John Brennan – người từ bóng tối trở về

Thứ Tư, 04/07/2018, 11:10
Cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan được giới chuyên môn trong ngành tình báo Mỹ tôn xưng là “bậc thầy” không chỉ bởi sự am hiểu về chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, mà còn bởi độ tinh quái trong cách xử sự trong chính trị và ngoại giao.

Sự xuất hiện trở lại gần đây của ông sau một thời gian tạm lui vào “bóng tối” kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đã làm cho chính trường Mỹ trở nên sôi động hơn với màn “khẩu chiến” với ngài tổng thống thích xài Twitter.

Bài 1: Vua chống khủng bố và bậc thầy tình báo

Con người thợ rèn đi học làm linh mục

Xét về tổng thể, John Brennan đích thực là người của an ninh, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tình báo, chống khủng bố và các vấn đề về an ninh quốc gia. Brennan có dáng người tầm thước, cao khoảng trên dưới 1 mét 80, vai rộng, dáng đi không bình thường do 3 lần mổ thay khớp háng và đầu gối.

 Cả sự nghiệp của ông là cuộc đấu tranh dài không nghỉ, cho dù ở cương vị nào, vào thời điểm nào, và nó còn in hằn trên gương mặt của ông. Sự nghiệp của ông để lại dấu ấn đậm nét nhất là trong giai đoạn 8 năm phục vụ cho Tổng thống Barack Obama từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2017.

John Brennan và vợ.

Ở đó, Brennan trước hết là “vua chống khủng bố” khi bắt đầu nhiệm vụ trong vai trò Cố vấn An ninh quốc gia phụ trách an ninh nội địa và chống khủng bố, rồi mới đến chức vụ Giám đốc CIA. Nhưng trước khi bước vào Nhà Trắng, Brennan vốn đã là người của tình báo, từ một nhân viên thăng tiến nhanh chóng lên quan chức cao cấp của CIA.

Là một chuyên gia về khu vực Trung Đông được đào tạo bài bản và nói tiếng Arab chuẩn, Brennan tham gia vào các quyết định chính sách đối với nhiều vấn đề nổi cộm nhất trong khu vực, từ Osama bin Laden đến Mùa xuân Arab; từ Benghazi đến Yemen, Saudi Arabia, ISIS rồi đến Syria; thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhất là trong vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

 Ben Rhodes, phụ tá chuyên viết bài phát biểu cho Tổng thống Obama, đã gọi Brennan là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách máy bay không người lái của chính quyền Obama, đồng thời là cầu nối quan trọng nhất giữa Nhà Trắng với cộng đồng tình báo (trong thời gian ông làm việc trong Nhà Trắng).

Với chính sách không người lái, Brennan được giới nghiên cứu mệnh danh là “quan chức hành chính gây sát thương nhiều nhất” kể từ thời ông Henry Kissinger. Sau khi rời nhiệm sở, Brennan lui vào “ở ẩn” một thời gian rồi quay trở lại làm cố vấn về các vấn đề quốc tế cho các tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, đi thỉnh giảng về quan hệ quốc tế tại các trường đại học ở Mỹ và Anh.

Năm nay 63 tuổi (sinh tháng 9-1955), Brennan xuất thân là con của một thợ rèn người Ailen di cư sang Mỹ và định cư tại bang New Jersey vào năm 1948. Ông nội ông từng là môt người ủng hộ Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA), một lực lượng quân sự nổi tiếng gây ra các vụ tấn công bạo lực chống lại sự thống trị của Vương quốc Anh ở Bắc Ailen.

Thời anh em ông còn bé, bố ông phải làm đủ nghề, từ thợ xây dựng cho đến các việc linh tinh khác, không từ việc gì, kể cả việc xếp báo cho tờ báo New York Daily News để nuôi anh em ông khôn lớn. Bố mẹ ông đã cố gắng để thu xếp cho anh em ông theo học tại một trường dòng Thánh Francisco. John Brennan quyết định chọn con đường học làm linh mục với hy vọng được lên thiên đường mà không phải “xuống địa ngục”. Ông tìm đọc sách viết về các Giáo hoàng trong lịch sử Thiên Chúa giáo, và thấy rằng không có Giáo hoàng nào là người Mỹ cả. Vì vậy Brennan quyết định mình sẽ là người đầu tiên.

