Người thứ hai là Hoàng tử Sultan bin Fahd, khi ấy 22 tuổi, cháu của đức vua Fahd, đang sống tại Sarasota, Florida và theo học tại Học viện Ngôn ngữ Tampa, Mỹ. Hãng thông tấn MSNBC cho biết, cả hai nhân vật này đều bị phát hiện có những liên lạc đáng nghi ngờ với một nhóm tổ chức các vụ cướp máy bay vào ngày 11/9/2001.

Theo báo cáo của MSNBC, các tuyên bố của một trong số những thủ lĩnh hàng đầu dưới quyền Osama bin Laden cho thấy dấu hiệu Al-Qaeda đã liên lạc với Hoàng tử Ahmed trước khi các vụ tấn công xảy ra. Mặc dù gia đình của hoàng tử đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc đó và cho biết Hoàng  tử rất yêu nước Mỹ. Tuy nhiên, quan sát viên của FBI cho hay, những ngày sau vụ khủng bố, Hoàng tử Ahmed phát biểu với đài truyền hình địa phương rằng ông và Bin Laden là anh em họ. Nhưng video về cuộc phỏng vấn này chưa từng được công bố và đến nay vẫn không có bằng chứng nào cho thấy mối quan hệ họ hàng giữa Hoàng tử Ahmed và Bin Laden.

Trong khi đó, Hoàng tử Sultan, trở nên rất thân thiết với Esam Ghazzawi, cố vấn cao cấp của bố ông là Thái tử Fahd. Ghazzawi bị nghi ngờ có sở hữu một ngôi nhà ở Sarasota, Florida và đã từng vài lần đón tiếp Mohamad Atta, thủ lĩnh của vụ tấn công 11/9 cùng các thành viên trong nhóm của hắn. Đúng vào hôm xảy ra cuộc tấn công, Hoàng tử Sultan cũng đang có mặt tại Sarasota.

Hoàng tử Sultan bin Fahd (trái) cùng cố vấn thân cận của cha mình.

Ngay sau vụ khủng bố, Hoàng tử Sultan đã nhận được cú điện thoại của người chú, chính là Hoàng tử Ahmed, bảo rằng phải đến Lexington càng nhanh càng tốt để họ có thể rời khỏi Mỹ khi làn sóng căm hận người Arập đang ngày một lên cao. Trong lúc ấy, Cục Hàng không Liên bang đã lệnh cho tất cả các chuyến bay không được cất cánh đến tận ngày 13/9.

Theo MSNBC, Hoàng tử Sultan và Hoàng tử Ahmed cùng đoàn tùy tùng của mình chỉ đáp chuyến bay ngoài lịch trình 5 giờ sau khi lệnh cấm bay bị bãi bỏ.

Perez, một nhân viên an ninh sân bay cho biết, chuyến bay hạ cánh lúc 18h tại sân bay Blue Grass của Lexington là một chuyến bay đặc biệt. Ông có thể nhận ra một trong số những hành khách là người của Hoàng gia Arập Xêút khi họ được một đội nhân viên an ninh chào đón, Hoàng tử Sultan mới chỉ ở độ tuổi 20. Trung sĩ Mark Barnard thuộc Cục Cảnh sát Lexington khi cung cấp thông tin cho Ủy ban điều tra vụ 11/9 cho biết, Sultan trông "như một đứa trẻ đang sợ hãi". Phái đoàn gồm 12 người sau đó đã hộ tống hai chú cháu của hoàng gia lên chuyên cơ đặc biệt 727 bay về Arập Xêút.

Nhưng có một điều khó hiểu đó là việc FBI trình lên Quốc hội và Tổng thống Bush bản báo cáo rằng Hoàng tử Sultan đã di chuyển bằng một phương tiện hoàn toàn khác. FBI khẳng định Sultan đã thuê một chiếc ôtô và lái suốt 900 dặm về phía bắc Kentucky. Trong khi 2 vệ sĩ của hoàng tử cho biết thông tin của FBI là hoàn toàn sai lệch.

Một sơ xuất lớn nữa của FBI đó là đã nhận định sai thân thế của Sultan. Họ cho rằng, vị Hoàng tử trẻ tuổi là con trai của Hoàng tử Ahmed nhưng thực ra Sultan chỉ là cháu của Ahmed mà thôi. Ba ngày sau khi Sultan đến Lexington, các hoàng thân Arập Xêút đã lên chiếc Boeing 727 rời khỏi nước Mỹ. Và cả hai người này đều không bị FBI thẩm vấn một câu nào.

Hai năm sau vụ khủng bố, trong một bài viết có tựa đề "Giải cứu những người Arập", tác giả Craig Unger đã đưa ra hàng loạt các câu hỏi về vai trò của FBI trong việc "tạo điều kiện" để chuyến bay của những người Arập đầy sợ hãi đó chạy trốn khỏi nước Mỹ. Thậm chí tác giả còn cho rằng chuyến bay đã được phép cất cánh trong khi công dân Mỹ thì vẫn đang nằm trong thời gian bị cấm.

Nhưng trên thực tế, ghi chép của Cục Hàng không Liên bang đã cho thấy rõ, chuyến bay của các hoàng tử Arập diễn ra chỉ vài giờ sau khi lệnh cấm bị dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhờ những phân tích tỉnh táo của bài viết, 2 nghị sĩ Mỹ là Dianne Feinstein và John Kyl đã đặt ra câu hỏi về việc FBI đã chuẩn bị một báo cáo dài tới 40 trang nhằm giải trình với các nghị sĩ và Nhà Trắng về vấn đề này.

Nhưng những gì mà bản giải trình nói về chuyến bay giữa Tampa và Lexington lại không đúng sự thật. Được biết, năm 2009, Hoàng tử Sultan đã trở thành Chủ tịch của Eirad, một công ty cổ phần tại Arập, còn Hoàng tử Ahmed đã mất vào tháng 7/2002, ở độ tuổi 43 do trụy tim. Tuy nhiên chi tiết về cái chết của Ahmed vẫn còn là một câu hỏi cho đến ngày hôm nay

Hoàng Cúc (tổng hợp)
.
.