Hợp tác bí mật giữa NSA và tình báo tín hiệu Israel

Thứ Tư, 03/09/2014, 21:35

Trong thập niên qua, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã gia tăng đáng kể sự trợ giúp tình báo cho Cơ quan tình báo tín hiệu quốc gia Israel (ISNU, còn gọi là Đơn vị 8200), bao gồm dữ liệu được sử dụng để giám sát và đánh dấu mục tiêu người Palestine - theo các tài liệu tuyệt mật do cựu nhân viên NSA Edward Snowden cung cấp. Trong nhiều trường hợp, NSA và ISNU cùng hợp tác với các đối tác Anh và Canada như GCHQ và CSEC.

Thông qua mối quan hệ khăng khít này, chính quyền Mỹ đã có sự ưu ái trợ giúp rất lớn cho Israel - cung cấp một lượng lớn tiền mặt, vũ khí và công nghệ do thám hiện đại nhất.

Các tài liệu mới được tiết lộ đã chứng minh một sự thật đáng quan tâm: những cuộc tấn công của Israel không dễ dàng xảy ra nếu như không có sự hậu thuẫn và bảo vệ thường xuyên, mạnh mẽ và gần như không giới hạn của chính quyền Mỹ. Mặt khác, sự hợp tác tình báo tín hiệu (SIGINT) chặt chẽ giữa NSA và ISNU cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong mạng lưới giám sát toàn cầu của Mỹ.

Tháng 9/2013, tờ Guardian của Anh từng phơi bày trước thế giới về việc NSA "thường xuyên chia sẻ dữ liệu tình báo thô với Israel mà không có sự gạn lọc để xóa bỏ thông tin về những công dân Mỹ vô tội".

Tờ Guardian còn xuất bản tài liệu tuyệt mật gọi là "Memorandum of Understanding" giữa NSA và ISNU quyết định sự chia sẻ dữ liệu này. Nhưng thật ra mối quan hệ kín đáo NSA - ISNU còn mở rộng hơn thế nữa. Một tài liệu mật của NSA - đề ngày 13/4/2013 - mới được Edward Snowden cung cấp chi tiết: "NSA luôn duy trì mối quan hệ sâu rộng về kỹ thuật và phân tích với ISNU, cùng chia sẻ thông tin về đánh chặn tín hiệu điện tử, xâm nhập hệ thống mạng, đánh dấu mục tiêu, dự báo, phân tích và xử lý ngôn ngữ".

Ngoài ra, các đối tác SIGNT của NSA còn được mở rộng ra ngoài  ISNU, bao gồm Đơn vị Chiến dịch đặc biệt (SOD) của Tình báo Quốc phòng Israel (Aman) và Mossad. Với sự hợp tác rộng lớn này, Mỹ và Israel cùng nhau giám sát rất nhiều mục tiêu trên thế giới - bao gồm các quốc gia ở Bắc Phi, Trung Đông, Vùng Vịnh, Nam Á và các nước cộng hòa Hồi giáo của Liên Xô cũ.

Mối quan hệ hợp tác giữa NSA và ISNU bắt đầu hình thành từ cách đây nhiều thập niên. Một hiệp định tuyệt mật được ký kết giữa NSA và ISNU vào tháng 7/1999 tiết lộ sự hợp tác chia sẻ thông tin tình báo không chính thức giữa 2 cơ quan SIGINT bắt đầu từ những năm 50 thế kỷ trước và có thỏa thuận chính thức lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Thủ tướng Israel Levi Eshkol vào năm 1968.

Mối quan hệ thật sự phát triển nhanh chóng bắt đầu từ thập niên qua. Trong 2 năm 2003 và 2004, NSA mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác chia sẻ thông tin tình báo trong chiến dịch "Gladiator". Israel còn bắt tay với GCHQ và CSEC - 2 cơ quan SIGINT của Anh và Canada tích cực tham gia cung cấp cho Israel những thông tin tình báo điện tử chọn lọc mà họ thu thập được.

