Khi Hollywood bắt tay với CIA

Thứ Ba, 04/09/2018, 15:54
Để tạo điều kiện cho sự trao đổi thông tin qua lại giữa cộng đồng khoa học và Hollywood, vào năm 2008, Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS) quyết định thành lập Tổ chức trao đổi thông tin khoa học và giải trí (S&EE) đặt trụ sở tại Los Angeles, với nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ khăng khít giữa giới đạo diễn điện ảnh và các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực sinh học, hoá học và các bộ môn khác.

Nhưng sự “cộng sinh” này còn có nhiều vấn đề phải bàn. Ngoài ra, mối quan hệ khăng khít giữa Hollywood, quân đội và đặc biệt là cộng đồng tình báo Mỹ đã tồn tại từ lâu đời. Thậm chí, từ thập niên 1920 thế kỷ trước quân đội Mỹ sử dụng phim ảnh để quảng bá tuyển quân; và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) còn đưa một số tình tiết phim lên trang web của cơ quan.

Mới đây nhất là câu chuyện Hollywood hợp tác chặt chẽ với Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và CIA để làm bộ phim về cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Sự cộng sinh giữa Hollywood và cộng đồng các nhà khoa học

Trong năm đầu tiên hoạt động của S&EE, các tổ chức khoa học đóng vai trò cố vấn (tự nguyện) cho 70 dự án phim và đến tháng 9-2011 con số tăng lên đến 350 dự án. Những bộ phim khoa học nổi tiếng của Hollywood như “Fringe”, “The Big Bang Theory”, “Green Lanterm” và “Battleship” đều có sự tham gia của các nhà khoa học của S&EE. Tuy nhiên, sự “cộng sinh” giữa khoa học và điện ảnh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió!

Malcolm MacIver, Phó giáo sư khoa Công nghệ sinh học thuộc Đại học Northwestern, cho biết: “Sự tôn trọng giữa hai bên không phải lúc nào cũng ngang nhau và giới khoa học thường bị các đạo diễn lấn lướt”. Nói cụ thể là khi một nhà khoa học bảo “không được, anh không thể làm như thế” tức thì đạo diễn không thèm nghe theo.

Ngày nay, công chúng tiếp nhận thông tin từ Internet cho nên họ dễ dàng nhận ra những chi tiết trong phim mâu thuẫn với khoa học. Do đó, giới đạo diễn điện ảnh luôn phải hướng đến những phát hiện mới nhất của khoa học hiện đại. Jeffrey Silver, nhà sản xuất bộ phim “300” (năm 2006) và “Sự tái sinh của Kẻ huỷ diệt” (năm 2009), cũng thừa nhận rằng “các nhà khoa học có trí tưởng tượng mạnh hơn cả chúng ta”.

Nếu như các nhà khoa học sẵn sàng đóng vai trò cố vấn cho Hollywood, điều đó cho thấy họ không chỉ quan tâm đến bộ môn của họ mà còn mong muốn các định luật khoa học được thực hiện đúng trên màn ảnh – theo giải thích của Sheril Kirshenbaum, nhà nghiên cứu ở Trung tâm về chính sách môi trường và năng lượng quốc tế (CIEEP) trực thuộc Đại học Texas. Đó là lý do khiến đạo diễn James Cameron tạo ra nhân vật Grace, nhà ngoại sinh vật học, trong phim “Avatar” theo chuẩn của khoa học.

Thật ra, các đạo diễn Hollywood thường hay bỏ ngoài tai những lời khuyên của nhà khoa học cố vấn. Như trường hợp về một bộ phim thảm hoạ tự nhiên, đạo diễn Roland Emmerich muốn tạo ra một trận lụt tấn công cả hành tinh bất chấp việc nhà khoa học cố vấn cho rằng điều đó không thể xảy ra trong thực tế. Ngay đến nhà sản xuất phim Jeffery Silver, người thường tìm sự cố vấn từ các chuyên gia khoa học, cũng khẳng định “khi mà chi tiết trong phim không vi phạm luật cơ bản của vật lý thì người ta có thể được phép tưởng tượng xa hơn”!

