Hoạt động của tình báo Liên Xô tại Israel trong chiến tranh lạnh

Thứ Sáu, 13/10/2006, 08:30
Đối với Stalin - lãnh tụ của Nhà nước Xôviết, Israel nói riêng cũng như cả khu vực Trung Đông là một địa bàn quan trọng trong việc tranh giành ảnh hưởng với phương Tây. Chính vì vậy, hoạt động của tình báo Xôviết tại đây đã được chú trọng đặc biệt...

Việc xuất hiện quốc gia Do Thái trên bản đồ chính trị thế giới vào năm 1948 là nhờ một phần vào sự hỗ trợ về mặt ngoại giao của Liên Xô. Chính Liên Xô là quốc gia đầu tiên đã thừa nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Theo nhà nghiên cứu nổi tiếng về hoạt động của các cơ quan mật vụ Xôviết là John Barron, những kế hoạch quan trọng đầu tiên về hoạt động tình báo của Liên Xô tại Palestine và Trung Đông đã được triển khai từ năm 1951. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay từ cuối năm 1947 (tức là chỉ một vài tháng trước khi Israel chính thức tuyên bố thành lập), người đứng đầu bộ phận tình báo Xôviết tại khu vực Cận Đông và Viễn Đông là Andrey Otroshenko đã cho triệu tập một cuộc họp đặc biệt, trong đó thông báo nhiệm vụ chính mà Stalin đặt ra cho phía tình báo, đó là tạo ảnh hưởng để đưa quốc gia Do Thái non trẻ sang hàng ngũ các đồng minh thân cận của Liên Xô.

Giải pháp chính để thực hiện mục tiêu này là đẩy mạnh tuyển mộ mạng lưới điệp viên trong hàng ngũ những công dân Xôviết gốc Do Thái đã được phép di cư về Palestine. Việc tuyển chọn điệp viên được giao cho Aleksander Korotkov, khi đó đang lãnh đạo Phòng Tình báo bí mật của Ủy ban thông tin tình báo.

Điệp viên Xôviết đầu tiên hoạt động tại Israel vào năm 1948 chính là Vladimir Vertiporok (phó phòng của Korotkov), người được tung vào hoạt động tại đây với mật danh Rozkov. Điệp viên này dựa vào các thông tin khai thác được đã đưa ra những dự báo khá chính xác về xu hướng thay đổi trong chính sách đối ngoại của Israel. Thực tế đã chứng minh khi giới lãnh đạo Nhà nước Do Thái đã quyết định chuyển hướng các chính sách của mình bằng việc rời xa Liên Xô để hợp tác với Mỹ.

Tuy nhiên, phải đến những năm 50, tình báo Xôviết  mới đạt được những thành tích đáng kể đầu tiên trên địa bàn Israel khi cài cắm được điệp viên vào bộ máy công nghiệp quốc phòng của Nhà nước Do Thái. Đó chính là chuyên gia dịch tễ học 30 tuổi Avraam Clinberg, người đã nhận được sự giao phó trực tiếp của Thủ tướng David Ben-Gurion tham gia vào dự án bí mật chế tạo vũ khí hóa học và sinh học của Israel.

Về sau, Clinberg trở thành một trong những người sáng lập ra Viện Nghiên cứu sinh học tại Ness-Sion (khu vực phía đông nam Tel-Aviv). Chính Clinberg đã xác lập được một kỷ lục khá độc đáo trong ngành tình báo – cung cấp thông tin cho các cơ quan tình báo của Liên Xô và CHLB Đức trong suốt 35 năm mà không hề bị Cơ quan Phản gián Israel phát hiện ra. Còn phải kể tới một điệp viên Xôviết nữa là Haimov, người từng làm việc trong văn phòng của vị Tổng thống Israel đầu tiên Chaim Weizmann và có quan hệ rất thân cận với nhân vật này. 