Một vài tài liệu vào đầu năm 2009 - tức cao điểm cuộc tấn công của Israel vào Gaza gọi là "Chiến dịch Cast Lead" làm hơn 1.000 người chết - nêu một số chi tiết về sự hợp tác này. Ví dụ, một tài liệu năm 2009 tiết lộ chương trình của GCHQ mang tên "Yesterday night" bao gồm "Ruffle" - tên mã của tình báo Anh đặt cho ISNU. Theo đó, chương trình này là hoạt động phối hợp của "bộ 3" - GCHQ, NSA và bên thứ ba RUFFLE và mục tiêu chính là "người Palestine".

Một tài liệu khác của GCHQ - tháng 2-2009 - mô tả "cuộc họp 4 bên bao gồm RUFFLE, NSA, CSEC và GCHQ". Cơ quan Tình báo điện tử Jordan (EWD) cũng cung cấp dữ liệu tình báo về người Palestine cho NSA.

Một biên lai ghi nhận Mỹ chi số tiền mặt 500.000 USD cho Israel.

Nhưng mặc dù là đối tác của nhau song NSA và chính quyền Mỹ cũng nhận định Israel là mối đe dọa đáng sợ cho an ninh nước Mỹ và hòa bình khu vực Trung Đông. Một tài liệu NSA được tờ Guardian công bố trước đây thừa nhận: "Một trong các mối đe dọa lớn nhất của NSA hiện nay là từ các cơ quan tình báo đồng minh, như là Israel".

Ngay đến các báo cáo Đánh giá Tình báo Quốc gia (NIE) do Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) soạn thảo cũng xếp Israel là "cơ quan tình báo thứ 3 chống Mỹ".

Còn giới chức tình báo Anh cũng nhận định Israel là "mối đe dọa thật sự cho sự ổn định khu vực". Israel cũng nằm trong danh sách các quốc gia mà NSA tin rằng sản xuất và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tài liệu NSA mô tả quan hệ đối tác với EWD của Jordan.

Mới đây nhất, tờ Der Spiegel của Đức tiết lộ vụ việc cơ quan tình báo Israel - Mossad - đã nghe lén những cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong suốt những cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao năm 2013. Không lâu sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng John Kerry phát đi tín hiệu rằng, ông coi sự đối thoại giữa Palestine và Israel là vấn đề ưu tiên và nhanh chóng tổ chức vòng đàm phán hòa bình mới giữa 2 phía được bắt đầu tại Washington DC. ngày 29/7/2013.

Tiến trình đàm phán - bao gồm những cuộc đối thoại trực tiếp giữa các quan chức Israel và Palestine - bắt đầu với vài bước tích cực từ cả 2 bên bao gồm Israel giao ước thả vài chục tù nhân Palestine. Tuy nhiên, cuộc đàm phán bị đổ vỡ do phía Palestine rút lui vào ngày 14/11, sau khi chính quyền Israel cho tiến hành xây dựng khu định cư ở Bờ Tây.

Theo tờ báo Đức, những cuộc điện đàm của John Kerry không hoàn toàn được thực hiện bằng điện thoại mã hóa. Nhờ đó, tình báo Israel có thể chặn bắt tín hiệu những cuộc điện đàm bằng điện thoại thông thường truyền qua vệ tinh.

Tháng 5/2014, phóng viên Jeff Stein của tờ Newsweek dẫn lời các quan chức Quốc hội Mỹ cho biết, đồng minh Do Thái của Washington đã "vượt qua những lằn ranh đỏ" mà không một quốc gia đồng minh nào dám vi phạm. Chính quyền Israel phản ứng giận dữ trước sự cáo buộc và thậm chí biệt phái Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Yuval Steinitz bay đến Mỹ gặp quan chức Quốc hội để phản đối

Diên San (tổng hợp)
.
.