Israel theo dõi nội dung Facebook của người Palestine

Thứ Năm, 14/07/2016, 18:25
Facebook không những không thể thay đổi vòng xoáy bạo lực mà thậm chí còn khiến cho tình hình càng thêm trầm trọng. Mạng xã hội được sử dụng phổ biến nơi người Palestine nên giới chức Israel không ngừng lên tiếng chỉ trích mạng xã hội tạo điều kiện cho làn sóng bạo lực bùng nổ mạnh hồi tháng 10-2015.

Kể từ đó, lực lượng an ninh Israel đã bắt giữ khoảng 400 người Palestine do hoạt động của họ trên Fcebook - theo báo cáo từ 2 tổ chức nhân quyền Addameer và Adalah của Palestine. Chỉ riêng trong năm 2015, Bộ Tư pháp Israel đã mở 155 cuộc điều tra đối với những người Palestine liên quan đến nội dung đăng trên Facebook, từ đó cho thấy mức độ tung hoành của gián điệp Israel trên mạng xã hội.

Người Palestine đầu tiên bị bắt giữ vì nội dung đăng trên Facebook

Buổi sáng ngày 28-8-2014, hai ngày sau khi kết thúc cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas tại Gaza, Sohaib Zahda đi xe taxi từ Hebron đến Ramallah để được phỏng vấn xin việc làm. Zahda là thành viên của Youth Against Settlements, tổ chức phi bạo lực chống đối người định cư Israel sống bên trong và xung quanh Hebron.

Ảnh chụp màn hình trang Facebook của Sohaib Zahda.

Zahda cũng chống đối Hamas bắn rocket vào Israel. Hebron và Ramallah cách nhau hơn 40km và giữa hai nơi là chốt kiểm soát quân đội Israel. Khi chiếc taxi chở Zahda tiến đến, binh sĩ Israel ra dấu hiệu dừng và yêu cầu Zahda ra khỏi xe.

Zahda liền bị còng tay, tịch thu điện thoại di động và bị dẫn đến căn phòng gần chốt kiểm soát. Zahda bị thẩm vấn vì liên quan đến mối đe dọa an ninh một chỉ huy quân đội Israel. Mối đe dọa được tuyên bố xuất phát từ nội dung đăng trên Facebook cá nhân của Zahda kêu gọi người Palestine nổi dậy ở Hebron. Cuối cùng, Zahda bị chuyển đến giam trong một nhà tù quân sự Israel. Zahda nhấn mạnh anh không bao giờ kích động bất cứ ai hành động bạo lực.

Nhưng, trong suốt mùa hè năm 2014 khi quân đội Israel phong tỏa Hebron và bắt đầu đánh bom Dải Gaza, Zahda điều hành một trang Facebook gọi là "Intifada al-Khalil" - nghĩa là "Sự thức dậy của Hebron". Zahda sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin về chiến tranh và kêu gọi người Palestine biểu tình. Anh cho biết: "Ban đầu, tôi có được 1.000 like. Và, chỉ trong 3 ngày, tôi có đến 7.000 like".

Zahda hướng các bài đăng trên Facebook vào mục tiêu là Ghassan Alian, chỉ huy Trung đoàn Golan đánh bom khu Shuja'iyya lân cận Gaza vào ngày 20-7-2014 giết chết ít nhất 60 người chỉ trong vòng 24 giờ. Bạo lực lan tràn trong năm 2014 đã khiến cho Zahda giận dữ. Bạo lực bắt đầu với vụ chiến binh Palestine bắt cóc và giết chết 3 thanh niên Israel gần Hebron, sau đó kéo dài đến Jerusalem với vụ giết một thanh niên Palestine để báo thù và đỉnh điểm là cuộc chiến 51 ngày ở Gaza cướp đi sinh mạng của trên 2.100 người Palestine và 72 người Israel.

Các lực lượng an ninh Israel chú trọng giám sát Facebook của người Palestine.

Từ khi người dùng Facebook chia sẻ hơn 2 triệu mẫu nội dung vào mỗi phút, đó là cơ hội cho Zahda đăng bài trên mạng xã hội mà không gây chú ý đến chính quyền Israel. Nhưng, những bài đăng của Zahda gây chú ý cho một nhóm người Israel cánh hữu và họ đã chuyển thông tin đến cho cảnh sát Israel.

