Lật lại hồ sơ vụ rơi máy bay siêu thanh Tu-144 năm 1973
Trong lịch sử hàng không thế giới, Concorde của Pháp và Anh được ghi danh là máy bay siêu thanh chở khách đầu tiên của nhân loại. Nhưng trên thực tế, một chiếc máy bay siêu thanh do Hãng Tupolev của Liên Xô sản xuất mới là chiếc máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên ra đời và bay thử thành công.
Tuy nhiên, một vụ tai nạn bí ẩn xảy ra tại Triển lãm hàng không Paris năm 1973 đã khiến cho dự án máy bay siêu thanh của Liên Xô bị hoãn và cuối cùng bị đình chỉ vĩnh viễn vào 4 năm sau đó.
Khi chiếc máy bay siêu thanh Tu-144 của Liên Xô, đối thủ cạnh tranh quyết liệt của chiếc Concorde của Pháp-Anh, thực hiện thành công màn trình diễn trên bầu trời Paris năm 1971, mọi người dự khán đều bị ấn tượng bởi vẻ đẹp và sự tinh tế của nó. Tổng thống Pháp khi đó là George Pompidou đã ấn tượng đến nỗi đã dẹp bỏ tự ái dân tộc để cất tiếng trầm trồ gọi nó là “một chiếc máy bay đẹp”. Còn các nhà sản xuất chiếc Concorde cũng thừa nhận chiếc Tu-144 bay “êm hơn và sạch hơn”.
Một chiếc Tu-144 trưng bày tại Moscow năm 1968. |
Giai đoạn lịch sử các thập niên 60, 70, 80 thế kỷ XX là cuộc chạy đua quyết liệt giữa Liên Xô và phương Tây trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm hàng không dân dụng và vũ trụ. Trong lĩnh vực vũ trụ, Liên Xô đã đi trước phương Tây một bước. Năm 1968, Liên Xô đã phóng thành công tàu thăm dò đổ bộ Sao Hỏa và đưa người đầu tiên của nhân loại bay vào vũ trụ (năm 1969), cũng như xây dựng thành công trạm vũ trụ đầu tiên (Trạm Mir, hay Hòa Bình, năm 1986).
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Liên Xô cũng lại là người đi trước, phát triển máy bay siêu thanh trong khoảng thời gian ngắn và chiếc Tu-144 cất cánh bay thử vào ngày 31-12-1968, sớm hơn 2 tháng so với chiếc Concorde của Pháp.
Vào những thập niên 60-80 thế kỷ trước, máy bay siêu thanh Concorde và Tu-144 đã đi trước thời đại về mức độ hiện đại trong thiết kế và tốc độ bay. Do vẻ bề ngoài hai chiếc máy bay khá giống nhau, nên giới hàng không phương Tây gọi nó bằng biệt danh “Concordski”, nhưng so với Concorde thì nó hấp dẫn và nhiều bí ẩn hơn. Và cũng do sự giống nhau này, và do thời gian xây dựng chiếc Tu-144 ngắn hơn chiếc Concorde nên đã xuất hiện những tin đồn về việc Liên Xô tung gián điệp lấy cắp thiết kế máy bay của Pháp. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị giới chuyên môn bác bỏ.
Sau màn ra mắt ấn tượng năm 1971, chiếc Tu-144 tiếp tục gây ấn tượng tại Triển lãm hàng không Paris năm 1973. Theo lịch trình, chiếc Concorde được bay biểu diễn trước rồi đến chiếc Tu-144. Và chiếc máy bay của Liên Xô đã thực hiện những pha bay nhào lộn thật đẹp. Tuy nhiên, một tai nạn bất ngờ đã xảy ra: Chiếc Tu-144 đang biểu diễn bỗng dưng bị gãy đôi cánh và thân máy bay cày xuống ngôi làng Goussainville. Tai nạn làm chết toàn bộ phi hành đoàn 6 người và 8 người dân làng Goussainville.
