Hormuz - Eo biển dậy sóng

Chủ Nhật, 08/01/2012, 10:55

Iran tập trận 10 ngày tại eo biển Hormuz bắt đầu từ ngày 24/12/2011. Cuộc tập trận được dư luận đặc biệt chú ý trong bối cảnh Mỹ và Israel đang lên gân "hù dọa" sẽ tấn công quân sự Iran, và Tehran đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ tấn công Israel và các cơ sở Mỹ ở Trung Đông, trong đó nghiêm trọng nhất là "đóng cửa" eo biển Hormuz.

Eo biển chiến lược

Xét về lịch sử thì eo biển Hormuz đúng là vị trí chiến lược quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Văn thư lưu trữ còn ghi lại xưa kia, eo biển này vào thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên không có tên gọi. Người ta chỉ biết đến nó qua tên gọi 2 dãy núi ở phía bờ bắc là Asabon và ở phía bờ nam là Semiramis, cùng thị trấn Apologus nằm tận phía trong cùng của Vịnh Persic.

Từ thế kỷ X đến XVII, Hormuz từng là một vương quốc thịnh vượng, trong đó đảo Hormuz (nay thuộc tỉnh Hormozgan của Iran) là một kinh đô tráng lệ. Người Hy Lạp cổ đại gọi nó là Organa, còn dân Hồi giáo vào thế kỷ X trở đi thì gọi là Jarun. Cái tên Hormuz chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ XIV, do lấy theo tên một hải cảng bên đất liền Iran.

Ngày nay, khi kinh tế thế giới phát triển và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, eo biển Hormuz đã "đổi đời", trở thành một nút thắt trọng yếu trên tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất Vùng Vịnh Persic. Theo thống kê, 1/3 lượng dầu thô và khí đốt xuất khẩu trên thế giới đi qua eo biển này. Các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt lớn trên thế giới như Qatar, Oman, Arập Xêút,… đều phải qua eo biển Hormuz. Nói cách khác, mỗi ngày có khoảng 13 tàu chở dầu, với tổng sản lượng 15,5 triệu thùng dầu thô đi qua eo biển.

Tàu bè đi lại qua eo biển này đều phải tuân theo một quy định chung gọi là Quy định phân luồng giao thông (TSS). TSS phân chia vùng nước eo biển thành 2 luồng giao thông riêng biệt nhau nhằm tránh nguy cơ tàu bè va chạm. Theo TSS, luồng tàu chạy trong eo biển chỉ rộng khoảng 10 km, chia ra mỗi luồng tàu ra, vào rộng khoảng 3 km, 2 luồng tàu này được cách ly bởi một vùng đệm rộng 3 km nữa.

Do nơi hẹp nhất của eo biển này chỉ rộng có 54 km, nên khi đi qua eo biển, các tàu bè buộc phải đi vào vùng lãnh hải của Iran và Oman (bán đảo Mussandam ở phía đối diện) theo quy ước trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Oman có một đài radar LQI trên bán đảo Mussandam để giám sát việc thực thi TSS trong eo biển.

Đảo Hormuz thuộc Iran là một hòn đảo khá lớn, có diện tích 42 km2, xưa kia là một kinh đô tráng lệ của Vương quốc Hormuz. Bề mặt hòn đảo này bao gồm các lớp đất đỏ bazan và đá trầm tích. Do điều kiện sống quá khắc nghiệt, đảo Hormuz không có nhiều người sinh sống. Người dân trên đảo Hormuz trồng chủ yếu cây hara, và do không có nước ngọt nên người ta phải chuyển nước ngọt từ đất liền Iran ra đảo bằng hệ thống đường ống ngầm dưới đáy biển.

Mỗi ngày có đến hàng chục tàu chở dầu thô đi qua eo biển Hormuz.

Thế kỷ thứ XV, Hoàng đế Trung Hoa Khang Hy cũng từng ghé thăm Vương quốc Hormuz trên đường chu du hải ngoại của mình. Thế kỷ thứ XVI, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha tên là Afonso de Albuquerque đặt chân đến Hormuz và gây ra cuộc chiến chiếm đóng Hormuz đầu tiên vào năm 1507.

Ngày nay, trên đảo Hormuz vẫn còn di tích pháo đài do hải quân Bồ Đào Nha xây dựng. Cuộc chiến chiếm đóng Hormuz lần thứ 2 xảy ra vào năm 1622 do liên quân Anh và người địa phương Vùng Vịnh Persic tiến đánh người Bồ Đào Nha thu hồi lại đảo Hormuz.