Bộ phim “Rock of Ages” – với sự góp mặt của ngôi sao Tom Cruise cùng với Malin Akerman và Julianne Hough.

Mặc dù vậy, nhà hành tinh học Kevin Hand ở Trung tâm Thám hiểm thái dương hệ (JPL) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phải thừa nhận rằng giữa điện ảnh và khoa học luôn có khoảng cách, bởi vì “thực tế là nên chấp nhận rằng mục đích trước tiên là kể một câu chuyện”.

Mối quan hệ lâu đời giữa CIA và Hollywood

Thời gian qua, một số nhà lập pháp Cộng hoà tỏ ra giận dữ khi các báo cáo liên bang tiết lộ vụ việc vào năm 2011 Nhà Trắng, CIA và Lầu Năm Góc cung cấp thông tin về cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden cho nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và tác giả kịch bản Mark Boal ở Hollywood để thực hiện bộ phim “Zero Dark Thirty” (trước đó được đặt tên là “Kill Bin Leden”).

Nghị sĩ Peter T. King, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện, chỉ trích đây là sự hợp tác chưa từng có, quá chặt chẽ và có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Trong khi đó, Tổng thanh tra Lầu Năm Góc đang tiến hành điều tra xem có thông tin mật nào bị tiết lộ hay không. Thật ra, trong quá khứ, các nhà làm phim Hollywood đã bắt tay với quân đội và điệp viên CIA. Thậm chí Lầu Năm Góc và CIA còn kín đáo tác động đến kịch bản phim nhằm đánh bóng hình ảnh của họ trên màn ảnh.

Sean Carroll, đạo diễn phim “Thor”.

Trong quá trình làm phim “Chiến hạm”, đạo diễn Peter Berg được phép sử dụng tàu chiến Hải quân và thậm chí sĩ quan Ray Mabus được chọn đóng một vai xuất hiện chớp nhoáng trong phim. Và để chuẩn bị cho bộ phim sắp tới, “Kẻ sống sót cô độc”, đạo diễn Peter Berg tiếp tục hợp tác với đơn vị biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ ở miền Tây Iraq.

Nhà làm phim Lionel Chetwynd cũng được phép gặp Tổng thống George W. Bush trong vòng 1 giờ để bàn luận về nội dung phim “DC 11/9: Thời khắc khủng hoảng” – bộ phim xây dựng năm 2003 dựa trên những sự việc có thật về phản ứng của Nhà Trắng đối với cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Trong một tiết lộ khác, hơn 250 trang e-mail của CIA và Lầu Năm Góc cho thấy các quan chức an ninh quốc gia đã có sự hợp tác kín đáo với đạo diễn Kathryn Bigelow và tác giả kịch bản Mark Boal để thực hiện một bộ phim giật gân trong đó mô tả hình ảnh Tổng thống Obama theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các nhà làm phim Hollywood nhận được tài liệu mật.

Trong khi đó, David Robb - tác giả cuốn sách “Chiến dịch Hollywood: Lầu Năm Góc định hướng và kiểm duyệt phim ảnh như thế nào” – nhìn thấy một vấn đề khác, đó là các nhà làm phim Hollywood phải chấp nhận trở thành công cụ của chính quyền nếu muốn có được sự hợp tác từ quân đội và cộng đồng tình báo.

Mối quan hệ “cộng sinh” giữa quân đội Mỹ và Hollywood đã hình thành từ thập niên 1920 thế kỷ trước. Thời gian đó, Lầu Năm Góc thường xuyên cung cấp sự hỗ trợ về tàu chiến, máy bay ném bom cũng như chuyên gia kỹ thuật cho Hollywood nhằm mục đích đánh bóng hình ảnh và tuyển quân.

Nữ đạo diễn Kathryn Bigelow đang làm phim “Zero Dark Thirty” tại Pakistan.