Ngay sau vụ tai nạn, một cuộc điều tra phối hợp của các quan chức Liên Xô và Pháp được tiến hành, nhưng báo cáo kết quả không được công bố. Giả thuyết lúc đó là có sự can thiệp của tình báo Pháp, cộng với lỗi của phi công và hỏng hóc động cơ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tai nạn của chiếc Tu-144 có phần tác động của người Pháp. Cụ thể, các quan chức Pháp đã thừa nhận có cử một chiếc phản lực Mirage III bay lên để chụp ảnh khi chiếc Tu-144 đang biểu diễn nhưng không thông báo cho phía Liên Xô biết. Đồng thời người ta cũng phát hiện rằng người Pháp đã cố tình cắt bớt thời gian biểu diễn của chiếc Tu-144 vào phút chót, và thêm thời gian cho chiếc Concorde.
Vì vậy, phi đoàn trên chiếc Tu-144 buộc phải xoay trở đáp trong thời gian quy định, nhưng họ lại tính toán sai nên phải tìm cách thực hiện lại. Khi đó, họ phát hiện bay trùng đường bay với chiếc Mirage III. Phi công trưởng Mikhail Kozlov buộc phải lách để tránh va chạm khiến cho các động cơ máy bay bị áp lực quá tải và chết máy. Trong tình thế này, Kozlov phải cho máy bay chúi đầu xuống để khởi động lại động cơ, dẫn đến việc toàn bộ khung máy bay bị áp lực quá tải làm gãy đôi cánh và máy bay bị rơi.
Vụ tai nạn tại triển lãm Paris năm 1973 đã khiến cho chương trình máy bay siêu thanh của Liên Xô bị tạm đình chỉ trong 4 năm. Nhờ đó, chiếc Concorde có cơ hội vượt lên, trở thành chiếc máy bay siêu thanh chở khách thương mại đầu tiên.
Đến năm 1977, Tu-144 mới bắt đầu bay chở khách. Những thiếu sót về kỹ thuật đã khiến cho động cơ gầm rú khá lớn khi bay, vì vậy chiếc siêu thanh không thể bay trên các đường bay thông thường qua khu dân cư đông đúc. Hãng hàng không Aeroflot sử dụng chiếc Tu-144 đã chọn tuyến đường bay 2 giờ từ Moscow đi Alma Ata (nay là thủ đô Almaty của Kazakhstan), đi qua những vùng dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác đường bay này quá thấp, lượng khách không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc hãng hàng không phải chuyên chở thêm hàng hóa và thư tín để bù lỗ.
Thêm vào đó, sau một thời gian khai thác, chiếc máy bay đã xuất hiện thêm nhiều lỗi kỹ thuật. Sau vụ tai nạn năm 1973, Tu-144 đã có thêm hai vụ tai nạn nữa, một khi đang chở khách từ Moscow đi Alma Ata vào năm 1977 và một vụ tai nạn lúc hạ cánh tại sân bay Alma Ata. Sau các vụ tai nạn này, Tu-144 không còn chở khách nữa mà chuyển sang vận tải hàng hóa và bưu chính. Đến năm 1985, chiếc siêu thanh dừng hoạt động hoàn toàn, để rồi quay trở lại một cách hoành tráng vào năm 1996, nhưng cũng chỉ thực hiện 32 chuyến bay và dừng hẳn vào tháng 4-1999.
Về phần chiếc Concorde cũng gặp một vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2000 làm chết 113 người, tại vị trí gần nơi chiếc Tu-144 gặp tai nạn năm 1973. Sau vụ tai nạn này, Concorde dừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2003.
Hiện tại, hãng Tupolev đang ấp ủ dự án sản xuất thế hệ máy bay siêu thanh mới, lấy phiên hiệu là Tu-244. Tupolev hy vọng chiếc siêu thanh mới có thể sẽ cất cánh trong 10 năm tới, nếu có hãng hàng không nào đặt mua nó.