Hợp đồng mua bán vũ khí giữa phương Tây và thế giới Arập

Thứ Bảy, 23/04/2011, 13:25

Nhiều lãnh đạo các nước Arập sẵn sàng mua bất cứ thứ gì mà nền công nghiệp quốc phòng phương Tây đưa ra bán. Đây chắc chắn là trường hợp của công nghiệp quốc phòng Đức. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), mặc dù còn tụt hậu khá xa đằng sau Mỹ và Nga, nhưng Đức đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới trong những năm gần đây.

Số liệu thống kê của SIPRI cho thấy, trong hơn thập niên qua, phần đóng góp của công nghiệp quốc phòng Đức trong thị trường vũ khí toàn cầu đã tăng gấp đôi, lên đến 11%. Năm 2008, tổng giá trị doanh thu từ giao dịch bán vũ khí của Đức lên đến gần 6 tỉ euro. Nước Đức chủ yếu cung cấp những sản phẩm quốc phòng kỹ thuật cao - như là tàu ngầm và thiết bị điện tử quân sự. Vũ khí của Đức tốt đến mức ngay cả Nga cũng trở thành khách hàng thường xuyên của nước này.

Mặc dù vũ khí của Nga đặc biệt thích hợp cho chiến tranh du kích ở châu Phi, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov thừa nhận rằng những sản phẩm này đã không còn phù hợp với "những nhu cầu hiện đại". Do đó Nga có kế hoạch đặt mua vũ khí quân dụng hạng nặng trị giá gần 500 tỉ euro vào năm 2020, trong đó bao gồm nhiều sản phẩm của phương Tây.

Quân đội Nga thay thế loại xe tăng T-90 của mình bằng Leopard 2 của Đức, và Tập đoàn Đức Rheinmetall sẽ cung cấp vỏ thép cho những chiếc xe quân sự khác của Nga. Thậm chí, những doanh trại di động của Nga chẳng bao lâu nữa cũng sẽ là "made in Germany".

So với những kế hoạch của Nga, hàng đặt mua của Libya khiêm tốn hơn nhiều. Trước tháng 10/2004, EU đã có lệnh cấm vận chống chính quyền Libya. Năm 2005, các công ty Đức phân phối cho Tổng thống Gaddafi những chiếc xe vượt mọi địa hình trị giá chỉ 300.000 euro. Năm 2006, những đơn đặt mua thiết bị quân sự của Gaddafi nhảy vọt đến gần 2 triệu euro. Năm 2007, con số đó là 24 triệu euro; năm 2008 chỉ 4 triệu euro; và năm 2009 đến hơn 53 triệu euro.

Tổng thống Gaddafi mua thiết bị phóng tên lửa chống tăng hiện đại ("Milan 3" của Pháp - Đức), máy bay trực thăng, công nghệ liên lạc, công nghệ radar chiến trường và thiết bị phá sóng điện tử. Những món hàng cuối cùng này dường như phục vụ đắc lực cho chính quyền Libya chống lại phe nổi dậy hiện nay.

Còn Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi bán vũ khí cho ông bạn thân Gaddafi của mình nhiều hơn bất cứ lãnh đạo nào ở phương Tây - tổng cộng là vào khoảng 110 triệu euro năm 2009, trong đó chủ yếu là máy bay trực thăng.

Thật ra, người châu Âu từ lâu đã cố gắng tạo dựng những mối quan hệ buôn bán như thế với nhiều quốc gia trong thế giới Arập. Ví dụ, Hoàng tử Andrew của Anh đã có cuộc viếng thăm thân mật Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ở San'a vào cuối năm 2009. Chẳng bao lâu sau chuyến đi của Hoàng tử Andrew, chính quyền Anh cho phép bán những lô hàng đạn dược và áo chống đạn trị giá đến 183.000 euro cho Yemen. Dĩ nhiên lực lượng an ninh của Yemen hiện nay đang sử dụng đạn của Anh để bắn vào đám người biểu tình!

Về phần mình, nước Đức cũng có được mối quan hệ thân thiết với Ai Cập trong vài năm qua. Năm 2009, Đức cung cấp trang thiết bị quân sự trị giá gần 80 triệu euro cho Ai Cập; phần lớn trong số đó là những thiết bị cho xe tăng và thiết bị điện tử quân sự, nhưng cũng có cả súng tiểu liên. Người ta chưa rõ số vũ khí và thiết bị quân sự do Đức cung cấp hiện nay được sử dụng để đứng về phe người dân hay chống lại họ. Khi tình hình ở Ai Cập bắt đầu trở nên bất ổn, Đức đã nhanh chóng hủy bỏ các giấy phép xuất khẩu vũ khí đến nước này.

Thiết bị phóng tên lửa chống tăng MILAN của Anh.

Tuy nhiên, Mỹ hướng đến quy mô khác, nhất là đối với Arập Xêút. Hoàng gia Saudi có nhiều tiền, còn Washington muốn vũ trang cho Arập Xêút để chống lại Iran - như thế Mỹ vừa được tiền vừa được lợi. Nhưng vào ngày 14/3/2011, Washington phải suy nghĩ lại về số vũ khí của mình khi binh sĩ Arập Xêút rầm rộ tiến vào Bahrain để giúp chính quyền nơi đây trấn áp phe nổi dậy.

Năm ngoái, Washington thông báo một giao dịch xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử: Arập Xêút có kế hoạch mua của Mỹ số máy bay chiến đấu trị giá 42 tỉ euro (60 tỉ USD) trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới. Tiền bạc không thành vấn đề, và không quân Arập Xêút sẽ nhận được những chiếc máy bay chiến đấu ném bom hiện đại F-15, máy bay trực thăng tấn công Apache, tên lửa, thiết bị radar và bom.

Theo tờ Wall Street Journal, đơn đặt hàng vũ khí của Arập Xêút đủ để bảo đảm cho 77.000 việc làm ở Công ty Boeing! Ngoài ra, Hoàng gia Arập Xêút còn dành đến 30 tỉ USD để hiện đại hóa lực lượng hải quân của họ. Để trấn an Israel, nước này cũng sẽ nhận được máy bay F-35 và "nếu cần thiết" có thể bắn hạ những chiếc F-15 của Arập Xêút trên bầu trời!

Tương tự, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) cũng biết cách tiêu tiền của mình bởi vì  họ cũng sợ đất nước Iran láng giềng. Theo các tài liệu ngoại giao mật của Sứ quán Mỹ ở Abu Dhai được trang mạng WikiLeaks tiết lộ, UEA tiêu bạc tỉ để mua vũ khí một cách ồ ạt. Tuy nhiên, UEA không muốn "đặt toàn bộ trứng vào một cái giỏ", nên họ khôn ngoan mua vũ khí cả từ những nước khác như Pháp, Anh. Trong năm 2010, UAE đặt mua vũ khí Mỹ trị giá 40 tỉ USD. Để có thể bắn rơi tên lửa của Iran, UEA cũng  đặt mua hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay của Mỹ

Trần Phong (tổng hợp)
.
.