Thời niên thiếu, Brennan có một người anh họ từng sống và làm việc tại Đông Nam Á. Brennan rất muốn đi theo con đường này để thay đổi bầu không khí cuộc sống ngột ngạt tại New Jersey. Nhưng để làm theo điều đó quả là rất khó. Brennan không có đủ điều kiện theo học Trường Đối ngoại của Đại học Georgetown, vì thế ông ghi danh học Trường Fordham, một trường đại học dành cho con em Thiên Chúa giáo. Brennan bắt đầu cuộc sống tự lập như bao thanh niên phương Tây: tự đi học và tự làm việc để kiếm sống và trang trải việc học. Giai đoạn này, Brennan bắt đầu học tiếng Arab và đến Cairo, Ai Cập để học.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học chính trị năm 1977, Brennan làm luận văn thạc sĩ đề tài nhân quyền ở Ai Cập. Đó là một bài luận văn gây tranh cãi về chính sách của Mỹ tại Trung Đông.

John Brennan trong một cuộc tham vấn với Tổng thống Obama.

Trong bài luận văn của mình, Brennan phản bác việc Mỹ đánh giá sai về chính sách nhân quyền của chính phủ Ai Cập của Tổng thống Anwar Sadat. Ông lập luận rằng, chính sách kiểm soát truyền thông và chống lại các nhóm cực đoan của chính quyền Cairo là hoàn toàn hợp lý nhằm bảo vệ nền dân chủ của Ai Cập. Ông lấy bằng thạc sĩ khoa học xã hội chuyên ngành Trung Đông vào năm 1980.

Brennan cưới vợ là bạn học cùng lớp thời phổ thông. Cùng thời gian đó, ông nộp đơn xin vào làm việc cho CIA sau khi đọc được mẩu quảng cáo đăng trên báo. Trong cuộc phỏng vấn, dù trả lời trước máy dò nói dối, Brennan vẫn không ngại xác nhận mình từng bỏ phiếu cho ứng cử viên Gus Hall thuộc Đảng Cộng sản Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1976.

Đó là một câu hỏi quan trọng đối với bất kỳ ứng viên nào muốn vào làm việc cho CIA, bởi nước Mỹ thời đó xem những người theo Đảng Cộng sản là “chống lại nhà nước Mỹ”. Nhưng Brennan vẫn được nhận vào làm việc cho CIA bởi tinh thần yêu nước và tính chất thẳng thắn của ông. Bốn thập niên sau, câu trả lời “bỏ phiếu cho người cộng sản” tiếp tục là vấn đề gây trở ngại cho việc bổ nhiệm ông vào chức vụ cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Obama.

Nhưng trở thành quan chức CIA

Trong CIA, Brennan nhanh chóng vượt trội so với những đồng nghiệp còn lại trong cơ quan và được thăng tiến rất nhanh. Sau một chuyến thi hành nhiệm vụ tại Saudi Arabia, Brennan phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với George Tenet, lúc đó đang là thành viên trong Hội đồng An ninh quốc gia và là cầu nối giữa CIA với Nhà Trắng của Tổng thống Bill Clinton. Brennan đã có đôi lần được giao nhiệm vụ mang báo cáo hàng ngày đến cho Tổng thống.

John Brennan được xem là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách máy bay không người lái của Mỹ thời Tổng thống Obama.

Năm 1997, Tenet trở thành Giám đốc CIA. Đến khi ông George W. Bush lên nắm quyền, Tenet tiếp tục lãnh đạo CIA. Theo Brennan, Tenet chính là người đã liên tục cảnh báo với chính quyền W. Bush về nguy cơ ngày càng tăng của Al-Qaeda không nhận được sự quan tâm, vì thế nước Mỹ đã không chặn được vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Và CIA đã phải hứng chịu bao nhiêu búa rìu và sự cáo buộc của guồng máy chính trị.

Những biện pháp tra tấn tù nhân bắt đầu được chấp nhận ở Washington kể từ vụ 11-9. Sau vụ khủng bố, đã có nhiều lập luận cảnh báo khủng bố mới được cất lên, chẳng hạn như một vụ đánh bom bẩn ở New York. CIA phải được phép làm mọi cách để moi thông tin từ những nghi can bị bắt giữ để từ đó lần ra những manh mối mới.

Vì thế, các biện pháp tra tấn tai tiếng như ván nước, gây mất cảm giác và tạo tâm lý căng thẳng kéo dài được phép áp dụng ngay. Những biện pháp đó được gọi bằng cái tên rất chuyên môn là “Kỹ thuật thẩm vấn tăng cường” (EIT). Chúng đã trở thành vết nhơ trong lịch sử CIA, đã khiến cho đương kim Giám đốc CIA Gina Haspel phải thừa nhận là điều CIA không nên làm.

