Israel bí mật hợp tác Ai Cập chống phiến quân trên bán đảo Sinai
- Thủ tướng Israel vội vã sang Nga gặp Tổng thống Putin tránh màn đối đầu trên không
- Syria giăng “lưới lửa” Buk-M2A của Nga để “bắt nóng” chiến đấu cơ Israel
- Biển người Israel mang theo ô đến Jerusalem cầu mưa
Nơi trú ẩn của các phiến quân Hồi giáo
Bắc Sinai là một vùng đất chủ yếu là đồi núi và sa mạc nằm giữa kênh đào Suez và biên giới Israel. Sự quản lý của Cairo đối với vùng đất này khá lỏng lẻo, nhờ đó nó đã trở thành nơi trú ẩn cho các phiến quân Hồi giáo từ khoảng một thập niên trước khi ông Sisi lên nắm quyền.
Kể từ đó, thánh chiến quân ở vùng Bắc Sinai là vấn đề an ninh nghiêm trọng nhất của Ai Cập. Chúng đã gây ra nhiều vụ tấn công nghiêm trọng ở Ai Cập, giết chết hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập, từng đánh chiếm một thị trấn lớn, và tuyên bố liên minh với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Ai Cập hầu như không thể làm được gì để chặn đứng bàn tay đẫm máu của nhóm thánh chiến quân.
Đám tang của 4 thánh chiến quân bị tiêu diệt trong một vụ không kích của Israel. |
Tổ chức thánh chiến nổi cộm nhất ở Bắc Sinai là Ansar Beit al-Maqdis – tức Nghĩa quân Jerusalem. Lực lượng này chủ yếu thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào Israel, nhưng kể từ khi ông Sisi lên nắm quyền đã chuyển sang thực hiện những cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào lực lượng an ninh Ai Cập.
Tháng 8-2013, vài tuần sau khi ông Sisi lên nắm quyền, đã xảy hai vụ nổ bí ẩn giết chết 5 nghi can phiến quân ở Bắc Sinai, cách không xa biên giới Israel. AP dẫn lời một quan chức Ai Cập giấu tên nói rằng một chiếc drone của Israel đã phóng tên lửa giết chết các phiến quân đó sau khi có tin mật báo từ Ai Cập rằng bọn chúng chuẩn bị vượt biên giới để tấn công một sân bay Israel. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính phủ Ai Cập khi đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin về sự phối bí mật này. Vụ việc sau đó rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên, hai năm sau, ông Sisi vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể khống chế được bọn phiến quân Bắc Sinai. Đến thời điểm đó, các phiến quân do Ansar Beit al-Maqdis dẫn đầu đã giết hại hàng trăm binh sĩ và cảnh sát Ai Cập. Vào tháng 11-2014, Ansar Beit al-Maqdis chính thức tuyên bố mình là chi nhánh của IS tại Bắc Sinai.
Ngày 1-7-2015, các tay súng của Ansar Beit al-Maqdis chiếm quyền kiểm soát thị trấn Sheikh Zuwaid và chỉ chịu rút lui khi quân đội Ai Cập đưa máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công vào thị trấn. Sau đó, vào cuối tháng 10-2015, Ansar Beit al-Maqdis đánh bom chiếc máy bay chở khách của Nga, giết chết 224 người.
Chính những sự kiện an ninh gây chấn động đó đã khiến giới chức lãnh đạo Israel nhận định nguy cơ đến từ bán đảo Sinai là rất nghiêm trọng, buộc nước này phải hành động. Và chiến dịch không kích của Israel bắt đầu từ đó.
Đối với Cairo, hành động can thiệp quân sự của Israel được xem như một sự chi viện kịp thời và hiệu quả, giúp nước này lấy lại ưu thế trong cuộc chiến chống thánh chiến quân Hồi giáo cực đoan kéo dài đã 5 năm nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đối với Israel, hành động quân sự là phương án nhất thời nhằm củng cố an ninh vùng biên giới, đồng thời là một “nghĩa cử” giúp nước láng giềng ổn định an ninh.