Từ đó, đơn vị an ninh mạng của cảnh sát Israel bắt đầu theo dõi trang Facebook của Zahda và Bộ Tư pháp Israel cấp phép cho cuộc điều tra về nội dung mạng xã hội của Zahda. Một tòa án Israel cũng yêu cầu công ty Facebook chuyển giao dữ liệu chứng minh Zahda là người tạo ra trang mạng xã hội. Mặc dù, cảnh sát Israel đã giám sát trang Facebook của Zahda trong suốt cuộc chiến tranh song họ cần dữ liệu chính thức từ công ty công nghệ Mỹ để khẳng định Zahda là người điều hành "Intifada al-khalil".

Zahda là người Palestine đầu tiên trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bị quân đội Israel bắt giữ do liên quan đến nội dung trên mạng xã hội. Trước đó, cảnh sát Israel đã bắt giữ một số người Palestine sống ở Israel vì nội dung trên Facebook - bao gồm Razi Nabulsi bị bắt giữ năm 2013 do nội dung chống Israel trên mạng xã hội và ủng hộ các tù nhân Palestine.

Cuối năm 2014, cảnh sát Israel bắt giữ 8 người ở Đông Jerusalem vì nội dung mạng xã hội ủng hộ bạo lực chống người Do Thái Israel. Omar Shalabi - một trong những người bị bắt giữ - trở thành người Palestine đầu tiên bị một tòa án Israel kết án tù 9 tháng vào tháng 5-2015. Ngày 16-10-2015, cảnh sát Israel đã bắt giữ thanh niên Palestine 19 tuổi tên là Anas Khateeb và 6 ngày sau đó người này bị công tố viên buộc tội.

Tội của Khateeb là đăng bài trên Facebook với những nội dung như là: "Intifada muôn năm!", "Jerusalem là Arập" và "Tôi nằm trong danh sách chờ đợi". Chỉ 4 ngày sau khi cảnh sát bắt giữ Anas Khateeb, một thẩm phán Israel ra lệnh thu thập "mọi thông tin hay tài liệu hữu ích để bắt giữ nghi can liên quan đến tên người dùng: Anas Khateeb". Sau đó, công ty Facebook đã tuân thủ lệnh này. Theo tờ New York Times, sau khi 2 người Palestine giết chết 5 người Do Thái Israel, Shalabi viết trên Facebook: "Phải chết để được sống. Vinh quang dành cho những người tử vì đạo".

Giám sát mạng xã hội là ưu tiên của chính quyền Israel

Những cuộc điều tra nội dung đăng trên Facebook của người Palestine là trung tâm của luật pháp Israel chống khích động bạo lực và khủng bố. Amit Meyer, thành viên Đơn vị 8200 - tương đương với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - tuyên bố: "Israel kiểm soát bất cứ thứ gì mà họ muốn. Quân đội Israel có thể làm bất cứ điều gì ở Bờ Tây mà không ai ngăn cản được. Do đó, mọi hình thức giao tiếp đều nằm dưới sự giám sát của Israel".

Cảnh sát Israel bắt giữ một thiếu niên Palestine chống đối.

Theo Amit Meyer, nhiệm vụ thu thập thông tin từ các nền tảng xã hội là ưu tiên hàng đầu của Đơn vị 8200 trong thời gian ông phục vụ từ năm 2010 đến suốt năm 2013. Người dùng Facebook đăng nhiều thông tin công khai trên mạng xã hội và từ đó giúp cho việc chính quyền Israel giám sát người Palestine trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Facebool là nền tảng thông tin nguồn mở, tức là nội dung trên đó được các cơ quan tình báo tự do giám sát mà không cần sử dụng bất cứ công cụ đặc biệt nào.

Vào kỷ nguyên trước Facebook, các cơ quan tình báo phải trực tiếp đến địa bàn để điều tra thành viên của một mạng lưới mục tiêu. Nhưng, bây giờ Facebook giúp đơn giản hóa nhiệm vụ tình báo. Cảnh sát Israel cũng thu thập dữ liệu về người Palestne. Song, sự khác biệt chính giữa các lực lượng an ninh Israel là phạm vi giám sát.

