Hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Đưa Tổng thống đương quyền “lên thớt”
Mặc dù những cuốn hồi ký không có gì là mới ở Mỹ, song nội dung của chúng có thể đặc biệt cay nghiệt khi chê trách Tổng thống đương nhiệm như Barack Obama và cuốn sách của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta - tựa đề “Worthy Fights: A Memoir of Leadership in War and Peace” (tạm dịch: Những trận chiến xứng đáng: Hồi ký về cương vị lãnh đạo trong Chiến tranh và Hòa bình) - nằm trong số đó.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khởi đầu với việc chất vấn một cách cay nghiệt vai trò lãnh đạo của tổng thống trong cuốn hồi ký tựa đề: "Duty: Memoirs of a Secretary at War" (tạm dịch: “Bổn phận: Ký ức của một bộ trưởng thời chiến”). Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp nối với cuốn "Hard Choices" (tạm dịch: “Những lựa chọn khó khăn") trong đó bà thể hiện quan điểm không tán thành chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama.
Và, bây giờ đến sự xuất hiện cuốn hồi ký chỉ trích Obama có phần dữ dội hơn nhiều của cựu Bộ trưởng Quốc phòng và người từng lãnh đạo Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - Leon Panetta. Trong cuốn "Những trận chiến xứng đáng" được Nhà xuất bản Penguin Press phát hành hôm 9/10 vừa qua ở Mỹ, Panetta mô tả một tổng thống đã không có sự lãnh đạo đúng trong nhiều trường hợp cũng như đã "bỏ lỡ nhiều cơ hội".
Ngoài việc chỉ trích Obama, Panetta còn nhận định về những quyết định được đưa ra bên trong chính quyền, đặc biệt là về khu vực Trung Đông. Leon Panetta lãnh đạo CIA trong chính quyền Obama từ năm 2009 đến 2011, và ngay từ đầu đã tỏ ý nghi ngờ cương vị lãnh đạo của Tổng thống - ông, cùng với những người khác, thắc mắc tại sao Obama sử dụng một số nhân vật ít có kinh nghiệm tình báo cho vị trí lãnh đạo cơ quan tình báo. Nhưng ông Obama cho rằng, CIA cần phục hồi niềm tin và tin tưởng Panetta có thể đứng vào vị trí lãnh đạo. Sau khi Robert Gates rời khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2011, Obama liền bổ nhiệm Panetta thay thế và lãnh đạo CIA đến năm 2013.
Trong cuốn hồi ký dày 498 trang, Panetta đi sâu vào những cuộc tranh cãi xung quanh "những kỹ thuật thẩm vấn tăng cường" mà ông Obama ngăn cấm ngay từ khi chính thức bước vào Nhà Trắng sau khi mô tả chúng là "tra tấn". Mặc dù bày tỏ sự chống đối các kỹ thuật này, song Panetta vẫn để ngỏ khả năng sử dụng chúng trong những trường hợp đặc biệt vì cho rằng "thẩm vấn tăng cường" mang lại "thông tin tình báo quan trọng, thậm chí then chốt" - bao gồm thông tin về nơi ẩn náu của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Trong cuốn hồi ký, Panetta chỉ trích cả hai phía liên quan đến cuộc tranh cãi về "thẩm vấn tăng cường" đồng thời tiết lộ nhiều hơn về quan điểm của mình. Panetta cho rằng thẩm vấn tăng cường "giúp chính quyền chúng ta hiểu được tổ chức, các phương pháp và sự lãnh đạo của Al-Qaeda". Tuy nhiên, Panetta chống lại việc tiết lộ những tài liệu liên quan đến những chiến thuật thẩm vấn dưới thời chính quyền George W. Bush. Bởi vì theo ông, việc tiết lộ chúng có thể phơi bày những chi tiết và các phương pháp của CIA, cũng như vi phạm lời hứa giữ bí mật - đặc biệt với các quốc gia cho phép CIA thẩm vấn tù nhân bên trong biên giới của họ.
![]() |
Leon Panetta và Tổng thống Barack Obama. |
Trong cuốn hồi ký, Leon Panetta chỉ trích Obama có đầu óc quá thiển cận, thường chỉ quyết định những vấn đề quan trọng giới hạn trong nhóm nòng cốt của mình mà không màng đến lời khuyên từ các quan chức thâm niên vì cho rằng điều đó làm giảm bớt tầm quan trọng cùng sự hữu ích của nội các. Một trong những chỉ trích dữ dội nhất mà Leon Panetta nhắm đến Obama liên quan đến cuộc chiến tranh ở Iraq.
Năm 2011, Panetta - cùng với các thành viên trong Hội đồng Tham mưu liên quân (JCS) và giới chỉ huy quân đội - chủ trương giữ lại số lượng binh sĩ khiêm tốn ở Iraq nhằm giúp gìn giữ sự ổn định cho đất nước đang bên bờ vực sụp đổ. Panetta lo sợ "nếu chính quyền Iraq sụp đổ hay rơi vào bạo lực… thì đất nước này sẽ trở thành thiên đường mới cho bọn khủng bố vạch ra những âm mưu tấn công nước Mỹ".
Cụ thể, Panetta phê phán ông Obama đã không cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận với Thủ tướng Iraq lúc đó là Nuri Kamal al-Maliki cho phép quân đội Mỹ giữ lại một số nhỏ binh sĩ tại Iraq sau khi rút quân vào cuối năm 2011. Panetta tin rằng sự hiện diện khiêm tốn của quân đội Mỹ ở Iraq sẽ giúp cố vấn một cách hiệu quả cho quân đội nước này phải xử lý như thế nào trước sự hồi sinh của Al-Qaeda và bạo lực giáo phái nhấn chìm nước này.
Ngoài ra, Leon Panetta cũng lên tiếng chỉ trích các chính sách của Obama về tình hình Syria. Đối với Panetta, Obama đã vẽ ra "lằn ranh đỏ" rõ ràng cho phép Mỹ tấn công Syria trong trường hợp chính quyền nước này sử dụng vũ khí hóa học nhưng rồi bất ngờ thay đổi lập trường mà không tham khảo ý kiến các thành viên phụ trách an ninh quốc gia trong nội các. Thay vào đó, Obama lại cho phép Tổng thống Syria Bashar al-Assad giao nộp vũ khí hóa học - một quyết định mà Panetta nhận định là "sai lầm".
Panetta cũng viết rõ trong cuốn hồi ký rằng ông chủ trương vũ trang và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Trong cuộc phỏng vấn của truyền thông Mỹ trước báo giới tháng 9 vừa qua, Panetta xác nhận quyết định sai lầm của Obama khiến Mỹ phải trả giá trước sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS.
Panetta cho rằng, nếu Mỹ không ngăn chặn IS chiếm giữ nhiều dải đất rộng lớn ở Trung Đông thì chuyện IS quay sang tấn công Mỹ chỉ là vấn đề thời gian