Kế hoạch của quân đồng minh trong chiến dịch đánh chiếm Sicilia năm 1943

Thứ Tư, 14/02/2007, 09:30

Tháng 1/1943, các nguyên thủ Anh và Mỹ trong hội nghị tại Casablanca đã đưa ra quyết định, sau khi đập tan các sư đoàn quân Đức và Italia tại Tunisia, sẽ triển khai ngay kế hoạch đánh chiếm đảo Sicilia - được coi là vùng lãnh thổ chính quốc đầu tiên của phe phát xít mà quân đội liên minh có thể đặt chân tới.

Thành công của việc đánh chiếm hòn đảo này sẽ là một yếu tố quan trọng khích lệ tinh thần của  quân Đồng minh trong phe chống phát xít. Chiến dịch đánh chiếm Sicilia đã đặc biệt thành công nhờ hai kế hoạch tiền trạm do tình báo Anh và Mỹ triển khai.

“Điệp viên xác chết” của người Anh

Để đảm bảo thành công cho chiến dịch đổ bộ lên Sicilia, Cục Tình báo Hải quân Anh đã tiến hành chiến dịch “Kernel” - một trong những chiến dịch tình báo được đánh giá là thành công nhất trên các mặt trận bí mật của Chiến tranh thế giới thứ II. Theo dự tính của chiến dịch, Bộ chỉ huy quân Đức “cần phải” nhận được một tài liệu có nội dung khẳng định, các động thái chuẩn bị tấn công Sicilia của quân Đồng minh chỉ là một hành động nghi binh.

Với mục đích này, người Anh dự định phải “đạo diễn” cho đối phương phát hiện trên biển thi thể một viên sĩ quan tham mưu Anh cùng với một lá thư trên người. Sĩ quan cao cấp trên dường như được cử từ Anh tới châu Phi trên một chiếc máy bay bị bắn rơi trước đó.

Tình báo Hải quân Anh đã chuẩn bị cho chiến dịch hết sức công phu. Họ còn nghiên cứu kỹ về lý thuyết pháp y để làm rõ những dấu hiệu điển hình của một thi thể bị tai nạn máy bay rơi xuống biển, đề phòng khả năng người chết sẽ bị các bác sĩ của đối phương kiểm tra kỹ lưỡng. Tiếp đó là phải tìm kiếm một thi thể phù hợp để đưa xuống tàu ngầm thả xuống vùng bờ biển của đối phương.

Tất nhiên, phần nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị cho nội dung của bức thư. Người ký tên trong đó là viên tướng Phó tổng tư lệnh quân đội Archibald Nigh, còn người nhận theo địa chỉ sẽ là Tư lệnh quân Anh tại Tunisia, tướng Aleksander. Nội dung lá thư cho biết, Sicilia chỉ là một cái tên nghi binh lôi kéo sự chú ý của đối phương trong chiến dịch “Brimsten” (tên gọi của một chiến dịch giả chống lại quân Đức ở miền Nam nước Pháp do phía Anh nghĩ ra). Còn trên thực tế, quân Đồng minh sẽ mở những đòn tấn công chính vào Sardinia và khu vực phía đông Địa Trung Hải bằng cách đổ quân vào Hy Lạp.

Ngày 19/4/1943, chiếc tàu ngầm Seraf mang thi thể của “thiếu tá Martin” bắt đầu nhổ neo ra biển và tới được địa điểm đã định sau 10 ngày hành trình. Thi thể trước khi được thả ra biển được khoác lên mình chiếc áo cứu hộ, một cặp tài liệu được gắn vào thắt lưng bằng một sợi dây kim loại nhỏ. Sau chiến tranh, người Anh đã tìm hiểu và biết rằng, “điệp viên xác chết” của họ đã được quân Đức phát hiện rất kịp thời và chuyển giao cho bên tình báo. Cơ quan này đã khẳng định tính xác thực của các tài liệu tìm thấy.

