Italia: Tuyên án các điệp viên CIA vì tội bắt cóc

Thứ Ba, 17/11/2009, 09:25
Ngày 15/11 vừa qua, Tòa án thành phố Milan (Italia) đã chính thức đưa ra lời tuyên án đối với một nhóm các nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ và của cả Italia. Tất cả những bị cáo trên bị khẳng định có tội trong vụ bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo Abu Omar và đưa ông ta đến Ai Cập trong khuôn khổ chiến dịch truy lùng những đối tượng bị nghi ngờ dính líu tới khủng bố của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Bất chấp việc các công dân Mỹ chỉ bị xét xử vắng mặt trong phiên tòa, quyết định của Tòa án Italia đã tạo ra một tiền lệ, khi một cơ quan tư pháp nước ngoài lần đầu tiên công khai xét xử những kẻ tham gia vào chiến dịch bí mật của CIA. Phán quyết của Tòa án Milan đã đặt chính quyền Obama vào một tình thế không đơn giản, khi bản thân họ chưa có ý định từ bỏ thủ đoạn bắt cóc trái phép được sử dụng rộng rãi dưới thời chính quyền Bush...

Phiên tòa xét xử 26 công dân Mỹ - 25 người trong số này là các điệp viên CIA từng hoạt động tại Italia - đã kết thúc với các bản án có tội dành cho hầu hết các bị cáo. Cụ thể theo phán quyết của Tòa án Milan, 23 nhân viên CIA bị khẳng định có tội trong vụ bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo Abu Omar tại Milan vào năm 2003 và sau đó bí mật áp giải ông này tới Ai Cập.

Theo tuyên bố của Công tố viên Armando Spataro, Abu Omar đã bị bắt cóc trong khuôn khổ một chương trình bí mật của CIA nhằm bắt giữ và áp giải những đối tượng tình nghi tham gia khủng bố tới một số quốc gia thứ ba để thẩm vấn mà không cần có tòa án và điều tra, một việc làm "hoàn toàn trái với luật pháp Italia". Trong số các bị cáo, cựu điệp viên CIA tại Milan là Robert Seldon Lady đã phải nhận bản án nghiêm khắc nhất với mức 8 năm tù giam.

Những công dân Mỹ còn lại - các nhân viên mật vụ cùng Đại tá Không quân Mỹ Josef Romano - đều phải nhận mức án 5 năm tù. Cũng theo quyết định của tòa, các bị cáo bị kết án cần phải trả cho nạn nhân Abu Omar khoản tiền 1 triệu euro và 500 ngàn euro cho vợ ông ta dưới dạng bồi thường về vật chất.

Mặt khác tòa đã xử trắng án đối với Jeff Castelli (đứng đầu chi nhánh của CIA tại Rome), cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Italia Nicolo Pollari và tay phó của ông ta là Marko Manchini với lý do họ được bảo vệ bởi đạo luật về bí mật quốc gia. Còn phải kể tới 2 nhân viên tình báo Italia khác bị kết án mỗi người 3 năm tù vì tội đồng lõa.

Ban đầu, Công tố viên Spataro yêu cầu phải dành cho Robert Lady bản án 12 năm tù giam. Nhân vật này đã phủ nhận ngay mọi tội danh với giải thích rằng, vụ bắt giữ Omar không phải là một chiến dịch tội phạm, mà là một sứ mạng có tầm quan trọng quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. "Tôi chỉ là một người lính trong vụ này" - Lady nhấn mạnh. Nhân viên CIA này cũng từ chối đề nghị của Viện Kiểm sát Italia ra trước tòa với vai trò nhân chứng chính.

