Kế hoạch nghi binh hoàn hảo của Tình báo Anh trong chiến dịch Husky

Thứ Năm, 17/08/2017, 14:08
Chiến dịch tấn công đảo Sicily - hay còn được gọi là "chiến dịch Husky" - trong Thế chiến lần thứ II mang ý nghĩa vô cùng quan trọng: lần đầu tiên kể từ năm 1941, các tuyến đường biển ở Địa Trung Hải được quân Đồng minh khai thông, làm tiền đề đi đến quyết định tiến hành D-day, mở mặt trận phía Tây tấn công những tập đoàn quân hùng mạnh của phát xít Đức.

Chiến dịch Husky (bắt đầu vào đêm khuya ngày 9-7 và kết thúc vào ngày 17-8-1943) không chỉ đánh dấu sự phối hợp tác chiến quy mô của liên quân Anh - Mỹ - Canada mà để chuẩn bị cho sự thành công của chiến dịch, cơ quan tình báo Anh đã kỳ công dựng lên một cái bẫy hết sức tinh vi nhằm đánh lừa quân Đức.

Đánh vào "yết hầu" của phe Trục

Ngày 14-1-1943, tại Casablanca, Morocco, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cùng với phái đoàn của mình thảo luận về chiến lược và nghiên cứu giai đoạn tiếp theo của Thế chiến thứ II. Hội nghị Casablanca  (không có mặt nhà lãnh đạo J.Stalin của Liên Xô) ghi dấu sự kiện lần đầu tiên một vị tổng thống rời khỏi đất Mỹ trong thời chiến.

Các tài liệu, giấy tờ bên trong chiếc cặp "thiếu tá Martin" mang theo. Ảnh: BBC.

Tham dự Hội nghị Casablanca còn có hai lãnh đạo của chính phủ Pháp đang sống lưu vong, tướng Charles de Gaulle và tướng Henri Giraud, những người đã được đảm bảo về một nước Pháp thống nhất sau chiến tranh. Lúc đầu, lãnh đạo các nước Đồng minh tập trung vào kế hoạch phá hủy các tàu ngầm U-boat của Đức tuần tra ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Trong một tuyên bố gây tranh cãi, Roosevelt và Churchill đã cho rằng, khi chiến cuộc xoay chuyển, các nước Đồng minh sẽ chỉ chấp nhận phe Trục đầu hàng vô điều kiện. Và "yết hầu: của phe Trục khi ấy là đảo Sicily. Để đổ bộ lên đảo Sicily của Italy, theo kế hoạch tác chiến, cả hai cánh quân tập hợp các binh chủng hải-lục-không quân sẽ cùng phối hợp tấn công: một cánh quân đổ bộ lên phía đông nam và một cánh quân tấn công ở trung tâm bờ biển phía nam.

Tổng tư lệnh của chiến dịch là Đại tướng Dwight D. Eisenhower, cũng là Tổng tư lệnh của quân Đồng minh ở Bắc Phi. Trong hội nghị này, đại diện của Pháp ra lời "thỉnh cầu" Anh-Mỹ không ném bom các căn cứ tàu ngầm Đức ở trên lãnh thổ Pháp để tránh cho dân Pháp bớt đổ máu, nước Pháp thoát cảnh đổ nát.

Thế nhưng De Gaulle chỉ nhận được cái lắc đầu của cả Churchill và Roosevelt. Hai vị nguyên thủ chiếu cố tới đề nghị của viên tướng Pháp là rải truyền đơn cảnh báo nguy hiểm trước mỗi cuộc không kích. Hội nghị Casablanca được tiến hành hoàn toàn trong bí mật. Dù một số tờ báo đã biết về cuộc gặp gỡ, nhưng họ đã không đưa tin, mãi cho đến khi những người tham gia rời Morocco vào ngày 27-1-1943.

