Ireland: Bê bối lừa đảo ngân hàng lớn nhất trong lịch sử

Thứ Tư, 07/08/2013, 11:00

Vừa qua, báo Ireland Độc lập đã tiết lộ thông tin động trời trong những cuốn băng ghi âm lại vụ bê bối lừa đảo ngân hàng lớn nhất trong lịch sử, khiến chính phủ và người dân Ireland chết lặng…

Tự miêu tả mình là điển hình thắt lưng buộc bụng vì đã hồi phục từ cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro đang tê liệt, Ireland đã có thể kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu với sự tự tin. Nhưng bề ngoài có vẻ điềm tĩnh của Ireland trong nhiệm kỳ 6 tháng đã bị lu mờ do báo chí đã làm lộ thái độ chủ quan của các quan ngân hàng cấp cao đối với gói cứu trợ tài chính có giá trị hàng tỉ euro.

Báo Ireland Độc lập đã thu thập và công bố hàng loạt các cuộc gọi điện thoại được ghi âm lại trong năm 2008, khi khủng hoảng ngân hàng lên đỉnh điểm. Bấy giờ các quan chức tại Ngân hàng Anglo-Ireland đã ngừng hoạt động và cùng thảo luận với nhau cách làm thế nào để đánh lừa các cơ quan quản lý.

Những tiết lộ này cùng một lúc gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt khi Ireland đang trượt dốc không phanh trở lại vòng suy thoái luẩn quẩn. Các cuốn băng bị rò rỉ cũng thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức tại một hội nghị châu Âu, thái độ đó được thể hiện dưới tiêu đề "lòng tham vô đáy”.

Giáo sư Sean Barrett, giảng viên Khoa Kinh tế Đại học Trinity Dublin trả lời phỏng vấn truyền thông: "Các cuốn băng xác nhận những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng tôi. Các cơ quan quản lý lỏng lẻo trong khu vực công bị các ngân hàng dụ dỗ bảo lãnh tài chính nhưng chưa tính đến chi phí lên đến 90 tỉ euro ở một quốc gia chỉ có 1,8 triệu người có công ăn việc làm.

Cựu Giám đốc Điều hành Ngân hàng Anglo-Ireland (người thứ hai từ trái qua).

Anglo-Ireland từng là ngân hàng đầu tiên phải kêu gọi chính phủ cứu… đuối, sau khi ngân hàng này cho vay hàng chục ngàn tỉ đôla bơm vốn ồ ạt cho các nhà đầu tư bất động sản trước khi bong bóng bất động sản Ireland bị nổ tung và trở thành tài sản quốc hữu hóa năm 2009.

Các cuốn băng ghi lại các cuộc đàm thoại về việc Ngân hàng Anglo-Ireland làm cách nào để nhận được gói cứu trợ, và đề nghị các giám đốc ngân hàng giảm nhẹ việc tịch biên tài sản trị giá bằng tiền cần thiết để giữ kín nợ ngân hàng nhằm mục đích ngăn chặn người dân rút tiền gửi.

John Bowe, Giám đốc Thị trường vốn của Ngân hàng Anglo-Ireland nhận được thông báo này, tiếp đến là Giám đốc Điều hành David Drumm, ông John Bowe đã chọn con số 9 tỉ đôla cần hỗ trợ trước từ gói cứu trợ của chính phủ bằng thủ đoạn lừa phỉnh của mình. Bowe cho biết nếu Chính phủ và Ngân hàng Trung ương đồng ý chi ra chi phí ban đầu 9 tỉ đôla, do đó Chính phủ và Ngân hàng Trung ương mặc nhiên được ràng buộc vào việc thanh khoản thêm nhiều tỉ đôla nữa.

Sau khi bị phá sản, Ireland đã quốc hữu hóa Ngân hàng Anglo-Ireland năm 2009, nước này đã phải chật vật chờ vốn… nhỏ giọt từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Báo Ireland Độc lập không nêu tên ai đã cung cấp thông tin "động trời" này đằng sau những cuốn băng ghi âm hoặc đã có bao nhiêu người biết đến, tờ báo này vẫn đang tiếp tục nhỏ từng giọt tin tức nóng hổi đến công chúng Ireland.

Trong một tuyên bố sau khi có những bình luận đầu tiên xuất hiện, ông Bowe tỏ thái độ thản nhiên, một mực từ chối các cáo buộc cho rằng ông lừa Ngân hàng Trung ương Ireland hoặc có mục đích thực hiện bất kỳ chiến thuật nào để làm như thế.

Thủ tướng Ireland đã có những phát biểu chấn động cho rằng các cuốn băng đó đã hủy hoại vị thế của Ireland, còn nhà kinh tế học Constanin Gurgiev cho biết, người dân Ireland đã "chọn mặt gửi vàng", tin tưởng những người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng, cuối cùng họ đã làm hại đất nước.

Gurdgiev nhất mực khẳng định các cuốn băng có thể sinh ra một "tác động tiêu cực đến uy tín của Ireland chỉ có thể là cái cớ thuận lợi cho các nhà lãnh đạo Ireland và châu Âu trì hoãn vô thời hạn sự hỗ trợ có ý nghĩa đối với Ireland để giải quyết nợ ngân hàng”.

Vay và cho vay không bền vững trong một khoảng thời gian kinh tế bùng nổ đặt ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng ngân hàng Ireland, gói cứu trợ chính phủ đã đè nặng lên vai người nộp thuế với chứng từ khổng lồ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đã rót ra gói cứu trợ trị giá 112 tỉ đôla cho Ireland năm 2010, do đó người dân Ireland phải gồng mình "gánh" nợ  trong nhiều thập niên.

Thâm hụt ngân sách của Ireland trong năm nay lên đến 7,5% GDP, mức thâm hụt cao nhất trong cộng đồng châu Âu. 1/8 tài sản đã thế chấp vào công nợ, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và việc cứu trợ cầm chừng đã cho thấy giá trị xuất khẩu giảm mạnh. Nhưng Chính phủ Ireland vẫn tiếp tục tỏ vẻ dũng cảm khi cố gắng khôi phục lại hình ảnh méo mó của một nền kinh tế từng vang bóng một thời với danh hiệu lẫy lừng "Hổ Celtic".

Một cuộc điều tra chính thức hiện đang được tiến hành nhắm vào các giao dịch diễn ra tại Ngân hàng Anglo-Ireland và 3 giám đốc điều hành trước đây sẽ phải hầu tòa vào năm sau.

Mới đây, khi tiếp xúc với báo chí, ông David Drumm cho rằng mình đang trở thành "vật tế thần” của các chủ ngân hàng cũ có quan hệ chính trị và công chức nhà nước cao cấp được bảo vệ về mặt chính trị. Sau khi “chuồn" khỏi Ngân hàng Anglo-Ireland, ông David Drumm đã trốn sang Mỹ, và tại đây ông đã đệ đơn xin phá sản. Bây giờ, ông đang tận hưởng cuộc sống vương giả trong một căn hộ trị giá 1,4 triệu đôla ở vùng ngoại ô Wellesley ở Boston.

Đảng Fian Fáil, một đảng chính trị lớn ở Ireland đang tích cực dùng ảnh hưởng của mình kêu gọi Chính phủ Ireland yêu cầu Mỹ dẫn độ nguyên Giám đốc điều hành Ngân hàng Anglo-Ireland về Ireland để xét xử

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.