Kosovo: Cựu nhân viên tình báo tiết lộ về những vụ ám sát chính trị

Thứ Ba, 15/12/2009, 18:30
Nazim Bllaca, từng làm việc cho cơ quan tình báo thuộc Quân đội giải phóng Albani, mới đây thừa nhận từ năm 1999 đến 2003 đã tham gia vào những vụ thanh trừng các thành viên của một đảng phái chính trị đối lập. Những lời thú nhận này, ám chỉ thủ phạm chính là đảng phái của đương kim Thủ tướng Hashim Thaci, đang gây sốc cho chính trường Kosovo, và buộc châu Âu phải vào cuộc để điều tra làm rõ thực hư thế nào.

Hôm 30/11 vừa qua, cái tên Nazim Bllaca đã xuất hiện trên tất cả các phương tiện truyền thông Kosovo, rồi sau đó là các hãng thông tấn nước ngoài. Một ngày trước đó, Nazim Bllaca, 37 tuổi, điệp viên của Quân đội giải phóng Albani (UCK), đã có cuộc thú tội "hoành tráng" trước giới báo chí với bằng chứng là một đĩa DVD chứa đựng bản liệt kê về 17 vụ ám sát và âm mưu ám sát vì mưu đồ chính trị mà chính bản thân Nazim Bllaca tham gia. Ngay sau lời thú tội trên, Cảnh sát EULEX thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Kosovo, đã tiến hành bắt giữ và thẩm vấn Nazim Bllaca.

Hiện tại, Nazim Bllaca đang bị quản thúc tại gia và không có luật sư bào chữa vì không có ai muốn bảo vệ ông ta. Vụ tiết lộ của cựu nhân viên tình báo này ngay lập tức bao trùm lên cả những ồn ào từ phiên tòa của Tòa án công pháp quốc tế bàn về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của người Serbia ở Kosovo, ngày 17/2/2008, đang diễn ra.

Nazim Bllaca khẳng định đã bắt đầu làm việc cho Cơ quan Tình báo Kosovo (SHIK), mà tiền thân là UCK, từ tháng 6/1999, giai đoạn cuối của cuộc chiến chống lại chế độ Slobodan Milosevic. SHIK, tuyên bố giải thể năm 2008, được biết đến như là một cơ quan tình báo làm việc theo sự chỉ đạo của đảng Dân chủ Kosovo, đảng phái chính trị của đương kim Thủ tướng Kosovo, Hashim Thaci. 

Chính ông Hashim Thaci cũng từng là một cựu lãnh đạo chính trị của UCK. Nazim Bllaca cho biết, cùng với nhiều nhân viên tình báo khác, ông ta đã tham gia vào những vụ ám sát các thành viên đảng đối lập, Phong trào Dân chủ Kosovo (LDK), của Ibrahim Rugova, nhân vật được giới thiệu như là một cộng tác viên của lực lượng tình báo Serbia.

Đương kim Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci.

Điều gây bối rối nhất cho chính quyền của Thủ tướng Hashim Thaci là trong lời thú tội của mình, Nazim Bllaca đã kể toàn bộ chi tiết những phi vụ ám sát và những kế hoạch hành động của lãnh đạo SHIK. "Ban đầu chúng tôi tin đang làm việc vì lợi ích quốc gia. Nhưng dần dà chúng tôi mới hiểu được rằng mục tiêu thực sự không phải vậy mà là điều ngược lại" - Nazim Bllaca thú nhận.

Vì sao Nazim Bllaca đứng ra tố cáo chính những hành động của mình? Đó không phải xuất phát từ những mặc cảm tội lỗi mà bắt nguồn từ việc cơ quan tình báo nơi Nazim Bllaca phục vụ không chịu trả ông ta 220.000 euro tiền lương và những khoản thù lao khác như đã hứa. Sau khi rời khỏi SHIK, tháng 10/2007, Nazim Bllaca đưa cả gia đình sang Croatia định cư. Nhưng đến ngày 13/5 vừa qua thì lại chuyển về Pristina, Kosovo, sinh sống theo yêu cầu của EULEX, cơ quan này lo ngại mạng sống của Nazim Bllaca khó mà giữ được nếu không hợp tác với họ để nhận được sự bảo vệ.

Cuối tháng 10/2009, viên cựu tình báo này đã thay đổi quyết định khi chuyển đĩa DVD thú tội tới các nhà điều tra châu Âu, thông qua phái viên Gani Geci. Chính Geci cũng đang bị cáo buộc ám sát một lãnh đạo của UCK năm 1998, thông qua người vợ của nhân vật này.

Đảng của Thủ tướng Thaci ngay sau đó đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trên từ Nazim Bllaca và cho rằng vụ việc này mang màu sắc chính trị. Ông Hashim Thaci hứa sẽ chuyển giao tất cả những ai có liên quan tới những vụ ám sát chính trị cho các cơ quan luật pháp.

Theo thỏa thuận, EULEX phải phối hợp với cảnh sát và các thẩm phán Kosovo mỗi khi tiến hành điều tra một việc gì đó. Tuy nhiên, trong vụ việc trên, EULEX đã quyết định một mình hành động với hai lý do. Thứ nhất là sau gần 2 năm tuyên bố độc lập, đến nay tính toàn vẹn lãnh thổ của Kosovo vẫn chưa hoàn tất. Thứ hai là việc tiết lộ của Nazim Bllaca lại rơi vào đúng thời điểm chỉ vài ngày trước khi diễn ra vòng hai của cuộc bầu cử địa phương (13/12), kỳ bầu cử đầu tiên kể từ ngày Kosovo tuyên bố độc lập.

Tổng thống Kosovo Fatmir Sejdiu.
Một ngày sau đó, Tổng thống Kosovo Fatmir Sejdiu và Thủ tướng Hashim Thaci đã ra thông báo chung thể hiện sự tin tưởng vào những thể chế của Kosovo và vào hành động của EULEX trong việc làm sáng tỏ những hành động tội ác trong thời kỳ hậu chiến tranh mà không hề phải lo ngại trước bất cứ một đảng phái chính trị nào.

Theo giới quan sát, lời kêu gọi phải tách biệt hoàn toàn giữa những cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và chiến dịch bầu cử hiện nay cho thấy sự lúng túng của giới lãnh đạo Kosovo sau khi ý thức được khả năng tác động mạnh từ những tiết lộ của nhân viên tình báo từng làm việc cho họ trước đây.

Vấn đề ám sát vì mục đích chính trị tại Kosovo sau chiến tranh, từ lâu đã được giữ kín trong vòng bí mật, nay lần đầu tiên được đưa ra trước công luận. Theo các nhà phân tích, những tiết lộ của Nazim Bllaca sẽ kéo theo nhiều tiết lộ khác mà hậu quả không thể báo trước

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.