Lục quân của phe Đồng Minh từ Mỹ, Anh, Canada được cấu thành hai lực lượng đặc nhiệm. Đội đặc nhiệm Phía Đông (hay còn gọi là đội đặc nhiệm 545) được chỉ huy bởi đại tướng Bernard Montgomery, bao gồm Tập đoàn quân số 8 của Anh và lực lượng viễn chinh đầu tiên của Canada. Đội đặc nhiệm Phía Tây (đội đặc nhiệm 343) gồm Đội quân số 7 của Mỹ được chỉ huy bởi Trung tướng George S. Patton.

Rạng sáng ngày 10-7, không quân Đồng minh bắt đầu oanh tạc tấn công đảo Sicily. Các đoàn tàu của quân Đồng minh tập trung ở đảo Malta để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên phía Nam đảo Sicily. Cần biết rằng, đảo Malta không chỉ là chốt bảo vệ của Đồng minh, mà còn trở thành quân cờ chiến lược, điều này được thể hiện rõ nhất trong Chiến dịch Husky. Lữ đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh gồm có 137 chiếc tàu lượn và là đơn vị đổ bộ đầu tiên. Những con tàu lượn này có thể mang theo xe Jeep hoặc thậm chí là những khẩu pháo 105mm. Mục tiêu của đơn vị này là chiếm cây cầu Ponte Grande ở phía Nam Syracuse.

Tuy nhiên nó đã không thành công vì trong số 137 chiếc tàu lượn thì 69 chiếc rơi xuống biển làm chết 200 người, 56 chiếc khác hạ cánh cách xa mục tiêu, chỉ có 12 chiếc tàu lượn là hạ cánh đúng mục tiêu để binh lính triển khai chiếm cây cầu như đã định. Trong khi đó lính dù Mỹ gặp phải rất nhiều khó khăn vì thời tiết xấu và hỏa lực phòng không của địch rất mạnh khiến cho 2.781 lính dù bị phân tán trong khu vực có bán kính 80km.

Những ngày sau đó, quân Đồng minh đồng loạt đổ bộ xuống 3 bãi đổ bộ chính đã định. Chiến thuật "từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào" đã hết sức hiệu quả khi làm quân phát xít trên đảo hiểu lầm rằng, phía bờ biển bên kia cũng đã bị chiếm và mình đang bị kẹp giữa hai cánh quân lớn.

Tuy nhiên quân phát xít đã đọc được chiến thuật của Đồng minh và chỉ huy phản công ngay lập tức, mục tiêu của chúng lúc này là cầm chân quân Đồng minh ở bờ biển nhằm cắt cầu nối giữa lực lượng đổ bộ bằng đường biển và lực lượng dù. Rất may quân Đồng minh đã chiếm được các bãi biển từ trước khi quân phát xít kịp củng cố đội hình nên việc tiếp nhận quân cũng như các trang thiết bị lên bãi biển không gặp nhiều tổn thất.

Với việc chiếm được bãi biển, một cầu tiếp vận đã được hình thành giúp xe tăng Đồng minh có thể tràn lên bờ chọc thủng hàng phòng thủ của phát xít, tiến về phía những đơn vị lính dù đang độc lập tác chiến bên trong. Tuy nhiên, phía quân phát xít cũng không hề tỏ ra kém cạnh khi sử dụng các máy bay ném bom oanh tạc các tàu vận tải nhằm chặn được tiếp vận của quân Đồng minh.

Đến ngày 22-7, quân Mỹ làm chủ cảng Palermo. Tập đoàn quân số 8 của Anh lại tiến quân rất chậm do gặp phải sự chống cự của lính dù Đức với pháo phòng không tại vùng núi Sicilian. Tuy nhiên Tập đoàn quân số 8 sau đó cũng chiếm được Catania và sau đó là Paterno.

Ngày 17-8, những chiếc xe tăng của quân Đồng minh hiên ngang giương cao nòng pháo trên đường phố Catania, đây là thành phố lâu đời nhất trên Sicily, giải phóng được Catania có nghĩa là quân phát xít đã bị đẩy ra khỏi Sicily, chiến dịch Husky thành công đúng như dự định; trong khi quân Đồng minh có khoảng 5.000 người thiệt mạng, con số này ở phe phát xít là khoảng 10.000 người.

