Kế hoạch phát triển hạt nhân mới của Pakistan

Thứ Ba, 02/06/2009, 08:10
Theo những thông tin mới nhất của tình báo Mỹ, Pakistan đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai cơ sở hạt nhân lớn tại một địa điểm hoang vu cách Islamabad 110 dặm về phía tây nam, nằm không xa khu vực do Taliban kiểm soát.

Cụ thể những nguồn tin nội bộ cho biết, Islamabad đang xây dựng hai lò phản ứng sản xuất plutonium quy mô lớn nhất thế giới, có khả năng tăng cường cả về số lượng và chất lượng kho vũ khí hạt nhân của mình, hiện đang được ước tính có từ 60 đến 80 đơn vị vũ khí. Sự kiện này được đánh giá là một nguy cơ gây đe dọa tới ổn định và an ninh tại khu vực Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung...

"Pakistan hiện đang là quốc gia duy nhất đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường lực lượng hạt nhân của mình" - một quan chức cao cấp của tình báo Mỹ đã phát biểu như vậy. Ông này tuy nhiên đã giấu tên vì tính chất nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời phát biểu thêm rằng, sự kiện này diễn ra vào thời điểm các quốc gia hàng đầu về vũ khí hạt nhân đều đang cố gắng giảm bớt kho vũ khí của họ.

Hơn nữa, theo chính nhân vật này cùng một số quan chức Mỹ khác, mối lo ngại của họ còn liên quan tới những nhân vật có thể điều hành những lò phản ứng xây dựng gần thị trấn Khushab này. Dẫn chứng được họ đưa ra là sự kiện từng xảy ra khoảng 1 tháng trước vụ khủng bố 11/9, khi tay cựu giám đốc tại Khushab đã gặp gỡ Osama bin Laden và tay phó Ayman al-Zawahiri của hắn, giảng giải về một số kiến thức liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Chưa kể thực tế có nhiều tỉ đôla viện trợ về kinh tế và quân sự của Mỹ được chuyển cho quân đội Pakistan để đầu tư vào lĩnh vực hạt nhân hay nhiều dự án nghiên cứu chế tạo vũ khí khác.

Những thông tin đáng lo ngại

Trong vài tháng gần đây, ảnh chụp từ các vệ tinh do thám của Mỹ cho thấy lò phản ứng đầu tiên tại Khushab đã gần như hoàn tất, trong khi lò thứ hai cũng ở giai đoạn cuối của quá trình xây dựng bên ngoài. Dự kiến lò phản ứng thứ nhất có thể bắt đầu hoạt động trong thời gian sắp tới, công trình thứ hai còn phải đợi từ 4 đến 5 năm nữa.

David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế của Mỹ, là một trong vài quan chức đã từng lên tiếng cảnh báo về các lò phản ứng tại Khushab. "Vụ này đã đi xa hơn chúng ta dự tính - Albright nói - Chúng ta đang quan sát thấy cả một tiến trình vững chắc của họ... Chúng tôi không biết liệu họ đã có uranium hay nước nặng trong đó chưa, nhưng nhìn bên ngoài thì những hoạt động xây dựng chính gần như đã hoàn tất... Chúng tôi chỉ không biết điều gì đang diễn ra bên trong đó".

Bản đồ và ảnh chụp từ vệ tinh về hai lò phản ứng mới tại Khushab.

Chuyện rõ ràng nhất, theo Albright, là các quan chức Pakistan đang tập trung những nguồn tài nguyên hạn chế của đất nước mình để phát triển kho vũ khí hạt nhân của đất nước, trong đó có cả những nguồn do chính Mỹ tài trợ. "Họ đang phát triển khả năng vượt ngoài những yêu cầu hợp lý" - Albright cho biết. Tình báo Mỹ ước tính công suất những lò phản ứng mới này vào khoảng 70  đến 100 megawatt.

Như vậy, mỗi lò mới này khi bước vào hoạt động có thể chế tạo đủ nguyên liệu cho 4 - 5 đơn vị vũ khí hạt nhân. Chưa kể quan chức này còn đưa ra giả thuyết rằng, những lò phản ứng trên còn có một sứ mạng riêng biệt: đó là sản xuất tritium, thành phần thiết yếu để chế tạo vũ khí nhiệt hạch, còn gọi là bom H.