Ngay sau sự kiện 11-9, Brennan đã thăng tiến cao cấp trong CIA, là Phó Giám đốc phụ trách hậu cần ngân sách và nhân sự. Mặc dù không trực tiếp dính líu đến nhiệm vụ liên quan đến tra tấn, nhưng trong những hồ sơ email của CIA vẫn có tên Brennan khi mô tả các vụ tra tấn tù nhân. Không như Tổng thống Obama thẳng thắn thừa nhận đã để xảy ra tra tấn tù nhân, Brennan rất thận trọng khi nhắc đến tra tấn và chỉ thừa nhận đã “không cố gắng ngăn chặn nó”.

Căng thẳng giữa Nhà Trắng với CIA đã lên đỉnh điểm khi ông W. Bush quyết định đưa quân xâm lược Iraq vào năm 2003. CIA không chịu xác nhận căn cứ để chính quyền Mỹ cáo buộc Tổng thống Iraq Saddam Hussein dính líu đến Al-Qaeda, Nhà Trắng đã đơn phương tuyên bố ông Hussein “có vũ khí giết người hàng loạt” (WMD). Sau chiến dịch xâm lược và không tìm được bằng chứng nào về WMD, Nhà Trắng đã phải đưa Tenet ra làm vật tế thần vì một hồ sơ tình báo giả mà ông từng gọi là “đống phân dê”.

Năm 2004, Tenet rời CIA. Một năm sau, Brennan cũng rời cơ quan này. Brennan đã học được bài học cay đắng về đạo đức làm người khi làm việc tại CIA giai đoạn đó – phục vụ Tổng thống Mỹ đôi khi cũng cần phải biết “phóng lao phải theo lao” khi có vấn đề sai trái.

Năm 2008, ba tuần sau khi ông Obama giành chiến thắng vang dội tại bang Iowa, Brennan đóng góp 2.300 USD (mức trần tài trợ quỹ tranh cử theo quy định) cho chiến dịch của Obama. Thời điểm đó, Brennan lần đầu tiên rời khỏi chính quyền, Brennan làm việc cho tổ chức tư vấn doanh nghiệp Analysis Corporation, chuyên bán các phần mềm chuyên dụng cho chính phủ Mỹ để sử dụng trong công tác theo dõi khủng bố. Brennan quyết định tham gia chiến dịch của ông Obama và trở thành cố vấn thân cận phụ trách việc quản lý danh sách email và các hội nghị từ xa qua điện thoại.

Brennan gặp ông Obama lần đầu ở Chicago và nhanh chóng trở thành thân thiết. Hai người đã chia sẻ nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Iraq, và hai người đã có sự đồng cảm mạnh mẽ về chống khủng bố, về việc cần phải quyết liệt trong mọi việc cần làm để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ, an toàn cho người Mỹ mà không gây ra hệ lụy tai hại nào. Brennan và ông Obama có cùng suy nghĩ rằng để có “mối quan hệ tốt đẹp với thế giới Arab, cần phải làm rõ vấn đề rằng nước Mỹ có thể gây chiến với chủ nghĩa cực đoan nhưng vẫn duy trì hòa bình với Hồi giáo”.

Khi ông Obama lên làm Tổng thống, Brennan muốn làm giám đốc CIA nhưng sau đó đã rút tên khỏi danh sách ứng viên khi dư luận bắt đầu quan tâm đến những gì ông đã làm trong CIA sau sự kiện 11-9.

Thay vì thế, Brennan chọn làm cố vấn an ninh quốc gia với vai trò là trợ lý Tổng thống về chống khủng bố, vị trí mà sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng để làm Giám đốc CIA, giới chuyên môn đã gọi ông là “vua chống khủng bố” bởi các chính sách do ông tham mưu cho Tổng thống Obama đã tạo dấu ấn sâu đậm trong chính sách an ninh quốc gia của nước Mỹ. Tướng James Clapper, Giám đốc Tình báo quốc gia thời Obama cho rằng giữa Brennan và Tổng thống Obama có sự “tương thông” về tư tưởng.

Vừa là thành viên Hội đồng An ninh quốc gia, vừa là ủy viên Ủy ban các đại biểu Hội đồng, quyền lực của Brennan trong Nhà Trắng còn được đánh giá lớn hơn hầu hết các thành viên khác của nội các. Khi muốn tổng thống quyết định một cuộc không kích bằng máy bay không người lái, Brennan chỉ cần cung cấp “thông tin tình báo” và từng bước hướng tổng thống đi đến quyết định. Với Brennan, CIA đã có một đồng minh chắc chắn bên trong Nhà Trắng.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.