Nhưng chỉ đến năm 1996 CIA mới bắt đầu có mối liên kết với giới điện ảnh Mỹ. Lúc đó Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, còn CIA đang cố tìm kiếm ngân sách hoạt động cho cơ quan từ Quốc hội Mỹ. Sự thật cho thấy Hollywood có sứ mệnh xoá bỏ hình ảnh tiêu cực về CIA, tức là không được coi cơ quan như một tổ chức đầy rẫy những nhân viên hung bạo.

Bill Harlow, Trưởng phòng quan hệ công chúng của CIA từ năm 1997 đến 2004, cho biết đó là ưu tiên hàng đầu để tình báo Mỹ hợp tác làm phim với Hollywood. Và một lý do khác cho sự hợp tác này là người dân Mỹ chịu ảnh hưởng từ phim ảnh nhiều hơn báo chí – phương tiện truyền thông thường gán cho CIA hình ảnh tiêu cực và xấu xa, theo Bill Harlow.

Theo người phát ngôn Todd Ebitz của CIA, hiện nay cơ quan thường đưa lên trang web của mình nhiều nội dung phim liên quan đến tình báo, và “trong một số trường hợp, chúng tôi sắp xếp những cuộc viếng thăm đến cơ quan để tham dự những cuộc họp không được coi là mật, song hiếm khi cho phép quay phim bên trong trụ sở mà nếu có cũng phải tuân theo một số quy định hết sức nghiêm ngặt”.

Ví dụ vào năm 1999, lần đầu tiên CIA cho phép các đạo diễn bộ phim “Bên cạnh những điệp viên” quay một số cảnh tại trụ sở cơ quan. Lúc đó khoảng 50 nhân viên CIA tham gia đóng phim và sau đó hàng trăm người chen chúc nhau trong buổi trình chiếu bộ phim tại trụ sở cơ quan. Năm 2001, CIA một lần nữa cho phép đoàn làm phim CBS quay cảnh trong trụ sở khi thực hiện bộ phim truyền hình “Cục tình báo”.

Cuốn sách “Chiến dịch Hollywood” của tác giả David Robb.

CIA thậm chí dự định mở tiệc chiêu đãi trước khi bộ phim được trình chiếu, song kế hoạch bị huỷ bỏ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Năm 2003, các đạo diễn phim “Tân binh” cũng nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ CIA để thực hiện bộ phim.

Tricia Jenkins – nữ tác giả cuốn sách “CIA ở Hollywood”, tác phẩm đầu tiên có sự đánh giá nghiêm túc về những nỗ lực của CIA nhằm gây ảnh hưởng đến thế giới giải trí – cho biết CIA đã có sự ảnh hưởng đến nội dung phim điện ảnh trong hơn 15 năm.

Theo Jenkins, sau vụ khủng bố 11-9, CIA càng gắn bó hơn nữa với thế giới điện ảnh Hollywood với mong muốn người dân Mỹ nên coi cơ quan tình báo là tổ chức có năng lực cao, hoạt động hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh.

Trở lại bộ phim dựng lại chiến dịch đột kích của biệt kích Hải quân Mỹ SEAL Team 6 tiêu diệt Osama bin Laden tại khu nhà ở Abbottabad, Pakistan, vào tháng 5-2011, nghị sĩ Peter T. King tuyên bố có những chứng cớ cho thấy Kathryn Bigelow và Mark Boal được Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép tiếp xúc với quan chức của SEAL Team 6, đồng thời họ có ít nhất hai cơ hội gặp quan chức Nhà Trắng để bàn luận về bộ phim.

Thậm chí các e-mail của CIA cũng tiết lộ vụ việc Bigelow và Boal được phép bước vào căn phòng họp bàn chiến dịch đột kích bí mật tiêu diệt trùm khủng bố của CIA. Nhưng người phát ngôn Preston Golson của CIA đã bác bỏ điều này.

Diên San (tổng hợp)
.
.