Kỹ nghệ do thám trên không

Thứ Năm, 14/08/2014, 07:30

Tờ Los Angeles Times (Mỹ) mới đây cho biết công nghệ do thám chuyên biệt mang tên "Tình báo tín hiệu và đo lường" (MASINT) cho phép Mỹ nhận dạng và lần theo các tín hiệu điện tử giống như cách hoạt động của radar, giúp họ xác nhận chắc chắn rằng máy bay MH17 của Malaysia đã bị tên lửa đất đối không (Buk) bắn hạ khi đang bay trên bầu trời Ukraine. Theo đó, quân đội Mỹ có các vệ tinh nghe và cảnh báo sớm, xác định được vị trí của tên lửa được phóng trên khắp toàn cầu.

Các vệ tinh này thuộc "Chương trình hỗ trợ quốc phòng" để Lầu Năm Góc có thể nhận diện vị trí phóng của tên lửa nhờ vào các thiết bị cảm ứng hồng ngoại trang bị trên vệ tinh nhằm phát hiện vùng nhiệt và cột khói bốc lên.

Cơ chế hoạt động tinh vi

Theo ông Riki Ellison, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa, hệ thống các vệ tinh ghi dò âm thanh và các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ có thể xác định được vị trí nơi phóng tên lửa và quỹ đạo bay của tên lửa bắn trúng máy bay MH17 của Malaysia ở độ cao trên 10.000m. Quá trình đó được thực hiện dựa theo công nghệ do thám tình báo tín hiệu và đo lường MASINT.

Phương pháp này cho phép vệ tinh theo dõi và xác định một loạt tín hiệu điện tử, bao gồm cả những tín hiệu của radar thuộc hệ thống tên lửa, nhờ đó có thể biết được chính xác nơi tên lửa được phóng, nơi nó lao tới, và tốc độ bay của tên lửa.

Bên cạnh đó, không quân Mỹ còn có các vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo của trái đất sử dụng hệ thống cảm biến hồng ngoại có thể phát hiện các tín hiệu nhiệt được phát ra từ tên lửa khi được phóng ở dưới mặt đất. Những vệ tinh này nằm trong "Chương trình hỗ trợ quốc phòng" để cung cấp những cảnh báo sớm về các cuộc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Thậm chí nó còn nhạy đến mức phát hiện được cả những nơi nào đang có cháy rừng.

Hệ thống vệ tinh trên của Mỹ được thiết lập và triển khai ở khu vực giữa Nga và Ukraine để hỗ trợ Mỹ theo dõi bất kỳ hoạt động tên lửa đất đối không nào, kể cả tên lửa Buk mà theo các quan chức Ukraine cho rằng do Nga chế tạo. Các thông tin thu thập được từ vệ tinh sẽ được chuyển tiếp tới Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ có trụ sở tại Stuttgart (Đức).

Ngoài ra, các vệ tinh ghi âm cực nhạy của Mỹ còn có thể chụp một loạt tín hiệu điện tử từ hệ thống phòng thủ của các quốc gia khác, cho phép các nhà phân tích xác định được nguồn gốc của các tín hiệu và các loại vũ khí đã được sử dụng.

Vệ tinh GEO-2 thuộc hệ thống SBIRS được phóng thành công lên quỹ đạo hồi tháng 3/2013.

Điều này có nghĩa rằng, hoạt động của hệ thống tên lửa Buk cũng không nằm ngoài sự theo dõi. Một khi hệ thống tên lửa Buk khởi động, nó sẽ sử dụng hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng loại radar cực mạnh để tìm mục tiêu và sau đó định vị cho tên lửa bắn mục tiêu. Đến một thời điểm nhất định khi bay, tên lửa sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống radar của riêng nó và phát ra một tín hiệu duy nhất.

Ngay cả những tín hiệu được phát ra trong thời gian ngắn tính theo giây hay vài phút cũng sẽ được vệ tinh Mỹ kiểm tra chéo các vị trí bắn tên lửa và theo dõi quỹ đạo của tên lửa.

Tiêu tốn hàng tỉ USD

Bắt đầu từ Chiến tranh lạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có một hệ thống vệ tinh không gian trị giá hàng tỉ USD để cung cấp tín hiệu cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đây là một hệ thống rất chính xác đã phủ sóng liên tục, đặc biệt trên lãnh thổ Nga và Ukraine.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong Chương trình hỗ trợ quốc phòng, Lầu Năm Góc đã quyết định cho phóng một loạt vệ tinh ở quỹ đạo cao cùng với các kính thiên văn hồng ngoại để theo dõi trái đất.

Không những thế, trong vài năm qua, Chương trình hỗ trợ quốc phòng còn trải qua một đợt nâng cấp lớn, để trở thành một hệ thống hạ tầng không gian hồng ngoại (SBIRS) bằng việc phóng các vệ tinh chất lượng tốt hơn có khả năng phát hiện các tên lửa bay với tốc độ nhanh hơn với những tín hiệu khó nắm bắt hơn. SBIRS tiếp tục cung cấp khả năng cảnh báo sớm về những vụ phóng tên lửa đạn đạo cũng như các hình thức giám sát hồng ngoại nhằm vào các nhà lãnh đạo Mỹ.

