Kế hoạch chế tạo bom sóng thần của Mỹ và New Zealand

Thứ Năm, 20/06/2013, 14:25

Dư luận quốc đảo New Zealand đang lên "cơn sốt", đua nhau tìm đọc một cuốn sách bóc trần kế hoạch chế tạo bom sóng thần gần 7 thập niên trước, trở thành đầu sách dạng best-seller (bán chạy nhất) trong thời điểm hiện nay.

Tác giả của đầu sách ăn khách có tựa đề "Secrets and Treasures" (Bí mật và kho báu) là Raymond Richard Waru, nhà văn kiêm ký giả phát thanh truyền hình 61 tuổi nổi tiếng người Maori, sắc dân bản địa cội nguồn thuộc tộc người Polynesia ở New Zealand.

Sau nhiều năm dày công nghiên cứu trong các kho lưu trữ tại thủ đô Wellington, ông đã khám phá ra "gần một trăm cây số kệ chứa hồ sơ mật", như nguyên văn lời R. Waru về các tài liệu lịch sử chưa từng được công bố. Giữa đó là bức thư của thuyền trưởng huyền thoại người Anh James Cook (1728-1779) gửi cho người thân, đúng vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc hành trình thám hiểm vòng quanh thế giới cuối cùng của ông; cũng như toàn bộ hồ sơ và báo cáo thẩm tra về các nhân chứng đã nhìn thấy những vật thể bay không xác định (UFO)...

Nhưng nổi bật hơn cả là tập tài liệu chứa đựng kết quả của chương trình hợp tác chế tạo bom sóng thần giữa Mỹ và New Zealand, thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ có thể thay thế bom nguyên tử bởi không phát sinh phóng xạ nên được coi là "bom sạch".

Theo đó dựa trên báo cáo của Hải quân Mỹ, rằng khi cho nổ mìn với sức công phá lớn để phát quang các rặng san hô, chuẩn bị độ sâu mớn nước cần thiết cho các quân cảng sắp được mở nằm dọc theo những quần đảo ở Thái Bình Dương, đã tạo ra các con sóng lớn ngang với sóng thần trong tự nhiên vốn sinh ra từ các trận động đất giữa lòng đại dương.

Bìa tập hồ sơ dự án chế tạo bom sóng thần.

Vậy là một kế hoạch hỗn hợp đã được xúc tiến vào tháng 6/1944 giữa Bộ Quốc phòng New Zealand và Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khuôn khổ chương trình mang mật danh "Project Seal" (Dự án nghiêm ngặt) được thực thi ở thời điểm Thế chiến II đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, khi quân Đồng minh chuẩn bị cuộc đổ bộ lịch sử lên đất Pháp.

Tổng cộng đã có 10 vụ thử bom sóng thần ngoài khơi vùng biển phía bắc thành phố Auckland, cũng là đô thị đông dân nhất ở New Zealand với hơn 1,3 triệu người. Cụ thể là trong vùng nước gần đảo Rangitoto thuộc vịnh Hauraki, với hệ quả là đã tạo ra đến 33 con sóng cao hơn 10m dồn dập đổ vào đất liền, đủ sức "xóa sổ" một thành phố nhỏ nằm ven biển trong khoảng thời gian nhất định.

Những đợt sóng khủng khiếp hình thành sau khi bom nổ.

"Hồ sơ này có thể trở thành kịch bản tuyệt vời cho một bộ phim dạng bom tấn đúng nghĩa đích thực về siêu điệp viên James Bond", văn sĩ R. Waru khẳng định. Đồng thời tác giả cũng cho biết, tuy dự án tuyệt mật về thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này đã gần như hoàn tất, nhưng chẳng hiểu sao đã bị ngưng lại vào khoảng đầu quý 3 của năm 1945, ngay sát thời điểm Thế chiến II kết thúc. Những phần chi tiết mô tả việc thực hiện kế hoạch "Project Seal" không còn lưu trong kho tài liệu lưu trữ.

"Hiển nhiên đã được giới hữu trách ở Bộ Quốc phòng New Zealand cố ý thiêu hủy, để tránh khả năng gián điệp nước ngoài đánh cắp và tạo ra ngày tận thế bằng bom sóng thần", tác giả R. Waru kết luận

Kim Dung (tổng hợp)
.
.