Lát cắt của điệp viên CIA

Thứ Năm, 14/11/2019, 11:33
Mặc dù người ta thường miêu tả các điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) như những người cô đơn kiểu James Bond, nhưng nhiều sĩ quan tình báo CIA thực sự lại có đời sống cá nhân hoạt động tích cực để họ cân bằng với công việc bí mật thầm kín của mình.

Khi phần lớn cuộc sống của họ vẫn là ẩn số, thì mối quan tâm chung của xã hội lại là chuyện các điệp viên CIA sống một cuộc sống cá nhân như thế nào?

Các đặc vụ chính phủ rất bận rộn, từ công việc kín lịch hoặc nhiệm vụ bất ngờ hàng ngày đến những buổi huấn luyện thể chất và tinh thần căng thẳng. 

Tuy nhiên, giống như bao người, điệp viên CIA vẫn sống một cuộc sống bình thường. Khác với mọi người là họ không thể chia sẻ phần lớn chi tiết của cuộc sống hàng ngày của họ với những người thân yêu và mọi mối quan hệ của họ phải tuân thủ các quy định của CIA.

Không bao giờ chia sẻ chi tiết công việc của họ cho gia đình

Vì bản chất bí mật của công việc tại CIA, thậm chí những điệp viên không vỏ bọc cũng không thể chia sẻ chi tiết công việc của họ với thành viên gia đình. Họ có thể chia sẻ chức danh công việc của mình và đôi khi những khu vực địa lý mà họ đang làm việc ở đó, song không gì hơn ngoài những thông tin này.

Một điệp viên giấu tên của CIA có nhiệm vụ tuyển nạp và thu thập thông tin nhạy cảm tâm sự: "Tôi chẳng ngại ngần gì khi họ nghĩ tôi chỉ là một nhân viên bàn giấy nhàm chán".

Nói cho gia đình bất kỳ thêm thông tin gì có thể trở thành một vấn đề đối với an ninh quốc gia hoặc để lộ thông tin nhạy cảm về các nguồn tin hoặc các phương pháp làm việc. Lượng thông tin mà một điệp viên CIA có thể chia sẻ với gia đình họ thường phụ thuộc vào tính chất nhạy cảm của công việc của họ.

Khi một điệp viên tham gia vào một nhiệm vụ có tính chất nhạy cảm cao, thì họ có thể giấu kín gia đình công việc đó. Thậm chí, họ có thể nói dối gia đình về người chỉ huy nhiệm vụ và các vị trí địa lý mà họ đi đến nhằm thực hiện nhiệm vụ của mình. Ví dụ, cựu đặc vụ mật của CIA là Douglas Laux đã phải nói với gia đình ông rằng ông là một người kinh doanh ở Hawaii trong khi ông thực sự đang làm nhiệm vụ cho CIA ở Afghanistan. Và điều này đôi khi đã gây khó khăn khi bố mẹ đến thăm ông ở Hawaii. 

Trụ sở CIA.

Đặc vụ của CIA tên là Marry, người mà công việc của bà phần lớn là ở nước ngoài, giải thích: "Điều CIA khuyến khích là bạn giới hạn số người mà bạn chia sẻ thông tin, những người thuộc vòng trong được bạn hết sức tin tưởng, đó là thành viên gia đình và có thể 1 hoặc 2 người bạn. Tuy nhiên, tôi chỉ chọn không nói với người thân gia đình vì họ sẽ lo lắng cho tôi".

Vì vậy, gia đình họ không thể lúc nào cũng biết chính xác họ đang ở đâu. Vì những lý do an ninh, CIA giấu kín địa điểm chính xác mà họ thực hiện nhiệm vụ mật và nguy hiểm được giao. Trong trường hợp cần thiết, người nhà có thể liên lạc với CIA để biết được địa điểm làm việc của họ. Đối với những nhiệm vụ ít nhạy cảm hơn, điệp viên CIA có thể tiết lộ địa điểm mà họ sẽ đi đến làm nhiệm vụ, song chỉ đề cập khu vực địa lý chung chung mà thôi.

Khi một điệp viên CIA được giao nhiệm vụ lâu dài ở nước ngoài, họ có thể mang gia đình đi cùng song gia đình vẫn không được biết nhiều về chi tiết nhiệm vụ của họ.

Cân bằng cuộc sống

CIA chính là cơ quan giúp điệp viên của mình cân bằng cuộc sống và công việc trong bối cảnh họ phải đối mặt với vô vàn thách thức thầm kín "không thể chia sẻ" trong công việc của mình. 

Một đặc vụ CIA có tên là Grant chia sẻ: "CIA khích lệ một môi trường gia đình thân thiện và các cấp quản lý thường động viên sĩ quan của mình dành thời gian cho gia đình vì những gia đình hạnh phúc đồng nghĩa với những sĩ quan hạnh phúc và hoạt động hiệu quả hơn". 