Kết quả là khi Đô đốc Deniz trở về từ Italia và thông báo cho Hitler về khả năng quân Đồng minh sẽ đánh chiếm Sicilia, tên trùm phát xít đã bác bỏ ngay giả thuyết này. Hitler tin chắc rằng, những tài liệu phát hiện trong xác chết đã chứng minh quân Đồng minh sẽ tấn công khu vực Sardinia và Peloponnes.

Nhờ thành công của chiến dịch “Minsmit”, quân Đức chỉ tập trung củng cố tuyến phòng thủ dọc bờ biển Hy Lạp, rút Sư đoàn tăng số 1 từ Pháp để bổ sung cho Ellada (nơi đã tập trung tới 3 sư đoàn bộ binh Đức và Quân đoàn số 11 của Italia). Sư đoàn môtô số 90 mới được thành lập cũng được điều ngay tới Sardinia cùng với 4 sư đoàn bộ binh Italia khác. Hitler còn ra lệnh tập trung Quân đoàn đổ bộ đường không số 11 tại miền Nam nước Pháp, dự tính sẽ sử dụng để phản công trong trường hợp quân Đồng minh đánh chiếm Sardinia. Kết quả là liên quân Anh - Mỹ đã không gặp phải nhiều khó khăn và tổn thất khi đánh chiếm Sicilia. Thậm chí cả hai tuần sau khi quân Đồng minh đổ bộ vào Sicilia, Hitler vẫn tin đó chỉ là một động thái nghi binh.

Kế hoạch hợp tác với Mafia của tình báo Mỹ

Nếu như tình báo Anh quan tâm đến việc giảm bớt gánh nặng cho việc đổ bộ vào Sicilia, mật vụ Mỹ lại tập trung vào xây dựng các điều kiện đảm bảo cho quân đội mình có thể hoạt động dễ dàng trên hòn đảo này. Phía Mỹ đã tính toán đến khả năng tìm kiếm các điệp viên của mình trong đội ngũ 2 triệu công dân Mỹ có nguồn gốc tại Sicilia (trong khi số dân của hòn đảo này chỉ là 4,5 triệu). Mặt khác, tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm đến sự bất bình của các ông chủ mafia địa phương đối với chế độ của Mussolini (áp dụng những quy định hết sức nghiêm ngặt khiến hoạt động làm ăn của mafia gặp rất nhiều khó khăn).

Về phần mình, mafia tại Italia vốn đã có nhiều ân oán riêng với chế độ của Mussolini và sẵn sàng giúp đỡ toàn diện quân Đồng minh để có thể xóa bỏ chế độ phát xít tại Sicilia. Ban đầu, tay chân của mafia cung cấp cho quân Mỹ những thông tin địa hình cần thiết tại Sicilia, dữ liệu về các bến cảng, cầu đường, sông núi, nguồn nước cũng như vị trí các đơn vị quân Đức và Italia.

Theo kế hoạch tấn công, quân Mỹ sẽ có nhiệm vụ đánh chiếm khu vực trung tâm và phía tây hòn đảo cùng với thủ phủ Palermo. Vị trí khó khăn nhất đối với họ chính là pháo đài Monte-Camarata, từng nổi tiếng là bất khả xâm phạm từ thời La Mã. Pháo đài được bảo vệ bởi một đơn vị khá mạnh dưới quyền chỉ huy của Đại tá Salemi, được trang bị một số xe tăng, pháo cao xạ và pháo chống tăng có khả năng cầm cự lâu dài với quân Mỹ.

Sáng ngày 15/7, một chiếc máy bay Mỹ lơ lửng trên bầu trời thị trấn Villalba trước khi thả xuống một gói nhỏ, bên trong là một chiếc khăn lụa màu vàng có thêu chữ “L”. Đó chính là tín hiệu mà Luciano thông báo cho “đồng nghiệp” của mình là Calogero Vizzini. Còn được gọi với cái tên nổi tiếng Don Calo, Vizzini từ trước đó đã biến thị trấn nhỏ Villalba trở thành một đế chế tội phạm của chính mình. Mọi việc sau đó được Don Calo giao lại cho tay phó hàng đầu của mình là Genko Russo.

