“Kỳ đà Panama” trên lộ trình mở rộng sân sau của Mỹ

Thứ Tư, 26/07/2017, 12:27
Khi kênh đào Panama được khánh thành và những điều khoản trong hiệp ước ký với Mỹ năm 1903 có hiệu lực, thì nước cộng hòa Panama non trẻ bắt đầu gặp phải khó khăn: Ngày càng có nhiều tiếng nói chống lại việc người Mỹ chia cắt nước họ qua khu vực được xem là "đặc khu kinh tế của Mỹ", hay việc Mỹ nhúng tay vào cuộc bầu cử ở Panama...

Bài 1: Trăm năm chính biến

Theo thông báo của cả hai chính phủ Mỹ và Panama đưa ra vào ngày 14-7 vừa qua, chính quyền Washington đã đồng ý sẽ tiến hành phá hủy 8 quả bom hóa học đang nằm trên đảo San Jose, ngoài khơi bờ biển phía nam Panama từ thời Thế chiến thứ II.

8 quả bom này được tìm thấy vào năm 2002 trong quá trình thị sát đảo của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), từ đó chính phủ Panama đã nhiều lần kêu gọi và đàm phán với Mỹ về trách nhiệm xử lý chúng. Theo tinh thần của thông báo, việc phá hủy bom hóa học sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới trong tiến trình kéo dài từ 6-8 tuần. Đây là những vật chứng liên quan đến "lộ trình mở rộng sân sau" của Mỹ ở quốc gia vùng Trung Mỹ, và gần cuối lộ trình đó, Mỹ đã vấp phải "con kỳ đà" - Tướng Manuel Antonio Noriega.

Chủ nhân thật sự của kênh đào Panama

Mỹ và Panama đã thảo luận suốt nhiều năm về cách xử lý số vũ khí hóa học nằm rải rác trên đảo San Jose và khu vực căn cứ của Mỹ gần kênh đào Panama. Cuộc xử lý ban đầu được dự kiến diễn ra năm 2013 nhưng chưa được thực hiện do Mỹ chưa "dành kinh phí" cho quá trình này. Vào tháng 12-2013, Ngoại trưởng Fernando Nunez Fabregas của Panama đã tuyên bố, trong tháng 1-2014, một nhóm chuyên gia Mỹ sẽ tới Panama để xem xét cách thức di dời số vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ "bỏ quên" trên đảo San Jose từ hơn 50 năm qua.

Theo Ngoại trưởng Fabregas, điều đầu tiên là các chuyên gia Mỹ phải xác định được tình trạng của số vũ khí này, vì có thể một trong số đó đã bị hư hỏng. Tuy ông Fabregas không cho biết số lượng và chủng loại vũ khí, nhưng nhiều nguồn tin xác nhận đây là loại bom khí mù tạt. Ngoại trưởng Panama khẳng định: toàn bộ chi phí cho việc này là do phía Washington đảm nhận và Panama mong muốn Mỹ dọn sạch số vũ khí này để có thể được rút ra khỏi danh sách các nước có vũ khí hóa học chưa sử dụng, điều này hạn chế cho quá trình phát triển ngành du lịch của Panama.

Nhóm kỹ sư người Mỹ thực hiện dự án kênh đào Panama: (từ trái sang phải, hàng trước) John R. Freeman, Frederic P. Stearns và James D. Schuyler. (Hàng sau) Arthur P. Davis, Henry A. Allen, Isham Randolph và Allen Hazen.

Nằm trên eo đất nối hai khối lục địa Bắc và Nam Mỹ, một bên là Đại Tây Dương và bên kia là Thái Bình Dương, Panama được các đời tổng thống Mỹ từ khi lập quốc đánh giá là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng nên Mỹ luôn đi đầu trong việc xây dựng kênh đào Panama, công trình có tầm ảnh hưởng to lớn đến lĩnh vực vận tải thủy giữa hai đại dương.

