Kế hoạch cứu nguy kinh tế Anh của cựu Thủ tướng M.Thatcher

Thứ Tư, 17/11/2010, 03:40
Hàng năm cứ đến khoảng cuối tháng 10, Chính phủ Anh lại cho giải mật một loạt những văn kiện đạt đủ 30 năm bảo mật cần thiết. Điều đáng chú ý trong các văn kiện giải mật năm nay là kế hoạch cứu nguy nền kinh tế Anh bằng chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Thủ tướng Thatcher.

Thật trùng hợp đây lại là kế hoạch mà chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm David Cameron đang ra sức làm.

Trong số những văn kiện được giải mật năm nay có một tài liệu cho thấy chính phủ của bà Thủ tướng Thatcher đã thảo ra một kế hoạch mật nhằm "dạy dỗ" dân chúng Anh về những "thực tế kinh tế của cuộc sống" và thuyết phục họ chấp nhận việc cắt giảm phúc lợi và nhận lương ít hơn.

Ðối với chính phủ của bà Thatcher, lúc đó đang muốn đưa chính sách kinh tế tư bản kiểu Reaganomics sang Anh, việc thuyết phục này trở thành rất quan trọng, bởi Anh đã nhiều năm sống trong một chế độ xã hội mà dân chúng khá hài lòng về cuộc sống đó.

Những tài liệu mới được giải mật này - có thời điểm là năm 1979 - cũng cho thấy rằng, Bộ Tài chính đã khuyến cáo các vị bộ trưởng trong chính phủ hãy liên kết chặt chẽ với giới doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông để cổ động cho ý thức hệ tư bản tự do thị trường và đập tan những luận điệu hoài nghi cuộc cách mạng của bà Thatcher.

Và những quyết định của chính phủ đầu tiên của bà Thatcher qua các văn kiện này có vẻ cũng tương tự như những cố gắng của chính phủ liên hiệp hiện nay muốn đưa ra cho báo chí những "tin tức tốt" về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ áp đặt dân chúng phải chịu.

Các vị bộ trưởng trong chính phủ được kêu gọi là hãy đừng đưa ra những "thông điệp quá u tối" và nhấn mạnh: phải cho dân chúng thấy rằng công việc của chính phủ là làm sao "mang lại niềm vui cho dân chúng".

Kế hoạch nhằm thuyết phục dân chúng rằng thắt lưng buộc bụng là tối cần thiết được biết dưới tên là "Chiến dịch dài ngày" do ông Nigel Lawson, lúc đó đang làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính và Keith Joseph, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và là một người ủng hộ nhiệt thành của chủ nghĩa Thatcher, thảo ra.

Trong một bản ghi nhớ mà 2 vị quan chức trao đổi với nhau, ông Joseph nói rằng, cần phải nhấn mạnh "ưu tiên số 1 của chính phủ là phải bảo vệ giá trị của đồng tiền" - một điều mà ông David Cameron, đương kim Thủ tướng và George Osborne, đương kim Bộ trưởng Tài chính, nghe được phải rất là hài lòng.

Tương tự như vậy, những dự thảo đầu tiên của kế hoạch này đã đưa ra một thông điệp rất bi quan, nhấn mạnh rằng "triển vọng của kinh tế Anh không có gì đáng hứa hẹn" và nói đến "tiến trình suy thoái lâu dài của nước Anh" từ sau Thế chiến II. Thế nhưng những cách tiếp cận này đã gặp những phản ứng chống đối mạnh mẽ của những người bảo thủ khác muốn thúc đẩy một cuộc cách mạng tư bản cực đoan hơn.

Trong một bức thư khác gửi cho ông Bộ trưởng Tài chính, cố vấn đặc biệt Peter Cropper nói rằng "mục tiêu tối hậu của cuộc cải cách" phải là "niềm vui, tài sản, sức mạnh quốc gia, hai mẫu và một con bò, một chiếc xe hơi thứ nhì cho mỗi gia đình, công việc đáng thích thú, thời gian nhàn rỗi, những đoàn tàu hỏa lịch sự, đường hầm thông qua biển, nhà máy điện nguyên tử, những mỏ than mới, mỗi phòng trong nhà có một buồng tắm, v.v..." một điều mà các nhà lãnh đạo hiện nay chắc hẳn đang chuẩn bị theo gương trong chiến dịch tuyên truyền cho dân chúng.

Các hồ sơ mới được giải mật cho thấy bà Thatcher quyết định là chiến dịch này không nên được tung ra một cách công khai để tránh cho chính phủ phải mang tiếng, nhưng các vị bộ trưởng được khuyến khích là "hãy phổ biến thông điệp này càng rộng rãi càng tốt nhất là trong giới lãnh đạo doanh nghiệp và quản trị".

Chủ trương của Thủ tướng Anh lúc đó là “phải làm sao mau chóng đập tan ngay mọi luận điệu hoài nghi về những dự định của chính phủ và tránh tỏ ra đồng tình với những lời than phiền về những khía cạnh khắt khe không thể tránh được trong chính sách của chính phủ".

Nhưng có lẽ cũng giống như hiện nay, một báo cáo sau này của Bộ Tài chính cho thấy chiến dịch này đã mất sự ủng hộ vào cuối năm 1979 và đầu năm 1980 khi mà tình hình kinh tế Anh trở nên tồi tệ hơn. Các bộ trưởng trong chính phủ tỏ ra không hăng say gì trong việc cổ động cho niềm vui giữa lúc thắt lưng buộc bụng

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.