Ví dụ như Shin Bet (cơ quan an ninh nội địa Israel) và Đơn vị 8200 chỉ chịu trách nhiệm trước thủ tướng và Bộ Quốc phòng Israel, cơ quan cho phép 2 tổ chức gián điệp người Palestine trên diện rộng. Ngược lại, cảnh sát Israel chỉ được phép nghe lén điện thoại và thu thập dữ liệu Internet song buộc phải có lệnh từ tòa án. Do đó, cảnh sát Israel phải có lệnh tòa án mới được quyền điều tra Sohaib Zahda hay thu thập dữ liệu Facebook để chứng minh Zahda điều hành trang "Intifada al Khalil".

Yêu cầu dữ liệu về trang Facebook của Zahda từ cảnh sát Israel là một trong số 343 yêu cầu từ các cơ quan hành pháp nước này gửi đến công ty công nghệ Mỹ trong năm 2014. Theo dữ liệu công ty, trong năm 2013, cảnh sát Israel đã gửi yêu cầu đến Facebook 242 lần. Tính trong cả 2 năm, Facebook đã chuyển giao thông tin người dùng đáp ứng khoảng một nửa số yêu cầu từ chính quyền Israel.

Bức tường bê tông của Israel ngăn cách thành phố Abu Dis (trái) ở Bờ Tây với phần Đông Jerusalem, ngày 14-3-2016.

Tháng 10-2015, nhà nước gián điệp Israel đối mặt với vấn đề mới. Gần như là mỗi ngày, thanh niên Palestine đều sử dụng ô tô hay thường là con dao để tấn công một binh sĩ hay dân thường Israel. Không giống như intifada (bạo động của người Palestine chống Israel) đầu tiên, thanh niên và cả phụ nữ Palestine sử dụng dao đều không nằm trong một nhóm có tổ chức và họ cũng không bàn luận vấn đề bạo lực với gia đình hay người khác trong cộng đồng nhằm mục đích tránh sự phát hiện của tình báo Israel.

Giới chức lãnh đạo Israel chỉ trích mạng xã hội chứa đầy những video về binh sĩ hay cảnh sát Israel sát hại nhiều thanh niên Palestine. Tháng 10-2015, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả đó là "tình huống mà ở đó Osama bin Laden bắt tay với Mark Zuckerberg". Hiện nay, các lực lượng an ninh và hệ thống tư pháp Israel đang bắt đầu cho leo thang các chiến thuật của họ.

Từ tháng 10-2015, quân đội Israel đã bắt giữ 71 người Palestine do nội dung kích động bạo lực và khủng bố của họ trên mạng xã hội. Những chiến dịch bố ráp của quân đội Israel cũng trở nên thô bạo hơn về phía đường biên giới gọi là "Đường Xanh" (Green Line) - đường phân định ranh giới giữa các quốc gia và Israel sau thỏa thuận đình chiến năm 1949. Thay vì bắt giữ người Palestine vì nội dung bài đăng trên Facebook và thả ra vài ngày sau đó, quân đội Israel chuyển sang buộc tội và truy tố họ trước tòa án dẫn đến những bản án tù kéo dài.

Micky Rosenfeld, người phát ngôn cho cảnh sát Israel, cho biết hành động ngăn chặn dựa trên hoạt động giám sát chặt chẽ nền tảng xã hội Facebook ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng đối với tình báo Israel từ sau tháng 10-2015.

Công dân Israel gốc Palestine biểu tình chống quân đội Israel đàn áp người dân ở vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Rosenfeld nói: "Chúng tôi phát hiện những nghi can hay phần tử khủng bố tỏ ra giận dữ trên các trang Facebook của họ vào lúc 9 giờ sáng và một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ngay vào buổi chiều hôm đó. Do đó, điều quan trọng nhất của chúng tôi là tìm kiếm những phần tử khủng bố tiềm ẩn trước khi bọn chúng ra tay trên đường phố".

Tại tòa án quân sự Israel, các công tố viên quân đội lập luận rằng Sohaib Zahda đã đe dọa và nhục mạ Ghassan Alian, chỉ huy Trung đoàn Golan, kích động người Palestine biểu tình chống đối bất hợp pháp ở Bờ Tây, công bố một nội dung chính trị trên Facebook. Hiện vụ án Sohaib Zahda vẫn còn đang xét xử ở Israel. Nery Ramati, luật sư của Zahda, tuyên bố ông sẽ kháng cáo cho thân chủ của ông trong thời gian sắp tới.

Diên San (tổng hợp)
.
.