Kẻ thù ẩn mặt của tình báo Mỹ

Thứ Năm, 04/05/2017, 21:35
Vụ việc mới nhất loạt tài liệu mật tiết lộ các công cụ mà Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng để đột nhập và nghe lén điện thoại di động thông minh bị tung lên trang WikiLeaks đang làm cho cả CIA và Cục Điều tra liên bang (FBI) sốt ruột vì vẫn chưa xác định được thủ phạm là ai. Cuộc truy tìm kẻ tung tài liệu mật đó đang diễn ra ráo riết.

Cả CIA và FBI đều tin rằng, thủ phạm tung tài liệu mật lên WikiLeaks không phải là tin tặc bên ngoài mà là người bên trong nội bộ ngành tình báo Mỹ. Vấn đề là người đó là ai, làm việc ở cơ quan nào?

Phần lớn tài liệu mật tiết lộ trên WikiLeaks thuộc diện bảo mật cao, lưu trữ trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của CIA, điều đó có nghĩa là kẻ tiết lộ tài liệu nhiều khả năng là người bên trong CIA. Nhưng hàng trăm nhân viên chính thức của CIA và cả giới nhân viên hợp đồng thuê bên ngoài đều có thẻ ra vào khu vực và có thể tiếp cận nguồn tài liệu đó. Vì vậy, nhóm điều tra liên cơ quan CIA-FBI đang rà soát lại toàn bộ danh sách những người thuộc diện này.

Chelsea Manning, kẻ từng tiết lộ thông tin mật của quân đội Mỹ trên trang WikiLeaks về cuộc chiến Iraq cho rằng, chính những kẻ "bất hảo" trong nội bộ các cơ quan tình báo Mỹ, cụ thể ở đây là CIA và NSA (Cơ quan An ninh quốc gia) là những nguy cơ rình rập đáng ngại hơn tình báo bên ngoài.

Chelsea Manning (Bryan Manning) bị bắt năm 2010, bị kết án 35 năm tù vì cung cấp hơn 300.000 trang tài liệu mật về cuộc chiến Iraq và thư tín ngoại giao cho trang WikiLeaks.

Nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2000 trở lại đây, những vụ việc đình đám trong làng tình báo hầu như chủ yếu do người trong nội bộ ngành tình báo Mỹ gây ra, từ vụ bắt giữ đặc vụ FBI Robert P. Hanssen tháng 2-2001 cho đến vụ việc Chelsea Manning bị bắt vào tháng 7-2010. Cựu nhân viên NSA Edward Snowden, người tiết lộ loạt thông tin mật về các chương trình nghe lén khổng lồ của NSA cuối năm 2013, cho đến nay vẫn ung dung tị nạn tại Nga.

Từ tháng 3-2017, WikiLeaks cho đăng tải một loạt tài liệu do các đơn vị tình báo mạng của CIA xây dựng, và tiếp tục tung lên mạng các tài liệu và công cụ đột nhập của CIA. Trong khi đó, một nhóm tin tặc bí ẩn tự xưng là Shadow Brokers cũng xuất hiện và tung lên mạng một danh mục dài các công cụ đột nhập của NSA, trong đó có cả những bằng chứng cho thấy cơ quan này đã từng đột nhập thành công vào các mạng ngân hàng ở Trung Đông.

Tướng về hưu Michael Hayden, cựu giám đốc của cả CIA và NSA, chua chát nhận định: "Trong quá khứ, chúng tôi bị kẻ thù bên ngoài lấy trộm tài liệu mật. Còn bây giờ, tài liệu mật của chúng tôi bị chính những kẻ bất mãn trong nội bộ lấy cắp và tuồn ra bên ngoài. Và đó là thách thức lớn nhất cho ngành phản gián".

Các vụ việc Chelsea Manning và Edward Snowden lấy cắp tài liệu mật và tuồn ra bên ngoài là những điển hình cho nhận định trên của tướng Hayden. Vụ lấy cắp tài liệu mật tại CIA được cho là do một nhân viên hợp đồng của CIA thực hiện. Và thêm một vụ nữa mà báo chí ít đề cập đến, đó là nhân viên hợp đồng của NSA Martin bị cuộc tội đã lấy trộm 50 terabytes dữ liệu mật nhạy cảm và lưu trữ tại nhà riêng ở bang Maryland và vài nơi khác. Cơ quan phản gián chưa xác định được động cơ lấy trộm tài liệu của Martin.

Nhân viên hợp đồng Edward Snowden đã tung ra hàng triệu tài liệu về chương trình gián điệp bí mật của NSA.

Theo truyền thống, động cơ gián điệp được gói gọn trong 4 chữ viết tắt MICE (money, ideology, compromise và ego, tạm dịch: tiền, lý tưởng, bị dụ dỗ và thể hiện cái tôi). Trong các vụ việc tình báo hiện nay, giới chuyên gia đánh giá không thấy có bóng dáng MICE. Ông Hayden chỉ rõ, các cơ quan tình báo nước ngoài hiện nay không sử dụng các yếu tố MICE để tấn công vào người của tình báo Mỹ nữa bởi lẽ đơn giản là họ cũng chẳng cần phải tốn công sức dụ dỗ hay mua chuộc, mà chỉ cần lợi dụng sự phát triển công nghệ để kích động tinh thần một chút, những kẻ bất mãn đó sẽ "tự chuyển hóa".

