Bí mật gây sốc của Đội 6 – Đặc nhiệm SEAL: Cỗ máy giết chóc bừa bãi
Bắn giết theo cảm tính
Trong các cuộc đột kích, Đội 6 thường lùa phụ nữ và trẻ em vào một góc và hạ nốc ao đàn ông bằng cú đấm trời giáng hoặc báng súng để lục soát các ngôi nhà. Họ thường xuyên bắt người làm tù binh. Một số người bị thành viên SEAL đấm vỡ mũi trong các cuộc vật lộn khống chế.
Thông thường, Đội 6 thực hiện nhiệm vụ dưới sự giám sát của chỉ huy là các sĩ quan tại các trung tâm chiến dịch nước ngoài và trụ sở ở Mỹ. Họ có thể giám sát trực tuyến, theo dõi sự việc đang xảy ra trong các cuộc đột kích thông qua máy bay không người lái. Nhưng do Đội 6 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu về ban đêm nên nhiều lúc họ hành động bừa bãi khi đột kích vào các căn nhà tối om, không có mấy người chứng kiến và nằm ngoài tầm nhìn của camera giám sát trên máy bay không người lái.
Đám tang người Afghanistan bị giết trong cuộc đột kích vào làng Ghazi Khan ở tỉnh Kunar, năm 2009. |
Thành viên Đội 6 thường dùng vũ khí có thiết bị triệt âm để hạ sát đối tượng. Họ coi hành động này không khác gì việc thả bom vào một doanh trại của kẻ thù. Một cựu thành viên Đội 6 cho hay họ thường bắn các "loạt đạn an ninh" vào những người đã gục xuống để đảm bảo đối tượng chết chắc. Trong một sứ mệnh năm 2011 giải cứu một con tàu bị cướp biển khống chế ngoài khơi châu Phi, một thành viên Đội 6 đã đâm một tên cướp biển bằng dao và để lại trên người hắn ta tới 91 vết thương. Một cựu thành viên SEAL cho hay, họ được huấn luyện "cắt mọi động mạch chính" của đối tượng.
Thành viên Đội 6 thường có suy nghĩ: Nếu anh cảm thấy bị đe dọa theo đánh giá chủ quan của anh, thì chỉ trong tích tắc anh sẽ giết một ai đó. Có lần, một tay súng bắn tỉa của SEAL đã giết chết 3 người không mang vũ khí, trong đó có một bé gái. Tay súng này sau đó nói với chỉ huy rằng anh ta cảm thấy họ là mối đe dọa với anh ta. Về mặt pháp lý, lời giải thích đó là được phép nhưng chỉ huy Đội 6 không chấp nhận và tay súng bắn tỉa này bị đuổi khỏi đội.
Thành viên SEAL tham gia huấn luyện lặn. |
Nhiều cựu chỉ huy và thành viên Đội 6 được phỏng vấn đều cho rằng họ biết các vụ Đội 6 giết hại dân thường. Ông Britt Slabinski, một cựu thành viên cấp cao của Đội 6 cho biết, ông đã từng nhiều lần chứng kiến đồng đội giết nhầm dân thường. Một số cựu chỉ huy cho hay họ thường xuyên tra hỏi các thành viên Đội 6 khi nghi ngờ họ giết chóc bừa bãi. Tuy nhiên, thông thường họ không có bằng chứng rõ ràng để buộc tội.
Một vụ giết chóc bừa bãi xảy ra vào thời gian Phi đội Xanh của Đội 6 gần kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan. Trong khi đội này thực hiện sứ mệnh tiêu diệt một nhân vật Taliban có mật danh “Mục tiêu Pantera”, những người cao tuổi ở một ngôi làng thuộc tỉnh Helmand đã tố cáo lính SEAL giết dân thường trong làng của họ. Sau khi nghe hai người này tố cáo, vị tướng người Anh, chỉ huy lực lượng kiểm soát tỉnh Helmand, đã gọi ngay cho đại tá Scott Moore, chỉ huy Đội 6 nói lại tình hình. Đại tá Moore đã chất vấn chỉ huy sứ mệnh là Peter G. Vasely. Tuy nhiên, Vasely phủ nhận họ đã giết dân thường, nói rằng họ chỉ tiêu diệt mọi nam giới cầm theo súng.
Đại tá Moore sau đó đã đề nghị JSOC điều tra vụ việc. Báo cáo điều tra cho thấy hàng chục nhân chứng trong ngôi làng cho biết, lính Mỹ đã hành quyết tập thể người dân trong làng. Về sau, một cựu thành viên Đội 6 kể rằng, chỉ huy Phi đội Xanh lúc đó là ông Slabinski đã hướng dẫn họ trước khi thực hiện sứ mệnh là giết hết mọi nam giới.
