Phía Israel khẳng định, những người Ai Cập được trả tự do trong đợt này không hề liên quan đến các hoạt động chống lại Nhà nước Do Thái, mà chủ yếu bị xét xử vì những tội danh hình sự như buôn ma túy, vũ khí và vượt biên trái phép.
Thủ tục trao đổi điệp viên Grapel diễn ra tại cửa khẩu Taba ở biên giới Israel-Ai Cập vào chiều tối ngày 27/10. Sau khi phía Israel đưa tới 9 chiếc xe chở 25 tù nhân Ai Cập, Ilan Grapel đã được bàn giao lại cho họ rất nhanh chóng. Ilan Grapel (27 tuổi) đã bị bắt giữ tại Cairo vào ngày 12/6 vừa qua với cáo buộc hoạt động gián điệp cho Israel.
Theo khẳng định của các cơ quan mật vụ địa phương, Grapel đã tích cực tham gia vào các hoạt động chống chính phủ bùng phát tại Ai Cập hồi đầu năm nay. Cụ thể là anh ta đã xúi giục các thanh niên Ai Cập tấn công vào cảnh sát và quân đội bằng việc hứa hẹn thưởng tiền cho họ. Đồng thời công dân Israel này dường như cũng có âm mưu tuyển mộ điệp viên cho Cơ quan Tình báo Mossad.
|
Ilan Grapel (trái) được Thủ tướng Netanyahu đón tiếp sau khi được trao đổi. |
Bản thân Ilan Grapel, ngoài quốc tịch Israel còn có cả quốc tịch Mỹ, đã phủ nhận tất cả các cáo buộc trên. Những người quen biết Grapel mô tả anh ta như một nhân vật có những quan điểm chính trị cực tả, yêu thích văn hóa Arập và muốn tới Cairo để học tập. Ước mơ của Grapel đã thành hiện thực, có điều đoạn kết của nó lại không đúng như ý, với nhiều tình tiết được đánh giá là lạ lùng và chưa rõ ràng.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của "mùa xuân Arập", Grapel lại xuất hiện nổi bật trong các hoạt động chống lại chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak khi đó. Hậu quả là anh ta bị bắt giữ và cáo buộc một loạt các tội danh như xúi giục đám đông làm loạn, tổ chức tấn công đồn cảnh sát và đặc biệt là hoạt động cho tình báo Israel.
Israel đã kịch liệt bác bỏ lời cáo buộc cuối cùng. Còn Ngoại trưởng Israel Avigdor Liberman lại gọi Grapel là "một sinh viên kỳ lạ thích tìm kiếm những cảm giác mạnh", chứ không thể là một điệp viên. Những tranh luận giữa Ai Cập và Israel về vụ của Grapel đã kéo dài trong suốt dịp hè vừa qua và thậm chí còn lôi kéo cả sự can thiệp từ phía Mỹ (vì Grapel có cả quốc tịch nước này).
Một số nghị sĩ Mỹ đã rất tích cực tham gia đàm phán nhằm trả tự do cho Grapel. Thậm chí, nỗ lực trực tiếp đề nghị trả tự do cho Grapel của người đứng đầu Lầu Năm Góc Leon Panetta trong chuyến công du Ai Cập cũng không thành công.
Theo lời Grapel, anh ta chỉ làm việc cho một tổ chức nhân đạo phi chính phủ của Mỹ tại Cairo. Cha của anh ta là Daniel Grapel giải thích thêm rằng, con trai của mình tới Ai Cập còn với mục đích để học tập: anh ta đã học tiếng và văn hóa Arập tại Mỹ và muốn tới Cairo để viết đề tài về những người tị nạn tại Ai Cập. Tuy nhiên, chàng sinh viên này trên thực tế từng phục vụ trong quân đội Israel, từng tham gia vào cuộc chiến Liban lần thứ hai vào năm 2006. Anh ta từng bị thương trong chiến dịch chống lại Hezbollah vào năm 2006.
Bất chấp những chỉ trích về sự vô lý trong các cáo buộc nhằm vào Grapel, Israel vẫn sẵn sàng tìm cách để trao đổi lấy anh ta. Quyết định trên trước hết đã thể hiện sự thận trọng đặc biệt của Israel trong quan hệ với Ai Cập sau cuộc cách mạng. Người Israel có vẻ như cố gắng giải quyết dứt điểm mọi rắc rối về ngoại giao và tòa án để tránh gây bất ổn tình hình, dẫn tới những hậu quả không thể lường trước. Nếu đánh giá một cách khách quan, Cairo và Tel-Aviv đều có xu hướng muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau một loạt những sứt mẻ trong thời gian gần đây.
Về phần mình, thỏa thuận trao đổi đạt được với Israel đã cho thấy tham vọng của giới lãnh đạo mới tại Ai Cập muốn tiếp tục duy trì vị thế của một quốc gia thủ lĩnh trong thế giới Arập sau cuộc cách mạng hồi đầu năm. Bản thân sự việc của Grapel rõ ràng là có lợi cho Cairo: sau vụ trao đổi Gilad Shalit, chính quyền Ai Cập muốn cho thấy, không chỉ riêng Hamas mới có thể đòi được Israel trả tự do cho những người của mình.
Đối với nhiều nhà phân tích, hành động mới nhất của Israel trong vụ Grapel hoàn toàn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề là chỉ trong có chục ngày vừa qua, Israel đã hai lần chấp nhận đổi các tù nhân người Arập lấy các công dân của mình.
Đầu tiên là để giải phóng được binh sĩ Gilad Shalit bị bắt cóc 5 năm trước, Israel đã chấp nhận trả tự do cho hơn 1.000 tù nhân Palestine. Cho tới "thương vụ" mới nhất với Ai Cập, giới quan sát bắt đầu bày tỏ mối lo ngại về một tiền lệ nguy hiểm. Rất có thể trong thời gian tới, Trung Đông sẽ hình thành cả một nghề kinh doanh nhằm bắt cóc các công dân Israel để đòi tiền chuộc hay trao đổi lấy những người thân bị bắt của mình.
Tại các nhà tù Israel vào thời điểm hiện tại đang giam giữ rất nhiều công dân nước ngoài, phần lớn là người gốc châu Phi đã vượt biên trái phép vào Israel tại khu vực bán đảo Sinai. Tiếp đó là một số lượng lớn không kém các tù nhân người Palestine hay từ các nước Arập khác. Chính phủ Israel giữ bí mật nghiêm ngặt về số lượng tù nhân người nước ngoài trong các nhà tù của mình. Một nguồn tin nội bộ cho biết, Israel sau vụ trao đổi Grapel vẫn đang giam giữ khoảng 55 tù nhân người Ai Cập khác.
Được biết ngay sau khi được tự do, Grapel đã bay tới Tel-Aviv với sự hộ tống của các quan chức Israel. Sau khi được Thủ tướng Benjamin Netanyahu đón tiếp tại Jerusalem, Grapel đã bay sang New York để đoàn tụ với gia đình của mình tại đây