Iran tiếp tục bị bủa vây

Thứ Ba, 25/10/2011, 11:38
Âm mưu ám sát Đại sứ Arập Xêút ở Washington được cho là của Iran chỉ là chương mới nhất của cuộc chiến tranh dầu mỏ đang diễn ra giữa hai quốc gia Iran và Arập Xêút. Người ta đặt câu hỏi cội nguồn của sự xung đột này là như thế nào và liệu những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Quả bom” từ Arập Xêút

Âm mưu ám sát làm nổi bật một sự thật u tối: Iran và Arập Xêút từng lao vào cuộc chiến tranh làm tiêu hao sinh lực kinh tế của cả hai quốc gia trong vài thập niên qua - với vũ khí lựa chọn là dầu mỏ chứ không phải là chất nổ. Cả hai quốc gia cùng ra một tuyên cáo rằng, mặc dù bom đạn có thể giết người, nhưng chúng không thể gây phá sản mà chỉ có sự suy sụp đột ngột trong nguồn thu từ dầu mỏ mới có thể dẫn đến hậu quả ghê gớm đó. Chính dầu mỏ có thể biến thành siêu bom tài chính gây mất ổn định kinh tế một quốc gia.

Thời gian qua, Hoàng gia Arập Xêút đã bị chao đảo trước những cuộc nổi loạn trong thế giới Arập và sự sụp đổ của những người bạn đồng minh ở Ai Cập cũng như Tunisia.

Hoàng thân Turki Al-Faisal, Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ trong một lần nói chuyện với nhóm quan chức NATO đã chỉ trích quốc gia láng giềng Iran xúi giục và tiếp sức cho sự bất ổn trong khu vực và đó là một phần trong âm mưu gây chia rẽ, làm suy yếu và cuối cùng lật đổ những nền quân chủ Sunni bảo thủ trong khu vực.

Hoàng thân Turki lớn tiếng khẳng định: Sau 6 tháng phòng thủ, Hoàng gia Arập Xêút sẽ “đứng dậy chuẩn bị chiến đấu với vũ khí mạnh nhất của mình - đó là trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của vương quốc”.

Hoàng thân Turki chế nhạo Cộng hòa Hồi giáo Iran là "con hổ giấy" dù có "vuốt sắt" nhưng chỉ sống nhờ vào khả năng kiếm chác từ giá dầu tăng cao "để duy trì một mức độ phồn vinh kinh tế đủ để trấn an người dân". Hoàng thân ám chỉ rằng chính sự dựa dẫm vào nguồn thu nhập duy nhất này để củng cố cấu trúc chính trị xơ cứng của Iran đã đẩy chế độ của Tehran vào thế yếu, dễ bị tấn công phá hoại ngầm.

Theo Hoàng thân Turki, Arập Xêút đã chuẩn bị dùng đến sức mạnh của nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới để "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran. Arập Xêút có thể làm điều đó khi cho mở kho dự trữ dầu mỏ của mình để kéo giảm giá dầu trên thị trường thế giới xuống mức đủ thấp. Mục đích cuối  cùng là nhằm tước đoạt hàng tỉ USD thu nhập mà chính quyền Tehran cần để mua lấy sự ổn định trong nước. Làm tràn ngập thị trường với dầu hỏa giá rẻ thực sự là chiến tranh kinh tế quy mô lớn - nó giống như quả bom thả xuống quốc gia đối thủ và là âm mưu cực kỳ hiểm độc nhằm làm suy giảm nền kinh tế nước khác.

Một nhà máy lọc dầu ở Tehran, Iran.

Mới đây, một số tài liệu giải mật của chính quyền Mỹ tiết lộ vào mùa hè và mùa thu năm 1976, ngay giữa chiến dịch tranh cử tổng thống gay cấn của hai đối thủ Ford - Carter, nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Gerald Ford lo ngại giá nhiên liệu tăng cao có thể dẫn đến sự sụp đổ tài chính toàn cầu.

Vào 3 năm trước đó, Shah Reza Pahlavi đã mưu mô một "cú sốc dầu mỏ" gây tăng giá phi mã làm lung lay những đế chế tài chính phương Tây. Để thanh toán những hóa đơn dầu mỏ cao cắt cổ của OPEC, các quốc gia Nam Âu buộc phải vay những khoản tiền khổng lồ từ những nhà cho vay tư nhân và cả các ngân hàng ở Wall Street - bao gồm Bank of America, Citibank, Chase Manhattan và Morgan. Các ngân hàng này cho vay quá nhiều tiền và quá nhanh đến nỗi vào cuối năm 1976, họ có thấy rõ là những con nợ châu Âu đang tiến gần đến mức mất khả năng trả nợ.

Trong tình hình Iran kiểm soát giá dầu, Washington buộc phải quay sang cầu cứu Arập Xêút và Hoàng gia nước này đồng ý bơm dầu vào thị trường với giá rẻ. Quyết định của Arập Xêút đã đánh đòn đau vào nền kinh tế vốn thiếu sức đề kháng của Iran. Arập Xêút muốn dạy Shah Reza Pahlavi một bài học và họ đã có được thành công khi thu nhập từ dầu mỏ của Iran bị suy sụp vào đầu năm 1977 gây mất ổn định kinh tế nước này và từ đó dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính làm lung lay nền móng chế độ Pahlavi. "Chúng ta đang khánh kiệt", Pahlavi rên rỉ khi sản lượng dầu mỏ của Iran sụt xuống 38% chỉ trong vòng 9 ngày - tương đương 2 triệu thùng dầu một ngày, một con số gây choáng váng chính quyền Iran.

