Israel: Tiết lộ mới về điệp viên Lucjan Levi

Chủ Nhật, 28/11/2010, 21:30
Cục an ninh mật vụ Shin Bet của Israel đã ém nhẹm nhiều năm liền một thất bại ê chề trong việc để cho một điệp viên hai mang người Ba Lan gốc Do Thái lợi dụng chui sâu và leo cao vào trong hệ thống tổ chức của mình. Đó là điệp viên Lucjan Levi với mật danh "Samuel".

Câu chuyện về điệp viên Lucjan Levi được tiết lộ bởi nhà nghiên cứu lịch sử người Canada Leszek Gluchowski. Số là, trong khi khảo cứu tàng thư Ba Lan về cuộc đời của một điệp viên hai mang người Ba Lan, Đại tá Jerzy Bryn, xảy ra ở Israel từ những năm 50 đến 70 thế kỷ XX, Gluchowski đã tình cờ tìm thấy tập hồ sơ mà ông chưa từng được biết về một vụ án gián điệp nổi tiếng khác cũng xảy ra ở Israel: điệp viên hai mang Lucjan Levi, một chỉ huy trong lực lượng an ninh mật vụ Shin Bet của Israel, nhưng làm việc cho Cục Mật vụ Ba Lan. Câu chuyện về cuộc đời của điệp viên Levi đã được các nhà báo Moshe Lichtman và Eitan Haber viết và đăng trên tờ Haaretz.

Nhưng những gì mà ông Gluchowski phát hiện trong tập hồ sơ lưu trữ ở Ba Lan thì chưa từng được công bố. Đó là những tài liệu ghi chép lại lời khai của Levi sau khi được tha tù về cuộc đời của ông và vụ gián điệp hai mang do ông gây ra.

Theo lời khai của Levi trong các tài liệu mới tìm thấy thì ông có tên thật là Lucjan Levi, sinh năm 1922 ở Radom, Ba Lan. Khi Chiến tranh thế giới lần 2 nổ ra, Levi theo gia đình chạy sang Liên Xô và gia nhập Hồng quân, tham gia chiến tranh vệ quốc, bị thương rồi giải ngũ. Sau đó, Levi được bổ nhiệm làm giám đốc một nhà hát và chủ nhiệm một chi nhánh của hội chữ thập đỏ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Trong suốt khoảng thời gian đó, Levi bắt liên lạc với tổ chức tình báo NKVD - tiền thân của KGB.

Khi chiến tranh kết thúc, Levi trở về quê hương Ba Lan, cưới vợ được 3 năm rồi li dị. Sau đó, Levi gia nhập phong trào thanh niên Zionist mang tên Gordonia ở thành phố Lodz. Nhờ chút kinh nghiệm thời quân ngũ, Levi được phong làm chỉ huy lực lượng "tự vệ". Phong trào Gordonia cũng cử ông làm người đại diện trong tổ chức Haganah (lực lượng dân quân tự vệ) của người Do Thái hoạt động bí mật ở Ba Lan.

Tháng 12/1947, trong một lần sơ suất, Levi đã khai gian dối lý do bị thương của mình nhằm che giấu các hoạt động ngầm của tổ chức Haganah. Thế là ông lọt vào tầm ngắm của Cơ quan Tình báo Ba Lan, bị họ khống chế và buộc phải phục vụ như một điệp viên ngầm mang mật danh “Armenia”. Nhiệm vụ khi đó Levi được giao là theo dõi và báo cáo cho mật vụ Ba Lan  về đồng bọn trong phong trào Zionist.

Năm 1948, thành phần thanh niên Zionist chuẩn bị di cư về Israel, Levi đề nghị cấp trên cho mình đi theo họ để tiếp tục làm điệp viên ở Israel. Cấp trên đồng ý, và Levi được mang mật danh mới là “Samuel”, có nhiệm vụ thâm nhập vào mật vụ Israel. Khi sang đến Israel, Levi đã thay tên đổi họ theo tiếng Do Thái và gia nhập Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF). Sau đó, ông làm việc cho một công ty xây dựng cho đến năm 1950 thì gia nhập cơ quan Shin Bet nhờ các mối quan hệ hồi còn trong tổ chức Haganah ở Ba Lan. Ông chui sâu vào tận cơ cấu quan trọng nhất của Shin Bet là bộ chỉ huy tác chiến.

Cựu Tổng Giám đốc Shin Bet Amos Manor.

Theo các tài liệu lưu trữ, Levi được bổ nhiệm làm chỉ huy một đội giám sát và đột nhập vào các văn phòng đại diện của các nước phương Tây ở Israel. Trong những chuyến đột nhập thành công, Levi và "đồng bọn" của ông đã chụp hình các tài liệu, cài đặt các thiết bị nghe lén. Và toàn bộ những việc ông làm, nghe thấy và nắm bắt được đều được chuyển thẳng về tận văn phòng chỉ huy tình báo ở Ba Lan.

