"Kỷ nguyên vàng" của chủ nghĩa khủng bố

Thứ Bảy, 15/08/2015, 19:15
Khủng bố là từ quá quen thuộc với thế giới sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Thế nhưng ít ai biết, những năm 70 thế kỷ trước mới chính là giai đoạn khủng bố Trung Đông hoành hành mạnh nhất ở nước Mỹ. Dưới thời của mình, Tổng thống Richard Nixon đã phải chật vật với giai đoạn được coi là “kỷ nguyên vàng” của chủ nghĩa khủng bố.

"Kỷ nguyên vàng"

Thời đó, các phần tử cực đoạn lợi dụng giai đoạn phát triển ồ ạt của hàng không thế giới để tăng cường các vụ khủng bố nhằm vào dân thường. Giai đoạn này được khắc họa lại trong bộ phim tài liệu "The Seventies" (Những năm 70) vừa phát trên kênh CNN.

Trong 14 năm kể từ ngày 11/9/2001, chỉ có chừng 20 vụ tấn công khủng bố ở Mỹ khiến 74 người thiệt mạng. Còn trong những năm 70, khủng bố đã giết tới 184  người ở Mỹ và làm bị thương hơn 600 người. Theo thống kê của Bộ Giao thông Mỹ, từ năm 1970 đến 1979 có 112 vụ cướp máy bay nội địa.

Làn sóng khủng bố tôn giáo cũng phát triển trong thập niên 70 này với tổ chức tôn giáo cánh hữu Liên đoàn Bảo vệ Do Thái thực hiện 44 vụ đánh bom và tấn công, trong đó một nửa nhằm vào các mục tiêu ở New York, Los Angeles và Chicago. Khủng bố sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc cũng thường xuyên làm loạn ở Mỹ. Điển hình là nhóm Black Panthers với 24 vụ đánh bom, tấn công và cướp máy bay. Nhóm ly khai Fuerzas Armadas de Liberacion Nacional của Puerto Rico gây ra 82 vụ đánh bom, phần lớn nhằm vào dân thường ở New York và Chicago.

Nguyên nhân khiến những năm 70 trở thành "kỷ nguyên vàng" của khủng bố gồm: phong trào phản đối chiến tranh đã đẻ ra một số tổ chức cánh tả bạo lực; các nhóm cách mạng bạo lực xuất hiện cuối những năm 60; các tổ chức khủng bố Palestine bắt đầu hoạt động lần đầu ở phương Tây.

Trong giai đoạn này, ở châu Âu và Trung Đông, các phần tử cực đoan Palestine thực hiện các vụ cướp máy bay hướng tới Mỹ hồi tháng 9/1970 và tấn công vào các vận động viên Israel tham dự Olympic Munich tháng 9/1972. Ở Đức, các phần tử cực đoan tấn công doanh trại của Mỹ và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Quân đội Cộng hòa Ireland bắt đầu đánh bom các mục tiêu trên đất Anh. Ở Mỹ, các phần tử cực đoan từ tổ chức Weather Underground đã đánh bom Quốc hội...

Khủng bố hoành hành hàng không

Đầu tháng 9/1970, hàng loạt vụ cướp máy bay ở châu Âu bay tới Mỹ đã xảy ra. Bốn máy bay của các hãng TWA, Pan Am và Swissair bị Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine khống chế ngày 6/9/1970. Các máy bay này trên đường từ Brussels (Bỉ), Frankfurt (Đức) và Zurich (Thụy Sĩ) tới New York.  Cùng ngày, nhóm này cũng tìm cách cướp một máy bay của Hãng Hàng không Israel El Al khi nó đang bay trên bầu trời London nhưng không thành công. Ngày 9/9/1970, chúng lại cướp một máy bay của Hãng BOAC từ Bahrain tới London.

Máy bay của Pan Am bị chuyển hướng tới Cairo, máy bay của TWA, Swissair và BOAC bị chuyển hướng tới Dawson's Field ở Zarqa (Jordan). Khi hành khách được đưa ra ngoài, các máy bay đã bị cho nổ tung ngày 12/9 trước sự chứng kiến của báo chí thế giới. Sự kiện trở thành lý do cho các cuộc xung đột trong tháng 9 đen tối giữa lực lượng cực đoan Palestine và Jordan.

Tổng thống Nixon.

