James Clapper và “Doanh nghiệp tình báo” Mỹ

Thứ Hai, 20/08/2012, 21:15

Tình báo Mỹ thuê tư nhân mở rộng hoạt động ở châu Phi, tình báo tư nhân hoạt động bên cạnh CIA tại Afghanistan,… là những đề tài được báo chí Mỹ trong thời gian qua đưa tin về việc tư nhân hóa ngày càng mạnh của tình báo Mỹ. Việc này đã có từ lâu, nhưng nó chỉ được công khai xác nhận và mở rộng dưới thời ông James Clapper làm Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) từ năm 2010 đến nay.

Khái niệm "Doanh nghiệp tình báo" (intelligence enterprise) với hàm ý ám chỉ chung ngành tình báo Mỹ lần đầu được chính ông Clapper công khai đề cập trong một phát biểu trước báo giới khi nhận nhiệm vụ Giám đốc DNI vào năm 2010: "Chúng tôi có một doanh nghiệp tình báo lớn nhất, giỏi nhất hành tinh" - ông Clapper nói. Ông Clapper cũng nhắc đến cái gọi là các "nhà chuyên môn tình báo" (intelligence professionals) là những người thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, đối mặt với "kẻ thù" trên các trận tuyến khác nhau.

Tư nhân hóa tình báo

Phát biểu của ông Clapper có cơ sở từ thực tế "tư nhân hóa" của ngành tình báo Mỹ. Cụ thể, theo Tim Shorrock, tác giả quyển sách nổi tiếng về tình báo tư nhân Mỹ "Spies for Hire" (Những điệp viên đánh thuê), có đến 70% ngân sách tình báo Mỹ, tương đương khoảng 50 tỉ USD mỗi năm, đã được chi cho các hợp đồng thuê mướn tư nhân, trong đó hầu hết thuộc nhóm 200 nhà thầu cung cấp nhân sự, dịch vụ an ninh và công nghệ phục vụ hoạt động tình báo cho các cơ quan tình báo Mỹ.

Như vậy, từ trước khi ông Clapper tiếp quản chức Giám đốc Tình báo Quốc gia, cộng đồng tình báo Mỹ đã phụ thuộc khá nhiều vào các nhà thầu tư nhân. Chỉ có điều, ông Clapper là người tiếp nối một trào lưu quân sự hóa và tư nhân hóa tình báo có lẽ bắt đầu được khai sinh và đẩy mạnh từ cuộc chiến Iraq năm 2003.

Ngay từ đầu, Clapper đã phối hợp rất ăn ý với Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Robert Gates - người đóng vai trò gạch nối chính sách an ninh quốc gia giữa 2 triều đại Tổng thống George W. Bush và Barack Obama. Clapper và Gates là nhân vật cổ vũ mạnh nhất cho phương án sử dụng tình báo tổng hợp, bao gồm con người, tín hiệu và địa không gian (vệ tinh) phục vụ cho các hoạt động tình báo bí mật, với sự phối hợp chặt chẽ giữa CIA và Bộ chỉ huy đặc nhiệm liên quân (JSOC).

Dưới thời Tổng thống Obama, JSOC đã gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết với các hoạt động của CIA, thông qua các chiến dịch tìm diệt khủng bố bằng máy bay không người lái ở Pakistan - một kiểu chiến tranh hoàn toàn mới. Clapper đẩy mạnh hoạt động tình báo tư nhân hóa, nhờ đó thúc đẩy được cuộc chiến chống phiến quân Taliban, thực hiện thành công nhiều cuộc chiến tình báo của chính quyền Obama.

Robert Gates và James Clapper (trái) tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Clapper.

Quan hệ chặt chẽ giữa Clapper với các nhà thầu tình báo, an ninh không chỉ là việc khai thác các hợp đồng làm ăn béo bở mà còn là chỗ ông đã đứng ra bênh vực, hậu thuẫn hết mình cho các nhà thầu tư nhân.

"Doanh nghiệp tình báo"

Vậy "doanh nghiệp tình báo" hoạt động như thế nào? Hãy xem các quan hệ "làm ăn" giữa các cơ quan tình báo với các công ty, nhà thầu. Như Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia (NGA), cơ quan cũ ông Clapper từng lãnh đạo ngay sau sự kiện 11-9 cho đến năm 2006. NGA được xem là một trong những cơ quan đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc chiến tình báo, chuyên cung cấp thông tin tình báo bằng hình ảnh vệ tinh để các cơ quan tình báo và quân sự phân tích và do thám đối phương từ trên không.