Tuy nhiên, theo lời ông Slabinski, ông không ra lệnh như vậy và cho rằng các thành viên Đội 6 dường như mất kiểm soát. Một binh sĩ điên cuồng cắt cổ một tay súng Taliban đã chết khiến Slabinsky phải ngăn anh ta lại. Binh sĩ này sau đó bị đưa về Mỹ.
Theo JSOC thì mọi hoạt động của Đội 6 trong chiến dịch Pantera nói trên đều không vi phạm quy tắc. Hiện không rõ có bao nhiêu người Afghanistan bị giết trong cuộc đột kích đẫm máu đó cũng như không ai rõ vụ đột kích xảy ra chính xác ở địa điểm nào. Trong các cuộc điều tra khác thường là do JSOC tiến hành, không ai bị bất kỳ cáo buộc nào. Thông thường, binh sĩ Đội 6 chỉ bị đưa về nước khi có lo ngại hoặc nghi ngờ nào đó.
Một năm sau vụ đột kích Pantera, một sứ mệnh khác của Đội 6 khiến người Afghanistan phản đối giận dữ. Đêm 27/12/2009, hàng chục binh sĩ Mỹ và Afghanistan đã đổ bộ xuống ngôi làng nhỏ Ghazi Khan ở tỉnh Kunar. Khi họ bỏ đi, có 10 người dân bị giết hại. Chuyện gì đã xảy ra vào đêm đó vẫn còn gây tranh cãi.
Mục tiêu của sứ mệnh là bắt sống hoặc giết một thành viên Taliban cấp cao nhưng hóa ra không có thủ lĩnh Taliban nào ở ngôi làng đó. Sứ mệnh đã dựa vào nguồn tin tình báo sai. Điều tra của phía Afghanistan cho thấy trong số 10 người bị Đội 6 giết có 8 học sinh. Phía Mỹ khăng khăng cho rằng các thanh thiếu niên này mang súng và có liên hệ với Taliban.
Nguyên tắc là không có nguyên tắc nào cả
Trụ sở của Đội 6 - SEAL đóng ở khu nhà phụ Dam Neck thuộc căn cứ hải quân Oceana, phía nam bờ biển Virginia. Căn cứ này là nơi đồn trú không chỉ của 300 thành viên Đội 6 mà còn là nơi ở của các phi công, kỹ thuật viên rà phá bom, kỹ sư, nhân viên y tế và một đơn vị tình báo trang bị những công nghệ theo dõi toàn cầu và giám sát tinh vi.
Nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi chôn cất các thành viên đội 6 seal thiệt mạng năm 2011 khi trực thăng Extortion 17 chở họ bị bắn hạ ở Afghanistan. |
Lực lượng SEAL vốn phát triển từ những nhóm người nhái thời Thế chiến II. Đội 6 mãi sau này mới được thành lập sau khi sứ mệnh giải cứu 53 con tin Mỹ bị bao vây trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Iran, thất bại năm 1980. Khi đó, Hải quân Mỹ đã đề nghị chỉ huy Richard Marcinko xây dựng đơn vị SEAL để có thể phản ứng nhanh với các cuộc khủng bố. Tên của Đội 6 thực ra là một ý đồ đánh lạc hướng đối phương trong thời Chiến tranh lạnh. Lúc đó chỉ có hai đội SEAL nhưng Marcinko đã gọi đơn vị đặc biệt này là Đội 6 mục đích khiến Liên Xô ước tính sai về quy mô của SEAL.
Bản thân Marcinko là một người coi thường luật lệ và dung túng cho hình ảnh vô tổ chức của Đội 6. Ông ta cho rằng các cuộc chè chén cùng nhau là cách thể hiện tình đoàn kết của Đội 6. Các cuộc tuyển thành viên cho Đội 6 thường diễn ra dưới hình thức uống rượu bét nhè trong quán bar.
Đội 6 ban đầu có hai nhóm tấn công gọi là Xanh và Vàng. Nhóm Xanh dùng lá cờ cướp biển làm phù hiệu. Nhóm này chẳng bao lâu bị coi là "trai hư" vì tình trạng chè chén, lạm dụng ma túy hay lái xe gây tai nạn khi huấn luyện. Các sĩ quan chỉ huy trẻ tuổi thường bị đẩy ra khỏi Đội 6 vì họ muốn thay đổi hành vi vô tổ chức của đội. Đô đốc William H. McRaven, người giám sát cuộc đột kích Bin Laden, là một trong số đó. McRaven đã bị đẩy ra khỏi Đội 6 và được cho vào một đội khác của SEAL thời Marcinko làm chỉ huy. Nguyên nhân là vì McRaven dám phàn nàn về những khó khăn trong áp đặt kỷ luật cho binh sĩ Đội 6.