Thay đổi trong chiến lược hạt nhân của Islamabad

Albright không phải là quan chức duy nhất đưa ra cảnh báo trên. Như Zia Mian, nhà khoa học về các nguyên liệu hạt nhân tại Trường đại học Princeton còn khẳng định thêm rằng, những nỗ lực mới nhằm làm giàu plutonium ở quy mô lớn còn đánh dấu một bước thay đổi về chiến lược hạt nhân của Pakistan. "Việc bổ sung thêm hai lò phản ứng này mang hai ý nghĩa - Mian nhận xét - Chúng cho phép họ sản xuất được nhiều đầu đạn hơn, từ 4 - 5 đơn vị mỗi năm, nhưng cũng cho phép họ sản xuất được những loại vũ khí hạt nhân tổng hợp gọn nhẹ hơn có thể lắp đặt trên các tên lửa tầm xa và tên lửa tầm thấp... Chưa kể ngòi nổ cho các vũ khí nhiệt hạch hầu hết có sử dụng plutonium".

Pakistan hiện đang sở hữu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào tại Ấn Độ, cũng như tên lửa tầm thấp phóng từ tàu ngầm. Zia Mian còn tin rằng, Pakistan đang nâng cấp chương trình máy ly tâm của mình tại Kahuta (ngoại ô Islamabad), cơ sở đã cung cấp nguyên liệu để sản xuất khoảng 70 vũ khí hạt nhân đầu tiên của nước này. "Có một loạt báo cáo với nội dung đáng lo ngại, là nơi có thể tìm thấy bằng chứng về việc Pakistan đang phát triển các máy ly tâm thế hệ thứ ba và thứ tư có công suất cao hơn" - Mian tiết lộ thêm.

Hiện Chính phủ Pakistan vẫn chưa có lời bình luận chính thức nào về những lò phản ứng đáng ngờ trên. Chỉ có một quan chức cao cấp từng làm việc trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân giải thích mập mờ rằng, "những lò phản ứng trên là một phần của kế hoạch sản xuất plutonium cho một chương trình đặc biệt".

Mối liên hệ đáng ngại với lực lượng hồi giáo cực đoan

Cộng đồng tình báo Mỹ ngoài những dữ liệu kỹ thuật của hai lò phản ứng mới, còn bày tỏ sự lo ngại đặc biệt về những quan chức lãnh đạo tại Khushab. Còn nhớ cựu Giám đốc CIA George Tenet trong cuốn hồi ký có tên "At the Center of the Storm" của mình, đã từng nhắc tới sự kiện cựu quan chức lãnh đạo tại Khushab là Sultan Bashirrudan Mahmood cùng với Chaudri Andul Majeed (từng đứng đầu nhà máy chế tạo bom hạt nhân) chỉ vài tuần trước vụ khủng bố 11/9 đã từng gặp gỡ các thủ lĩnh cao nhất của Al-Qaeda.

"Mahmood và Majeed đã gặp gỡ Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri tại Afghanistan - Tenet viết trong cuốn hồi ký - Tại đó xung quanh đống lửa trại, chúng đã bàn phương cách mà Al-Qaeda cần phải triển khai nếu muốn chế tạo vũ khí hạt nhân". Mahmood về sau đã thừa nhận với các điều tra viên Pakistan rằng, hắn còn cung cấp bản thiết kế bom hạt nhân vẽ bằng tay cho Bin Laden, trước khi tên trùm khủng bố này còn hỏi cách có được nguyên liệu chế tạo bom.

Sự kiện này cho thấy, ngay cả những quan chức cao cấp của Pakistan cũng có thể có quan hệ với lực lượng Hồi giáo cực đoan, trong khi chính phủ tại Islamabad gần như đã bất lực trong các nỗ lực làm "trong sạch nội bộ".

Ngay trong quân đội Pakistan từ lâu nay vẫn cố gắng loại bỏ những nhân vật có xu hướng Hồi giáo quá khích nhưng đã thất bại. Hiện nay đến các chỉ huy cấp quân đoàn cũng có nhiều người thân cận với các phần tử Hồi giáo. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn trong nội bộ Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI).

Chính Washington đã nhận thức được mối nguy hiểm này nên đã không tiếc công tiếc của để giúp Islamabad xây dựng một hệ thống điều hành vũ khí hạt nhân an toàn với các mật mã và nhiều thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên vẫn chưa khiến cho Mỹ cảm thấy yên tâm trước nguy cơ, vũ khí hay chí ít là các nguyên liệu hạt nhân của Pakistan có thể lọt vào tay Al-Qaeda

Linh Nga (tổng hợp)
.
.