Vụ khống chế máy bay của Hãng Pan Am kết thúc nhanh chóng trong khi hành khách trên 3 máy bay còn lại phải trải qua nhiều ngày căng thẳng mới được thả. Các nhà ngoại giao Thụy Sĩ, Đức, Anh và Israel đã thống nhất thả tù nhân Palestine để đổi lại tính mạng cho hành khách trên 3 máy bay.

Ba vụ cướp máy bay trên đã khiến Tổng thống Nixon phải đưa ra một loạt biện pháp đối phó. Trong một tuyên bố, ông Nixon đã liệt kê ra 7 bước chống lại nạn "cướp trên không", trong đó có biện pháp triển khai 100 cảnh sát hàng không trên các máy bay Mỹ. Ngoài ra, ông còn kêu gọi chính phủ các nước cùng Mỹ chống không tặc và yêu cầu lắp các thiết bị giám sát điện tử tại sân bay để phát hiện khủng bố. Theo hình dung của Tổng thống Nixon, lực lượng Cảnh sát hàng không mà ông đề xuất sẽ lớn mạnh thành đội quân hàng nghìn người. 

Thời điểm những năm 70 đó, Richard Nixon là Tổng thống đầu tiên tiếp cận chủ nghĩa khủng bố khi nó trở thành một vấn đề của chính phủ liên bang. Đối với Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger, ám ảnh thường trực trong đầu họ là kết thúc chiến tranh Việt Nam, giảm căng thẳng nguy hiểm với Liên Xô. Còn cụm từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế thậm chí còn không có trong từ vựng khi Nixon nhậm chức năm 1969. Chính những vụ khủng bố và cướp máy bay đầu những năm 70 đã "mở toang" mắt của Nixon.

Nhà báo James Reston của tờ New York Times viết: Không chỉ các hãng hàng không lớn có thể bị gián đoạn bởi hành động của vài gã đàn ông liều mạng mà cả những thành phố hiện đại rộng lớn như New York cũng nằm dưới quyền định đoạt của bất kỳ kẻ cuồng tín nào biết cách tiếp cận các trung tâm điện lực quan trọng. Đây là một kỷ nguyên mà một vài kẻ có vũ khí cũng có thể gây hoang mang, lo sợ cho cả một xã hội.

Chưa từng được xếp vào những mối đe dọa an ninh hàng đầu nhưng chủ nghĩa khủng bố luôn là thứ thường trực trong đầu Tổng thống Nixon khi ông phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 10/1970. Ở đó, ông đã kêu gọi hành động toàn cầu để chấm dứt nạn cướp máy bay và bắt cóc giới ngoại giao.

Hai năm sau bài phát biểu trên của Tổng thống Nixon, ngày 10/11/1972, 3 tên tội phạm mang súng ngắn đã cướp một máy bay của Hãng Southern Airlines đang từ Birmingham, bang Alabama tới Memphis, bang Tennessee. Chúng đòi tiền chuộc 10 triệu USD và đe dọa cho máy bay lao vào cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Oak Ridge, bang Tennessee nếu không được đáp ứng yêu cầu. Vụ cướp máy bay nghẹt thở này kết thúc sau 29 giờ tại Cuba nhưng đã thay đổi toàn bộ vấn đề an ninh hàng không. Những thay đổi này chính là những gì mà hành khách đi máy bay phải trải qua hiện nay, trong đó có biện pháp soi chiếu mọi hành khách và hành lý xách tay. Súng đã bị cấm mang lên máy bay.

Chưa hết, Tổng thống Nixon vẫn còn chứng kiến một vụ bắt cóc diễn ra trong những năm 70 này. Tháng 3/1973, tổ chức khủng bố Black September của Palestine đã bắt cóc 2 nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có Đại sứ Mỹ Cleo Noel và 3 con tin khác ở Khartoum, đồng thời đòi thả người Palestine bị giam trong các nhà tù ở nước ngoài, trong đó có tên Sirhan Sirhan - kẻ ám sát Robert F. Kennedy.

Yêu sách của khủng bố khiến Nixon lâm vào thế khó. Bị hối thúc phải hành động, ông đã đưa ra một chính sách mới và chính sách này đến ngày nay vẫn vẹn nguyên. Ông tuyên bố: "Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để giải phóng cho họ nhưng chúng ta sẽ không chấp nhận bị tống tiền". Hậu quả của chính sách là các con tin bị giết hại. Hiện nay, Chính phủ Mỹ vẫn đi theo chính sách không trả tiền chuộc con tin cho khủng bố.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.