Cần nhớ là trước đó, giáo sĩ thuộc một trong các giáo đường Hồi giáo tại Milan Abu Omar đã bị bắt cóc giữa thanh thiên bạch nhật trong một ngày tháng 2/2003. Ông ta bị đẩy lên một chiếc xe hòm màu trắng tới sân bay quân sự Aviano, trước khi được chuyển tới Ai Cập qua một căn cứ không quân của Mỹ tại nước Đức. Tại Cairo, Omar đã bị giam giữ suốt vài năm, bị thẩm vấn và tra tấn, trước khi được trả tự do vào tháng 2/2007.

Thật ra trước khi tới Milan, Abu Omar đã từng chiến đấu tại AfghanistanBosnia, và theo nhận định của CIA, đã tham gia tuyển một các chiến binh Hồi giáo để gửi tới Iraq. Tuy nhiên cho dù có một tiểu sử "đáng ngờ" như vậy, các luật sư của Omar vẫn cho rằng, vụ bắt cóc thân chủ của mình là một sự vi phạm thô bạo luật pháp và chủ quyền của Italia.

Vụ việc của Abu Omar chỉ được thế giới biết đến, sau khi Công tố viên Armando Spataro bắt tay vào điều tra. Sau 5 năm, Spataro đã lần ra gần như mọi chân tơ kẽ tóc trong chiến dịch đặc biệt trên của CIA, cho dù ông này cũng khẳng định, luôn bị các cơ quan mật vụ cũng như chính quyền Italia tìm cách ngăn cản - điện thoại bị nghe trộm, luôn bị mật vụ theo dõi, thậm chí còn bị điều tra xem có phạm tội tiết lộ bí mật quốc gia hay không.

Phán quyết của Tòa án Italia là trường hợp xét xử công khai đầu tiên trên thế giới đối với những nhân vật tham gia vào những vụ bắt giữ trái phép - một chiến thuật từng được CIA áp dụng trên khắp thế giới trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố trên toàn cầu của chính quyền Bush. Bất chấp thực tế là tất cả các công dân Mỹ bị buộc tội đều đã rời khỏi Italia từ trước khi phiên tòa diễn ra, nhưng bản án được tuyên vắng mặt đối với những người này không chỉ đơn thuần mang tính hình thức. Sau khi tuyên án, Công tố viên Zpataro đã tuyên bố về dự định gửi một yêu cầu nữa tới Bộ Tư pháp Mỹ, đề nghị họ phải dẫn độ các công dân Mỹ bị xét xử về Italia. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã từng cự tuyệt trước yêu cầu này của Italia. 

Theo ý kiến của các chuyên gia luật quốc tế, bản án vừa được tuyên rất có thể sẽ tạo tiền đề cho "một phiên tòa mẫu xét xử CIA trên khắp châu Âu", trước khi có những nước khác cùng tham gia. Còn đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ Yan Kelly lại tuyên bố rằng, Washington "thất vọng" với bản án dành cho các công dân Mỹ trên. Một số nhà quan sát khác cho rằng, Nhà Trắng đang lâm vào tình huống không hề đơn giản. Cho dù tuyên bố kiên quyết đóng cửa nhà tù tại Guantanamo, nhưng Washington trên thực tế không có ý định từ bỏ chiến thuật bắt giữ trái phép những đối tượng nghi ngờ khủng bố - được chính tân Giám đốc CIA Leon Penetta tuyên bố mới hồi tháng 2 năm nay trong một phiên điều trần tại Quốc hội.

Với bước ngoặt mới này, quyết tâm theo đuổi những chiến dịch bí mật kiểu trên ở nước ngoài của chính quyền Obama chắc chắn sẽ kéo theo những vụ kiện tụng ầm ĩ trên tòa án cùng nhiều tổn thất nghiêm trọng khác về sự thật về nhân quyền của nước Mỹ. Còn nhân vật chính của vụ xét xử là Công tố viên Armando Zpataro tỏ ra hài lòng với kết quả của phiên tòa. "Chủ nghĩa khủng bố cần phải được trừng phạt trong khuôn khổ của luật pháp" - ông Spataro nhấn mạnh

Linh Nga (tổng hợp)
.
.