Trong 7 năm làm việc cho tình báo Ba Lan, Levi đã trải qua 4 đời liên lạc viên, tất cả đều là các nhà ngoại giao Ba Lan tại Tel-Aviv. Họ sắp xếp các cuộc gặp là những chuyến ông đến thăm Đại sứ quán Ba Lan. Levi đã thuyết phục các chỉ huy Shin Bet bằng lý do để giải quyết các vấn đề gia đình và được họ cho phép. Các chỉ huy Shin Bet còn ngây thơ tin tưởng Levi đến độ vào năm 1955, họ thậm chí cho phép ông đến nước Pháp để gặp một liên lạc viên Ba Lan, Đại úy Wladyslaw Mroz mà không nghi ngờ điều gì.

Các tài liệu cho biết, trong lần gặp đó, Levi đã báo cáo với Mroz về một chuyến đột nhập phòng khách sạn của một VIP người Mỹ (không nêu tên). Trong một vụ khác, điệp viên "Samuel" tiết lộ rằng một nhân viên làm việc trong Đại sứ quán Bulgaria ở Israel là một điệp viên của Shin Bet. Thế là Cơ quan Mật vụ Ba Lan lập tức báo tin này cho tình báo Bulgaria để lật tẩy nhân viên Shin Bet nọ.

Trong các báo cáo của mình, tình báo Ba Lan đã ca ngợi những thành tích của điệp viên Levi và đánh giá những thông tin mà ông cung cấp có giá trị cao về nhiều mặt, chẳng hạn như về cấu trúc, nhân lực và phương pháp hoạt động phản gián của Israel; thành công và thất bại của các nỗ lực phản gián (như đột nhập, lục soát, nghe lén, theo dõi,...); và danh tính nhân viên tình báo Israel hoạt động trong các cơ quan đại diện Israel ở các nước thuộc khối Xôviết.

Từ những thông tin do Levi cung cấp, Cơ quan tình báo Ba Lan đã chuyển tiếp cho các cơ quan tình báo thuộc khối Đông Âu và Liên Xô, chủ yếu là KGB của Liên Xô. Cũng theo báo cáo của tình báo Ba Lan, trong suốt quá trình làm việc cho tình báo Ba Lan, Levi đã nhận được khoản thù lao tương đương 6.000 lira tiền Israel.

Cảnh sát Israel bắt giữ 2 kẻ tình nghi.

Vào năm 1957, thêm một làn sóng di cư nữa của người Do Thái từ Ba Lan sang Israel, trong số đó có 2 người từng quen biết thời Levi còn làm việc ở mật vụ Ba Lan. Một trong 2 người đó tên là Jefim (Jozef) Gildiner đã đến gặp trực tiếp các lãnh đạo Shin Bet để "lật tẩy" Levi. Lập tức, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mossad Isser Harel và Tổng giám đốc Shin Bet Amos Manor đã ra lệnh mở cuộc điều tra về Levi.

Tuy nhiên, do Shin Bet không thể tìm được bằng chứng xác đáng nào nên không thể bắt giam Levi, đành phải cho ông nghỉ việc, đồng thời cho phép ông rời Israel sang Pháp sinh sống. Levi ở Pháp được 2 năm thì các chỉ huy tình báo ở Ba Lan lệnh cho ông phải quay về Israel và trở lại làm việc. Levi quay trở lại Israel và yêu cầu Shin Bet phải phục hồi chức vụ và công việc cho ông, nếu không ông sẽ cho công bố một vụ tham nhũng lớn trong nội bộ Shin Bet. Tuy nhiên, yêu cầu của Levi đã không được chấp thuận.

Sau đó, Levi vẫn tiếp tục liên lạc với tình báo Ba Lan và bị bắt giam. Các cuộc khảo cung Levi do Manor chỉ đạo đều không thể moi được thông tin nào. Ngay cả phiên tòa xét xử Levi cũng được tổ chức kín đáo vì các lãnh đạo tình báo Israel lúc đó thật sự "bối rối và mù tịt" về vụ việc.

Chính vào lúc vụ xét xử Levi lên đến cao trào thì Đại úy Mroz - liên lạc viên của Levi, lại đào tẩu sang Pháp. Tình báo Pháp đã chuyển thông tin này cho phía Israel. Manor lập tức bay sang Paris để gặp Mroz và mời được ông này ra làm chứng để "lật tẩy" Levi. Từ bằng chứng này, Tòa án khu vực Tel-Aviv đã tuyên án Levi 10 năm tù giam. Khi thụ án được 2/3 thời gian, Levi được thả tự do và trục xuất sang đảo Síp, từ đó ông sang Australia đoàn tụ cùng gia đình và sống những ngày cuối đời ở đó

Nguyên Khang (theo Haaretz)
.
.