Lãnh tụ tinh thần bí ẩn nhất thế giới
Ngay cả vào thời điểm quan trọng, khi hàng trăm giáo sĩ Hồi giáo họp bàn cách trả lời tối hậu thư của Mỹ (ngày 19 và 20/9/2001), Omar cũng không xuất đầu lộ diện mà chỉ cử người tới đọc một bài phát biểu, trong đó có đoạn: "Đất nước của chúng ta tạo nên một hệ thống Hồi giáo thực sự trên thế giới và vì lý do này, kẻ thù coi Afghanistan là cái gai trong mắt, tìm mọi cớ để tiêu diệt chúng ta. Osama bin Laden là một trong những cớ đó".
Tuy sống ẩn dật nhưng Omar vẫn nắm quyền lực tối cao tại Afghanistan. Phải chăng chính sự trung thành một cách xơ cứng của các tín đồ với đạo Hồi - đó là sức mạnh giúp ông ta tồn tại, và chính đức tin này đã thống trị đời sống người dân Afghanistan. Phụ nữ bị cấm đi học, cấm đi làm và phải che kín từ đầu đến chân, nhất là khi xuất hiện ở nơi công cộng. Tất cả đàn ông đều phải để râu. Tranh ảnh, âm nhạc, truyền hình và các loại hình giải trí khác đều bị cấm tuyệt đối.
Hình phạt dành cho các loại tội phạm rất nghiêm khắc: Phụ nữ ngoại tình bị ném đá đến chết, người đồng tính luyến ái bị xử tử bằng cách cho tường gạch đổ đè lên người. Ăn cắp, ăn trộm bị chặt tay. Kẻ sát nhân bị gia đình nạn nhân tùy ý xử tử trước công chúng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn (sự kiện cực kỳ hiếm hoi), Omar nói với một phóng viên Pakistan: "Chúng tôi cầm vũ khí để đạt được mục đích của cuộc thánh chiến của Afghanistan và cứu nhân dân, để họ không phải chịu đau khổ hơn nữa dưới bàn tay của bọn mujahideen". (Mujahideen là những người từng chống lại quân đội Liên Xô, sau đó chính họ lại quay ra đánh lẫn nhau trong một cuộc nội chiến bắt đầu năm 1992).
Taliban từng đăng tải tiểu sử Mullah Omar trên báo Pakistan hồi tháng 4. |
Khi chính thức công bố vai trò lãnh đạo của mình vào năm 1996, Mullah Omar, khi đó mới 36 tuổi, đã mang tới một cái áo choàng được cho là của nhà tiên tri Mohammed, một trong những thánh tích Hồi giáo được tôn thờ nhất. Lần đầu tiên kể từ khi Ahmad Shah Abdali nắm quyền cách đây hơn 250 năm, Omar đã khoác chiếc áo trước sự chứng kiến của khoảng 1.500 lãnh tụ tôn giáo, gồm cả Bin Laden (thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã chết năm 2011).
Nhiều người cho rằng Mullah Omar đã lẻn vào Pakistan sau khi Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001. Một số báo cáo của Mỹ và Afghanistan cho biết Mullah Omar đã ở Karachi. Trong những năm vừa qua, ông ta đã phát đi một số thông điệp ghi âm và viết tay từ một địa điểm không rõ.
Cho đến trước khi có thông tin Omar qua đời ở tuổi 55, ông ta vẫn tự do ngoài vòng pháp luật.
Dù sống hay chết, "phong cách lãnh đạo" của Mullah Omar - quan điểm của ông về phương Tây - là hoàn toàn không hợp với lập trường của IS cũng như những tổ chức cực đoan trên khắp thế giới. Theo các tiêu chuẩn của họ, Mullah Omar có lập trường như một người "tương đối ôn hòa".
Báo cáo về cái chết của Mullah Omar được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán trực tiếp hòa bình thứ hai giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban. Song quả thật, nếu Mullah Omar không còn, sự "vắng mặt" của ông ta sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc thảo luận sắp tới. Một số nhà phân tích đã miêu tả thủ lĩnh Taliban như một người có quan điểm ôn hòa khi tuyên bố "đàm phán là giải pháp", ngược lại với nhiều thủ lĩnh khác của Taliban vốn phản đối tiến trình này.
Làm thế nào để Mullah Omar vẫn có nhiều ảnh hưởng như vậy đối với Taliban trong nhiều năm kể từ khi lực lượng này bị lật đổ? Cho đến nay, đây vẫn được xem là một câu hỏi "khó trả lời".
Derek Harvey, một sĩ quan quân đội Mỹ về hưu, đã phát biểu rằng: "Nhân vật huyền thoại này dường như đã tạo ra được lời kêu gọi đoàn kết nội bộ. Nếu không có ông ta, hoặc ý tưởng của ông ta, Taliban sẽ sụp đổ". Và bất kỳ sự đổ vỡ nào trong Taliban cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện một yếu tố mới về sự bất ổn đối với Mỹ và các nước đồng minh vốn đang tuyệt vọng tìm giải pháp chấm dứt, hoặc chỉ là giảm tình trạng bạo lực tại Afghanistan, khi quân Mỹ đã rút khỏi đất nước Nam Á này.