NGA phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - phụ trách mảng tình báo nghe lén và đọc trộm thông tin - sẽ tạo nên một sức mạnh cực lớn, do sự phối hợp giữa hình ảnh và tín hiệu truyền thông. Nói cách khác, NGA chính là "con mắt", còn NSA là "tai" của cộng đồng tình báo Mỹ. Sự phối hợp này tạo ra một công cụ tình báo hỗn hợp đặc biệt lợi hại. Tác dụng của công cụ lợi hại này lần đầu được biết đến khi Giám đốc NGA khi đó là Robert B. Murret tiết lộ rằng công cụ NGA-NSA đã được sử dụng để truy tìm và tiêu diệt trùm khủng bố Abu Musab al-Zarqawi ở Iraq năm 2007.

Phần lớn thông tin mà NGA-NSA thu thập đều được đưa qua phân tích tại cơ quan tình báo tối mật Văn phòng Thám báo Quốc gia (NRO). NRO xây dựng và bảo trì các vệ tinh cho NGA, đồng thời quản lý các trạm tiếp nhận mặt đất để thu nhận các tín hiệu và hình ảnh của NGA-NSA. Không có NRO, NGA-NSA khó đạt được sự đồng bộ cần thiết với thời gian hiện thực của đối tượng theo dõi.

Bộ ba NGA-NSA-NRO đã ngốn mỗi năm 20 tỉ USD trên tổng số 60 tỉ USD tiền thuế của dân Mỹ chi cho ngành tình báo. Phần lớn trong số đó là dân "tình báo thuê". Chẳng hạn, trong số 14.000 nhân viên của NGA thì có đến hơn phân nửa là hợp đồng tư nhân. Con số này của NSA là 1/3 trên tổng số 35.000 nhân viên, tức gần 12.000 người. Nhưng ở NRO, đến 95% nhân sự là hợp đồng thuê các công ty tư nhân. Một số nhà thầu tư nhân lớn, nổi tiếng phục vụ cho ngành tình báo Mỹ - như SAIC và CACI International, Blackwater/Xe, L-3 Communications, Northrop Grumman, General Dynamics và Booz Allen Hamilton - đã từng tham gia vào nhiều phi vụ đình đám của tình báo Mỹ, chẳng hạn như vụ tiêu diệt Al-Zarqawi kể trên. Từ đó, kiểu "chiến tranh tình báo", đã được tăng cường, đẩy mạnh dưới sự điều phối chung bởi JSOC, đặc biệt là ở Pakistan.

Clapper và công nghiệp tình báo tư nhân

Clapper là một gương mặt kỳ cựu trong làng tình báo Mỹ. Trước khi làm Giám đốc DNI, ông ta đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong ngành tình báo. Trước khi làm Giám đốc NGA (2001-2006), ông từng phụ trách Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) trong giai đoạn 1991-1995. Và sau khi rời NGA, ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chuyên trách tình báo (thời Robert Gates làm Bộ trưởng).

Nhà thầu tư nhân Blackwater từng gây nhiều tai tiếng khi tham gia hoạt động tại Iraq.

Thời làm Giám đốc NGA, Clapper đã phối hợp làm việc rất chặt chẽ với các công ty tư nhân như Lockheed Martin, Booz Allen Hamilton, Raytheon và Công ty vận hành vệ tinh GeoEye. Ngay sau khi rời NGA và trước khi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Clapper đã tham gia vào Ban giám đốc Công ty GeoEye. Bên cạnh đó, Clapper cũng từng là giám đốc bộ phận cho Công ty Booz Allen Hamilton, một trong những "mối" hợp đồng lớn nhất của NGA, và SRA International - nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và kỹ thuật chống khủng bố cho NGA và các cơ quan tình báo khác thuộc Bộ Quốc phòng.

Clapper cũng đã từng làm việc cho Công ty Detica DFI, một công ty con của Tập đoàn BAE Systems của Anh, và 3001 International Inc. Các công ty tư nhân này săn đón Clapper nhiệt tình vì họ muốn lợi dụng ông để nắm bắt được tiền của Chính phủ Mỹ sẽ được đầu tư vào đâu trong ngành tình báo.

Cũng như nhiều quan chức ngành an ninh, tình báo khác như Mike McConnell và John Brennan, Clapper cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn của nhiều doanh nghiệp tình báo tư nhân, như Tổ chức Tình báo Địa không gian (USGIF) và nhất là ông từng làm Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ An ninh (SASA) giai đoạn từ 1995 đến trước khi làm Giám đốc NGA. SASA sau này đổi thành Liên minh An ninh Quốc gia và Tình báo (INSA). Đây là tổ chức trung gian mời thầu lớn nhất cho NSA và CIA. Dưới thời McConnell và Brennan làm giám đốc, INSA càng làm ăn mạnh hơn với tình báo Mỹ.