Mặc dù ý tưởng về một kênh đào nối hai đại dương tại Panama đã có từ đầu thế kỷ XVI, nhưng bước khai phá đầu tiên trong việc xây dựng kênh đào này thuộc về người Pháp. Năm 1878, Hội Địa lý Paris đã ký một hiệp ước với Colombia (khi đó Panama là một tỉnh của Colombia) về việc đào một con kênh từ vịnh Limon bên bờ Đại Tây Dương tới thành phố Panama bên bờ Thái Bình Dương. Công trình được khởi công vào năm 1880 dưới sự lãnh đạo của kiến trúc sư trưởng Ferdinand de Lesseps, nhà ngoại giao kiêm kỹ sư và nhà thầu khoán nổi danh trong lịch sử như là người đã hoàn thành công trình kênh đào Suez ở Ai Cập hơn 2 thập niên trước.

Vừa khởi công, công trình đã liên tục bị đình trệ do ban chỉ đạo không thống nhất được phương án kỹ thuật, không có phương pháp nào để đối phó với nạn sốt rét rừng và bệnh sốt vàng da gây thương vong cho hàng loạt công nhân. Tới cuối năm 1888, công ty của Ferdinand de Lesseps lâm vào cảnh phá sản, bởi kinh phí đã đội lên tới 287 triệu USD, trong đó chi phí y tế chữa trị cho công nhân tham gia xây dựng công trình ở "Bờ biển của những cơn sốt ác tính" chiếm phần không nhỏ. Nước Pháp không đủ tài lực lẫn lòng kiên nhẫn để theo đuổi công trình đầy gian nan, mạo hiểm và tốn kém này.

Trong khi đó, vấn đề nắm quyền kiểm soát kênh đào Panama và bảo vệ những quyền lợi nước ngoài của Mỹ luôn là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ đầu thế kỷ XX. 15 năm sau khi người Pháp rút khỏi Panama, người Mỹ quyết định vào cuộc.

Tổng thống Theodore Roosevelt một mặt theo đuổi những nỗ lực nhằm tạo lập một thỏa thuận với Colombia cho phép Mỹ sẽ tiếp nhận hoạt động điều hành con kênh; mặt khác, ông cử chuyên gia đường sắt John Stevens làm kỹ sư trưởng công trình xây dựng kênh đào. Tháng 11-1903, chính phủ Hoa Kỳ bí mật ủng hộ phong trào Separatist Junta quy tụ một số chủ đất giàu có người Panama dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Manuel Amador Guerrero khởi xướng phong trào ly khai Panama khỏi Colombia.

Ngày 3-1-1903, Panama tuyên bố độc lập. Hoa Kỳ, với tư cách là quốc gia đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Panama mới, đã gửi quân tới để "bảo vệ những lợi ích kinh tế" của nước này. Tuy vậy, Tổng thống Roosevelt khôn khéo gây sức ép với chính quyền non trẻ để ký một hiệp ước, trong đó cho phép Mỹ làm chủ công trình kênh đào và thiết lập vùng đất "khu vực kênh đào", có chiều rộng 16 km bao quanh con kênh và xem đó là lãnh thổ của Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ đảm bảo cho nền độc lập của Panama và trả cho Chính phủ Panama 10 triệu USD cùng với 250.000 USD mỗi năm; số tiền này sẽ tăng lên hằng năm.

Năm 1907, kỹ sư J. Stevens xin nghỉ việc, Tổng thống T. Roosevelt chỉ định đại tá công binh George Goethals, chuyên gia hàng đầu về xây cất các hành lang đường thủy làm chỉ huy mới của công trình kênh đào Panama. Tháng 12-1903, những đại diện của nước cộng hòa đã ký Hiệp ước Hay-Bunau Varilla trao cho Hoa Kỳ quyền xây dựng và quản lý vô hạn định với kênh đào. Quốc hội lập hiến năm 1904 đã bầu tiến sĩ Manuel Amador Guerrero làm Tổng thống hợp hiến đầu tiên của Cộng hòa Panama.