Trong một bài viết của mình, cây bút Shapira của tờ Washington Post chia sẻ: "Một cựu giám đốc CIA từng nói với tôi rằng CIA kêu gọi nhân viên của mình không nên tích trữ thời gian nghỉ phép mà không dùng đến nó. Ông yêu cầu nhân viên của mình sử dụng hết quỹ thời gian nghỉ phép của họ".

Hẹn hò với người nước ngoài có thể là một vấn đề phức tạp

Nếu một điệp viên CIA muốn kết hôn với một công dân nước ngoài thì điều này có thể gây phức tạp cho sự nghiệp của điệp viên này. CIA yêu cầu điệp viên mật và vợ/chồng phải là công dân Mỹ. CIA cho phép kết hôn với người nước ngoài, song cảnh báo trước rằng người hôn phối của điệp viên đó phải vượt qua khâu kiểm tra lý lịch và phải có được quốc tịch Mỹ trong vòng 5 năm.

Nếu một điệp viên CIA có mối quan hệ tình cảm với một người nước ngoài thì họ không thể nói cho bạn tình của mình công việc thực sự của mình là gì cho đến khi người bạn tình này vượt qua được cuộc kiểm tra lý lịch và cuộc kiểm tra nói dối.

Điệp viên CIA giấu gia đình chi tiết công việc của mình.

Quá trình thận trọng và kỹ lưỡng này phức tạp và mệt mỏi đến nỗi không ít điệp viên đã bỏ việc chứ không chịu để bản thân họ cũng như bạn tình tham gia vào quá trình kiểm tra này.

Vì lợi ích của CIA và chính nhân viên của mình, CIA khuyến khích nhân viên của mình kết hôn với người cùng cơ quan. Trên thực tế, đây là một sự khôn ngoan, vì họ sẽ không vướng mắc vào bất kỳ quan ngại an ninh nào khi có vợ hoặc chồng cùng làm ở CIA.

Tuy nhiên, nếu cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng cùng làm CIA dẫn đến đổ vỡ và ly dị thì điều này lại nảy sinh rắc rối cho CIA vì CIA phải "nhảy vào" để xem xét toàn bộ quá trình và thủ tục ly dị để tránh nguy cơ tiết lộ thông tin an ninh nhạy cảm do người vợ hoặc chồng ly dị trong cơn giận dữ có thể để lộ những bí mật mà họ có thể biết.

Điệp viên phải báo cáo bất kỳ mối liên hệ "gần gũi" nào với người nước ngoài. Không chỉ là bạn tình nước ngoài, điệp viên cũng phải báo cáo bất kỳ mối quan hệ đáng kể nào với người nước ngoài lên CIA, ngay cả khi mối quan hệ đó không liên quan tình cảm. 

Bất kỳ mối quan hệ không mang tính công việc nào liên quan người nước ngoài cũng phải báo cáo lên CIA, ngay cả khi mối quan hệ đó thuộc về thành viên trong gia đình họ. Nếu không báo cáo, họ có nguy cơ gặp phải những hậu quả. 

Trong các cuộc thử nghiệm nói dối, điệp viên sẽ được hỏi về các mối quan hệ của họ. Nếu bị phát hiện nói dối về mối quan hệ với người nước ngoài mà họ không báo cáo trước, CIA có thể đuổi việc điệp viên này mà không cần một lời giải thích.

Người bạn đời là trợ thủ đắc lực

Một khi người vợ/chồng của một điệp viên mật được tin cậy để biết được chồng/vợ họ là một điệp viên CIA thì họ phải cẩn trọng không bao giờ để lọt danh tính thực sự của người bạn đời là điệp viên CIA của mình. 

Trước đây, bà Jeanine Hayden, vợ của cựu Giám đốc CIA Michael V. Hayden, đã tổ chức một chương trình huấn luyện tình nguyện cho các vợ/chồng của điệp viên CIA về vấn đề nói trên. 

Theo bài viết kể lại của phóng viên Ian Shapira thuộc tờ Washington Post, buổi huấn luyện "bao gồm các bài thực hành đóng vai trong đó giúp các vợ/hoặc chồng của điệp viên những thủ thuật giấu kín nghề nghiệp thực sự của chồng/vợ là điệp viên CIA".

Con cái thường không biết gì về công việc của bố/ mẹ là điệp viên

Mặc dù điệp viên CIA có thể tiết lộ cho vợ/chồng biết về công việc của mình nhưng việc tiết lộ cho con cái lại là một vấn đề hoàn toàn khác. 

Điệp viên CIA Martha Peterson giải thích: "Tôi lo sợ việc kể cho các con về bí mật công việc của mình khi chúng còn nhỏ vì trẻ con không hiểu hết được vì sao việc để lộ danh tính một điệp viên CIA lại có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho gia đình sinh sống ở nước ngoài. Khi gia đình tôi đi công tác nước ngoài năm 1992 ngay sau Chiến tranh Vùng Vịnh, tôi phải chắc chắn một điều rằng nếu xe buýt của con tôi bị tấn công và đối mặt với khủng bố thì các con tôi không thể biết được sự thật là tôi làm việc cho CIA".