Không hổ danh là nhân vật thứ hai của mafia tại Sicilia, Russo cho triển khai ngay một loạt các biện pháp dụ dỗ cũng như đe dọa đối với các binh sĩ tại pháo đài Monte-Camarata. Kết quả là đến ngày 20/7, đã có tới 2/3 số lính tại pháo đài này đã đào ngũ (họ còn được mafia cung cấp cho quần áo dân thường cũng như giúp chạy trốn xa khỏi đơn vị).

Khi biết về điều này, Đại tá Salemi nhảy lên xe phóng ngay về Bộ tham mưu tại thị trấn Mussomeli, nhưng trên đường lại rơi vào ổ phục kích đã giăng sẵn của mafia. Các đàn em của Russo đã đưa ra một đề xuất không thể chối từ đối với viên sĩ quan này – đó là quay trở lại pháo đài, ra lệnh cho những binh sĩ kiên cường nhất còn lại của mình phải nộp vũ khí và trở về nhà. 

Nhờ đó, quân đội Mỹ đã đặt chân tới Mussomeli và Villalba mà không phải mất một viên đạn. Chính Russo và Don Calo đã đích thân đứng đầu hàng ngũ cư dân địa phương ra đón tiếp. Đêm đến, người ta thỉnh thoảng chỉ nghe thấy một vài tiếng nổ lẻ tẻ. Nhưng đó lại là kết quả hành động thanh toán của mafia đối với những người từng cản trở chúng dưới thời Mussolini. Don Calo sau đó còn hộ tống đoàn xe tăng của Mỹ tiến vào giải phóng thủ phủ Palermo. Viên tướng Mỹ nổi tiếng Patton về sau còn phải công khai thừa nhận về sự giúp đỡ của Calogero Vizzini trong chiến thắng tại Palermo.

Nhờ công trạng như vậy, Don Calo nghiễm nhiên trở thành nhân vật có quyền lực ngầm hàng đầu trong chính quyền tại Sicilia do Mỹ dựng lên. Theo đề xuất của hắn ta, phần lớn thị trưởng các thành phố tại Sicilia đều được lựa chọn từ những nhân vật do mafia giật dây. Bản thân Don Calo trở thành sĩ quan danh dự của quân đội Mỹ và được bổ nhiệm là Thị trưởng Villalba.

Trên thực tế, tên trùm mafia này đã trở thành một ông vua không ngai trên toàn bộ hòn đảo Sicilia. Còn tại Mỹ, Tòa thượng thẩm để trả ơn vào năm 1945 đã ra quyết định trả tự do cho Luciano (cho dù trước đó hắn vẫn còn phải thụ án tới 40 năm tù nữa). Tháng 2/1946, Luchano được trục xuất sang Italia để hỗ trợ “tiến trình dân chủ” tại địa phương.

Ngay từ khi Sicilia được giải phóng, đã bắt đầu hình thành mối quan hệ “cộng sinh” giữa chính quyền chiếm đóng của Mỹ và giới tội phạm có tổ chức ở địa phương. Theo đó, mafia đảm trách việc “làm sạch” hòn đảo đối với những thành phần không được người Mỹ tin cậy (chẳng hạn như các đảng viên Cộng sản hay những nhân vật có quan điểm thiên tả cứng rắn). Để đổi lại, bọn tội phạm tại đây được toàn quyền thao túng về kinh tế trên hòn đảo này.

Hậu quả của chiến dịch tình báo tại Sicilia vẫn còn tồn tại cho tới hiện nay. Sau khi có được quyền lực không hạn chế trên toàn hòn đảo Sicilia, mafia Italia đã nhanh chóng mở mang ảnh hưởng của mình ra khắp đất nước, trong nhiều thập kỷ đã trở thành một chính quyền song song thứ hai tại quốc gia này, có những thời điểm còn mạnh hơn cả chính quyền chính thức

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.