Sau 11 năm cật lực xây dựng công trình, sử dụng hết 14.000 tấn thuốc nổ để dọn hơn 150 triệu mét khối đất đá, công trình đã hoàn tất với tổng kinh phí là 400 triệu USD thời giá khi ấy bao gồm cả các thiết bị hỗ trợ giúp vận hành kênh. Mức thiệt hại nhân mạng cũng được liệt vào hàng kỷ lục, ngoài hàng chục vụ tai nạn lao động là con số 5.600 công nhân chết vì bệnh sốt rét và sốt vàng da. Nếu tính cả số ca tử vong trong giai đoạn người Pháp chủ trì thì tổng số nạn nhân lên tới 27.500 người.

Sau 11 năm ròng rã, với sự lao động cật lực của hơn 70.000 công nhân, ngày 15-8-1914, kênh đào Panama chính thức được khai thông ngay khi Chiến tranh Thế giới I vừa bùng nổ. Con kênh này có chiều dài gần 80 km, chạy từ thành phố Panama bên bờ Thái Bình Dương tới Colon bên bờ Đại Tây Dương. Sự ra đời của nó là một cuộc cách mạng trong giao thông đường biển của thế giới. Hải trình từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương và ngược lại đã được rút ngắn xuống hàng chục nghìn km. Mỹ là nước có lưu lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Panama nhiều nhất thế giới.

Panama thay chủ như…thay áo

Khi kênh đào Panama được khánh thành và những điều khoản trong hiệp ước ký với Mỹ năm 1903 có hiệu lực, thì nước cộng hòa Panama non trẻ bắt đầu gặp phải khó khăn: Ngày càng có nhiều tiếng nói chống lại việc người Mỹ chia cắt nước họ qua khu vực được xem là "đặc khu kinh tế của Mỹ", hay việc Mỹ nhúng tay vào cuộc bầu cử ở Panama, cùng hàng loạt hành động can thiệp của Washington vào các cuộc nổi dậy ở đây giữa những năm 20. Để xoa dịu, từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Mỹ tạm thời thực hiện chính sách không can thiệp vào Panama. Chính vì vậy, khi nổ ra cuộc đảo chính đẫm máu ở Panama năm 1931 do Arnufo Arias Madrid cầm đầu, Mỹ đứng ngoài cuộc.

Cuối năm 1941, Tổng thống Panama Arnulfo Arias Madrid đã bị phái quân sự trong nước đảo chính, giữa lúc Mỹ đang đòi thiết lập các căn cứ quân sự trong nội địa lẫn trên đảo San Jose thuộc lãnh thổ Panama để chuẩn bị cho Thế chiến thứ II. Người kế nhiệm- Arias Ricardo de la Guardia- đã đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong khi nhân dân Panama vẫn kiên quyết đấu tranh chống lại ý định mở rộng vùng đất chiếm đóng của Mỹ, yêu cầu cơ quan lập pháp nước này phủ quyết mọi hiệp ước liên quan.

Những quả bom hóa học thời Thế chiến thứ II Mỹ để lại trên đảo San Jose, Panama. Ảnh: OPCW.

Sau năm 1945, đảo San Jose đã được Mỹ, Anh và Canada và sử dụng cho các cuộc thử nghiệm vũ khí hóa học. Các tổ chức chống vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân còn cho rằng, trong thời gian này Mỹ đã bỏ lại nhiều thiết bị nổ và bom phi hạt nhân nằm rải rác trên hơn 10 ha đất dọc kênh đào Panama trong ý đồ thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm những loại vũ khí hóa học khác có thể để dùng trong Chiến tranh Lạnh và chiến tranh Việt Nam.