Biểu tượng của các phi đội thuộc Đội 6. |
Ông Ryan Zinke, một cựu chỉ huy Đội 6 và hiện là nghị sĩ Cộng hòa ở Montana, nhớ lại có lần ông tháp tùng một đô đốc tới một quán bar trên du thuyền - nơi các thành viên Đội 6 đang trên đường trở về sau nhiệm vụ huấn luyện ở nước ngoài. Khi họ bước vào quán bar, trước mặt họ là cảnh tượng không khác gì trong bộ phim "Cướp biển vùng Caribe". Viên đô đốc giật mình khi nhìn thấy những thành viên Đội 6 tóc dài lượt thượt, râu ria xồm xoàm và ai cũng đeo khuyên tai. Ông ngạc nhiên hỏi: "Hải quân của tôi ư? Những gã này thuộc lực lượng Hải quân của tôi à?".
Chuyến viếng thăm của Zinke là khởi đầu cho cuộc "trích máu vĩ đại" mà hải quân thực hiện để thanh trừng lãnh đạo Đội 6 nhằm chuyên nghiệp hóa lực lượng. Hiện nay, Đội 6 có hình ảnh khác xa thời mới hình thành. Họ đều được giáo dục bài bản và trưởng thành hơn. Tất nhiên là cũng có những thành viên vượt quá giới hạn.
Khác với các thành viên lực lượng Delta vốn có quan hệ mật thiết lục quân, Đội 6 - SEAL hầu như tách biệt với hải quân, trong đó có nhiều thành viên gia nhập SEAL từ bên ngoài quân ngũ. Sau vài năm phục vụ trong đội SEAL chính quy, các binh sĩ SEAL có thể thử sức bằng cách tham gia Đội 6. Nhiều người muốn gia nhập đơn vị tinh nhuệ này nhưng phân nửa không đạt yêu cầu.
Chỉ huy Đội 6 thường luân phiên nhau nhưng các thành viên SEAL thì có xu hướng gắn bó lâu dài hơn và do đó có ảnh hưởng nhất định trong đội. Một cựu thành viên cho hay nhiều thành viên SEAL được tuyển vào Đội 6 thời Marcinko chỉ huy nghĩ rằng họ rất quan trọng, do đó, họ rất vênh váo.
Trong khi các đội khác của SEAL chỉ thực hiện những nhiệm vụ lặp đi lặp lại, thì Đội 6 lại theo đuổi những mục tiêu giá trị cao và nhận nhiệm vụ giải cứu con tin trong các vùng chiến sự. Đội 6 thường phối hợp với CIA và thực hiện nhiều sứ mệnh bí mật ngoài vùng chiến sự. Chỉ có Đội 6 mới được huấn luyện để truy tìm vũ khí hạt nhân rơi vào tay kẻ xấu.
Các thành viên Đội 6 đều tuân thủ quy tắc im lặng về các sứ mệnh của mình, đặc biệt là vụ đột kích Osama bin Laden năm 2011. Thế nhưng, vai trò của Đội 6 trong vụ này được kể chi tiết trên sách và tài liệu. Các thành viên Đội 6 đều tức giận khi hai người trong đội công khai vai trò của họ trong cái chết của trùm khủng bố.
Một là Matt Bissonnette, tác giả hai cuốn sách bán chạy viết về giai đoạn mà anh ta phục vụ trong Đội 6. Hai là Robert O'neill, người tuyên bố trên truyền hình rằng anh ta đã giết Bin Laden và hậu quả là đang bị Cơ quan điều tra hình sự Hải quân sờ gáy vì tiết lộ thông tin mật. Năm 2012, Hải quân cũng đã khiển trách 11 thành viên Đội 6, trong đó có cả cựu thành viên, vì đã tiết lộ các chiến thuật của đội hoặc giao các đoạn phim huấn luyện mật để giúp quảng bá cho trò chơi điện tử "Medal of Honor: Warfighter".
Một trong những bí mật ít biết về Đội 6 là con số thương vong. Trong suốt 14 năm qua, Đội 6 thiệt mạng nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử hoạt động của đội. Nhiều thành viên kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần sau các cuộc tấn công, nhảy dù… Đội 6 có khoảng 30 thành viên và nhân viên hỗ trợ thiệt mạng trong các sứ mệnh chiến đấu. Trong đó, 15 thành viên Phi đội Vàng và hai chuyên gia bom mìn chết năm 2011 khi máy bay chở họ bị bắn hạ ở Afghanistan. Đây là sự cố tồi tệ nhất trong lịch sử Đội 6. Một số thành viên bị chấn thương sọ não trong khi làm nhiệm vụ khắc nghiệt hoặc trong quá trình huấn luyện.
Ngoài ra, số thành viên Đội 6 bị chết đuối trong huấn luyện và thương vong trong các tai nạn nhảy dù cũng không ít. Những nỗi đau thể xác liên miên là một phần trong công việc của Đội 6.
Có thể nói, Đội 6 - SEAL, đơn vị tinh nhuệ nhất của Mỹ cũng là đơn vị chịu nhiều tai tiếng và đau thương nhất.