Israel bị cáo buộc cài thiết bị do thám Nhà trắng

Thứ Tư, 02/10/2019, 22:04
Sau hai năm điều tra hiện tượng các thiết bị thu phát sóng lạ do thám điện thoại di động gần Nhà Trắng và ở nhiều khu vực nhạy cảm khác trong thủ đô Washington, các cơ quan tình báo Mỹ đã đi đến kết luận rằng thủ phạm rất có thể là tình báo Israel.

Tờ báo Politico dẫn lời các cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết các thiết bị do thám nhỏ xíu có tên gọi chính thức là thiết bị bắt sóng thuê bao di động quốc tế (IMSI), gọi nôm na là “StingRays”, được gắn trên các cột nhái cột mô phỏng cột thu phát sóng điện thoại di động.

Các thiết bị này được cài đặt nhằm mục đích hút các sóng điện thoại di động để dò tìm ra vị trí của chiếc điện thoại và khai thác thông tin về danh tính người dùng. Ngoài ra, IMSI còn có thể thu thập cả nội dung cuộc gọi và dữ liệu liên quan.

Theo Politico, các thiết bị tình báo được gắn gần Nhà Trắng rõ ràng là nhằm do thám Tổng thống Donald Trump cũng như các cố vấn cao cấp và những người thân cận của ông, để nghe trộm, thu thập thông tin về những vấn đề ông và các cố vấn thường xuyên trao đổi, hoặc các thông tin giao tiếp với các đối tác bên ngoài Nhà Trắng và trên thế giới.

Mô hình thiết bị do thám gần Nhà Trắng.

Ngoài việc do thám các quan chức Nhà Trắng, các thiết bị còn theo dõi, do thám cả những người thân, bạn bè xung quanh họ. Một nhóm đối tượng do thám khác bao gồm những người thường xuyên có giao tiếp với bạn bè và các cố vấn của Tổng thống Trump. Thông tin thu thập được từ những người này được đánh giá là rất có giá trị.

Chả thế mà rất nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những đồng minh thân cận với Mỹ như Israel cũng thường xuyên tìm cách do thám Nhà Trắng và một số khu vực nhạy cảm khác ở Washington DC.

Thông thường, thiết bị IMSI, hay StingRays, thường được các cơ quan cảnh sát địa phương ở Mỹ và nhiều nước khác sử dụng như một công cụ để theo dõi, giám sát mọi hoạt động các phần tử tội phạm, khủng bố và những thành phần được xem là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhưng việc sử dụng các thiết bị này cho mục đích gián điệp cấp quốc gia thì có lẽ đây là vụ việc đầu tiên.

Chúng được phát hiện cách đây hơn một năm. Vào thời gian đó, báo chí Mỹ lên tiếng về việc điện thoại di động của Tổng thống Trump bị nghe lén, nhưng dường như ông chẳng có phản ứng gì theo sự chờ đợi của cộng đồng tình báo Mỹ. Tháng 5-2018, tờ Politico từng đưa tin rằng Tổng thống Trump thường sử dụng chiếc điện thoại di động bảo mật kém khi điện đàm với bạn bè và những người thân tín.

Sau đó, tháng 10-2018, tờ New York Times đã đăng loạt thông tin về việc “các điệp viên Trung Quốc thường xuyên nghe lén các cuộc gọi điện thoại di động của Tổng thống Trump”, khiến Tổng thống Trump bực tức phản bác là “không đúng”.

Thời điểm đó, Bộ An ninh nội địa đã kiểm tra và phát hiện bằng chứng sự hiện diện của các thiết bị do thám được dựng khắp nơi ở thủ đô Washigton DC, nhưng không thể xác định được chúng thuộc về tổ chức, quốc gia nào. FBI vào cuộc kiểm tra, phân tích các chứng cứ, dữ liệu có được để đưa ra nhận định về nguồn gốc, xuất xứ của các bộ phận cấu thành thiết bị, tuổi thọ thiết bị và những ai đang giữ quyền truy xuất dữ liệu từ thiết bị.

Căn cứ các phân tích chi tiết, FBI, Bộ An ninh nội địa và các cơ quan tình báo khác đưa ra nhận định tình báo Israel chính là thủ phạm cài đặt các thiết bị này. Đương nhiên, Israel ngay lập tức bác bỏ nhận định của FBI.

Tờ Politico dẫn nguồn cựu quan chức Mỹ cho rằng, có vẻ như chính quyền của Tổng thống Trump không bận tâm lắm đến thông tin “Israel cài thiết bị do thám” mình. Không giống như cách phản ứng của các chính quyền trước đây, Nhà Trắng hiện tại không có bất kỳ động thái nào để gọi là “khiển trách” Israel hay thậm chí là chỉ lên tiếng cáo buộc.

Các cựu quan chức tình báo cho rằng thái độ và cách xử trí vấn đề quá “hiền” như thế xuất phát từ việc Tổng thống Trump đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đã làm không ít việc để thể hiện mối quan hệ thân thiết này.

Tuy nhiên, cho dù là bạn bè thân thiết, nhưng Israel vẫn được xem là một trong những quốc gia tiến hành hoạt động tình báo trên đất Mỹ nhiều nhất. Các cựu quan chức tình báo cho biết, trong vài năm gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với đó là sự gia tăng mạnh hoạt động gián điệp ở nước ngoài.

Đặc biệt là ở Mỹ, Trung Quốc được xem là nước cài khá nhiều điệp viên dưới vỏ bọc đủ mọi thành phần trong xã hội, từ kỹ sư, công nhân cho đến sinh viên, học sinh và cả quan chức trong các cơ quan nhà nước. Nhưng hoạt động tình báo của Trung Quốc thường cũng chỉ dừng lại ở việc thu thập các thông tin bí mật công nghệ, kinh doanh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế.

Chỉ có Israel được đánh giá là có hoạt động gián điệp hết sức quyết liệt trên đất Mỹ. Israel có nhiều lý do để gia tăng hoạt động gián điệp đối với đồng minh Mỹ, chẳng hạn như Tel Aviv luôn muốn biết trước Washington đang hoạch định gì, tính toán như thế nào trong các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của hai nước.

Đồng thời, Tel Aviv cũng muốn nắm rõ đồng minh của mình sẽ có bước đi gì tiếp theo để thao túng ngoại giao theo hướng có lợi cho mình, nhằm nắm thế thượng phong trong các vụ việc đối ngoại giữa 2 nước.

Về khía cạnh này thì ai cũng biết rõ những năm qua, Tel Aviv đã luôn ở thế “mèo cưỡi lưng cọp”, điều khiển từng động thái ngoại giao có lợi cho mình trên các diễn đàn quốc tế như tại các cuộc họp thảo luận nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ hay Đại hội đồng LHQ hàng năm.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.