Xác chết mà biết nói năng…

Chiến dịch Husky sẽ không thu được thắng lợi như vậy nếu như không có sự trợ lực mạnh mẽ từ một chiến dịch nghi binh hết sức tinh vi do cơ quan tình báo Anh tiến hành dưới tên gọi "Mincemeat" (Thịt băm).

Buổi sáng ngày 30-4-1943, một ngư dân sống ở thị trấn Huelva bên vùng bờ biển phía nam Tây Ban Nha phát hiện ra một cái xác người đàn ông chết trôi, tay còn xích vào một chiếc cặp nhỏ đựng tài liệu. Khi ấy, tại Huelva hiện diện nhiều điệp viên Đức còn Tây Ban Nha tuy là một nước trung lập nhưng lại có khuynh hướng thân Đức Quốc xã.

Nhà chức trách Tây Ban Nha cẩn thận khám xét thi thể chết trôi, tìm những thứ giấy tờ chứng minh nhân thân - là thiếu tá Martin thuộc quân lực hoàng gia Anh - và cả những lá thư trong chiếc cặp. Nội dung một lá thư cho biết: quân đội Đồng minh trong mùa hè năm 1943 sẽ tấn công Sardinia và đảo Corse (tức về hướng Hy Lạp chứ không phải đảo Sicily). Những lá thư này lập tức được chuyển đến các sĩ quan Đức Quốc xã.

Quân Đồng minh đổ bộ tấn công đảo Sicily. Ảnh: History.

Thật ra, đấy chỉ là thi thể một người không danh tính, lai lịch, biến thành một công cụ quan trọng cho cơ quan tình báo Anh dựng lên một chiếc bẫy hoàn hảo. Kịch bản được dựng lên từ nhiều tháng trước khi người của tình báo Anh lựa chọn một xác chết vô thừa nhận trong bệnh viện, hóa trang để thi thể trông giống người bị chết đuối do tai nạn trên biển.

Bước tiếp theo là tạo ra một hồ sơ giả cho xác chết sao cho những chi tiết đi cùng dễ dàng thuyết phục ai đó cố gắng tìm hiểu nhân thân người gặp nạn. Xác chết được mặc quân phục và đeo hàm thiếu tá - thiếu tá William Bill Martin của thủy quân lục chiến hoàng gia Anh. Cấp bậc thiếu tá được lựa chọn bởi người mang cấp bậc này đủ nhận được sự tin tưởng của cấp trên khi giao cho anh ta chuyển tài liệu mật, và cũng không phải là người có vị trí quá cao để nhiều người có thể biết đến.

Giấy tờ tùy thân của "thiếu tá Martin" chứng thực anh ta sinh năm 1917 ở Cardiff, xứ Wales thuộc Anh, có vị hôn thê được gọi tên thân mật là Pam. Bằng chứng cho mối dây liên hệ thân thiết giữa Pam và Martin là bức ảnh chân dung của Pam (thực tế là ảnh của nữ nhân viên Nancy Jean Leslie làm việc tại MI-5) nằm trong túi áo của "Martin" cùng hai bức thư tình ngắn ngủi nhưng mùi mẫn và cả một hóa đơn mua nhẫn đính hôn giấu trong thi thể.

Như thế vẫn chưa đủ. Người Anh còn "đính" thêm vào bên trong quần áo của "Martin" các vật chứng đời thường khác như hai cuống vé xem kịch, một vé xe bus đã qua sử dụng, một hóa đơn mua áo mới, một hóa đơn nghỉ 4 đêm tại Câu lạc bộ Quân đội và Hải quân, một thư ngân hàng yêu cầu thanh toán khoản chi 79,97 bảng, tất cả đều được in với ngày tháng cận kề thời điểm Martin mất tích.