SBIRS hiện nay bao gồm hai vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh trái đất (GEO - quỹ đạo tròn ngay phía trên xích đạo trái đất, cách trái đất trên 35.000 km), hoạt động ở độ cao 35.400 km, thiết bị cảm biến của các vệ tinh khác cùng phần cứng và phần mềm trên mặt đất. Hai vệ tinh GEO đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2013. Vệ tinh thứ ba đang được thử nghiệm còn vệ tinh thứ tư đang trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng.

Hệ thống vệ tinh hồng ngoại cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa của Mỹ.

Tờ Los Angeles Times hé mở một chi tiết quan trọng rằng, khả năng vụ tên lửa bắn MH17 đã tạo ra một đốm sáng báo động tại căn cứ không quân Buckley ở Colorado, nơi những dữ liệu từ SBIRS được xử lý. Những phát hiện này đủ để truy tìm chính xác vị trí tên lửa được bắn ra và đó là loại tên lửa nào.

"Mỗi tên lửa có một chùm tín hiệu nhận dạng khác nhau. Vệ tinh quân sự trong khu vực cũng có thể thu thập thêm thông tin để cung cấp cho Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ", ông Ellison cho biết.

Riki Ellison cũng nhắc tới một trong những kế hoạch bạc tỉ cho chương trình do thám quân sự của Mỹ, đó là hợp đồng có giá trị 1.9 tỉ USD với hãng Lockheed Martin để hoàn thiện hai vệ tinh cảnh báo tên lửa. Hợp đồng trao cho công ty quốc phòng Lockheed Martin sẽ có thời hạn đến ngày 30/9/2022, tài trợ cho việc hoàn thành vệ tinh thứ 5 và 6 trong hệ thống SBIRS của Mỹ, bao gồm cả việc thúc đẩy hoạt động, lựa chọn thử nghiệm âm thanh và phóng cho một cuộc kiểm tra sớm trên quỹ đạo.

Trung tâm Không gian và Hệ thống tên lửa, thuộc Bộ chỉ huy Không gian Không quân Mỹ, cho biết, hợp đồng trên giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm được 1 tỉ USD. Kết quả này có được nhờ việc mua số lượng lớn, sản xuất và quản lý có hiệu quả. Hợp đồng được ký kết tiếp sau các khoản tài trợ, từng trao cho Lockheed Martin vào năm 2012 và 2013. Nó còn tài trợ cho quá trình hoàn thiện và hiện đại hóa những hoạt động liên quan trên mặt đất.

Những kế hoạch tương lai

Với mục đích theo dõi các mảnh vỡ vũ trụ và những mối đe dọa từ tàu vũ trụ của các nước khác, William Shelton, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian của Không quân Mỹ, cho hay Mỹ sẽ phóng hai vệ tinh do thám mới bằng tên lửa Delta 4 vào quý IV năm 2014 tại bang Florida.

Theo ông Shelton, hai vệ tinh này nằm trong "Chương trình nhận thức tình huống không gian quỹ đạo địa tĩnh" (GSSAP), mới được giải mật, sẽ hỗ trợ cho các radar đặt dưới mặt đất và kính viễn vọng trong việc phát hiện hàng ngàn mảnh vỡ vũ trụ để tránh các vụ va chạm đáng tiếc trong không gian, đồng thời giúp cung cấp chi tiết thông tin về các hoạt động trong không gian.

Ông Shelton gọi GSSAP là "chương trình theo dõi láng giềng" và tiết lộ rằng hai vệ tinh này sẽ được sử dụng để truy tìm những mối đe dọa từ tàu vũ trụ của những quốc gia khác. Hai vệ tinh trên do Công ty Orbital (Mỹ), chuyên về vệ tinh, sản xuất. Hiện Không quân Mỹ theo dõi khoảng 23.000 mảnh vỡ vũ trụ có kích thước từ 10 cm trở lên. Các mảnh vỡ vũ trụ này rất đa dạng, trong đó bao gồm những mảnh vỡ từ một vệ tinh Trung Quốc bị nổ trong không gian.

Không quân Mỹ khi công bố các tài liệu giải mật đã nhấn mạnh rằng chương trình GSSAP chỉ nhằm mục đích theo dõi các mảnh vỡ vũ trụ. Tuy nhiên, Không quân Mỹ lại không công bố chi tiết về chi phí và thông số kỹ thuật về hai vệ tinh này.

Nhưng Brian Weeden, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Tổ chức Thế giới An toàn, nhận định rằng Mỹ thật sự đã có sẵn một vệ tinh khá tốt để theo dõi các mảnh vỡ vũ trụ, chứ không cần phải phóng thêm 2 vệ tinh nữa. Ông Weeden cho rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama giải mật chương trình GSSAP là để ngăn chặn các nước khác tấn công các vệ tinh quan trọng của Mỹ.

Bằng cách tiết lộ khả năng giám sát các vật thể gần quỹ đạo địa tĩnh và hành vi của chúng, Mỹ kỳ vọng sẽ ngăn chặn nguy cơ các nước khác tấn công vào các vệ tinh quan trọng của Mỹ. Ngoài ra, hai vệ tinh mới kể trên sẽ giúp quân đội Mỹ tăng cường khả năng giám sát hành động của các quốc gia khác trong quỹ đạo địa tĩnh. Và theo lộ trình tăng cường sức mạnh quân sự, sẽ có thêm hai vệ tinh khác được phóng lên vào năm 2016, thay thế cho hai vệ tinh sẽ phóng vào quý IV 2014…

Trần Quân - Hồng Hạnh (theo Los Angeles Times)
.
.