Khó khăn khi duy trì quan hệ bên ngoài CIA và hệ quả

Ngay cả tình bạn bên ngoài CIA có thể phức tạp đối với một điệp viên mật. Điệp viên CIA nghỉ hưu Robert Baer tâm sự: "Bạn bè hay hỏi han bạn làm gì. Sự lựa chọn của bạn là không trả lời hoặc nói dối. Tôi không lựa chọn như vậy mà chỉ cần không gặp gỡ họ nữa". 

Nữ điệp viên CIA Dayna Baer thừa nhận: "Mối quan hệ bạn bè bên ngoài rất khó khăn khi bạn không thể kể cho họ biết bạn đi đâu, làm gì. Bạn có thể trở nên xa lạ với cả gia đình và bạn bè".

Nhiều điệp viên CIA đã gặp phải những vấn đề tâm lý và tinh thần khi luôn phải nói dối bạn bè và người thân về công việc của mình Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự lừa dối kéo dài như vậy có tác động tiêu cực đến cuộc sống của điệp viên. 

CIA đã tiến hành nhiều nghiên cứu về tình trạng tinh thần của điệp viên và đã phát hiện ra rằng nhiều điệp viên thành công có thể có những biểu hiện của chứng rối loạn đa nhân cách hoặc rối loạn nhân cách gây ra bởi tình trạng coi vị trí và công việc của mình quá quan trọng và thiếu cảm thông với người xung quanh.

Bí mật ngay cả sau khi qua đời

CIA không tiết lộ công việc của một điệp viên sau khi họ qua đời, ngay cả khi việc tiết lộ này liên quan các dự án làm nên lịch sử. Thậm chí, sau khi qua đời, gia đình và người thân cũng không biết được họ đã làm gì cho CIA. Tùy thuộc vào bản chất của công việc và cái chết của điệp viên, CIA có thể yêu cầu gia đình giữ kín sự nghiệp của điệp viên đã chết này. 

Mặc dù tính chất nhạy cảm sẽ giảm dần theo thời gian song CIA vẫn là bên quyết định khi nào tiết lộ thông tin về điệp viên. Ví dụ, cả thế giới đều biết CIA đứng sau sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961 song phải 36 năm trôi qua họ mới tiết lộ tên tuổi của các điệp viên tham gia sứ mệnh này. Trong khi đó, nhiều thành công hàng chục năm của Cơ quan Công tác Chiến thuật, tiền thân của CIA, vẫn chưa được công khai.

Có một Đại học CIA

Làm việc cho CIA không đơn thuần chỉ ở thực địa và do thám. Nhiều công việc liên quan đến học thuật, công nghệ, kỹ năng giao tiếp, khả năng quản lý vốn cần thiết khi đánh giá những mối đe dọa với người dân Mỹ. Cục mật vụ của CIA muốn tuyển dụng những nhân tài trong các lĩnh vực chuyên sâu. 

Có một trường đại học CIA.

Do đó, CIA thường tuyển những người tốt nghiệp đại học các chuyên ngành quan hệ quốc tế, kinh tế, khoa học hạt nhân và kỹ sư sinh học. Còn nếu ở bộ phận điều tra, điệp viên cần có bằng tốt nghiệp về pháp luật hình sự, xã hội học và tâm lý học.

CIA có một trường cung cấp khóa đào tạo đặc biệt và trường này có tên là trường phân tích tình báo Sherman Kent, lấy tên theo một cựu chuyên gia phân tích tình báo nổi tiếng của CIA. Tại ngôi trường thuộc Đại học CIA này, điệp viên CIA sẽ được học các môn như lịch sử, truyền thống và giá trị, ngoại ngữ và nghiên cứu khu vực.

Điệp viên CIA phải thông thạo một thứ ngoại ngữ mà điều này giống như việc nói rằng điều "cần thiết" là bạn biết sử dụng súng trong quân đội. Đặc biệt, nếu có kinh nghiệm sống ở nước ngoài với vốn hiểu biết về văn hóa nước ngoài thì càng giúp điệp viên có thể hòa nhập dễ dàng với người bản xứ và trở thành một “tài sản” hữu ích trong lĩnh vực tình báo.

Một bộ phận đặc biệt điệp viên phải tham gia các chiến dịch tình báo bán quân sự ở nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc các điệp viên phải trải qua khóa huấn luyện chiến đấu và làm quen với việc chỉ huy các chiến dịch quân sự. Trước khi tham gia khóa huấn luyện bán quân sự, điệp viên CIA phải vượt qua cuộc kiểm tra về thể trạng bao gồm các bài kiểm tra chạy, gập bụng và chống đẩy.

Ngoài ra, CIA có một trung tâm huấn luyện điệp viên khác vốn được giữ bí mật đó là trung tâm Camp Peary hay được biết đến với biệt danh "The Farm". Tại đây, điệp viên CIA được học đủ mọi ngón nghề, từ cách nghe lén điện thoại đến lần theo dấu vết của kẻ tình nghi và thậm chí cả cách viết báo cáo.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.