Giành lấy quyền lực từ Lầu Năm Góc

Trong chính quyền Mỹ thời Obama, Clapper có một đồng minh rất khăng khít là sếp cũ Robert Gates. Trước khi Clapper được bổ nhiệm làm Giám đốc DNI, Gates (khi đó còn là Bộ trưởng Quốc phòng) đã lên tiếng ủng hộ Clapper rất mạnh mẽ, ca ngợi Clapper hết lời trước báo giới để tạo "khí thế" thật tốt cho "người cũ" của mình lên nắm cương vị mới một cách suôn sẻ và dễ dàng thành công.

Gates và Clapper từng là bộ đôi phối hợp rất ăn ý. Clapper nổi tiếng là một "tay chơi" có tính độc lập cao. Khi còn là giám đốc NGA, ông ta đã thực hiện ý định tăng cường sự kiểm soát của giới chức dân sự đối với hoạt động tình báo. Năm 2004, Clapper từng khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Donald Rumsfeld nổi giận khi thuyết minh trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về việc phải đặt NGA dưới sự kiểm soát của DNI thay vì Lầu Năm Góc.

Còn Gates thì cũng là một người chủ trương xây dựng một DNI đủ mạnh. Gates từng than phiền trước Thượng viện về việc Lầu Năm Góc đá lấn sân sang lĩnh vực tình báo. Ngay sau khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế ông chủ Lầu Năm Góc, Gates đã lập tức hạn chế hoạt động của Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực tình báo, mà việc đầu tiên ông làm là đưa Clapper về thay thế cho Stephen Cambone - "đệ tử ruột" của Rumsfeld.

Và Clapper đã nhanh chóng dẹp bỏ một số chương trình hành động của Rumsfeld và Cambone. Ông đã cho kiểm điểm lại hoạt động của cái gọi là Văn phòng Hoạt động phản gián tiền phương (CIFA) do chính Rumsfeld lập ra vào năm 2002 để giám sát an ninh xung quanh khu vực các  căn cứ quân sự Mỹ ở Bắc Mỹ, nhưng sau đó đã nhanh chóng chuyển thành cơ quan chuyên theo dõi dân chúng Mỹ. Đồng thời, Clapper cũng cho dẹp bỏ cái gọi là cơ sở dữ liệu hoạt động tiền phương chống nổi dậy đã bị lạm dụng thành cơ sở dữ liệu theo dõi dân chúng Mỹ.

Năm 2007, Gates đã ký một thỏa thuận với Giám đốc DNI McConnell bổ nhiệm Clapper làm Trưởng cố vấn về tình báo quân sự cho Văn phòng DNI, một động tác chuyển giao hẳn quyền kiểm soát tình báo từ Lầu Năm Góc về cho DNI.

Cũng trong năm 2007, Clapper và Gates đã chấp thuận cho tướng William Boykin - một diều hâu chống khủng bố đắc lực thời Rumsfeld và là "tai mắt" của Rumsfeld trong các hoạt động tình báo "qua mặt" CIA, đồng thời cũng lặng lẽ tiến hành những động thái nhằm chấm dứt một "thói quen" của Lầu Năm Góc là cử các điệp viên DIA ra nước ngoài hoạt động mà không thông qua CIA. Bộ đôi Gates - Clapper cũng là nhân tố quyết định việc hàn gắn mối bất hòa giữa Lầu Năm Góc và DNI và giữa Lầu Năm Góc với CIA. Clapper đã dần dần tích hợp các thông tin tình báo con người của DIA và các cơ quan tình báo quân đội khác.

Không ai chối cãi rằng Gates và Clapper là những người tích cực giúp Tổng thống Obama xây dựng một chính sách tình báo mới, trong đó việc hợp đồng thuê các công ty tư nhân thực hiện các hoạt động tình báo được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, so với Gates thì Clapper có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc quản lý doanh nghiệp tư nhân, và ông đã áp dụng chính các kinh nghiệm quản lý đó - và cả các mối quan hệ chằng chịt với giới doanh nghiệp tư nhân - vào việc điều hành ngành tình báo Mỹ. Các quan hệ tư nhân đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến các quyết định của Clapper trong suốt năm qua

Nguyên Khang - Quốc Vương (tổng hợp)
.
.