Jose Antonio Remon, cựu Tư lệnh lực lượng Cảnh sát quốc gia sau khi trở thành tổng thống Panama đã nỗ lực đàm phán với Mỹ để ký một hiệp ước mới, nhằm tăng lượng cổ phần của Panama trong số thuế thu được từ kênh đào Panama. Nhưng vị tổng thống này lại bị ám sát năm 1953, 2 năm trước khi hiệp ước được thực hiện.

Việc quốc hữu hóa kênh đào Suez của Ai Cập năm 1956, cộng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cho rằng, vùng đất ở "khu vực kênh đào" thuộc chủ quyền lãnh thổ của Mỹ, càng làm cho quan hệ giữa Washington và Panama thêm căng thẳng. Giữa những năm 50, sinh viên Panama liên tiếp biểu tình, đòi Mỹ trả kênh đào. Khi những người nổi dậy đe dọa tiến hành một cuộc "xâm chiếm hòa bình" vùng đất "khu vực kênh đào", Mỹ đã tăng cường binh lính tới đây để đối phó. Họ cho xây dựng một hàng rào kiên cố dọc hai bờ của con kênh và bao quanh vùng đất đặc quyền.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 1-1964, khi học sinh Mỹ ở Trường trung học Balboa, trong khu vực kênh đào, không chịu treo cờ Mỹ bên cạnh cờ Panama. Nhiều người Panama rất phẫn nộ đã mang theo quốc kỳ, tràn vào khu vực này và gây náo loạn suốt 3 ngày liền. Kết quả là 23 người Panama và 4 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng. Sau sự kiện này, chính quyền Panama tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhà Trắng.

Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải đồng ý chuẩn bị cho việc ký kết một hiệp ước mới về kênh đào Panama và khu vực xung quanh. Nhưng cuộc đàm phán chưa bao giờ đi đến thống nhất. Năm 1968, Anulfo Arias tái đắc cử chức tổng thống Panama. Ngay sau khi cầm quyền, ông đã đòi Mỹ hoàn trả vô điều kiện vùng đất mà họ đang kiểm soát. Tuy nhiên, vị tân tổng thống lại bị giới quân sự hạ bệ chỉ sau đó có 11 ngày.

Sau cuộc đảo chính, tướng quân đội Omar Torrijos Herrera lên làm tổng thống. Năm 1971, vị tổng thống này đã khởi động lại các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, vụ bê bối Watergate đã làm gián đoạn các nỗ lực giải quyết vấn đề kênh đào Panama.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) bắt tay Tổng thống Panama Omar Torrijos tại lễ ký kết hiệp ước kênh đào Panama.

Ngày 7-9-1977, 9 tháng sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ, Jimmy Carter đã cùng người đồng nhiệm Panama - Omar Torrijos - ký hai hiệp ước về kênh đào Panama. Hiệp ước thứ nhất bãi bỏ vùng đất gọi là "khu vực kênh đào", bắt đầu từ ngày 1-10-1979 và chuyển quyền quản lý cho chính phủ nước sở tại, đồng thời chuyển giao con kênh cho Panama từ ngày 31-12-1999 sau 96 năm dưới quyền điều hành và khai thác của Mỹ. Hiệp ước thứ hai cam kết duy trì sự trung lập của kênh đào Panama, ngay cả khi có chiến tranh nổ ra để đảm bảo lưu thông của ngành hàng hải quốc tế.

Nhưng đằng sau các hiệp ước hòa bình này, để tiếp tục duy trì lợi ích tại khu vực kênh đào Panama, Mỹ đã bí mật đưa quân, vũ khí vào Panama để chuẩn bị cho mục đích sau cùng là dựng lên một chính phủ biết tuân theo sự chỉ đạo của Mỹ.

Vào năm 1981, Tổng thống Omar Torrijos thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay rất đáng ngờ. Đại tá Manuel Noriega, cựu Tư lệnh lực lượng Cảnh sát mật và là một nhân vật chịu sự chi phối của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), lên nắm quyền. Từ đó, Panama bắt đầu rơi vào thời kỳ đầy biến động.

Quang Học (tổng hợp)
.
.