Vấn đề gây chú ý nhất trong các vụ việc gần đây là việc các cơ quan tình báo Mỹ tuyển dụng những nhân viên hợp đồng thuê ngoài. Dave Aitel, cựu chuyên gia NSA, lý giải một trong những nguyên nhân là có nhiều công việc theo thời vụ cần được giải quyết và phải giải quyết nhanh.

Khi tình hình thế giới ảnh hưởng đến an ninh quốc gia diễn biến quá nhanh, nhiều chương trình tình báo mới cần triển khai nhanh chóng, đó là lúc các cơ quan tình báo Mỹ cần đến các nhân viên hợp đồng. Liệu có sơ hở nào trong quy trình sát hạch tuyển dụng không? Các chuyên gia đều cho rằng, các nhân viên hợp đồng cũng trải qua quy trình sát hạch, sàng lọc để cấp quy chế an ninh tương tự như nhân viên nhà nước. Do vậy, nếu có sai sót thì cũng là do khâu sát hạch của cơ quan chủ quản mà thôi.

Hiện tại số lượng nhân viên hợp đồng đang làm việc trong cộng đồng tình báo Mỹ không được công bố công khai. Một báo cáo của Cục Nghiên cứu Quốc hội vào tháng 8-2015 đã trích dẫn số liệu năm 2007 cho biết khoảng 27% trong tổng số 100.000 người làm việc trong cộng đồng tình báo là nhân viên hợp đồng thuê ngoài.

Tại các cơ sở tình báo, nhân viên biên chế chính thức mang phù hiệu màu xanh dương, còn nhân viên hợp đồng mang phù hiệu màu xanh lục. Cùng làm công việc giống nhau, nhưng nhân viên hợp đồng lĩnh lương cao hơn nhân viên biên chế chính thức. Tuy nhiên, công việc của nhân viên hợp đồng sẽ không chắc chắn, không lâu dài. Giới chuyên gia bác bỏ lập luận rằng, nhân viên hợp đồng chính là nguồn gốc gây ra mọi vụ bê bối và sai trái trong cộng đồng tình báo.

Ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, phản gián Mỹ luôn bận rộn săn lùng những điệp viên nội gián cài cắm bên trong các cơ quan tình báo. Trong những vụ việc đình đám thời đó có những cái tên nổi cộm như Robert Hanssen, 22 năm làm gián điệp cho Liên Xô và Nga cho đến khi bị bắt năm 2001. Rồi điệp viên CIA Aldrich Ames bị bắt năm 1994 cũng là một điệp viên nội gián đặc biệt hiếm.

Theo các chuyên gia, sự khác biệt giữa điệp viên thời kỳ cũ với các điệp viên rò rỉ thông tin thời đại ngày nay là không lớn. "Ngay cả một số điệp viên nổi tiếng nhất cũng không bao giờ tin là mình đang giúp sức cho kẻ thù quốc gia" - chuyên gia an ninh mạng Rhea Siers của Đại học Washington nhận xét.

Giám đốc CIA đương nhiệm Mike Pompeo trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức đã nói rằng, những kẻ rò rỉ thông tin trong cộng đồng tình báo Mỹ ngày nay là "tri kỷ" của những điệp viên phản bội trong quá khứ. Cái khác nhau chỉ là hình thức cung cấp thông tin cho đối phương.

"Thời đại kỹ thuật số thì những thông tin mật của Mỹ có thể phát tán ngay tức thì cho bọn khủng bố, các hacker và các đối thủ khác trên toàn cầu" - ông Pompeo nhận xét. Các chuyên gia cũng cho rằng, các nhân viên trung thành không "tự chuyển hóa" thành những kẻ bất mãn, nội gián trong một sáng một chiều. Công việc căng thẳng có thể sẽ tan biến bằng cách trút giận, xả xì-trét hay cách nào khác. Chỉ khi gặp các vấn đề về sức khỏe, hôn nhân trục trặc và bị đẩy vào cảnh túng quẫn, tiến trình "tự chuyển hóa" sẽ được đẩy nhanh.

Thách thức đối với các nhà quản lý trong các  cơ quan tình báo Mỹ là làm thế nào để phát hiện những dấu hiệu căng thẳng, để hỗ trợ các nhân viên đang gặp khó khăn trong cuộc sống, thậm chí có thể cắt quyền tiếp cận một số mảng thông tin nhạy cảm để hạn chế rủi ro mà không làm ảnh hưởng đến các nhân viên khác.

Mặt khác, một số chuyên gia phản gián cũng cho rằng các cơ quan tình báo cũng có thể sử dụng phần mềm quét dữ liệu nhân thân chính xác đến 90% để thăm dò và phát hiện dấu hiệu thay đổi bất thường trong tính cách, tình cảm, diễn biến sinh hoạt hàng ngày và cả thói quen sử dụng máy tính cá nhân.

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.