Đồng minh bí mật
Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, chiến dịch không kích của Israel đóng vai trò quyết định giúp lực lượng quân sự Ai Cập giành lại thế thượng phong trước phiến quân thánh chiến. Nhưng cả Ai Cập và Israel đều đang cố gắng che giấu vai trò của Israel trong các cuộc không kích vì sợ rằng việc công khai có thể gây nên làn sóng phản ứng dữ dội trong nước.
Xác máy bay chở khách của Nga bị nhóm phiến quân Ansar Beit al-Maqdis đánh bom tháng 10-2015 ở Sinai. |
Hiện tại, giới chức chính quyền lẫn truyền thông Ai Cập vẫn đang xem Israel là kẻ thù và cam kết trung thành với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của người Palestine. Để che đậy vai trò của Israel, những chiếc drone của Israel tham gia chiến dịch đều không mang số hiệu, còn những chiếc trực thăng và chiến đấu cơ tham gia không kích thì cũng che số hiệu lại.
Chúng bay vòng vèo để đánh lạc hướng quan sát, để người ta tưởng rằng chúng xuất phát từ Ai Cập. Trong khi đó ở Israel, quân đội đã kiểm duyệt gắt gao và hạn chế báo chí đưa tin về chiến dịch không kích này.
Hiện chưa biết có binh sĩ hay sĩ quan, biệt kích nào của Israel đặt chân lên đất Ai Cập chưa, nếu có thì nguy cơ lộ tẩy sẽ rất cao. Tổng thống Ai Cập thậm chí còn quan tâm sâu sắc hơn đến việc che đậy nguồn gốc xuất phát các đợt không kích. Chỉ có một số rất ít quân nhân và sĩ quan tình báo thân cận với ông mới được biết về chiến dịch này. Chính phủ Ai Cập đã tuyên bố vùng Bắc Sinai là một vùng quân sự khép kín, nghiêm cấm mọi đối tượng ra vào nhằm ngăn chặn các nhà báo đến đó để tìm kiếm thông tin.
Kể từ khi hai bên ký kết Hiệp ước Camp David cách đây 40 năm (năm 1978), các vị tướng lãnh đạo quân đội Ai Cập luôn có mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp Israel. Các lực lượng an ninh Ai Cập đã từng giúp Israel kìm hãm lượng hàng hóa tuồn ra vào Dải Gaza của người Palestine nằm giáp ranh với Ai Cập. Và các cơ quan tình báo Ai Cập và Israel từ lâu đã chia sẻ thông tin về các tay súng Hamas ở Dải Gaza và các phiến quân Huynh đệ Hồi giáo ở phía biên giới bên Ai Cập.
Năm 2012, Israel tỏ ra quan ngại khi phong trào Mùa xuân Arập bầu một người thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là ông Mohamed Morsi lên làm tổng thống. Tuy ông Morsi cam kết tôn trọng Hiệp ước Camp Daivd, nhưng Israel vẫn lo lắng về mối quan hệ tinh thần giữa Huynh đệ Hồi giáo và Hamas cũng như tinh thần chống Do Thái của tổ chức này vốn có lịch sử lâu đời.
Rồi một năm sau, năm 2013, ông Sisi lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng đã làm một cuộc đảo chính không tiếng súng, phế truất ông Morsi và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Israel vui mừng chào đón sự kiện này đồng thời hối thúc Washington nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Ai Cập. Từ đó, quan hệ giữa các vị tướng lĩnh hai nước ngày càng được củng cố thêm.
Sự hợp tác bí mật trong chiến dịch không kích Bắc Sinai đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của mối quan hệ giữa hai nước từng là “kẻ thù” của nhau trong 3 cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông. Ai Cập và Israel hiện tại bỗng trở thành những đồng minh bí mật trong cuộc chiến bí mật chống kẻ thù chung là bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan. Và đây cũng là bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ nhất của sự biến đổi cục diện chính trị trong khu vực.
Việc có chung kẻ thù đã đẩy lãnh đạo một số nước Ảrập đứng vào hàng ngũ cùng với Israel, cho dù trên thực tế các phương tiện truyền thông và quan chức chính phủ các nước vẫn còn có thái độ tiêu cực đối với Nhà nước Do Thái.