Sau 2 cuộc chiến đó, Vua Abbas I không còn mặn mà với việc phát triển đảo Hormuz thành trung tâm kinh tế, thương mại nữa mà chuyển sang thị trấn kế cận là Bander Abbas. Sự chuyển hướng này đã làm cho kinh thành Hormuz dần dần suy sụp và lụi tàn cho đến ngày nay.

Lịch sử những cuộc đụng độ giữa Mỹ và Iran

Trong lịch sử cận đại đã có vài vụ đụng độ đáng chú ý xảy ra giữa Mỹ và Iran trong khu vực eo biển Hormuz. Trong đó, năm 1988 đã chứng kiến 2 vụ việc nghiêm trọng, là Chiến dịch Praying Mantis và vụ bắn rơi máy bay dân dụng Iran Air 655. Chiến dịch Praying Mantis diễn ra chỉ trong 1 ngày vào ngày 18/4/1988, là vụ đụng độ quân sự lớn nhất từ trước đến nay giữa hải quân Mỹ và Iran trong và xung quanh eo biển Hormuz.

Hải quân Mỹ tung chiến dịch Praying Mantis tấn công các tàu hải quân Iran trong vùng lãnh hải Iran để trả đũa vụ chìm tàu chiến Mỹ USS Samuel B. Roberts (FFG-58) trước đó ít hôm do trúng thủy lôi Iran thả trong cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988). Kết quả là Hải quân Mỹ đánh chìm 1 tàu khu trục, 1 canô trang bị súng cối và 6 thuyền cao tốc nhỏ của Iran. Phía Mỹ cũng thiệt hại 2 lính thủy quân lục chiến trên tàu khu trục.

Trước đó, tháng 10/1987, tàu chiến Mỹ cũng đã thực hiện một vụ tấn công khác nhắm vào các giàn khoan dầu của Iran trong vùng lãnh hải Iran, gây thiệt hại đáng kể. Vụ tấn công này được gọi là Chiến dịch Nimble Archer, nhằm mục đích hỗ trợ Iraq chống lại Iran trong cuộc chiến biên giới giữa 2 nước. Có vẻ như vụ tấn công tháng 4/1988 đã khiến Iran thay đổi lập trường và chấp nhận ký vào hiệp ước đình chiến với Iraq.

Tàu chiến Mỹ tấn công các cơ sở khai thác dầu Iran thuộc khu vực eo biển Hormuz năm 1987.

Tiếp theo, tháng 11/2003, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết "nước đôi", vừa tuyên Mỹ không có căn cứ để thực hiện 2 vụ tấn công Iran nêu trên, lại vừa bác bỏ đơn kiện của Iran về việc Mỹ vi phạm hiệp ước hữu nghị đã ký năm 1955 giữa 2 nước.

Vụ thứ hai là vụ bắn rơi máy bay dân dụng Iran vào ngày 3/7/1988, trên bầu trời eo biển Hormuz. Chuyến bay Iran Air 655 đang trên đường từ Bandar Abbas, Iran, đi Dubai (Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất - UAE), còn ở bên trong không phận Iran thì trúng tên lửa bắn lên từ tàu khu trục Mỹ USS Vincennes, khiến cho 290 người đi trên máy bay bị thiệt mạng, trong đó có 65 trẻ em.

Tàu chiến USS Vincennes lúc đó đang làm nhiệm vụ bảo vệ trong Vùng Vịnh Persic để canh giữ luồng tàu qua eo biển Hormuz đồng thời "bảo kê" cho Iraq trong cuộc chiến với Iran. Sau vụ bắn rơi máy bay dân dụng IR655, tàu USS Vincennes đã xâm phạm lãnh hải Iran và cho trực thăng tấn công các tàu súng máy cao tốc của Iran trong vùng lãnh hải Iran.

Ba năm sau vụ việc, Đô đốc Mỹ William J. Crowe đã thừa nhận trên chương trình truyền hình Nightline rằng, tàu USS Vincennes khi đó đã xâm phạm lãnh hải Iran để thực hiện vụ bắn máy bay IR655. Những hành động xâm phạm và gây hấn này đã bị thế giới lên án và trở thành vết nhơ hoen ố thanh danh cường quốc Mỹ, làm rõ nét thêm mưu đồ bá quyền, "sen đầm" quốc tế của Mỹ.

Tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) năm 1996, Mỹ và Iran đạt được "thỏa thuận đầy đủ và cuối cùng về các vấn đề tranh cãi và khác biệt" liên quan đến vụ máy bay IR655. Theo thỏa thuận, Mỹ đã chấp nhận bồi thường cho phía Iran 61,8 triệu USD, bình quân mỗi nạn nhân được nhận 213,103.45 USD. Tuy nhiên, mặc dù đã xác định rõ ràng thủ phạm bắn rơi máy bay IR655 là lính thủy quân lục chiến Mỹ trên tàu USS Vincennes, nhưng cho đến nay người Mỹ vẫn chưa chịu nhận trách nhiệm về vụ việc, cũng không xin lỗi Iran.