Vũ khí dầu mỏ mà Arập Xêút sử dụng chống lại Iran lúc đó đã góp phần làm mất đi sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền của Pahlavi, từ đó dẫn đến cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Cuộc chiến dầu mỏ mà Hoàng gia Arập Xêút phát động chống Reza Pahlavi đã trở thành khuôn mẫu cho việc đe dọa và mưu đồ  ngày nay giữa sự đối đầu của hai quốc gia Arập Xêút và Iran.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tháng 8-2011, Arập Xêút đã bơm nhiều dầu vào thị trường hơn bất cứ thời điểm nào trong vòng 30 năm qua, với kỷ lục 9,8 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng sản lượng rớt nhẹ trong tháng 9-2011 còn 9,59 triệu thùng dầu một ngày do nhu cầu giảm. Arập Xêút muốn gì? Họ có tiếp tục bơm dầu hay không? Vụ âm mưu ám sát Đại sứ Arập Xêút ở Washington liệu có tác động đến động thái tiếp theo của họ?

Chuyện cũ đem ra làm mới

Vắng mặt trên các kênh thông tin đại chúng thế giới 7 tháng nay, giờ đây Iran quay trở lại một cách ồn ào. "Iran đang chuẩn bị một quả bom hạt nhân" -  đó là tựa đề trên tạp chí "Le Figaro" của Pháp. Tạp chí này khẳng định: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã có bằng chứng và nhắc đến "một chuyên gia liên quan đến hồ sơ" cho biết IAEA sẵn sàng công bố "một báo cáo quan trọng nhất về vấn đề này". Nhưng khi được phóng viên báo Le Point phỏng vấn, IAEA nhận xét bài báo đó là ngốc nghếch và từ chối bình luận về một tài liệu "chỉ được trình lên Hội đồng Giám đốc vào ngày 17/11 tới". Một nguồn tin giấu tên trong tờ Le Figaro cũng thừa nhận rằng, bài báo đó có tính chất gây ồn ào và "không phải do các phóng viên viết".

"Báo cáo không chứa một yếu tố nào mới so với báo cáo cách đây 6 tháng" - Giám đốc François Géré của Viện Phân tích chiến lược Pháp cho biết. Ngày 2/9 vừa qua, Tổng giám đốc IAEA có nhắc đến mối lo lắng ngày càng tăng về tầm mức quân sự của chương trình hạt nhân Iran, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc chế tạo một đầu đạn hạt nhân cho tên lửa. Cơ quan này cũng khẳng định rằng đã có trong tay "các thông tin chi tiết và súc tích, rất nhất quán và đáng tin".

Sau khi nắm được một vài chi tiết của bản báo cáo, François Géré nhận xét: "Chúng tôi biết rằng, Iran đã tăng tốc việc làm giàu uranium đến 20% dưới sự kiểm soát của IAEA. Từ đó Iran sẽ nhanh chóng làm giàu đến 90%, ngưỡng cần thiết để sử dụng vào mục đích quân sự.

Sự phân tích này đã được tướng Aviv Kochavi, tư lệnh tình báo quân đội Israel hiện nay đưa ra kết luận: "Vấn đề không phải là khi nào Iran sẽ có được quả bom mà là trong bao lâu nữa Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sẽ quyết định bắt đầu làm giàu uranium 90%. Một khi quyết định đã được đưa ra, Iran sẽ mất 1 hoặc 2 năm để chế tạo đầu đạn hạt nhân và lâu hơn thế để triển khai hệ thống phóng tên lửa" - Aviv Kochavi cho biết.

"Điều đã thay đổi hiện nay là báo cáo đó nhắm đến chính trị nhiều hơn. Nó mang tính chất cáo buộc Iran trong khi chứng cứ lại không thay đổi" - François Géré nhận xét. Nhưng bài báo của "Le Figaro" lại tỏ ra nghi ngờ cựu Giám đốc IAEA Mohamed El Baradei (người Ai Cập) đã giảm nhẹ tính nghiêm trọng của chương trình hạt nhân của Iran, thậm chí che giấu một vài yếu tố. "Những sự cáo buộc đó thật đáng xấu hổ. Ông El Baradei chỉ tuân theo nguyên tắc hoạt động của cơ quan, không thể công khai những yếu tố được phát hiện" - François Géré cho biết.  

Ngày 13/10, nhiều nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu phải cứng rắn hơn trong các biện pháp chế tài Iran, có thể nhắm vào Ngân hàng Trung ương hay việc xuất khẩu dầu hỏa của nước này. "Mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân" - nghị sĩ Cộng hòa Richard Corker tuyên bố. Nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Menendez kêu gọi một sự cứng rắn hơn trong đạo luật 2010 cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trả đũa đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu dầu khí của Iran. Ông ta “nhắc nhở” rằng, hiện nay các nước châu Âu có thể mua dầu hỏa của Iran về tinh chế rồi xuất sang Mỹ một cách hoàn toàn hợp pháp. "Hiển nhiên là chúng ta phải tìm ra một phương cách để làm cạn kiệt nguồn lợi từ dầu khí của Iran vốn đảm bảo từ 50 đến 75% ngân sách nước này" - Robert Menendez cho biết.

Một nghị sĩ đảng Dân chủ khác, John Tester, mong muốn Mỹ cũng áp dụng quy tắc đó cho các chi nhánh của những công ty Mỹ tại nước ngoài, tức là mọi giao dịch kinh doanh với Iran đều bị cấm. Nhiều nghị sĩ cũng thắc mắc vì sao chính phủ chưa áp dụng các biện pháp trả đũa đối với nhiều công ty nước ngoài mà báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vào đầu tháng 10 cho biết có đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Iran

Minh Luân - Trang Thuần (tổng hợp)
.
.