Đến giữa những năm 50 thế kỷ trước, tình báo Xôviết đã thành công trong việc cài cắm điệp viên của mình vào nội bộ Mossad, một trong những cơ quan tình báo hoạt động có hiệu quả nhất thế giới của Israel. Nhân vật này chính là Zeev Avni (tên thật là Wolf Goldstein), một chuyên gia kinh tế tài ba, đồng thời là người rất ngưỡng mộ lý tưởng cộng sản (ANTG đã có bài viết về điệp viên xuất sắc này). Avni đã trở thành một nguồn tin cực kỳ quý giá của tình báo Xôviết tại Bộ Ngoại giao cũng như Cơ quan Tình báo Israel. Thông tin của ông đã giúp Liên Xô nắm rất rõ về mạng lưới tình báo của Israel tại một loạt các nước như Pháp, Đức, Italia, Hy Lạp, Thụy Sĩ và Nam Tư. Phải đến năm 1956, phản gián Israel mới phát hiện ra được điệp viên hai mang quan trọng này.

Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Israel và Liên Xô ngay sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1968 đã khiến tình báo Xôviết lâm vào tình thế khó khăn. Do không còn khả năng hoạt động tình báo dưới vỏ bọc hợp pháp, nên từ thời điểm này, KGB chỉ có thể sử dụng các điệp viên mật, đa phần là các điệp viên hoạt động ngắn hạn với giấy tờ của công dân nước ngoài. Hồi đầu những năm 70, Liên Xô đã có một số điệp viên đáng chú ý tại đây có mật danh là Karski, Patria, Run và Ioris (dưới vỏ bọc các công dân Canada, Tây Ban Nha, Mexico, Phần Lan). Nhưng đóng vai trò quan trọng nhất vào thời kỳ này phải kể tới nhóm tình báo hoạt động trong vai trò các nhân viên phái đoàn Chính thống giáo của Nga tại Jerusalem. Hai sĩ quan tình báo (trong vai trò quan chức hành chính và tài xế của phái đoàn này) đã tổ chức thu thập thông tin rất thành công, đồng thời vẫn tránh được nguy cơ theo dõi của Cơ quan Phản gián Shin-Bet.

Kết thúc cuộc chiến tháng 10/1973, tình báo Xôviết đã coi Israel là một trong những địa bàn hoạt động trọng tâm của mình. Tuy nhiên từ thời điểm này, khả năng tuyển mộ các điệp viên trong hàng ngũ những người Do Thái hồi hương để cài cắm vào các cơ quan mật vụ hay quốc phòng của Israel đều không có được hiệu quả đáng kể. Năm 1972, tại Israel đã có một mạng lưới tình báo bí mật mới của Liên Xô được triển khai dưới sự chỉ đạo của sĩ quan 34 tuổi Yuri Linov (mật danh là Kravchenko), người hoạt động dưới vỏ bọc công dân Áo Karl-Bernd Motlem. Linov là người điều hành đường dây gồm có 5 điệp viên chính.

Đáng chú ý trong đó có bác sĩ Leon (tuyển mộ từ năm 1966 trong thời gian một chuyến đi tới Liên Xô), một người có nhiều mối quan hệ thân cận với các quan chức tình báo Israel. Điệp viên thứ hai là Kim, tới Israel trong thành phần một nhóm người Do Thái hồi hương. Kim được giao nhiệm vụ phải xâm nhập vào tổ chức “Những tù nhân Sion”. Trong nhóm còn có một điệp viên khác đã hồi hương về Israel từ năm 1970. Ngoài ra, Yuri Linov còn điều hành 2 điệp viên khác - Gerda (nữ nhân viên của Đại sứ quán CHLB Đức) và Ron (đại sứ của một nước phương Tây tại Israel). Hoạt động tại Israel được chừng một năm, Linov bắt đầu khiến Cơ quan Phản gián Israel nghi ngờ và buộc phải trở về nước.

Tháng 2/1973, Linov được cử tới hoạt động tại Tây Berlin nhưng lại bị bắt giữ sau đó chỉ một tháng. Trung tâm cho rằng, Linov đã bị lộ bởi chính điệp viên Leon, kẻ trước đó đã bị Cơ quan Phản gián Shin-Bet của Israel tuyển mộ lại

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.