Năm 2007-2008, giữa Mỹ và Iran lại xảy ra tranh chấp căng thẳng tại khu vực eo biển Hormuz. Hàng loạt vụ đối đầu, chạm trán giữa hải quân 2 nước liên tiếp xảy ra từ tháng 12/2007 đến tháng 1/2008. Người Mỹ cáo buộc Iran quấy rối các tàu chiến Mỹ, trong khi Iran bác bỏ các cáo buộc này. Chính người Mỹ cũng tự mâu thuẫn khi liên tục đưa ra các tuyên bố trái ngược nhau, khi thì cho rằng Iran không hề có tên lửa chống tàu chiến lẫn thủy lôi, lúc lại cho rằng thuyền máy cao tốc Iran áp sát tàu chiến Mỹ để gây hấn,…

Suốt 20 năm sau các vụ việc nêu trên, Mỹ vẫn tiếp tục "đeo bám" eo biển Hormuz, do vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất của eo biển này. Tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên qua lại eo biển trên đường đi làm nhiệm vụ hoặc neo đậu gần eo biển để "giám sát" hoặc để phối hợp cùng Israel "hù dọa" Iran. Có lúc cao điểm, như vào tháng 8/2008, có đến 40 tàu chiến và nhiều tàu ngầm của Mỹ và đồng minh được điều đến eo biển Hormuz để "biểu dương lực lượng" với Iran.

Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz?

Ngày 24/12/2011, Iran bắt đầu cuộc tập trận hải quân quy mô lớn trong vùng eo biển Hormuz. Cuộc tập trận có tên gọi là Velayat-90 này đã diễn ra trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 3/1/2012, quy tụ nhiều tàu chiến, máy bay và thuyền vũ trang cao tốc và các loại khí tài hiện đại khác của Hải quân Iran. Cuộc tập trận này được dư luận đánh giá là phản ứng mạnh mẽ nhất của phía Iran trước những lời đe dọa hùng hồn của Mỹ và Israel.

Tên lửa Iran trong cuộc tập trận.

Đô đốc Habibollah Sayyari, Tư lệnh Hải quân Iran, cho báo chí biết, việc Iran tập trận trong vùng eo biển Hormuz là nhằm mục đích kiểm tra khả năng đóng cửa eo biển này khả thi đến mức độ nào. Tuyên bố của Đô đốc Sayyari đã làm rộ lên những đồn đoán về khả năng Iran đóng cửa eo biển Hormuz.

Do tầm quan trọng của eo biển Hormuz nên việc Iran tập trận trong vùng eo biển này và những phát biểu khá căng, mang tính chất "hăm dọa" đóng cửa eo biển khiến cho Mỹ và các đồng minh lo sốt vó. Thực ra, không phải đến bây giờ mà trước đây người Iran cũng đã vài lần dọa "đóng cửa" eo biển Hormuz nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Ngày 29/6/2008, chỉ huy Vệ binh Cộng hòa Ali Mohammed Jafari là sĩ quan quân đội cao cấp đầu tiên của Iran chính thức "hăm dọa" đóng cửa eo biển Hormuz. Trước ông Jafari cũng đã có vài quan chức Chính phủ Iran đưa ra tuyên bố tương tự khiến cho thị trường dầu mỏ thế giới náo loạn và giá dầu thô bị đẩy lên cao.

Và sau ông Jafari, ngày 8/7/2008, đến lượt một trợ lý lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei là ông Ali Shirazi tiếp tục "phát pháo": Chế độ Zionist đã ép Nhà Trắng tấn công Iran. Nếu họ phạm sai lầm ngu xuẩn đó, các tàu của Tel-Aviv và Washington trong Vịnh Persic sẽ là các mục tiêu trước tiên của Iran".

Mới đây nhất, ngày 27/12/2011, lời đe dọa thứ 3 được đưa ra bởi Phó tổng thống thứ Nhất của Iran là Reza Rahimi đã dọa cắt đường lưu thông vận chuyển dầu hỏa qua eo biển Hormuz nếu Mỹ và đồng minh thực hiện việc cấm vận xuất khẩu dầu hỏa của Iran.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc tế, khó có khả năng Iran đóng cửa eo biển. Bởi vì, không chỉ có Mỹ và đồng minh mà rất nhiều nước khác trên thế giới, kể cả bản thân Iran, cũng sẽ bị vạ lây

An Tôn - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.