Điểm mấu chốt của toàn bộ kế hoạch này là những "tài liệu mật" trong chiếc cặp được xích vào tay xác chết: các bức thư giới thiệu thật, có các chữ ký tay của những chỉ huy ngoài đời thật và một loạt các thông tin liên quan đến "các vấn đề nhạy cảm". Những thư giới thiệu và thư trao đổi giữa các thượng cấp của "Martin" được bỏ vào trong một chiếc cặp nhỏ để người Đức tin rằng, "Martin" đang mang theo tài liệu này bên mình.

Chiếc cặp sau đó được cột vào cổ tay của "Martin" bằng một sợi dây xích để chắc chắn nó không bị trôi đi và sẽ được vớt cùng thi thể. Ban đầu, người Anh định thả thi thể này từ trên máy bay xuống vùng bờ biển Tây Ban Nha cùng một chiếc dù không nguyên vẹn. Tuy nhiên, ý tưởng này bị hủy bỏ vì quân Đức sẽ không ngây thơ mà tin rằng, quân Đồng minh lại liều lĩnh cho một sĩ quan mang thứ "tài liệu quan trọng" nhảy dù vào vùng lãnh thổ địch. Phương án cuối cùng được đưa ra là thi thể viên thiếu tá trên sẽ được thả trôi dạt vào bờ biển, như thể anh ta bị chết do tai nạn bất ngờ rơi xuống biển.

Theo đó, thi thể "thiếu tá Martin" được đưa lên tàu ngầm HMS Seraph của Anh, đặt lên một chiếc xuồng cao su cứu hộ thả xuống biển cách bờ khoảng 1,6 km. Thậm chí, những ngày sau đó, các báo của Anh còn đăng cáo phó về cái chết của viên sĩ quan tên Martin để củng cố chuyện tai nạn xảy ra là hoàn toàn có thật.

Đúng như dự liệu của tình báo Anh, sau gần một tuần căng thẳng chờ đợi, số tài liệu giả cũng đến được tay các chỉ huy Đức, những người hoàn toàn tin mọi thứ liên quan đến xác chết này. Bất chấp việc nhiều chỉ huy Đức và trùm phát xít Mussolini của Italy tin rằng, Sicily là mục tiêu sắp bị tấn công, Hitler và Bộ tư lệnh tối cao Đức quyết định điều 90.000 quân, gồm ba sư đoàn thiết giáp Panzer, tăng cường đến Hy Lạp, Sardinia và đảo Corse để đối phó với một chiến dịch quy mô lớn của quân Đồng minh.

Lực lượng Hải quân Italy cũng chuyển hầu hết lực lượng của mình đến bờ biển Hy Lạp, chỉ để lại một lực lượng mỏng phòng thủ Sicily. Kế hoạch nghi binh công phu và bài bản đã tạo điều kiện cho quân Đồng minh dễ dàng tấn công Sicily.

Ngay cả khi chiến dịch đánh chiếm Sicily diễn ra, quân Đức vẫn cố thủ ở Sardinia và Hy Lạp suốt hơn hai tuần vì tin rằng, trận Sicily chỉ là đòn "giương đông kích tây" cho một cuộc tấn công lớn hơn. Sa vào cạm bẫy "Thịt băm", Đức phải trả giá đắt và việc để mất Sicily là một thảm họa.

Quân đồng minh đã đánh đuổi không quân, hải quân và bộ binh phe Trục ở đảo Sicily, lần đầu tiên kể từ năm 1941, cửa ngõ trên Địa Trung hải được khai thông. Hitler phải hủy bỏ cuộc tấn công quan trọng tại Vòng cung Kursk chỉ sau một tuần, một phần để chi viện lực lượng cho Italy, đánh dấu sự suy giảm về sức mạnh của Đức trong cuộc đối đầu trên mặt trận phía đông với Hồng quân Liên Xô.

Q.H. (tổng hợp)
.
.