Karachigate - Hậu quả thương vụ tàu ngầm giữa Pháp và Pakistan

Thứ Hai, 20/07/2009, 23:55
Một quả bom đã phát nổ tại thành phố Karachi, Pakistan, ngày 8/5/2002, làm chết 14 người, trong đó có 11 người Pháp. Tất cả đều làm việc cho Công ty DCN - một công ty đóng tàu của Pháp.

Công ty này trúng thầu đóng 3 chiếc tàu ngầm nguyên tử theo một hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD ký năm 1994 giữa hai chính phủ Pakistan và Pháp. Ngay từ đầu, chính quyền Pháp đã nghi ngờ đây có thể là hành động của bọn khủng bố nhằm vào lợi ích của Pháp tại Pakistan. Tuy nhiên mới đây, các nhà điều tra cho biết đang xem xét một giả thuyết khác: vụ tấn công khủng bố này là một lời cảnh báo đẫm máu của một số thành phần trong quân đội Pakistan sau khi họ bị "xù" tiền hoa hồng từ hợp đồng bán tàu ngầm trên.

Liên quan đến vụ bê bối này là danh tính của hàng loạt chính khách. Trước hết là cựu Thủ tướng Pháp Edouard Balladur (1993-1995). Việc ngưng trả tiền hoa hồng từ Chính phủ Pháp thời đó diễn ra ngay sau khi ông Jacques Chirac được bầu làm tổng thống. Đây là biện pháp mà vị tân Tổng thống nhằm vào đối thủ cũ của mình - Edouard Balladur, người làm Thủ tướng khi diễn ra việc ký kết hợp đồng bán tàu ngầm cho Pakistan.

Theo lời Charles Millon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, biện pháp cắt nhiều khoản hoa hồng là để tránh một số chính khách và đảng phái lợi dụng những khoản tiền "lại quả" từ các khoản hoa hồng trên vào mục đích chính trị.

Ngày 2/7 vừa qua, báo điện tử Mediapart của Pháp đã khẳng định rằng, có những chứng cứ trong tay chứng minh mối liên hệ giữa Edouard Balladur và doanh nhân người Liban Abdulrahman El-Assir, nhân vật thụ hưởng chính những khoản hoa hồng từ việc bán tàu ngầm, nhân vật này cũng đang bị nghi ngờ rửa tiền và buôn lậu vũ khí... Mediapart dựa trên những tiết lộ của một cựu nhân viên của Cục Tình báo nội địa Pháp (DST), Claude Thévenet, người này từng được Công ty DCN giao trách nhiệm điều tra về vụ khủng bố năm 2002.

Hiện nay chính Claude Thévenet cũng thừa nhận rằng có thể truy cập được vào một hồ sơ của Cục Tình báo nước ngoài của Pháp (DGSE) đề cập tới những quan hệ tài chính giữa Abdulrahman El-Assir và Edouard Balladur.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Karachi năm 2002.

Theo Mediapart, những mối liên quan giữa Abdulrahman El-Assir và Edouard Balladur cũng đã được Gérard-Philippe Menayas, cựu Giám đốc Tài chính của DCN xác nhận với Cơ quan điều tra. Bởi vì theo người này, năm 1994, Chính phủ Pháp đã buộc DCN phải thông qua 2 nhân viên trung gian để đàm phán hợp đồng bán tàu ngầm nguyên tử cho Pakistan. Hai người này là Abdulrahman El-Assir và Ziad Takkieddine.

Theo báo cáo mang tên Nautilus do Claude Thévenet viết và được Médiapart trích đăng: "Ở Pháp, mạng lưới El-Assir có chức năng chính là bảo đảm tài chính cho chiến dịch vận động tranh cử của Edouard Balladur". Mối liên quan giữa hợp đồng Pháp bán tàu ngầm cho Pakistan  bắt đầu được Mediapart tiết lộ ngày 19/6/2009. Tổng thống Nicolas Sarkozy hiện nay, khi đó đang còn là Bộ trưởng Ngân sách, người ủng hộ ông Balladur, đã coi những lời cáo buộc của Mediapart là lố bịch.

Ngày 28/6 vừa qua, ông Edouard Balladur đã lên tiếng phủ nhận rằng tiền vận động tranh cử tổng thống của ông hồi năm 1995 không hề có dính dáng gì tới các khoản tiền lại quả từ hợp đồng bán tàu ngầm cho Pakistan.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Edouard Balladur tuyên bố: "Những tài khoản ngân hàng tôi sử dụng trong chiến dịch tranh cử của mình đều được kiểm soát và cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Mọi sự quy chiếu tới việc sử dụng tiền từ các giao dịch thương mại khác, dù hợp pháp trong mức độ nào đó, đều là vô căn cứ". Ông Balladur cũng tỏ vẻ ngạc nhiên là nếu vụ khủng bố tại Karachi bắt nguồn từ việc các khoản hoa hồng bị "xù" thì tại sao phải đến 7 năm sau mới được nêu ra.

Ngày 1/7 vừa qua, Marc Trévidic và Yves Jannier, hai thẩm phán phụ trách điều tra vụ án năm 2002 của phía Pháp, đã gửi thư yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này dỡ bỏ nguyên tắc bí mật quốc phòng để họ có thể có được toàn bộ những tài liệu giúp làm sáng tỏ vụ án.

Việc chuyển hướng điều tra vụ án sang hướng mới đang có nguy cơ đe dọa tới quan hệ Pháp và Pakistan, một trong những quốc gia quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hơn nữa, vụ việc cũng đang khiến Phủ Tổng thống Pháp lúng túng vì hợp đồng mua bán tàu ngầm được ký giữa Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto và Thủ tướng Pháp Edouard Balladur, mà vào thời điểm đó ông Nicolas Sarkozy đang là Bộ trưởng Ngân sách.

Trả lời phỏng vấn France Info hôm 26/6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Hervé Morin, tuyên bố ủng hộ với việc lật lại hồ sơ vụ việc này: "Để tránh mọi hiểu lầm và suy luận không hay, mọi việc cần phải được làm rõ. Nếu các thẩm phán muốn lật lại vụ buôn bán tàu ngầm này thì họ sẽ được chúng tôi trợ giúp hết mình".

Hiện Chính phủ Pakistan chưa có phản ứng chính thức nào về vụ việc trên nhưng báo chí nước này cho biết sãn sàng cung cấp thông tin để làm rõ vụ việc

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.